Sự kiện & Bình luận

“Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới

Hoa Quỳnh 16:08 13/12/2024

Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.

Theo hai chuyên gia kể trên, mô hình quản trị đô thị ở thành phố Hà Nội khác với các mô hình quản trị đô thị ở các quốc gia trên thế giới ở chỗ: Đảng lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác của các cơ quan thuộc mô hình quản trị đô thị; các cơ quan trong mô hình quản trị đô thị ở thành phố Hà Nội phối hợp, hợp tác chặt chẽ để hướng tới hoàn thành mục tiêu chính trị, kinh tế và xã hội.

do-thi-thong-minh.jpeg
Phối cảnh Thành phố thông minh Bắc Hà Nội với Tháp tài chính 108 tầng ở vị trí trung tâm.

Với truyền thống thực hiện trong 70 năm qua và trên cơ sở vận dụng những thành tựu tốt nhất trong hiện tại, mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam phải hàm chứa 5 nội dung cốt lõi sau:

1. Đảm bảo sự hiện hữu và khai thác hiệu quả những yếu tố cốt lõi của một đô thị hiện đại như hạ tầng đồng bộ có tính kết nối cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng cho phát triển đô thị thông minh, con người là trung tâm của sự phát triển

Mô hình quản trị đô thị ở thành phố Hà Nội trong thời gian tới sẽ tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp với hệ thống thể chế mới, yêu cầu mới của sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Theo đó, mô hình quản trị đô thị ở thành phố Hà Nội trong tương lai sẽ phải tạo dựng không gian cho sự phát triển của những yếu tố cốt lõi của một đô thị hiện đại.

Các yếu tố cốt lõi bao gồm hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ có tính kết nối cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng cho sự phát triển của đô thị thông minh, và quan trọng nhất là con người là trung tâm của sự phát triển ở Thủ đô Hà Nội. Thông qua hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ có tính kết nối cao, các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội không chỉ phục vụ cho sự phát triển của Hà Nội mà còn là cơ hội phát triển cho các địa phương khác khi kết nối với Hà Nội. Trên nền tảng của sự kết nối, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là động lực phát triển chính của thành phố, là nền tảng để đổi mới, hoàn thiện mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô.

Chỉ có khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thì mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô mới không ngừng phát triển và sáng tạo những không gian, phạm vi mới cho các hoạt động kinh tế - xã hội của Thủ đô tiếp tục phát triển, đa dạng hóa và đa phương hóa. Trong tương lai, những công nghệ hàng đầu như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật sẽ không chỉ khiến cho mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô Hà Nội không ngừng phát triển mà còn gia tăng hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện các chính sách phát triển mới.

Tất cả những điều nói trên sẽ trở thành hiện thực và có ý nghĩa khi xác định con người mới là trung tâm của sự phát triển. Khi mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô Hà Nội lấy phục vụ người dân làm trọng tâm, gia tăng phúc lợi xã hội cho người dân của Thủ đô nói riêng và mọi miền trong nước, quốc tế có kết nối, gắn bó với Thủ đô nói chung thì mới có thể phát triển nhanh, bền vững và hài hòa lợi ích của các bên có liên quan.

2. Phát triển phương tiện giao thông công cộng phải là trụ cột trong hệ thống các mục tiêu đầu ra của mô hình quản trị đô thị ở thành phố Hà Nội

Để có thể thực hiện phương tiện giao thông công cộng là trụ cột thì mô hình quản trị đô thị ở Hà Nội phải đặt trọng tâm của việc sử dụng công cụ quy hoạch đô thị vào việc xây dựng khối công trình tổng hợp bao gồm: khu vực dân cư, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí xung quanh các điểm nút, tuyến giao thông công cộng (như bến xe buýt, ga đường sắt đô thị, ga tàu điện ngầm,…). Việc xác định phương tiện giao thông công cộng là trụ cột của hệ thống các mục tiêu đầu ra của mô hình quản trị đô thị ở thành phố Hà Nội sẽ không chỉ đảm bảo gia tăng hiệu quả phục vụ cho người dân thành phố mà còn làm giảm lượng khí thải, cải thiện chất lượng môi trường đô thị và tạo ra thói quen sử dụng dịch vụ công của người dân ở thành phố Hà Nội.

duong-sat-3.jpg
Hà Nội vừa chính thức vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Cùng với định hướng phát triển thành phố Hà Nội theo mô hình đa trung tâm kết hợp với mạng lưới đô thị thì việc phát triển phương tiện giao thông công cộng sẽ phải được đảm bảo trong quá trình thực hiện mô hình quản trị đô thị ở thành phố Hà Nội trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Không những vậy, còn tạo nên sự thân thiện với môi trường, tăng tính hiệu quả trong sử dụng các nguồn lực của thành phố và quan trọng hơn cả là hướng tới người dân để thực sự cung ứng các dịch vụ tiện ích nhằm gia tăng phúc lợi xã hội cho từng người dân ở Thủ đô.

3. Phân cấp, phân quyền giữa các lớp quản trị phù hợp với xu hướng phát triển của mạng lưới đô thị, đa trung tâm và các thành phố, đô thị vệ tinh

Mô hình quản trị đô thị ở thành phố Hà Nội phải đảm bảo việc phân cấp, phân quyền giữa các lớp quản trị phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố. Chính vì vậy, phân cấp, phân quyền giữa các lớp quản trị phải rõ ràng, minh bạch, không có vùng xám thì mới có thể đảm bảo được sự vận hành thống nhất, nhất quán giữa lớp quản trị cấp trên và cấp dưới. Thông qua phân cấp, phân quyền, các lớp quản trị sẽ chịu trách nhiệm trong việc cung ứng dịch vụ cho người dân và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ một cách thuận tiện; qua đây, có thể phân việc quản trị ở đô thị thành các tuyến việc theo từng cấp và quyền hạn khác nhau để tránh việc giao thoa, chồng lấn giữa các đơn vị, các cấp chính quyền, các lớp quản trị và các bên có liên quan.

Xác định rõ những ngành, lĩnh vực, công việc cần thúc đẩy phân cấp, phân quyền nhưng cũng cần nhất quán là không phải việc gì cũng phân cấp, phân quyền. Chỉ thực hiện khi việc phân cấp, phân quyền gia tăng hiệu lực, hiệu quả của mô hình quản trị đô thị ở thành phố Hà Nội và khiến phúc lợi xã hội của người dân ở thành phố được tăng lên. Số lượng dịch vụ công cung ứng cho người dân được gia tăng, chất lượng được nâng lên nhưng chi phí mà người dân phải gánh chịu sẽ giảm xuống.

Trong các bài viết, bài nói của Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng chí Tổng Bí thư đã định hướng các giải pháp, trong đó có: Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển kinh tế số, xây dựng công dân số.

4. Phải được thiết lập trên nền tảng của công nghệ số hóa và không ngừng ứng dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin

Các chủ thể của mô hình quản trị đô thị ở thành phố Hà Nội trong kỷ nguyên mới sẽ bao gồm: Ủy ban Nhân dân và Hội đồng Nhân dân; tổ chức chính trị - xã hội đang hoạt động ở thành phố; các cộng đồng xã hội trên các nền tảng internet... Trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng lần thứ tư, chuyển đổi số quốc gia, việc ứng dụng các thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin (trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và công nghệ in 3D) sẽ làm thay đổi căn bản mô hình quản trị đô thị ở Hà Nội nói riêng và các địa phương khác nói chung.

Việc hệ thống máy tính ngày một mạnh mẽ hơn về công suất, rẻ hơn về giá thành, nhiều lĩnh vực ra quyết định của mô hình quản trị đô thị đã được các máy tính hỗ trợ bằng việc thu thập, xử lý dữ liệu và đề xuất các giải pháp, các AI đã có thể tự suy nghĩ được phần nào công việc nếu được huấn luyện kỹ lưỡng; đồng thời, công nghệ in 3D đã giúp cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhanh hơn rất nhiều so với cách thức truyền thống. Internet vạn vật đã giúp cho cơ quan kiểm tra, giám sát phát hiện những vấn đề ngay từ khi mới xuất hiện để có thể triển khai những giải pháp ngăn ngừa, xử lý sớm.

cabinet-1-.jpg
Ngày 28/6/2024, UBND Thành phố Hà Nội đã ra mắt nền tảng họp không giấy tờ (I-Cabinet) tích hợp phòng họp thông minh.

Cùng với tiến trình phát triển của cách mạng công nghệ 4.0, nhiều thành tựu của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng và các ngành khoa học và khoa học công nghệ khác nói chung sẽ được ứng dụng nhanh chóng vào quá trình quản trị đô thị. Các nghiên cứu khoa học và nghiên cứu khoa học công nghệ đã hướng vào giải quyết những vấn đề cụ thể khi mà hệ thống các công cụ thu thập và xử lý dữ liệu cho phép thực hiện những công việc phức tạp trong thời gian ngắn.

Hơn nữa, với sự hỗ trợ của các thành tựu khoa học công nghệ mới nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nhà khoa học xã hội và nhân văn sẽ có thể nghiên cứu và triển khai những công trình nghiên cứu về nghệ thuật quản lý, quản trị đô thị và các lĩnh vực có liên quan một cách chuyên sâu hơn, giải thích những vấn đề quản trị đô thị ở mức độ sâu sắc hơn. Điều đó khiến cho quá trình ra quyết định quản trị đô thị của thành phố Hà Nội trong tương lai sẽ trở nên tốt hơn và liên tục được phát triển đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác quản trị đô thị ở thành phố Hà Nội.

5. Phải đảm bảo tính kết nối với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước cũng như với quốc tế

Trong tương lai, cũng như hiện tại, thành phố Hà Nội không thể phát triển một mình; thay vào đó, Hà Nội phải là một thành phố của sự kết nối toàn cầu, trung tâm kết nối địa phương về kinh tế - văn hóa - chính trị - xã hội. Việc kết nối được thực hiện một cách dễ dàng, thuận lợi khi và chỉ khi hệ thống quản trị đô thị ở thành phố Hà Nội tạo môi trường thúc đẩy sự kết nối. Kết nối giữa thành phố Hà Nội với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Hồng và trên cả nước cần được hiểu không chỉ kết nối về giao thông, liên lạc mà còn kết nối cả về kinh tế - văn hóa - chính trị - xã hội.

Điều đó có nghĩa là cần phải đặt sự phát triển của thành phố Hà Nội trong mối tương quan với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; sự phát triển của thành phố Hà Nội phải được gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của toàn vùng và cả nước bằng việc lan tỏa những kinh nghiệm tốt trong quá trình thực hiện mô hình quản trị đô thị ở thành phố Hà Nội.

Hội nhập kinh tế quốc tế là tất yếu, do đó mô hình quản trị đô thị ở thành phố Hà Nội cũng cần được vận hành để đảm bảo tính kết nối quốc tế. Mở rộng, lựa chọn các đối tác quốc tế là điều mà hệ thống quản trị đô thị ở thành phố Hà Nội phải đưa ra quyết định dựa trên lợi ích của thành phố, phúc lợi xã hội của người dân. Tạo môi trường thuận lợi cho việc kết nối với quốc tế nhưng không phải tạo ra môi trường thông thoáng ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh con người, trật tự xã hội, an toàn của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các hoạt động kinh doanh. Điều đó đòi hỏi mô hình quản trị đô thị ở Hà Nội phải thực hiện các hoạt động dựa trên phương châm “hành động địa phương, suy nghĩ khu vực, tầm nhìn toàn cầu”./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
“Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO