Việt Phương: Cỏ dọc đường trần kiên nhẫn sống
Những năm 60 thế kỷ trước, học sinh sinh viên Hà Nội hào hứng và say mê nghe những buổi nói chuyện về lý tưởng sống, về cách rèn luyện bản lĩnh và phẩm chất làm người của diễn giả Việt Phương. Ông là thần tượng của lứa thanh niên chúng tôi hồi ấy, có vốn học thức căn bản vững vàng, vị trí làm việc thuận lợi, tác phong sống gần gũi với đời thường. Và hơn hết, Việt Phương có một cách suy nghĩ bằng trái tim.
Việt Phương, tên khai sinh là Trần Quang Huy, sinh năm 1928 tại Hà Nội, tham gia hoạt động cách mạng từ khi là học sinh trung học. Năm 1944, đang học ban tú tài trường Bưởi thì ông bị Pháp bắt. Pháp đổ, thì Nhật giam. Cách mạng thành công, ông gia nhập đoàn quân Nam tiến bảo vệ Nam Bộ. Năm 1949, khi đang làm việc tại Ban thanh vận Liên khu V, Việt Phương được nhà cách mạng Phạm Văn Đồng phát hiện và xin về làm trợ lý cho ông từ đấy cho đến khi tập thơ “Cửa mở”, bị phê phán (1970).
“Cửa mở” là tập thơ đầu của Việt Phương. Trước khi in “Cửa mở”, Việt Phương đã làm thơ, đã có thơ đăng báo nhưng ông vẫn cứ ngần ngại các bài ông viết đó “đã là thơ chưa””. Trong những ngày quốc tang Hồ Chủ tịch, bài thơ dài tưởng niệm Bác của Việt Phương, “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương”, đã có sức cộng hưởng đặc biệt với nỗi thương tiếc của toàn dân. Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đã thuyết phục Việt Phương soạn in tập thơ đầu. “Cửa mở” ra đời năm 1970 như vậy. Nhưng tập thơ liền bị phê phán cùng quyết định ngừng phát hành. Việt Phương nghiêm chỉnh thi hành quyết định nhưng xin được tranh luận bảo vệ nội dung thơ. Cuộc tranh luận đã không xảy ra. Tổ chức đồng ý để Việt Phương bảo lưu ý kiến. Năm đó, ông vẫn được bầu là đảng viên bốn tốt, vấn đề “Cửa mở” được khoanh lại. Các nhà chính trị và bạn đọc, bạn viết vẫn nguyên lòng quý mến, tin tưởng Việt Phương và càng về sau càng cảm phục cảm quan tiên phong của ông nữa.
Trong tầm hiểu biết rất hạn hẹp của tôi, tôi có cảm giác Thủ tướng và người thư ký của ông là một cặp đôi đồng tâm đồng chí rất tri kỷ, tri kỷ suốt cả đời người. Tôi đã để ý cái cách Việt Phương lắng nghe những điều trò chuyện của Phạm Văn Đồng với văn nghệ sĩ. Không chỉ ghi nhận nội dung trong nghĩa chữ, hình như ông còn nghe thấy cả những điều còn lặn trong ý nghĩ của thủ trưởng mình, chưa hiện ra trong lời. Đó là năng lực cảm nhận của Việt Phương. Nhạy và không bỏ sót. Trong văn chương, năng lực ấy tạo nên điểm trội đầu tiên của chính thơ ông. Ấy là bản lĩnh trung thực, dám thấy những điều không muốn thấy, dám ghi nhận, dám trăn trở với những gì mà nhiều người, kể cả những đấng bậc đương thời, cứ mũ ni che tai cho thuận chèo mát mái cái thân mình. Nội một câu thơ, trong “Cửa mở”, một thời thành tâm điểm bàn tán về sự bình giá táo bạo của người viết:
Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao
Thật ra có bình giá gì đâu. Cái đích của mạch thơ này không ở đấy. Bài thơ viết năm 1969, tám năm sau ngày phi công Liên Xô Yuri Gagarin vượt được sức hút của Trái đất, bay vào vũ trụ. Và có thể sau cả ngày 20/7 cùng năm đó, khi phi công Mỹ Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng. Có thể các sự kiện ấy là dữ kiện tạo nguyên liệu cho câu thơ trên và câu dưới là mạch tư duy khái quát vốn có của cảm hứng thơ. Mạch ngữ pháp của thân xác câu thơ càng cho thấy rõ một khẳng định: ta đã từng trải, kể cả những từng trải thất thiệt, nên ta càng tự tin. Tự tin như Việt Phương đã viết, cũng trong bài thơ đó: Ta có thể nói với quân thù những lời bình tĩnh/ “Tất cả những gì xấu xa của tao là thuộc về mày/ Tất cả những gì tốt đẹp của mày là thuộc về tao”. Ở đây, nếu phê, thì phê cái thái quá tự tin của Việt Phương còn có lý hơn phê ông khủng hoảng niềm tin.
Lại đến câu thơ mà nhiều người nhắc đến để giận dữ hoặc để hả hê:
Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ
Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Cả hai thái cực cảm xúc, giận dữ hay hả hê, đều không phải. Đều chưa đi hết Việt Phương. Hãy đọc tiếp, ngay câu dưới đó, lời bình luận của nhà thơ: Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao. Ông coi đấy là sự ngờ nghệch và ngây thơ (đúng ra là ngây ngô). Ngây ngô vì thiếu hiểu biết. Nhưng đẹp, vẻ đẹp tinh thần: sự tin tưởng. Tin tưởng thành kính và mãnh liệt. Có điều đừng quá “yên tâm” mà kéo dài cái đẹp ngờ nghệch ấy. Thái độ dám nhìn hiện thực như nó vốn có của Việt Phương là thể hiện của ý thức tự tin, là biểu hiện của tính biện chứng tìm vào bản chất các hiện tượng. Tiếc thay cách nhìn ấy chưa thành cách nhìn của tất cả. Khi chủ trương tuyên huấn: “Nghe đài đọc báo của ta/ Không nghe đài địch ba hoa nói càn” mà Việt Phương lại viết: “Mở đài địch như mở toang cánh cửa/ Nghe nó chửi ta mà tin ở ngày mai” thì Việt Phương có bị phê cũng là điều dễ hiểu.
“Cửa mở” tái bản ngay sau Đổi mới (1989). Phải 20 năm nữa, Việt Phương mới đưa xuất bản “Cửa đã mở” (2008). Nhưng sau tập “Cửa đã mở”, thì ông lại liên tiếp xuất bản thơ, có năm đến hai tập như các năm 2009, 2013. Tính đến 2014, trong 7 năm ông đã có 10 tập thơ. Tập “Cửa mở” tái bản tới hai lần. Và năm 2010, ở tuổi 82, ông đã gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam. Trong tập tuyển cả đời thơ Việt Phương, do Hội Nhà văn Việt Nam biên soạn, in năm 2017, đã lấy trọn vẹn tập “Cửa mở” như một dấu ấn văn chương thời điểm ấy. Còn những tập sau, có gạn bớt nhằm tránh trùng lặp chủ đề và những bài còn như phác thảo. Quốc sách Đổi mới làm bùng nổ một cơn say làm thơ, say in thơ của cả nước. Cả nền thơ sầm uất, náo nhiệt. Nhưng hiệu sách lại từ chối bán thơ. Từ chối vì không bán được. Đông người làm thơ nhưng lại vắng người đọc thơ. Bất cập lớn nhất là về thẩm định trong tất cả các khâu: xuất bản, phê bình, giải thưởng… Rất, rất nhiều tập thơ ra đời và qua đời trong sự thờ ơ của người đọc. Nhưng đây lại chính là chặng Việt Phương dồn nhiều tâm trí cho thơ, bộc lộ mình nhiều nhất trong thơ.
Việt Phương quan niệm: “Thơ là kết tinh sáng tạo của tình yêu sự sống và con người thể hiện bằng ngôn ngữ, mà hay và đẹp nhất là hồn nhiên và giản dị”(1). Nghĩa là vì yêu đời yêu người mà làm thơ. Nhưng tình yêu ấy ở Việt Phương đã sớm có sức nặng của trí tuệ, của chiêm nghiệm. Những bài viết khi cuộc chiến chống Mỹ bùng nổ trên cả hai miền, khi trong phe Cộng sản bộc lộ những quan điểm khác nhau khi nhận diện bạn và thù, khi trong đời sống thường ngày của bà con ta bộc lộ nhiều hiện tượng gọi là “tiêu cực”. Thơ Việt Phương không lạc quan nhẹ nhõm như trước mà trầm lại, trĩu nặng những suy nghĩ, những đấu tranh tự vượt. Tỉnh ngộ và vỡ lẽ ra nhiều điều. Nhiều chùm bóng yêu tin sặc sỡ sắc màu mới đó còn tưng bừng bay như vào hội, giờ đây lần lượt nổ vỡ, hoặc lặng lẽ hết hơi. Nhưng đấy là chỗ để trí tuệ vượt lên, để nhận thức dẫn đường, để biết được “trời còn xanh hơn cả trời xanh”. Việt Phương viết như tự thú:
Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin
Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa cả
Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ
Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn
Từ đấy, thơ Việt Phương luôn vận động trên hướng tư tưởng ấy, trả giá đau để học nhìn đúng. Việt Phương dứt khoát ngay từ chỗ bắt đầu. Dám trả giá, dù giá đau, để tìm cái đúng. Việt Phương trong “Cửa mở”: Mọi bất ngờ đều có thể xảy ra nên không còn là bất ngờ nữa. Cái bất ngờ “rắn độc mai phục giữa vườn hoa” không còn làm anh sợ, nơi anh sợ là “rắn nằm mai phục giữa lòng ta”. Đấy là chỗ Việt Phương tự nối dài truy kích cái ác. Biết rắn mai phục giữa vườn hoa thì giữ lành được cho mình (tránh được cái ác). Còn cảnh giác với rắn mai phục giữa lòng mình thì không chỉ là tránh cái ác mà là hoàn thiện mình, giữ lành cho người khác. Tôi nghĩ câu thơ ấy là ranh giới hai chặng ý thức của con người. Việt Phương giàu quan sát, lặn một hơi vào đời sống thường ngày để quan sát. Ông lại là người cả nghĩ, có kinh nghiệm tự đối thoại để lọc ra chân lý. Thơ Việt Phương do vậy thường tìm đến những bạn đọc ham nghĩ ngợi, ham chiêm nghiệm, ham bản lĩnh đối mặt với cái chống lại mình. Việt Phương chắc hẳn nhiều phen phải chấp nhận những bàn thua. Từng trả giá đau kia mà.
Đọc thơ Việt Phương, tôi có thấy những mảnh đau buồn khi ông chạm xa chạm gần vào những thất bại ấy. Có điều ít thấy, hình như không bao giờ, ông xuôi tay. Nếu nỗi buồn là học phí thì sau nỗi buồn ấy ông lại giàu thêm nghị lực, giàu thêm sự khôn ngoan. Việt Phương, như lời bộc lộ, thích thơ hồn nhiên và giản dị. Ông đã giản dị trong diễn đạt thơ và cả trong sinh hoạt thường ngày. Nhưng sự hồn nhiên trong thơ thì ông luôn phải rèn luyện. Điều này có vẻ nghịch lý. Đã hồn nhiên lại rèn luyện thì còn đâu hồn nhiên. Tôi có cảm giác ở Việt Phương rất ít hồn nhiên bản năng, thứ hồn nhiên thật sự là hồn nhiên, tự có và trời cho. Ông là người quen lao động tư duy, mọi hành động đều qua ý thức. Ông ý thức như một bản năng và bản năng ông, phần lớn, do ý thức tạo nên. Đây là một ưu thế của trí tuệ cũng là một trở ngại cho thơ. Tôi chắc Việt Phương tự biết. Biết từ lâu rồi. Ông rất có ý thức rèn mình để có xúc cảm hồn nhiên ngay từ chặng thơ đầu. Nhiều khi ông thành công. Câu thơ thấm thía mà sâu thẳm. Luận về cái sự làm thơ của mình, ông “hồn nhiên”:
Thơ làm như thế là nhanh
Thơ làm đến thế tanh bành cả thơ
Tân hậu hiện đại bơ phờ
Bỏ đại tự sự theo nhờ vô vi
Hồn nhiên thật, chữ đến như do vần nó gọi vào, “tanh bành cả thơ”. Đọc Việt Phương, tôi hay phải sững lại sau những câu thơ, nhưng lại ít được sững lại với toàn bài. Có lẽ do Việt Phương hay xây dựng bài từ chủ đề hơn là từ đề tài. Viết theo đề tài có cái lợi là tạo cho người đọc nhập vào không gian vật chất của bài thơ, không gian ấy dễ chạm vào giác quan. Còn viết theo chủ đề, mỗi mạch thơ như một luồng sáng rọi hội tụ vào nhau mà nên bài. Người đọc nhập vào không gian tư tưởng. Không gian này trừu tượng, nó không chạm vào giác quan. Có lẽ vì thế Việt Phương hay nhồi giác quan vào thân xác của câu chứ không phải vào tứ của toàn bài.
Ở tuổi ông mà viết nhanh đến thế, dù có tanh bành cả thơ thì cũng quý lắm. Mà ông nói thế, chứ đâu có tanh bành. Dễ dãi, trùng chập thì có, có ít nhiều. Nhưng bù lại giọng thơ hồn nhiên hơn, tung tẩy hơn. Ý thơ do vậy cũng bớt đi những lập luận tư biện. Đặc biệt có những câu thơ như một nâng cấp đột biến:
Cỏ dọc đường trần kiên nhẫn sống
Câu thơ ấy là hiện thực khách quan. Nếu chỉ viết đến đấy, mượn cỏ để ngụ ngôn chuyện đời thì bài thơ mới chỉ tác động vào trí, vào suy tưởng. Nhưng ở đây còn có thân phận, kiên nhẫn sống. Tiếng reo lúc chung cục Cửa đã mở rồi từ cửa mở làm vỡ lẽ câu chuyện:
Một giọt tin yêu thả vào đời
Rụt rè tha thiết gửi xa xôi
Lầm lũi trong sương tìm nhặt nắng
Bơ vơ đông đảo giữa ngàn khơi
Cỏ dọc đường trần kiên nhẫn sống
Khiêm cung hạt cát dưới chân người
Cửa đã mở rồi từ cửa mở
Sáng một niềm lan đến cuối trời
Bài thơ có tám câu mà có tên tới tám tập thơ của Việt Phương, 8/10, vô tình hay dụng tâm ký thác. Chiếu lên hai câu thơ đầu thấy rõ hơn trong mạch trữ tình kín đáo: nông nỗi Việt Phương, do chính tác giả, lần đầu tiên tự bạch. Bài thơ ghi nhận bước phát triển của bút pháp Việt Phương, chuyển không gian tư tưởng sang không gian cảm xúc, khi ấy “cái tôi” của ông có mặt nhiều hơn, thay cho cái ta thích lý sự và ngại bộc lộ tâm tình./.
-------------------------------------------------
Suy nghĩ về nghề trong kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại (Hội nhà văn Việt Nam, 2010), trang 1158.
Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi
Năm xưa ta đã nói rất nhiều “cực kỳ” và “hết sức”
Tội nghiệp nhất là ta nói chân thành rất mực
Chưa biết rằng “trời” còn xanh hơn “trời xanh”
Ta thiếu sự trầm lắng đúc nên bởi nhiệt tình.
Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa
Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương
Đã chọn đường đi, chẳng ai dừng ở giữa
Mạc-tư-khoa còn hơn cả thiên đường
Ta nhất quyết đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ
Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao
Một phần tư thế kỷ đã qua đi và bây giờ ta đã biết
Thế nào là thương yêu thế nào là chém giết
Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao.
Sức ta tăng bội phần khi ta say đến trở thành rất tỉnh
Ta đã có thể nói với quân thù những lời bình tĩnh:
“Tất cả những gì xấu xa của tao là thuộc về mày
Tất cả những gì tốt đẹp của mày là thuộc về tao”.
Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin
Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa cả
Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ
Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn.
Ta đã gặp những điều không hề chờ đợi gặp
Nào đâu phải chỉ là rắn phục giữa vườn hoa
Những kẻ tốt đến yếu mềm chỉ là đồ giẻ rách
Rắn còn nằm cuộn khúc giữa lòng ta.
Ta suy nghĩ tám nghìn đêm đánh giặc
Nghiền tâm tư cùng những hạt ngô bung
Giữa đạn bom ta lọc ra hạnh phúc
Tìm dần trong sáng mãi đến vô cùng
Ta đã sống những phút giờ sự thật
Tầm dân tộc ta và kích tấc loài người
Bừng vẻ đẹp chắc và bền của đất
Thung lũng đau xưa vàng rực những mùa vui…
Ta hiểu được những ai đã sai và có thể còn sai
Và chất người trong ta cộng sản thêm chút nữa
Trút vỏ thần tượng đi càng lồng lộng con người
Phía trước, đằng sau, bên ngoài và chính giữa
Như Quảng Bình, Vĩnh Linh càng yêu thương trong khói lửa
Ta nhìn hết sự xấu xa và bỗng nở nụ cười
Mở đài địch như mở toang cánh cửa
Nghe nó chửi ta mà tin ở ngày mai
Ta đau lắm những nỗi đau sinh nở
Cuộc đời, thân như hơi thở ta ơi
Ta vui lắm những niềm vui cởi mở
Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi…
Trích trong tập “Cửa mở”, Nxb Văn học, 1970.Việt Phương