Sắc Tết và hồn Tết

Nhà văn Lê Phương Liên| 03/02/2022 17:35

Sắc Tết và hồn Tết
Dòng người trên cầu Thê Húc vào lễ đầu xuân trong đền Ngọc Sơn, Hà Nội - Ảnh tư liệu.
Thuở tôi còn bé việc lo Tết ở nhà tôi bắt đầu từ mùa đông. Những buổi tối gió bấc thổi rung cửa sổ, khi thấy mẹ tôi đã xong việc chấm bài cho học trò, bà tôi cất tiếng: “Cô ạ, sáng nay tôi đi chợ Hàng Bè thấy người ta bày bán đồ Tết rồi, măng khô, mọc nhĩ, nấm hương, bóng bì, tôm he khô… Tôi nhìn thức gì cũng ngon! Tôi mua vài thứ rồi mua thêm cân lạc, cân vừng. Tôi nghĩ tháng này nhà mình để dành phiếu thịt để cuối tháng mua cái chân giò nấu nồi măng ăn Tết…”. 

Bà ngoại tôi thường gọi con gái là “cô”, con trai là “anh”, các con gọi bà là “me”. Bà góa bụa từ năm 1930 một mình nuôi các con trưởng thành qua nhiều loạn lạc. Năm 1954, đất nước bị chia cắt hai miền, bà thương mẹ tôi xa chồng nên ở nhà tôi mà không ở với các bác trai. Thế là nhà tôi là tổ ấm của cả đại gia đình. Tết ở nhà tôi là Tết đại gia đình.

Nghe bà tôi nói, mẹ tôi vẫn lặng lẽ ngồi đan găng tay, đó là việc phụ của mẹ tôi để kiếm thêm tiền nuôi chị em tôi ăn học! Khi bà tôi dứt lời, mẹ tôi đáp: “Vâng ạ, mùa này su hào, bắp cải… rau nào cũng ngon, thêm lạc, vừng và cá, tép tươi nữa thì bữa cơm tươm tất rồi. Phiếu thịt nhà mình để dành đến Tết mua thịt gói bánh chưng”.

Bà tôi và mẹ tôi ngồi nhìn lên bàn thờ và nghĩ đến Tết là chuyện quan trọng nhất của một năm. Tưởng như bà nhìn thấy cụ tôi, ông tôi từ trong những tấm ảnh bước ra đi lại ngâm nga một câu cổ kính. Tưởng như bà tôi đang ước mong sao bày một mâm cỗ Tết để các cụ, các ông, bà cầm đũa nếm, tấm tắc khen ngon.

Để có thịt gà ăn Tết, nhà tôi nuôi gà từ mùa thu. Những sáng tháng Chạp, rét như rụng bàn tay, bà tôi dậy sớm để quét dọn chuồng gà. Nhìn đôi gà lông cánh mượt mà, thò cổ ra mổ thức ăn hăm hở, bà tôi như quên khó nhọc. Bà tôi thường bảo chúng tôi băm thêm rau xanh để trộn với ngô xay cho gà ăn. Ngày ấy tôi thích làm thức ăn cho gà và háo hức nhìn đôi gà lớn lên chờ Tết đến. 

Bà tôi gọi mẹ tôi là “cô tân thời” bởi mẹ tôi có những suy nghĩ mới. Tết năm ấy, mẹ tôi cầm cuốn sách cũ giấy vàng úa có tựa đề Việt Nam phong tục đọc cho bà tôi nghe: “Me ơi, cụ Phan Kế Bính là nhà Nho mà viết những câu này từ năm 1915: “Ma quỷ đâu mà lại đốt pháo, đốt vàng mã?...Tiễn vua bếp đi là một chuyện hão huyền, mua cá làm ngựa mới nực cười thay!”.

Bà tôi lắng nghe, miệng bỏm bẻm nhai trầu, rồi hỏi lại: “Thế thì Tết Táo quân năm nay, cô định thế nào?”. Mẹ tôi đáp: “Con sẽ làm bánh cá chép đỏ như bánh gấc để Táo quân cưỡi về chầu trời tâu những việc thiện ác của nhân gian! Me đừng mua mũ ông Táo về đốt nữa nhé”. Bà tôi chẳng nói gì, ngồi ngẫm nghĩ như có vẻ bằng lòng. Mẹ tôi thích làm bánh, làm mứt và biết làm nhiều thứ mứt Tết. Mứt quất, mứt gừng, mứt bí, mứt táo, mứt dứa, mứt dừa... Ngày Tết ngồi uống trà thơm, nhấm nháp miếng mứt, nói lời chúc xuân trong tiết mưa phùn bay thật là một sắc Tết đẹp của người Hà Nội. Tết ở nhà tôi vừa “cổ truyền” lại vừa “tân thời” như vậy. Từ 23 tháng Chạp Tết Giáp Thìn (1964), mẹ tôi đã làm bánh cá chép đỏ theo lối bánh gấc để cúng Táo quân, bây giờ tôi vẫn làm theo nề nếp ấy. Sau ngày Tết Táo quân, bà tôi dọn bàn thờ và treo y môn. Bức y môn màu đỏ óng ánh những đường thêu rồng, phượng, rung rinh những tua kim tuyến lấp lánh rực rỡ khiến ngôi nhà toàn phụ nữ và trẻ con bừng lên một sắc Tết đầm ấm.

Tết khởi đầu là ngày gói bánh chưng, bác cả anh trai của mẹ tôi, dì út em gái mẹ tôi cùng có mặt. Cả nhà ngồi quây quần bên rá gạo trắng muốt, rá đậu vàng óng, đĩa thịt lợn hồng tươi, lá dong riềng xanh thắm và những sợi lạt mềm như lụa. Tôi thích nhìn bàn tay mềm mại của mẹ tôi xếp lá dong, ngón tay cứng cáp của bác tôi buộc lạt, ánh mắt dì tôi chăm chú khi đơm bát gạo, bát đậu rồi đặt miếng thịt ngay ngắn… Tôi đã ngồi nhìn như thế bao năm Tết tuổi thơ. 

Rồi, một ngày chiến tranh ác liệt, khi mẹ tôi ngã bệnh, bà tôi già yếu, tôi đã thành thiếu nữ ngồi gói bánh chưng ở một ngôi làng sơ tán rất xa Hà Nội… Buổi tối nấu bánh chưng đầm ấm lắm. Than hồng gạt ra từ bếp nấu bánh chưng, mẹ tôi dùng để rim mứt. Cùng với khói bánh chưng bay lên nghi ngút có tiếng reo của những quả mứt trong cái chảo tỏa mùi đường ngọt ngào. Hương bánh, mùi mứt từ tuổi thơ đã là hồn Tết trong tôi. Việc sửa soạn tất niên bắt đầu từ tối hôm 29 Tết, vợ chồng bác trai thứ hai của mẹ tôi mang quà Tết biếu bà tôi và cả nhà. Tối đó các bác dâu tôi ngồi gọt su hào, khoai tây, cà rốt, thái “chân tẩy” (rau, củ để nấu, xào). Chị em soạn bát đĩa, đũa thìa, mâm đồng… rửa sạch. Ngày 30 Tết cả nhà làm cỗ: Người làm gà, người nấu xôi gấc, nấu bóng, nấu măng, xào hạnh nhân, làm nộm, làm nem… Lũ trẻ con thì bóc hành, tỏi, nhặt rau thơm… Mẹ tôi sức yếu ít khi ngồi nấu nên chỉ làm việc nếm thức ăn. Các loại thức ăn nấu, xào và cả nước chấm nem đều có vị “thanh”. Vị ấy không mặn chát, không nhạt nhẽo, không cay nồng, không chua gắt, không béo ngậy, không ngọt lừ… chỉ vừa thanh - chuẩn khẩu vị của người Hà Nội. Khi mâm cỗ cúng đã đặt lên bàn thờ, khói hương nghi ngút, đèn nến chiếu sáng, mùi trầm lan tỏa, không khí Tết thật thiêng liêng thì bà tôi dừng câu khấn, cúi rạp mình lễ trên sập. Lát rồi có tiếng xôn xao con cháu đến lễ tổ tiên và dự cỗ tất niên. Nghe tiếng chào: “Cháu chào bà! Cháu chào bác, chào chú, chào cô, chào chị, chào anh, chào em”, nhìn các cháu ríu ra ríu rít, bà tôi thường lần trong túi áo lấy chiếc khăn nhỏ chấm nước mắt ứa ra.

Thường khoảng 22 giờ anh chị em nhà tôi rủ nhau đi đón giao thừa. Khi đó quanh Bờ Hồ rực rỡ ánh đèn và nườm nượp người đi chơi Tết. Chúng tôi đi theo tiếng nhạc đến sân khấu vườn hoa đền Bà Kiệu. Xung quanh sân khấu, nam thanh nữ tú quần là áo lượt đứng vỗ tay nhịp nhàng theo tiếng đàn tiếng hát. Những cụ ông mặc âu phục và những cụ bà mặc áo dài đi bên nhau cùng đứng lại lắng nghe và vỗ tay theo đám trẻ. Gió thổi qua cây đa đền Bà Kiệu xào xạc xao xuyến tình xuân. Tự nhiên tôi nghĩ đến mẹ và bà. Tôi bảo em trai: “Em ở đây cùng anh em đón giao thừa, chị về nhà trước”. Nói rồi tôi rảo bước, chợt bỗng thấy một đoàn học sinh miền Nam xôn xao đi đến. Họ hướng về phía sân khấu đang vang lên bài hát Lên ngàn: “Em đi cắt lúa trên ngàn, còn anh chiến đấu sa tràng! Kháng chiến nhất quyết thành công!” Cả đoàn học sinh miền Nam cùng cất tiếng hát theo: “Kháng chiến nhất quyết thành công! Mai ngày kháng chiến thành công. Anh về… em… thỏa… ước mong!”. Tiếng hát trầm hùng da diết bay theo tôi về đến tận nhà. 

Khác với cảnh tưng bừng ngoài phố, nhà tôi thật yên tĩnh. Bà và mẹ tôi ngồi nếm mứt và ngắm nụ hoa đào hé nở như cảm nhận một âm thanh du dương. Phút thiêng liêng đã đến, tiếng Bác Hồ đọc thư chúc Tết vang từ chiếc loa phóng thanh bên hồ Gươm vọng vào nhà tôi rất rõ. Mẹ tôi lắng nghe, vẻ mặt trang nghiêm. Khi bà tôi thắp hương trên bàn thờ, mẹ tôi ngâm nga câu thơ chúc Tết của Bác Hồ: “Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại vui cùng một nhà…”. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt mẹ tôi một mùa xuân dịu dàng đang về. 

Bao nhiêu năm đã qua, mỗi khi giao thừa đến tôi vẫn tưởng như nhìn thấy ánh mắt dịu dàng của mẹ tôi đưa mùa xuân trở về.
(0) Bình luận
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Yêu Hà Nội từ những trang văn
    Dẫu không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi yêu Hà Nội tha thiết. Tình yêu này có lẽ đã có trong tôi từ khi còn thơ bé. Thuở ấy, Hà Nội còn là giấc mơ xa xỉ với một đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn bên ruộng đồng vườn tược, bên những dòng sông tít tắp miền Tây Nam Bộ xa xôi.
  • Cô giáo chủ nhiệm mới
    Ngày đầu tiên tới trường luôn là ngày hồi hộp nhất trong cả năm học. Nhưng đối với Hà, cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ mọi sự thoải mái trong những ngày hè để lê người đi học là thấy ngại.
  • Có phải em, mùa thu…
    Bầu trời hôm nay như rộng hơn, mây như xanh hơn, gió như thanh mát hơn, mênh mang đến tận cùng. Gió cuối hạ lang thang đầu dãy phố, la đà trên vòm phượng xanh biếc còn sót lại những bông hoa cuối mùa bừng lên rực rỡ. Có phải em, mùa thu…!
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi ‘Việt Nam hạnh phúc’ 2024
    Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
Đừng bỏ lỡ
Sắc Tết và hồn Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO