Đoạn vòm cầu khu vực phố Gầm Cầu sắp được đục thông. (Ảnh: Quang Thái) |
"Đánh thức" không gian văn hóa
6 vòm cầu được chọn thí điểm đợt này đại diện cho nhiều hệ kết cấu khác nhau trong hệ thống 131 vòm cầu đường sắt đoạn từ phố Phùng Hưng tới ga Long Biên, như: Vòm cầu bịt hai mặt ở trong rỗng; vòm cầu phía trong chèn đá; vòm cầu phía trong đổ cát…
Như vậy, khi tiến hành thí điểm, đơn vị thi công sẽ áp dụng các giải pháp gia cố, nâng cấp phù hợp, hiệu quả cho từng trường hợp, làm sao bảo đảm tuyến đường sắt phía trên vòm cầu lưu thông an toàn, đồng thời tận dụng được không gian để phát triển dịch vụ du lịch trên cơ sở kết nối các không gian văn hóa trong khu vực phố cổ.
Ông Đặng Đình Bằng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý phố cổ Hà Nội (đơn vị chủ đầu tư dự án) cho biết, việc triển khai dự án thí điểm đục thông 6 vòm cầu là cơ sở để xây dựng, hoàn thiện đề án Không gian Văn hóa, thương mại dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội của UBND thành phố.
Sau khi được đục thông, không gian của 6 ô vòm cầu dự kiến được cải tạo thành không ẩm thực kết nối với phố Bích hoạ Phùng Hưng. |
Sẽ sớm hoàn tất thủ tục để dưa dự án vào hoạt động
Theo Ban quản lý dự án, các thủ tục pháp lý cho việc đục thông 6 vòm cầu trên đã được hoàn tất, hồ sơ xin cấp phép cũng đã được gửi tới Cục Đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Trước đó, đơn vị này đã đồng ý về thỏa thuận phương án thiết kế cho dự án đục thông thí điểm 6 vòm cầu phục vụ mục đích phát triển không gian văn hóa, thương mại, du lịch.
Dự kiến, sau khi đục thông, 6 vòm cầu sẽ được xây dựng thành không gian ẩm thực đặc trưng phố cổ. Loại hình này, không nhất thiết yêu cầu diện tích quá lớn, do đó, diện tích mỗi ô vòm cầu khi đục thông xong có mặt bằng từ 14-20m2, phù hợp đối với cửa hàng ăn uống ở khu vực này.
Ông Đặng Đình Bằng cho biết: “Ngay khi hoàn thành hạng mục mở vòm cầu, chúng tôi cho thiết kế chỉnh trang để đưa không gian trong vòm vào sử dụng, tránh bị để phí hoặc bị lấn chiếm trở lại. Ban quản lý cũng tham mưu UBND quận Hoàn Kiếm về việc cải tạo hạ tầng, chỉnh trang mặt đứng cả tuyến Hàng Cót-Hàng Giấy để tạo sự đồng bộ”.
Ban quản lý Phố cổ Hà Nội dự kiến đục thông các vòm cầu trong tháng 12-2018. |
Đại diện Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết thêm, việc tiến hành đánh giá khả năng chịu tải, tìm ra các biện pháp gia cố phù hợp là nhiệm vụ quan trọng của dự án Thí điểm đục thông 6 vòm cầu bởi đây không chỉ là cơ sở để tiến hành khôi phục thành công các vòm cầu tiếp theo, mà còn nhằm bảo đảm an toàn cho người dân cũng như không làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác của tuyến đường sắt.
Quá trình thi công cũng cần được triển khai cẩn trọng với những đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật, mỹ thuật. Hiện nay, các đơn vị liên quan đã tiến hành thu thập tài liệu, cập nhật hiện trạng để có những giải pháp phù hợp nhất.
Dự kiến, sau khi hoàn thành đợt thí điểm đục thông 6 vòm cầu đầu tiên, trên cơ sở tham mưu của các chuyên gia cũng như các đơn vị liên quan, quận Hoàn Kiếm sẽ đề xuất thành phố triển khai các không gian chức năng phù hợp, tạo sức hấp dẫn cho khu vực, cũng như đề xuất các giải pháp cải tạo hạ tầng, chỉnh trang mặt đứng dọc tuyến khu vực này để tạo sự đồng bộ. Những trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường sắt (các công trình dân sinh, trạm biến áp…) cũng sẽ được đề xuất giải tỏa.
Nếu dự án triển khai đúng kế hoạch, việc đục thông 6 vòm cầu sẽ được thực hiện từ tháng 12-2018 và đưa vào sử dụng sau đó 4 tháng. Từ nay đến thời điểm đó, Ban quản lý Phố cổ sẽ tích cực xây dựng các phương án khai thác không gian vòm cầu cho phù hợp với yêu cầu phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng quanh khu vực.