Hoàn thiện chính sách pháp lý phát triển văn học, nghệ thuật bước vào kỷ nguyên mới
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định).
Gỡ điểm nghẽn để đáp ứng thực tiễn
Ngày 14/2/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác (sau đây gọi là “Nghị định số 21/2015/NĐ-CP”).
Đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...
Tổng Bí thư Tô Lâm
Nghị định số 21/2015/NĐ-CP có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.
“Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ra đời đã góp phần xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chính sách thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Những năm tiếp theo, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nói riêng, góp phần xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa” – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh về sự cần thiết của việc ban hành văn bản.
Quá trình tổng kết thi hành pháp luật về nhuận bút, thù lao (tiền bản quyền) đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác cũng như lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy một số vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành cần phải được nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về thành phần sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
Đồng thời cần phân chia hợp lý các mức và khung nhuận bút, thù lao (tiền bản quyền) để phù hợp với khả năng ngân sách của từng bộ, ngành, địa phương và đảm bảo phù hợp công sức đóng góp của các thành phần sáng tạo; vấn đề đưa vào khai thác, sử dụng các quyền tác giả, quyền liên quan mà Nhà nước là đại điện chủ sở hữu hoặc đại diện quản lý; việc quản lý, sử dụng khoản tiền bản quyền thu được từ khai thác, sử dụng này; hay việc chi trả nhuận bút (tiền bản quyền) khuyến khích…
Từ những lý do nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP là cần thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Tạo động lực để văn hóa nghệ thuật tự tin bước vào kỷ nguyên mới
Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP gồm 3 điều: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP; Điều 2. Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ, điểm, khoản, điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP; Điều 3. Điều khoản thi hành.
Về việc sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 4 về nguyên tắc trả tiền bản quyền: sửa đổi quy định việc xác định mức tiền bản quyền, việc phân chia tiền bản quyền giữa các đồng chủ sở hữu quyền tác giả; mở rộng quy định về trả tiền bản quyền khuyến khích trong giai đoạn sáng tạo tác phẩm và giai đoạn tác phẩm được khai thác, sử dụng mà có lợi nhuận; sửa đổi quy định về trả tiền bản quyền đối với trường hợp làm tác phẩm phái sinh; bổ sung quy định nguyên tắc về trường hợp tác phẩm được khai thác, sử dụng thì tiền bản quyền và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận trên cơ sở doanh thu bán vé, lợi nhuận thu được (nếu có), đồng thời quy định việc quản lý, sử dụng khoản tiền bản quyền thu được trong trường hợp này.
Sửa đổi, bổ sung Điều 5 về tiền bản quyền đối với tác phẩm điện ảnh: bỏ quy định loại hình “phim phóng sự” và bổ sung “phim kết hợp nhiều loại hình” để phù hợp với định nghĩa “phim” quy định tại Luật Điện ảnh năm 2022; sửa đổi các chức danh họa sĩ, bổ sung chức danh quay phim, biên tập phim và nâng một số mức tiền bản quyền tương ứng đối với loại hình “phim truyện”. Bổ sung chức danh biên tập phim và nâng mức tiền bản quyền của người dựng phim đối với loại hình “phim tài liệu, phim khoa học”; sửa đổi một số chức danh họa sĩ đối với loại hình “phim hoạt hình”, phù hợp với thực tiễn việc sản xuất phim hiện nay; bổ sung quy định nguyên tắc trả tiền bản quyền đối với đối tượng mới là “phim kết hợp nhiều loại hình”.
Sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3 Điều 6: tiền bản quyền khuyến khích đối với tác giả tác phẩm điện ảnh sẽ do Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước đánh giá, xác định; việc trả tiền bản quyền cho diễn viên điện ảnh và những người thực hiện công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh theo định mức kinh tế - kỹ thuật, trường hợp không có thì thực hiện theo hợp đồng thỏa thuận.
Sửa đổi, bổ sung Điều 8 về tiền bản quyền khi trưng bày, triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh: bổ sung 1 mục quy định quy mô trưng bày, triển lãm cấp “quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh” thì mức tỷ lệ % hưởng tiền bản quyền bằng khoảng ½ mức tỷ lệ % áp dụng đối với quy mô “tỉnh, thành phố”, phù hợp với thực tiễn chi trả tại các địa phương hiện nay; sửa đổi quy định trường hợp trưng bày, triển lãm không mang tính thương mại thì tiền bản quyền do các bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn 50% của mức thấp nhất và không vượt quá mức cao nhất của biểu mức; bổ sung quy định trường hợp tác phẩm nhiếp ảnh phái sinh.
Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 12 về các quy định khác về tiền bản quyền đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác: bổ sung một số chức danh hưởng tiền bản quyền đối với tác phẩm sân khấu, âm nhạc, múa, chương trình nghệ thuật tổng hợp, quy định dẫn chiếu theo định mức kinh tế - kỹ thuật, trường hợp không có thì thực hiện theo hợp đồng thỏa thuận; bổ sung quy định trường hợp các tác phẩm được sáng tạo độc lập trong chương trình nghệ thuật tổng hợp thì có thể áp dụng quy định về chi trả tiền bản quyền cho các loại hình tác phẩm tương ứng tại Điều 10, Điều 11 của Nghị định này (ví dụ: tác phẩm múa, âm nhạc,…).
Ngoài ra, còn quy định việc bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, bãi bỏ Điều 3 của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP để phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP và thực tiễn thi hành; Quy định điều khoản thi hành.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, nội dung Dự thảo Nghị định về cơ bản kế thừa các quy định có tính ổn định, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn thi hành Nghị định số 21/2015/NĐ- CP trong thời gian qua. Những sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Nghị định là cần thiết nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi của văn bản, động viên khuyến khích văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo tác phẩm có giá trị, do đó, cần tăng thêm nguồn tài chính để thi hành.
Những quy định trong Dự thảo Nghị định về cơ bản không làm phát sinh thêm các yêu cầu phải đáp ứng về nguồn nhân lực để thực hiện, mà chỉ cần tiếp tục sử dụng và duy trì nhân lực hiện có. Ngoài ra, sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành, sẽ có một số các hoạt động. Chi phí cho các hoạt động trên sẽ được dự toán chi từ nguồn ngân sách Nhà nước. Việc thực hiện các hoạt động này không làm phát sinh đáng kể chi phí cho quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan./.