Ông Phạm Tuấn Long - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm
Ông Phạm Tuấn Long: Quận Hoàn Kiếm có 191 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến có giá trị, đặc biệt là di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn, di tích quốc gia khu phố cổ Hà Nội… Chính vì vậy mà quận Hoàn Kiếm luôn đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Thành ủy về “Phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn 2045”.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch nhanh cùng với tốc độ toàn cầu hóa và công nghệ thông tin là những thách thức đối với bảo tồn văn hóa truyền thống, nhất là những loại hình văn hóa mới chưa được kiểm chứng có thể tác động ngay đến cộng đồng và xã hội. Vấn đề tu bổ, tôn tạo và di chuyển các hộ dân ra khỏi di tích vẫn còn khối lượng lớn cần rất nhiều kinh phí để thực hiện nhưng công tác xã hội hóa trong lĩnh vực này gặp khó khăn. Các thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, thanh thiếu niên, học sinh. Công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, quảng cáo, y tế còn chậm so với thực tiễn.
Hiện nay việc phát triển công nghiệp văn hóa đã và đang được quận thực hiện như thế nào, thưa ông? Đâu là điểm nhấn trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa của đơn vị mình?
Ông Phạm Tuấn Long: Quận đã tập trung, chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghiên cứu xây dựng các không gian văn hóa, không gian sáng tạo, khôi phục các hoạt động lễ hội nghề truyền thống, chỉnh trang kiến trúc cảnh quan đô thị, gìn giữ văn hóa cổ truyền, tập trung tạo điều kiện cho nghệ sĩ, người làm nghệ thuật được tiếp cận với công chúng. Quận đã triển khai thực hiện hiệu quả một số đề án như: Đề án “Xây dựng một số nét văn hóa ứng xử của người dân Khu phổ cổ”; đề án “Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm”. Bên cạnh đó, quận tiếp tục nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; triển khai, nghiên cứu thực hiện các công tác chỉnh trang, bảo tồn các không gian công cộng, phố nghề truyền thống, kiến trúc cảnh quan điển hình.
Để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, quận Hoàn Kiếm đã triển khai thực hiện thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm Hà Nội, tạo không gian vui chơi, tổ chức sự kiện cho cộng đồng dân cư giao lưu giữa du khách trong và ngoài nước. Đây là sản phẩm văn hóa đặc biệt, đồng thời phát huy hiệu quả các giá trị cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình. Quận cũng đã triển khai đề án Phố Sách Hà Nội để từng bước phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Cho tới nay, Phố Sách đã trở thành không gian giao lưu văn hóa, giới thiệu sách; là nơi tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, văn hóa, nghệ thuật phục vụ công chúng và những người yêu sách Thủ đô.
Bên cạnh đó, UBND quận Hoàn Kiếm còn phối hợp với Korea Foundation (Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc) và UN-Habitat (Chương trình định cư con người Liên hợp quốc) tại Việt Nam ra mắt không gian phố bích họa Phùng Hưng (năm 2018); phối hợp với các tổ chức xã hội triển khai dự án cải tạo không gian tổ 16, tuyến bờ vở sông Hồng thuộc phường Phúc Tân thành một sân chơi cộng đồng cho bà con tổ dân phố. Hiện nay, quận đang tiếp tục triển khai dự án trên tại khu vực bờ vở thuộc phường Chương Dương; tu bổ một số di tích lịch sử văn hóa, chỉnh trang khu vực hồ Hoàn Kiếm và mặt đứng 1 số tuyến phố như Lãn Ông, Tạ Hiện…Ngoài ra, quận còn triển khai Đề án xây dựng Trang thông tin 360O phục vụ công tác quản lý, quảng bá và giới thiệu các hình ảnh, hoạt động về thương mại, dịch vụ, du lịch và giới thiệu di tích lịch sử văn hóa của quận một cách chân thực, đa dạng và hấp dẫn. Trang thông tin này kỳ vọng sẽ trở thành một kênh truyền thông chính thống của quận Hoàn Kiếm.
Phương hướng, kế hoạch của quận Hoàn Kiếm để phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Ông Phạm Tuấn Long: Trong giai đoạn tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục tập trung phát huy những lợi thế của quận và định hướng phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. quận tập trung vào những nội dung theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố như: Phát triển văn hóa gắn liền với phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu; tiếp tục quảng bá văn hóa, con người Hà Nội, Việt Nam ra thế giới; tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chăm lo kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những người làm công tác văn hóa; nâng cấp cơ sở hạ tầng về công nghiệp văn hóa và các mô hình tổ chức để các sản phẩm công nghiệp văn hóa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, trí thức, nhân dân trên địa bàn quận.
Quận cũng sẽ lựa chọn xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng để Hoàn Kiếm quảng bá cho ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội trên toàn quốc, thu hút đầu tư trong nước; kết nối các hoạt động xây dựng thị trường trong các lĩnh vực khác nhau để gia tăng hình ảnh và phát triển thị trường cho các hoạt động về công nghiệp văn hóa; tăng cường tổ chức các cuộc triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghiệp văn hóa; xây dựng đề án quy hoạch, bố trí quỹ đất, đầu tư cho các dự án phát triển công nghiệp văn hóa...; bảo tồn, phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm; đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển, thúc đẩy bảo tồn, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế (sáng tạo), quảng cáo... tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp văn hóa địa phương gắn với phát triển du lịch; mở rộng các hoạt động giao lưu đối ngoại và hợp tác quốc tế về văn hóa, tập trung nâng cao hiệu quả công tác giao lưu, đối ngoại văn hóa, hợp tác với các nước đã có mối quan hệ trước đây...
Trân trọng cảm ơn ông!