Văn hóa – Di sản

Thái Thuận – từ miền quê Kinh Bắc đến kinh thành Thăng Long

Nguyễn Hữu Sơn 05/11/2023 15:46

Thái Thuận (1441 - ?), tự Nghĩa Hoà, hiệu Lục Khê, biệt hiệu Lã Đường, quê sinh ở thôn Đoài, tổng Liễu Lâm, phủ Siêu Loại, xứ Kinh Bắc (nay thuộc xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Vùng quê ấy cách không xa trung tâm Phật giáo cổ Luy Lâu - nơi đình tổ của thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi - đồng thời cũng là miền đất trù phú của đồng bằng Bắc bộ, điểm tiếp nối với xứ Hải Đông và cận kề cửa ngõ phía bắc của kinh thành Thăng Long.

thai-thuan.jpg
Tranh minh họa Thái Thuận trong cung.

Vốn xuất thân bình dân, có thời làm lính dạy voi, mãi đến năm Ất Mùi (1475) đời Lê Thánh Tông mới thi đỗ Tiến sĩ, làm quan ở Viện Hàn lâm trải hai mươi năm, sau giữ chức Tham chính Hải Dương và đi công cán qua các vùng Thanh - Nghệ - Quảng Bình - Quảng Trị - Thuận Hóa... Tương truyền ông được Lê Thánh Tông mời vào Hội Tao đàn, cử làm Tao đàn Sái phu (Phó Nguyên súy). Đương thời Thái Thuận sáng tác hàng ngàn bài thơ nhưng chưa soạn thành tập. Sau khi ông qua đời, người con là Thái Đôn Khác và một người học trò là Đỗ Chính Mô mới sưu tập, viết bài tựa vào giữa mùa thu năm Canh Ngọ, niên hiệu Hồng Thuận thứ 10 (1510) đời Lê Tương Dực, đặt tên Đường di cảo (Bản thảo còn lại của Lã Đường)...

Lã Đường di cảo hiện còn 264 bài thơ, được người đương thời và hậu thế coi là tập thơ hay vào bậc nhất trong số các thi tập nửa sau thế kỷ XV. Phong cách thơ Thái Thuận một mặt được định hình trên cơ sở cội nguồn văn hoá miền quê Kinh Bắc và tính chất thời đại an bình, thanh bình, song còn do chính môi trường xã hội, địa vị và bản lĩnh nghệ thuật nơi con người ông quy định.

Trong sự cảm nhận của một nhà nho thành đạt, trong tư thế và tầm nhìn của một ông quan chính thống, Thái Thuận thể hiện rõ tiếng nói chức năng, phận vị, quan phương khi ca ngợi đức sáng của nhà vua và xã hội an bình. Có thể xác định những bài thơ này hoàn toàn nằm trong dòng chảy của lối thơ xướng họa, đề vịnh, tụng ca vua sáng tôi hiền, “quân minh thần lương”. Trong đôi câu kết bài Thời vũ (Mưa đúng lúc), Thái Thuận quy tất cả vẻ đẹp đất trời, vạn vật và thời vận năm được mùa vào công đức giáo hóa của nhà vua:

Đế đức hỷ phù càn đức đại,

Tư dân tư thế hựu ung hi.

(Đức vua ta lớn như trời vậy,

Dân ấy đời nay thịnh vượng chung)

Vốn xuất thân bình dân và đã từng làm anh lính hướng nghiệp quản tượng dạy voi, lại tới tuổi 35 - lứa tuổi muộn mằn, lứa tuổi đã định hình cả tính cách, sở thích lẫn sở trường sở đoản - ông mới đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Mặc dù được giữ chức Hiệu úy ở Viện Hàn lâm hơn hai mươi năm, được dự hàng Tao đàn và được vua Lê Thánh Tông khen là tay “tự chuyên ở làng thơ”, song tất cả vẫn không xoá mờ dấu ấn nguồn gốc bình dân và tâm thức “vọng cố hương” canh cánh bên lòng. Và có sống trong cảnh quê, có mở lòng thanh thản hoà hợp với cảnh quê, “an bần lạc đạo” với thú quê, bình tâm trong lẽ “tri chỉ”, “tri túc” trước những lo toan thường nhật thì mới có được niềm thích thảng và biết vui đùa với chính cảnh thanh bạch bần hàn của mình. Ngay cả khi làm quan và sống giữa nơi kinh thành, trước sau Thái Thuận vẫn nhận mình chỉ là con người đời thường, không dám xếp hạng người tài “mười tám vị tiên”:

Tự tín tài phi thập bát tiên,

Tràng An không thử tuế hoa thiên.

Tiêu điều quan xá như tăng xá,

Lạo đảo kim niên kịch vãng niên.

Thượng uyển điên cuồng liên hí điệp,

Cố hương qui khứ phụ đề quyên.

Thê noa do vị hiềm năng ẩm,

Thời biện nang trung mãi tửu tiền.

(Tràng An xuân mộ)

(Tự biết tài thua “thập bát tiên”,

Trôi qua năm đẹp đất Tràng An.

Năm nay lận đận hơn năm ngoái,

Cửa bụt tiêu điều sánh cửa quan.

Thượng uyển quay cuồng thương cánh bướm,

Cố hương khắc khoải phụ chim quyền.

Vợ con chưa phải hiềm hay uống,

Mua rượu, trong bao vẫn trữ tiền)

(Chiều xuân ở kinh đô)

Bài thơ quả là mộc mạc chân quê, vừa diễn tả cái nghèo vừa hóm hỉnh bởi biết mình được vợ quý yêu và cũng khá là cao tay trong thuật “nịnh vợ” - lúc nào trong túi vợ cũng dành sẵn tiền cho việc mua rượu!

Sống giữa nơi kinh đô nhưng Thái Thuận luôn đồng cảm với một ánh trăng thu, một tiếng côn trùng kêu đêm, một tiếng tù và xa ngái. Đối diện với cảnh đêm thu, lòng thi nhân càng trở nên bâng khuâng trước dòng thời gian đang qua mau, mái tóc ngày một phai sương. Vậy là sống giữa nơi đô hội mà nhiều khi nhà thơ thấy mình lẻ loi, đơn côi, cô quạnh. Có thể gọi đó là nỗi buồn thi nhân không tuổi không tên:

Đảo y hà xứ chử đinh đông,

Khách xá thu thanh độc tọa trung.

Lương tứ mãn đình phong tại thụ,

Hàn quang nhập hộ nguyệt đương không.

Ô ô thành thượng minh hoa giốc,

Tức tức ly biên tố thảo trùng.

Bách cảm công tâm nan tự nhược,

Minh triều chỉ khủng mấn thành ông.

(Tràng An thu dạ)

(Nện vải thình thình đâu vắng sang,

Một mình quán khách tiếng thu vang.

Lùm cây gió lộng sân đầy lạnh,

Từng biếc trăng treo cổng trải vàng.

Sâu cỏ bên rào kêu rỉ rỉ,

Sừng hoa đầu lũy rúc oang oang.

Cảm hoài trăm mối lòng se lại,

Đến sáng mai e tóc điểm sương)

(Đêm thu ở kinh đô)

Đọc Lã Đường di cảo như thấy rõ hoàn cảnh cuộc sống và niềm tâm sự lắng sâu trong lòng tác giả. Thái Thuận đề thơ trên vách nhà nơi trú phường, cảm thương thân mình như khách trọ nơi cõi tạm trần gian, muốn dứt bỏ công danh làm một ẩn sĩ:

Tràng An xa mã hỗn hồng trần,

Ngô ái ngô lư tự ẩn luân.

Bắc khuyết vô thư can thế dự,

Tây Hồ hữu nguyệt cấp thi bần.

Trầm phù ngã thị thâu chân giả,

Tịch mịch thùy phi tán phát nhân.

Tâm sự hạn kỳ Trần sử sĩ,

Dã hoa đề điểu nhất ban xuân.

(Đề Toản Viên phường sở cư bích thượng)

(Kinh đô xe ngựa cảnh ồn ào,

Nhà ẩn cư mình giống lại yêu.

Cửa Bắc không thư cầu lợi đạt,

Hồ Tây có nguyệt giúp thơ nghèo.

Qua ngày, ta cũng đành chìm nổi,

Xõa tóc, ai mà chẳng quạnh hiu.

Tâm sự hẹn cùng Trần xử sĩ,

Xuân, hoa đồng nở, rộn chim kêu)

(Thơ đề trên vách nhà tại phường Toản Viên)

Trải mười năm ở trú phường Toản Viên, Thái Thuận trở nên thông thuộc, thân quen một tiếng chuông chiều Cửa Bắc, một bóng chim Tây Hồ, một bờ liễu, một ghềnh đá ngồi buông câu. Tất cả hiện hình trong một bức tranh cụ thể, sống động, có mây bay và gió nổi, có tình và có cảnh trong bài Toản Viên tự thuật (Tự thuật ở Toản Viên):

Thập tải Trường An do tự mộng,

Nhàn tình độc dữ cố sơn vi.

Hiểu tùy Bắc khuyết chung câu khởi,

Mộ hậu Tây Hồ điểu cộng qui.

Hương tín mỗi ư đăng hạ khán,

Thành vân đa hướng hạm tiền phi.

Liễu kiều vị ức trùng du xứ,

Ưng hữu đài hoa thướng điếu ky.

(Mười năm giấc mộng kinh đô đó,

Núi cũ thanh u trái hẹn thề.

Chuông Cửa Bắc theo khi sớm dậy,

Chim Hồ Tây đợi lúc chiều về.

Mây bay trước cửa: mây thành thị,

Tin đọc bên đèn: tin xứ quê.

Cầu liễu bao phen chơi vẫn nhớ,

Ghềnh câu rêu đá đã đâm huê).

Hình như xa xôi trong tâm sự Thái Thuận vẫn có điều gì ẩn khuất, không mấy bằng lòng trước thực tại. Giữa đêm thu nằm trực ở nhà Kim Phong bên cửa Vạn Xuân, ông vẫn bâng khuâng, thao thức không ngủ được. Khi lui chầu, ông trở về nhà ngắm hoa mai lạnh, nhìn mây bay về chiều và cảm nhận nỗi cô đơn se lạnh. Nỗi buồn trước thực tại càng là cái cớ để ông Tư thân (Nhớ đấng thân), nhớ về cố hương, nhớ về nơi quê cha đất tổ:

Nhị Hà đông vọng vị hồi trình,

Lữ xá cô vẫn nhãn để sinh.

Khách xá dục qui qui vị đắc,

Nhất xuân cô phụ đỗ quyên thanh.

(Trông về đông phía dòng sông Nhị,

Quán trọ, mây từ đáy mắt lên.

Đất khách toan về, về chửa được,

Chiều xuân đành phụ tiếng chim quyên)

Trong những năm làm quan, Thái Thuận có nhiều bạn bè. Qua những bài thơ có thể hiểu được tình bạn bè của ông thật trong sáng, thủy chung. Dường như ông đặc biệt gắn bó, thân quý những người bạn đồng triều có gốc gác thôn quê, có cùng cảnh ngộ và niềm tâm sự vọng cố hương. Mỗi lần thấy bạn bè về thăm quê hay được nghỉ hưu, ông lưu luyến tiễn đưa và tặng thơ. Một lần ông tiễn bậc đàn anh, quan Thừa chỉ họ Võ về xứ Bắc trong niềm hân hoan, hòa nhập sự thanh thản của lòng người cùng vẻ tươi đẹp của đất trời:

Quá liễu tiên chu Nhị thủy tân,

Mã đề hương động Bắc Giang trần.

Phong quang dương liễu kiều biên quýnh,

Sơn sắc tùng thu vũ hậu tân...

(Tiễn Thừa chỉ Võ tiên sinh hồi hương)

(Sông Nhị thuyền tiên lướt thảnh thơi,

Bắc Giang vó ngựa bụi thơm rơi.

Tùng thu sắc núi sau mưa tốt,

Dương liễu bên cầu trước gió tươi)

Phần nhiều sự chia tay trong thơ ông thấm đậm những ưu tư, vừa tiếc nhớ một thời vừa đặt mình trong cảnh ngộ người bạn, bâng khuâng chờ đón năm tháng cuối đời nơi quê hương:

Đô môn hiểu xuất mã ti thì,

Nhật thướng giang đình yến yến phi.

Nhị thủy lục phân hoàng điểu thụ,

Hoa lâm hồng tẩy đỗ quyên chi.

Tân tri cựu thức tam bội tửu,

Hòa khí xuân phong nhất thái y.

Ký đắc đình vi diễn vọng cửu,

Khê kiều khách lộ mạc kê trì.

(Tiễn Ngô Kiểm thảo qui Gia Lâm)

(Cửa thành ngựa hý ban mai rộn,

Bầy én trên sông lượn múa chào.

Nhị thủy cây xanh hoàng điểu hát,

Hoa lâm cành đỏ đỗ quyên kêu.

Bạn bè cũ mới ba tuần rượu,

Phong khí vui tươi một áo màu.

Xin nhớ song thân chờ đợi mãi,

Qua cầu vượt suối chớ đi lâu)

(Tiễn quan Kiểm thảo họ Ngô về Gia Lâm)

Khi làm thơ tiễn người bạn chí thiết họ Đỗ, Thái Thuận kể lại những kỷ niệm xưa đi chơi Tây Hồ và hôm nay lưu luyến chia tay nơi bến đò. Thời gian như ngưng đọng trong giờ phút chia ly. Tất cả quãng đời quá khứ và hiện tại đan xen, đan kết thành mối sầu ly biệt. Phải là một tình bạn tri kỷ, sâu sắc và chân thành, thi nhân mới có được những lời thơ sâu lắng tình người:

Ức tích Tây Hồ ngã dữ quân,

Khinh sam tiểu phiến cộng du xuân.

Thâu thiên đình viện hoa nghinh mã,

Ca quản lâu đài nguyệt chiếu nhân.

Phong vũ nhất chiêu sinh biệt hận,

Giang sơn lưỡng xứ hạn thông tân.

Khả liên kim nhật trùng hồi thủ,

Trường đoạn giang châu đãn bạch tần.

(Tống Đỗ Minh phủ)

(Hồ Tây tôi bác nhớ từ thời...

Xuân đến cùng nhau dạo bước chơi.

Sân rộn trò đu hoa đón ngựa,

Lầu vang giọng hát nguyệt soi người.

Gió mưa một sớm hờn chia bóng,

Sông núi hai miền bến khác nơi.

Đáng tiếc hôm nay đầu ngoảnh lại,

Bãi sông man mác, dạ bồi hồi)

Vốn là nhà thơ nặng tình với quê hương nên khi sống giữa chốn kinh kỳ, Thái Thuận luôn vọng nhớ cuộc sống nơi thôn dã bình dị, nhớ cha mẹ, nhớ từng tiếng gọi đò, từng vệt khói lam chiều, từng góc vườn, từng gợn gió thu se lạnh... Tuy nhiên, Thái Thuận cũng là người trải nhiều năm tháng ở chốn kinh kỳ nên hình ảnh Hồ Tây, Nhị Hà đã trở nên thân thiết, trở thành quê hương thứ hai của ông. Vì thế, khi ở giữa kinh đô Thái Thuận tha thiết nhớ quê hương nhưng khi phải xa cách ông lại man mác nhớ về dòng sông Nhị Hà. Ông ghi lại cảm xúc chân thực của mình khi đi thuyền trên bến Đại Than:

Tràng An hồi thủ tứ du du,

Nhất phiến qui phàm cảm trệ lưu.

Nam bắc ái tha giang thủy thượng,

Đại Than lưu tự Nhị Hà lưu.

(Phát Đại Than dữ Hải Dương chư công phú biệt)

(Kinh đô ngoảnh lại tứ chơi vơi,

Một cánh buồm về dám nghỉ ngơi.

Dòng nước đáng yêu nam với bắc,

Đại Than trôi hệt Nhị Hà trôi)

Thái Thuận là nhà thơ tài cao, đi nhiều, biết rộng. Từ miền quê Kinh Bắc, ông làm quan ở kinh đô nhưng đã từng vào nam ra bắc, lên rừng xuống biển và ghi lại nhiều địa danh trong sáng tác thơ ca. Trong những năm làm quan, ông luôn nhớ về quê hương nhưng cũng hết lòng yêu quí miền đất thanh lịch Thăng Long - Đông Đô. Trên tư cách Tạo đàn Phó Nguyên súy, thơ Thái Thuận có phần hướng tâm, vừa thể hiện tư cách con người chức năng qui phạm, quan phương chính thống nhưng cũng có cả tiếng nói trữ tình, tiếng nói ly tâm bày tỏ nỗi lòng con người cá nhân và những vui buồn thường nhật. Với Lã Đường di cảo, Thái Thuận đã để lại cho đời một tiếng thơ hồn hậu, đằm thắm tình người, chan hòa với cảnh vật và thiên nhiên đất nước./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan – tài năng và đức độ
    Linh nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan triều Lý là một nhân vật lịch sử và văn hóa nổi tiếng của nước nhà. Tên tuổi cũng như cuộc đời bà gắn liền với sự nghiệp của hai ông vua anh kiệt là Lý Thánh Tông, chồng bà và Lý Nhân Tông, con trai bà.
(0) Bình luận
  • Giang Văn Minh và những giai thoại rạng danh xứ Đoài
    Nằm dưới chân núi Tổ, vùng đất cổ Đường Lâm, xứ Đoài không chỉ nổi tiếng là nơi sinh ra vua Phùng Hưng (cuối thế kỷ thứ VIII) và vua Ngô Quyền (thế kỷ thứ X) mà còn được biết đến là quê hương của Thám hoa Giang Văn Minh - một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử ngoại giao của nước nhà, hồi cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII.
  • Tiếp thêm sức sống cho nghề truyền thống Thủ đô
    Là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân và người làm nghề truyền thống Hà Nội đang không ngừng sáng tạo trong công tác gìn giữ, bảo tồn các làng nghề. Sự sáng tạo không chỉ mang lại một diện mạo mới, một sức sống mới cho các làng nghề mà còn gợi mở những không gian trải nghiệm văn hóa mới cho người dân Thủ đô và du khách.
  • Khởi công xây dựng đền thờ Đức vua Ngô Quyền
    Sáng 26/6, Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khởi công dự án xây dựng đền thờ Đức vua Ngô Quyền tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh).
  • Trưng bày “Báo chí Huế trong dòng chảy Báo chí Cách mạng Việt Nam”
    Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Thành phố Huế phối hợp Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ, Sở Văn hoá Thể thao tổ chức Triển lãm trưng bày “Báo chí Huế trong dòng chảy Báo chí cách mạng Việt Nam”.
  • Hà Nội: Thêm 9 di tích được xếp hạng cấp thành phố
    Ngày 10/6, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2859/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
  • Công nhận hội Lim ở Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
    Hội Lim là nơi các giá trị lịch sử, tín ngưỡng và đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thực hành, bảo tồn và lan tỏa, thể hiện tính gắn kết bền chặt và tinh tế giữa các làng Quan họ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • TP. Hồ Chí Minh trưng bày 17 Bảo vật quốc gia
    Từ ngày 29/6 đến 10/8/2025 tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra trưng bày chuyên đề “Bảo vật quốc gia - Những kiệt tác di sản”.
  • Ra mắt sách tranh song ngữ “Kể chuyện Bác Hồ”
    Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6/1925 – 6/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách tranh "Kể chuyện Bác Hồ", ấn bản song ngữ Việt – Trung.
  • Chuyện kể về Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam
    Trong hành trình mở cõi về phương Nam của dân tộc Việt Nam, các chúa Nguyễn hiện lên như những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, với các quyết sách chiến lược và nghệ thuật bang giao khôn khéo, đặc biệt trong quan hệ với triều đình Chân Lạp. Cuốn sách “Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam” của nhà giáo, nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Hữu Hiếu, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành tháng 6/2025, là một công trình giàu tư liệu và cảm hứng góp phần tái hiện sinh động giai đoạn lịch sử đặc biệt ấy.
  • Người dân cần chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn ở Bắc Bộ
    Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia: Từ ngày 28/6 đến 2/7/2025, Bắc Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa rất lớn, lượng mưa có thể lên tới 100–300mm, có nơi trên 500mm.
  • Hà Nội: Đẩy mạnh xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai
    UBND Thành phố ban hành Công văn số 3715/UBND-NNMT ngày 25/6 về việc triển khai thực hiện Dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai Thành phố và việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
  • 9 tựa sách hay trong Tủ sách gia đình của Nhã Nam
    Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để mỗi người lắng lại, cảm nhận rõ hơn giá trị của tình thân, của những khoảnh khắc bên nhau giản dị mà quý giá. Trong nhịp sống hiện đại, một trong những cách đẹp đẽ để giữ gìn và bồi đắp sợi dây gắn kết gia đình chính là cùng nhau đọc sách – những cuốn sách đầy yêu thương, sẻ chia và thấu cảm. Hiểu được điều đó, Nhã Nam đã kỳ công tuyển chọn và xây dựng Tủ sách Gia đình. Đây là những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, lan tỏa giá trị yêu thương trong mỗi mái ấm, để mỗi em bé đều được lớn lên trong vòng tay chan chứa hạnh phúc của gia đình.
  • Phu nhân Tổng Bí thư và Tổng Giám đốc UNESCO tham dự triển lãm ảnh "Chúng tôi có thể"
    Các tác phẩm là sản phẩm tiêu biểu của dự án “Chúng tôi CÓ THỂ” – sáng kiến phối hợp giữa UNESCO và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng đến mục tiêu trao quyền học tập và phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn.
  • Người đẹp Phú Yên Hà Trúc Linh đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2024
    Hà Trúc Linh - 21 tuổi, quê Phú Yên, sinh viên Đại học Tài chính Marketing TP HCM - vượt top 24 để đoạt vương miện Hoa hậu Việt Nam 2024.
  • Ra mắt sách “Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn"
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt cuốn sách "Phụ nữ bàn về vấn đề phụ nữ trên Phụ nữ tân văn", tuyển chọn các bài viết tiêu biểu của nữ trí thức trên tuần báo Phụ nữ tân văn – một diễn đàn quan trọng trong phong trào nữ quyền Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ấn phẩm dày 600 trang, do Đoàn Ánh Dương biên soạn và giới thiệu, được phát hành trên toàn quốc từ tháng 6/2025.
  • Hà Nội nêu cao tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”
    Tại kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) diễn ra sáng 27/6, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, bảo đảm thực hiện đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
  • Phát động cuộc thi ảnh báo chí 'Việt Nam trên hành trình đổi mới’
    Cuộc thi ảnh báo chí “Việt Nam trên hành trình đổi mới” do Báo Nhân Dân phối hợp Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, những thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế trong quá trình 40 năm đổi mới.
  • Hà Nội sửa đổi, bổ sung quy định phân cấp nguồn thu, chi để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả
    Để có cơ sở điều chỉnh, giao dự toán ngân sách năm 2025 cho các xã, phường sau sắp xếp đảm bảo nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ được giao từ ngày 1/7/2025, HĐND Thành phố Hà Nội ngày 27/6 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách Thành phố và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025.
  • Trình chiếu loạt phim đỉnh cao của Hàn Quốc tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3
    Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3 diễn ra từ ngày 29/6 – 5/7 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc biệt khán giả sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều diễn viên Hàn Quốc.
  • Festival Nông sản Hà Nội: Thúc đẩy mô hình canh tác, chế biến và tiêu dùng nông sản gắn với văn hóa – du lịch
    Từ ngày 26 - 29/6/2025, tại quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp UBND quận Tây Hồ tổ chức Festival Nông sản Hà Nội lần thứ 4 – sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp thường niên đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm hẹn lớn của người tiêu dùng và các nhà sản xuất nông sản trên cả nước.
  • [Podcast] Đình Mễ Trì Thượng – Nơi lưu giữ những lớp trầm tích văn hóa Hà Nội
    Trong hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến, thì đình Mễ Trì Thượng là ngôi đình cổ kính bậc nhất. Ngôi đình này nằm trên gò Quy Sơn (núi Rùa), thuộc làng Mễ Trì Thượng (tên Nôm là Kẻ Mẩy). Mễ Trì Thượng không chỉ mang dáng dấp kiến trúc cổ đặc trưng Bắc Bộ, mà ngôi đình này còn là nơi lưu giữ những lớp trầm tích văn hóa của một Hà Nội đang chuyển mình theo vòng quay thời gian.
Thái Thuận – từ miền quê Kinh Bắc đến kinh thành Thăng Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO