Hà Nội

Từ giao thông thông minh đến mục tiêu “Hà Nội - Thành phố thông minh”

Trung Kiên 14:16 13/12/2024

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Giao thông thông minh trên địa bàn Thành phố. Triển khai Đề án này, Hà Nội sẽ hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, “Hà Nội - thành phố thông minh” trong tương lai gần, góp phần làm nền tảng để Thủ đô cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tạo dựng Hà Nội - thành phố thông minh

Thủ đô Hà Nội với quy mô diện tích khoảng 3.358,6 km² và dân số tính đến hết năm 2024 là khoảng 8,5 triệu dân được xác định là một trong những thành phố có số lượng dân cư và mật độ cao của cả nước nên giao thông Hà Nội có tầm quan trọng lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hành khách, hàng hóa ngày một tăng.

giao-thong-thong-minh.jpg
Các nền tảng và trụ cột phát triển Hệ thống giao thông thông minh ITS thành phố Hà Nội.

Theo quy hoạch định hướng phát triển Thủ đô trong thời gian tới đến năm 2030 dân số 12 triệu người, diện tích đất xây dựng đô thị 90.000ha; đến năm 2045 dân số 14,6 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị 120.000 ha. Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm của Chính phủ cũng như những nỗ lực vượt bậc của nhân dân, các cấp chính quyền thành phố, Hà Nội bước đầu đã xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải theo quy hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông.

Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống giao thông vận tải hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường,… là những thách thức lớn với các cơ quan quản lý giao thông thành phố. Giải pháp hiệu quả cho những bài toán đó là ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông. Đó chính là nội hàm của hệ thống giao thông thông minh, xu hướng phát triển của tất cả các hệ thống giao thông các nước.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 về Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Qua kinh nghiệm thực tiễn triển khai trên thế giới cho thấy việc hình thành phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) giữ vai trò quan trọng, có tính nền tảng và là một trong các trụ cột chính của Thành phố thông minh (không thể có được thành phố thông minh nếu không phát triển được hệ thống giao thông thông minh).

duong-sat-3.jpg
Tuyến đường sắt đô thị trên cao đoạn Nhổn - Ga Hà Nội vừa được đưa vào vận hành thương mại. (Ảnh: MRB).

Như vậy, việc triển khai Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” sẽ giải quyết các tồn tại, hạn chế hiện nay, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới và là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, điều hành giao thông.

Rõ lộ trình, mục tiêu

Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn Thành phố Hà Nội” đã nêu rõ lộ trình và định hướng phát triển Hệ thống giao thông thông minh ITS. Theo kinh nghiệm thế giới, việc phát triển hệ thống ITS được hình thành phát triển qua 3 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 1 (kiện toàn hình thành); Giai đoạn 2 (mở rộng và phát triển); Giai đoạn 3 (phát triển bền vững). Trên cơ sở đánh giá thực tiễn của Thành phố Hà Nội kết hợp với ý kiến tham gia góp ý của 3 tập đoàn VNPT, Viettel, FPT đề xuất lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của Thành phố theo 3 giai đoạn: 2025-2027; 2028 – 2030 và giai đoạn 2030 trở về sau.

Trong giai đoạn 2025 – 2027, Đề án đặt mục tiêu hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội, bao gồm bộ phận quản lý điều hành giao thông thông minh với giai đoạn đầu khai thác 9/12 chức năng: Giám sát giao thông; Cung cấp thông tin giao thông; Điều khiển giao thông; Hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; Quản lý giao thông công cộng; Quản lý đỗ xe; Quản lý sự cố; Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; Quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.

giao-thong-thong-minh-2.jpg
Lộ trình phát triển Hệ thống giao thông thông minh ITS thành phố Hà Nội.

Giai đoạn 2 (2028-2030), Hà Nội mở rộng phạm vi, vùng hoạt động đối với 9 chức năng hiện hữu đã hình thành trong giai đoạn 1. Hoàn thiện, đưa vào khai thác vận hành đủ 12/12 chức năng theo yêu cầu của hệ thống giao thông thông minh (bổ sung 3 chức năng còn lại là Quản lý vận tải; Quản lý nhu cầu (thu phí nội đô); Mô phỏng giao thông). Tích hợp toàn bộ các hoạt động liên quan đến quản lý, điều hành giao thông Thành phố tại trung tâm.

Đến giai đoạn 3 (từ sau 2030), Thành phố sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông thông minh, kết hợp đồng bộ cùng sự phát triển của hạ tầng giao thông, tạo nên di chuyển thông minh trong thành phố thông minh, đưa Hà Nội trở thành có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực.

Tác động tích cực cho tất cả các chủ thể liên quan

Kinh nghiệm thế giới và một số thành phố trong nước cho thấy, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh tạo ra các tác động to lớn, theo hướng tích cực cho tất cả các chủ thể liên quan.

Đối với phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, hệ thống giao thông là mạch máu của bất kỳ nền kinh tế nào, Hà Nội là Thủ đô của quốc gia, lại đang trong giai đoạn phát triển thành đô thị thông minh, vì vậy cần thiết phải có một hệ thống giao thông an toàn, văn minh, tiện lợi.

Hệ thống giao thông thông minh ITS thành phố giúp cho giảm ùn tắc giao thông, việc di chuyển được thuận lợi, an toàn, hiệu quả. Thông qua đó lưu thông hàng hóa logistic của các doanh nghiệp trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn, cải thiện hơn chất lượng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho cư dân Thủ đô. Việc cung cấp một dịch vụ hạ tầng giao thông thông minh, tiện lợi cũng sẽ có tác động tích cực đến việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa bàn Thành phố đặc biệt là đầu tư vào các mô hình kinh tế mới, cải thiện hơn nữa chất lượng thu hút FDI và cơ cấu kinh tế của Thành phố nói chung.

he-thong-giao-thong-thong-minh20.jpg
Nhân viên tại Trung tâm điều hành Giao thông thông minh Hà Nội vận hành hệ thống giao thông thông minh ITS.

Thông qua hiệu quả tăng cường an toàn, giảm thiểu ùn tắc giao thông, hệ thống giao thông thông minh giúp cho người lao động tiết kiêm thời gian đi lại, lao động hiệu quả hơn. Không những vậy, nhờ đó vấn đề ô nhiễm môi trường do các phương tiện giao thông gây ra cũng được cải thiện. Hơn nữa, hệ thống giao thông thông minh thành phố Hà nội hướng tới di chuyển bền vững, xanh, dần chuyển đổi sang các phương thức thân thiện môi trường như sử dụng giao thông công cộng là chính, khuyến khích đi bộ, xe đạp,… góp phần thành phố Hà Nội trở nên xanh, văn minh.

Đối với quản lý, điều hành giao thông, hệ thống giao thông thông minh, trên hết, mang lại đổi mới phương thức quản lý, điều hành giao thông, không phải chỉ là một tập hợp các ứng dụng nhỏ, lẻ. Phương thức quản lý, điều hành giao thông mới này chính là nội dung quan trọng của Chuyển đổi số trong giao thông thông qua làm giàu dữ liệu, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu. Môi trường làm việc số đòi hỏi thay đổi tổ chức, cơ chế, cách thức thực hiện các nhiệm vụ quản lý điều hành giao thông vận tải Thủ đô: điều khiển giao thông, quản lý cơ sở hạ tầng, quản lý, điều hành giao thông công cộng, giám sát thực thi các quy định giao thông, …

Việc ứng dụng hệ thống giao thông thông minh tác động đến công tác quản lý, điều hành giao thông thành phố thể hiện qua các nội dung: Quản lý, điều hành tập trung trên nền tảng số thông qua Trung tâm điều khiển giao thông thông minh, kết nối các thành phần chức năng; Giám sát hệ thống giao thông trực quan, điều khiển giao thông tự động, từ xa; Quản lý, điều hành giao thông công cộng tập trung, tích hợp các phương thức vận tải; Quản lý ứng phó các sự cố nhanh chóng, kịp thời; Quản lý cơ sở hạ tầng giao thông hiệu quả, minh bạch; Tự động giám sát, phát hiện các vi phạm quy định giao thông.

he-thong-giao-thong-thong-minh-6.jpg
Xây dựng hệ thống giao thông thông minh tạo ra các tác động to lớn, theo hướng tích cực cho tất cả các chủ thể liên quan.

Đối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp thụ hưởng dịch vụ phát triển hệ thống giao thông thông minh thành phố gồm hai dạng: doanh nghiệp sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp đầu tư xây dựng, khai thác hệ thông giao thông thông minh. Với các doanh nghiệp nói chung, hệ thống giao thông thông minh giúp các doanh nghiệp vận chuyển nguyên, vật liệu, hàng hóa, sản phẩm,… nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí. Với các doanh nghiệp đầu tư, khai thác, hệ thống giao thông thông minh tạo ra một thị trường lao động mới: thiết kế, chế tạo các thiết bị, cung cấp các giải pháp, ứng dụng, vận hành, khai thác, bảo trì,… Đặc biệt, hệ thống giao thông thông minh tạo ra nguồn dữ liệu số mới, khổng lồ, là nguồn tài nguyên mới cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm gia tăng giá trị.

Đối với người dân, hệ thống giao thông thông minh đem lại cho người dân chất lượng dịch vụ tốt hơn, nâng cao vai trò người dân trong tham gia vào công việc quản lý, điều hành giao thông thành phố. Người dân được đảm bảo nhận biết thông tin đầy đủ về hệ thống giao thông, các dịch vụ cung cấp, hỗ trợ lập kế hoạch chuyến đi đúng mong muốn, hiệu quả. Khi thực hiện chuyến đi được hỗ trợ thông tin tối đa để di chuyển an toàn, nhanh chóng. Đồng thời, người dân được tương tác với cơ quan quản lý, cung cấp thông tin giao thông, phản ánh các sự cố, đề nghị trợ giúp…/.

Bài liên quan
  • Thông qua Đề án giao thông thông minh tại Hà Nội
    Ngày 19/11, tại Kỳ họp thứ 19, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội."
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Từ giao thông thông minh đến mục tiêu “Hà Nội - Thành phố thông minh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO