Sự kiện & Bình luận

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Nhận diện lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội để phát triển Thủ đô

Trung Kiên 02/06/2024 05:31

“Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch Thủ đô) hướng Hà Nội đến Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Để Quy hoạch Thủ đô đạt chất lượng, một trong những yếu tố quan trọng chính là nhận diện vị trí, vai trò cũng như tiềm năng, lợi thế của lịch sử ngàn năm Thăng Long – Hà Nội.

Tầm quan trọng ấy đã được Bộ Chính trị nhấn mạnh trong Kết luận số 80-KL/TƯ ngày 24/5: “Tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong suốt hơn 1.000 năm lịch sử và các tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng của Hà Nội để khai thác, phát huy tối đa cho phát triển Thủ đô”.

quy-hoach-2.jpg
Lịch sử hình thành và phát triển Thăng Long – Hà Nội.

Quán triệt Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như các định hướng, chủ trương của Trung ương, Thành phố Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô. Từ đó, Thành phố đã nhận diện được các tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng để lập Quy hoạch Thủ đô nhằm phát triển Hà Nội theo định hướng “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

Để hoàn thành Quy hoạch Thủ đô, Thành phố tiếp tục rà soát, hoàn thiện để làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong suốt quá trình lịch sử; là vùng đất có bề dày truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước. Từ đó thấy rõ được tính đặc thù riêng có của Hà Nội, làm cơ sở khai thác, phát huy các giá trị truyền thống để phát triển Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Quy hoạch Thủ đô xác định lịch sử hình thành và phát triển Thủ đô Hà Nội có 4 giai đoạn: Hà Nội trước thế kỷ XI, Hà Nội từ thế kỷ XI đến năm 1831, Hà Nội từ năm 1831 đến năm 1945Hà Nội từ năm 1945 đến nay. Đặc biệt, trên thế giới không có nhiều thành phố có lịch sử nghìn năm tuổi như Hà Nội. Theo thống kê, thế giới chỉ có 29 thành phố nghìn năm tuổi, trong đó Hà Nội là thành phố trẻ nhất đứng bên cạnh các thủ đô khác như Paris (Pháp), Rome (Italia), London (Anh), Athens (Hy Lạp). Nhiều bằng chứng khảo cổ học, tư liệu lịch sử đều cho thấy người Việt đã hiện diện liên tục ở Thăng Long – Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm.

Bên cạnh đó, Hà Nội sớm khẳng định vị thế là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, kinh tế, giáo dục, khoa học và giao dịch quốc tế. Vùng đất Thăng Long - Hà Nội được nhiều triều đại chọn làm kinh đô (thủ đô) của đất nước. Trước khi Thăng Long được chọn làm kinh đô của Đại Việt dưới thời Nhà Lý (1009-1225), vùng đất Hà Nội đã được lựa chọn làm kinh đô với các tên gọi: Cổ Loa, Tống Bình, Đại La… Hiện nay, Hà Nội là Thủ đô của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nơi có trụ sở các Bộ, Ban ngành, cơ quan Trung ương và các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế.

quy-hoach-6.jpg
Tượng đài vua Lý Thái Tổ đặt cạnh khu trung tâm hành chính Thành phố Hà Nội và hồ Hoàn Kiếm.

Quy hoạch Thủ đô đánh giá Thăng Long - Hà Nội là địa danh hội tụ và trầm tích nhiều lớp tinh hoa văn hóa, hun đúc nên biểu tượng văn hóa, văn minh và văn hiến của Thủ đô. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã, đang và mãi mãi là niềm tự hào của người Hà Nội nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Là tài sản quý giá lưu truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau; là nguồn lực đặc biệt quan trọng để phát triển Thủ đô hiện tại và tương lai.

Cùng đó, trong suốt chiều dài lịch sử, sông Hồng gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Là dòng sông lớn nhất ở miền Bắc, sông Hồng đóng vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình hình thành và biến đổi của vùng châu thổ, cùng với toàn bộ diễn biến lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa của nó, đặc biệt là khu vực Hà Nội - trung tâm của châu thổ. Sông Hồng - Dòng chảy lịch sử, văn hóa đã bồi đắp cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội và cho sự phồn hoa đô hội.

Tại Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội Khóa XV sẽ xem xét, thảo luận “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Cuối cùng, Hà Nội có vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở trung tâm của Vùng đồng bằng sông Hồng và trung tâm của miền Bắc Việt Nam, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò chuyển tiếp giữa vùng trung du miền núi Bắc Bộ với khu vực Biển Đông và kết nối các nước Đông Nam Á lục địa (bên bờ Ấn Độ Dương) với các nước Đông Nam Á hải đảo (thuộc Thái Bình Dương).

Hà Nội nằm trên các tuyến giao thương với các nước ở khu vực Đông Bắc Á , lại nằm trên tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới nơi có giá trị hàng hóa hàng nghìn tỷ đô la đi qua mỗi năm. Nhiều bằng chứng cho thấy, Hà Nội đã tiếp nhận và lan tỏa văn hóa của nhiều tộc người, các thành tựu văn minh của thế giới, đặc biệt từ các trung tâm lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Âu. Hiện nay, Thủ đô Hà Nội tiếp tục đóng vai trò đầu mối giao thông vận tải quan trọng về đường hàng không, đường sắt, đường bộ của đất nước.

Hà Nội ngày nay vẫn là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện kế thừa, giữ vững, phát huy truyền thống, lịch sử hào hùng, tiếp tục đảm nhận các chức năng quan trọng của Thủ đô. Hà Nội xứng đáng là “Thủ đô anh hùng” của dân tộc Việt Nam anh hùng; “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô vì hòa bình”; Hà Nội nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, “Thành phố sáng tạo” tỏa chiếu văn hiến Thăng Long đi khắp mọi miền của Tổ quốc.

ha-noid.jpg
Hà Nội - “Thành phố sáng tạo” tỏa chiếu văn hiến Thăng Long đi khắp mọi miền của Tổ quốc.

Với việc nhận diện được vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong ngàn năm lịch sử nói trên, Quy hoạch Thủ đô đã thể chế hóa nhiệm vụ của Bộ Chính trị đặt ra đối với Hà Nội tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, đó là “khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội”.

Nhận diện được chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong suốt hơn 1.000 năm lịch sử đồng thời giúp Hà Nội lập Quy hoạch Thủ đô đi đúng mục tiêu tạo ra “cơ hội mới – giá trị mới”, “tầm nhìn mới – tư duy mới” để xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”./.

Đã hơn 1.000 năm trôi qua, kể từ khi tổ tiên chúng ta chọn Thăng Long làm Thủ đô của đất nước. Sự phát triển của Thăng Long cũng là biểu trưng cho sự phát triển của đất nước. Chúng ta hôm nay đang đi vào công cuộc xây dựng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tạo nên những thay đổi mới trên mảnh đất Thủ đô cũng như trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Tổ tiên ta từ xa xưa đã dồn toàn bộ tâm huyết, trí tuệ và tài năng để tồn tại trên mảnh đất này, để mưu cầu sự phồn vinh, hạnh phúc và truyền lại cho muôn đời con cháu những di sản quý báu về văn hiến Việt Nam và văn hiến Thăng Long… Lịch sử đã trao cho mảnh đất Thăng Long - Hà Nội sứ mệnh làm trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của cả nước. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm nghiên cứu, tìm hiểu những di sản quý báu đó, trước hết là tìm thấy nền tảng cơ bản của những di sản ấy, phân tích những yếu tố cấu thành, những nguyên nhân lịch sử đã tạo nên văn hiến Việt Nam và văn hiến Thăng Long.

GS.TS Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên

Bài liên quan
  • Từng bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa
    Quá trình lập “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quy hoạch Thủ đô), dựa trên nền văn hóa ngàn năm cùng hệ thống di sản phong phú, đặc sắc và đa dạng; Thành phố Hà Nội đã xác định văn hóa và di sản là trụ cột phát triển Thủ đô.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Nhận diện lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội để phát triển Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO