Tác giả - tác phẩm

Phong Điệp nhà văn tuổi rồng và những đam mê sáng tạo

Nhà văn Lê Phương Liên 08:49 03/02/2024

Tôi quen biết nhà văn Phong Điệp từ những năm 2007, 2008. Khi ấy Phong Điệp đang làm việc ở báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) và là chủ nhân trang web phongdiep.net. Là người thuộc thế hệ viết bằng bút mực có tác phẩm đầu tay lúc 20 tuổi, tôi háo hức muốn tìm hiểu và kết bạn với một tác giả sinh sau mình 25 năm (Phong Điệp sinh năm 1976), viết bằng bàn phím máy tính và cũng có cuốn sách đầu tay lúc 20 tuổi (tập truyện ngắn “Khi ta hai mươi”, Nxb Trẻ, 1996).

Hơn nữa, khi 30 tuổi, Phong Điệp đã là chủ một trang web văn học mà ở thời điểm đó và với tôi, thành tựu của Phong Điệp quả thật là một “kỳ tích”.

Và từ đó, tôi đã đồng hành với Phong Điệp trong nhiều hoạt động văn học suốt 15 năm qua. Khi hiểu Phong Điệp hơn, tôi càng mến phục con người mang đầy đam mê, nhiệt huyết với văn học cùng một ý chí bền bỉ, tha thiết thực hiện niềm đam mê ấy trong hành trình chưa có điểm dừng.

phong-diep-3.jpg

Phong Điệp sinh ra và lớn lên tại Nam Định, sớm có thiên hướng văn học từ khi còn bé. Cũng bởi ham đọc sách văn học nên niềm khao khát muốn viết để thể hiện tình cảm của mình với cuộc sống và con người đã nảy nở từ khi Phong Điệp còn nhỏ. Trong một lần trả lời báo chí, Phong Điệp từng tâm sự: “Niềm hạnh phúc được viết của một đứa trẻ lên mười thật là khó diễn tả…”. Từ việc say mê đọc và viết, Phong Điệp đã trở thành học sinh chuyên văn ngay khi còn là học sinh tiểu học và là một trong những học sinh nổi bật tại trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong danh tiếng của tỉnh Nam Định. Khi tờ báo Hoa học trò ra đời, Phong Điệp đã là cây bút tuổi hoa của báo, rồi trở thành thành viên Hội bút Hương đầu mùa.
Ước mơ “được viết” từ khi lên mười đã được cô thiếu nữ Phong Điệp thực hiện thành những truyện ngắn, tản văn đầu đời. Tốt nghiệp trường Đại học Luật Hà Nội, năm 1998 Phong Điệp về công tác tại báo Văn nghệ. Con đường văn học chuyên nghiệp của Phong Điệp có thể được xác quyết từ dấu mốc này, khi Phong Điệp 22 tuổi. Từ đó đến nay, Phong Điệp đã là tác giả của 30 đầu sách thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết và phê bình tiểu luận.
Vừa làm báo, vừa viết văn, vừa là người vợ, người mẹ của gia đình hạnh phúc có hai cô con gái ngoan ngoãn và học giỏi. Có thể nói Phong Điệp đã sống rất mạnh mẽ cả ở đời thường và trong sự nghiệp văn học. Cuộc sống gia đình và sự nghiệp văn học của Phong Điệp không hề bị đối lập giằng xé mà gắn bó với nhau, bổ trợ cho nhau. Ta có thể thấy thấp thoáng trong từng cuốn sách là những câu chuyện gần gũi, quen thuộc của Phong Điệp ở đời thực như: “Nhật ký sẻ đồng, chào bé” (2011); “Những rắc rối ở trường mầm non”(2013); “Chúng mình làm bạn với con nhé” (2014); “Nhật ký sẻ đồng” (2019); “Cùng con vượt “bão” tuổi teen” (2019)… Phong Điệp đã dành những trang viết về chuyện riêng của mình, về các con của mình để trò chuyện và tâm sự với mọi người về một câu chuyện chung: chuyện về trẻ em. Phong Điệp giãi bày những tâm sự làm mẹ của mình với những người mẹ khác. Bạn đọc được soi chiếu bản thân vào trang viết của nhà văn để rồi tìm thấy sự đồng cảm trong những cảnh ngộ tương hợp.

1img_2132.jpg

Không chỉ kể chuyện cuộc sống của mình, Phong Điệp luôn có ý thức quan sát và miêu tả cuộc sống xung quanh. Điều này thể hiện rõ trong những tác phẩm của Phong Điệp như tập truyện ngắn “Ma mèo” (1997), “Người phía bên kia đường” (2000), “Phòng trọ” (2001) và truyện dài “Lạc chốn thị thành” (2005)…

Ngòi bút của nhà văn Phong Điệp khi viết về tình người rất sắc nét, tinh tế và kín đáo. Tưởng như rất giản dị mà lại vô cùng sâu đậm khiến người đọc phải “giật nảy mình” là cảm tưởng của tôi khi đọc tác phẩm “Ma mèo” - một truyện ngắn đặc sắc của Phong Điệp viết lúc 21 tuổi. Tác phẩm “Cháo đêm” (trong tập “Có mẹ trong cuộc đời này” Nxb Phụ nữ, 2017) là một tản văn có truyện, có số phận nhân vật. Không chỉ khơi gợi việc thưởng thức một vị quà khuya của người thành thị, Phong Điệp còn khiến người đọc quan tâm sâu sắc tới thân phận những người mưu sinh bằng nghề làm ra những món quà đó.

Đọc tản văn của Phong Điệp, tôi càng hiểu rõ tính cách quyết liệt của nữ nhà văn tuổi rồng này. Một trong những tản văn của Phong Điệp để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc đó là “Tiếng chim gọi bình minh”. Từ lá thư cầu cứu của một nhà giáo ở Bình Long - một nơi heo hút của tỉnh Thái Nguyên, Phong Điệp dám liều thân vượt qua nỗi sợ hãi để đến với nhân vật. Tới Bình Long, cô phóng viên đã trải qua nhiều cung bậc tình cảm khi gặp nữ nhân vật của mình… Đây là một tản văn vô cùng chân thực và sâu sắc, từng câu chữ đã cuốn người đọc vào sự nhiệt huyết của nhà báo Phong Điệp.

“Người phụ nữ nơi ngã tư đường” của Phong Điệp cũng là một tản văn khá lạ. Tác giả nhìn thấy người phụ nữ đứng bán mặt nạ ở ngã tư đường phố, rồi bị ám ảnh suy nghĩ… Sau đó tác giả đã giao lưu, cùng đi, đứng, ra, vào cùng nhân vật trong cơn mưa mù mịt mà vẫn không tìm ra phương hướng cứu bà bán mặt nạ, giúp bà bán hết được số hàng… Và rồi, tình thương con người của tác giả được một phen thử thách, thật, giả bất phân, lòng thiện phân vân… tác giả đi tới “những câu hỏi bỏ ngỏ”…

Phong Điệp trở thành một tác giả văn xuôi sung sức khi đất nước ta bước vào thời kỳ thay đổi nhanh chóng. Làng quê không còn “Làng tôi xanh bóng tre…”, thành phố không còn “Ngõ vắng liêu xiêu một câu thơ…”. Tất cả đã là một đại công trường và đại thương trường. Sự xoắn xuýt của hai mặt: phải/ trái, thiện/ ác, đúng/ sai… như đã quyện với nhau làm một! Nhà văn không thể nhìn một chiều bất cứ sự vật, hiện tượng nào mà phải luôn nhìn nhận đa chiều. Là một tác giả mạnh dạn dấn thân, Phong Điệp đã chia sẻ trên báo chí rằng chị “sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn”.

Tôi trộm nghĩ, thật may khi Phong Điệp học Luật! Nhà văn đã có căn cốt pháp lý để kiến tạo ra những câu chuyện phức tạp, nhận diện những sắc thái ngay thẳng và gian tà rất vi diệu của tâm hồn con người. Cuốn sách “Cuốn sổ máu” mà Phong Điệp ra mắt bạn đọc mới đây tiếp tục là một minh chứng. Không chỉ đưa bạn đọc hồi hộp dõi theo một cuộc phá án hấp dẫn mà hơn thế, qua tác phẩm Phong Điệp muốn chạm tới một chủ đề xoay quanh mối quan hệ của tội ác và con người…

Đến nay, Phong Điệp đã đi được một chặng đường dài với những thành công cùng trăn trở. Con đường phía trước của nhà văn Phong Điệp chắc chắn còn nhiều thách thức mới. Với cá tính riêng và khát vọng sáng tạo không ngừng của Phong Điệp, tôi hi vọng rằng tác giả sinh năm Rồng này sẽ có những tác phẩm xứng đáng với khát vọng của chính nhà văn./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Họa sĩ Xu Man trở thành nguyên mẫu trong tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh
    Lấy cảm hứng từ cuộc đời thực của họa sĩ người Bahnar Xu Man, trên phông nền là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã viết tác phẩm “Con thiêng của rừng”. Sách thuộc tủ sách Văn học thiếu nhi của NXB Trẻ, hướng đến bạn đọc từ 12 tuổi trở lên, nhưng đây cũng là một tác phẩm thú vị đối với người lớn.
  • Ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
    Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cuốn sách do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chỉ đạo biên soạn.
  • “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo về làng nghề thủ công Việt Nam
    NXB Kim Đồng vừa ra mắt bộ sách “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo giới thiệu về các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
    Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Công điện số 118/CĐ-TTg ngày 19/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh. Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
  • MIK Group phát triển dòng sản phẩm cao cấp nhất của thương hiệu Imperia - Imperia Signature
    Nhà phát triển bất động sản MIK Group công bố dự án The Continental, theo tiêu chuẩn Imperia Signature - phiên bản cao cấp nhất của thương hiệu Imperia được phát triển trong suốt 10 năm qua.
Đừng bỏ lỡ
Phong Điệp nhà văn tuổi rồng và những đam mê sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO