Tác giả - tác phẩm

Thạch Quỳ, người thơ cả nghĩ ấy có “gàn” đâu!

Nhà thơ Vũ Quần Phương 14:10 01/12/2023

Đã có thời, khoảng thập niên đầu thế kỷ 21, giới viết văn Nghệ An có câu ca thân ái Nghệ An có mười nhà thơ: Thạch Quỳ là một Bích Ngơ là mười. Bích Ngơ là nhà thơ nữ Bích Nga, thuộc lớp nhà thơ sau Đổi Mới, bút pháp lạ, được bạn viết quý mến cả thơ lẫn người, xếp thứ mười là do cái vần của câu ca thôi, chứ đáng ra, xếp cao hơn đấy. Về Bích Nga xin nói ở bài khác. Bài này dành giới thiệu nhà thơ Thạch Quỳ, thuộc lớp nhà thơ chống Mỹ.

Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn. Ông sinh ngày 8/8/1941, mất ngày 11/12/2022. Quê ông, cũng là nơi sinh: làng Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Hết trung học, ông vào Đại học Sư phạm Vinh, học toán. Ra trường, ông dạy toán cấp ba ở huyện nhà cho đến năm 1973 thì chuyển nghề sang làm thơ chuyên nghiệp, lĩnh lương biên tập viên văn chương ở Hội Văn nghệ Nghệ An. Khi ấy ông mới xuất bản hai tập thơ: tập “Sao và Đất” (1967), “Tảng đá nhành cây” (1973) nhưng đã có được sự chú ý của bạn viết và bạn đọc và trở thành cây bút tiêu biểu của Nghệ An, góp phần tạo nên diện mạo lớp nhà thơ hình thành thời kháng chiến chống Mỹ.

thach-quy-1.jpg
Nhà thơ Thạch Quỳ.

Thơ Thạch Quỳ, ngay từ những bài đầu tay ấy đã có một phong vị riêng: nói bằng hình tượng hơn là bằng nghĩa chữ. Phong vị ấy đã theo ông suốt đời sáng tác, ngay cả khi cách viết bằng hình tượng ấy bị suy diễn, bị hiểu lầm và phê phán, ông vẫn kiên trì. Chúng ta nhớ lại, các nhà thơ xuất hiện thời kháng chiến chống Pháp thường vận dụng bút pháp kể và tả, chất thơ được bộc lộ trực tiếp trong hình hài những câu thơ rõ ràng mạch lạc mà bạn đọc có thể hưởng thụ như khi đọc văn xuôi. Ngay những bài thơ được dư luận đánh giá cao khi ấy như “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ hay “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung, ba tác giả đồng hương Nghệ An với Thạch Quỳ, cũng vận dụng nhuần nhuyễn thi pháp ấy.

thach-quy.jpg

Hồng Nguyên mở đầu bài “Nhớ”: Lũ chúng tôi,/ Bọn người tứ xứ,/ Gặp nhau hồi chưa biết chữ/ Quen nhau từ buổi “một hai"/ Súng bắn chưa quen,/ Quân sự mươi bài,/ Lòng vẫn cười vui kháng chiến

Trần Hữu Thung tả cảnh vợ tiễn chồng tòng quân: Chiếc xắc mây anh mang/ Em xách mo cơm nếp/ Lúa níu anh trật dép/ Anh cúi sửa vội vàng/ Vượt cánh đồng tắt ngang/ Đến bờ ni anh bảo/ - Ruộng mình quên cày xáo/ Nên lúa chín không đều/ Nhớ lấy để mùa sau/ Nhà nhớ làm cho tốt…

Viết rõ ràng, dễ hiểu là nhu cầu của xã hội khi ấy đối với mọi loại hình nghệ thuật phục vụ đại chúng, phục vụ công tác tuyên truyền vận động. Ngay các nhà thơ thành danh từ trước cách mạng, những kiện tướng của phong trào Thơ Mới, vốn sành với các thủ pháp tượng trưng, siêu thực… - ví dụ như Xuân Diệu, người được Hoài Thanh coi là “tân kỳ" nhất trong các nhà “thơ mới" cũng tự nguyện chấp nhận và góp phần cổ vũ phương pháp sáng tác “chân chân chân thật thật thật”. Mãi đến 5 năm sau thắng Pháp, Xuân Diệu mới rụt rè cách điệu hiện thực một tí xíu: Hồn ta cánh rộng mở/ Đôi bên gió thổi vào/ Nghĩ những điều hớn hở/ Như trời cao cao cao còn bị một nhà lý luận cấp chuyên viên phê là “cơ hội chủ nghĩa đón gió cả đôi bên”. (Khổ người viết quá: đôi cánh thì làm sao chỉ đón gió một cánh!!).

Nhưng đến năm 1966, khi Thạch Quỳ công bố bài “Gạch vụn thành Vinh với nhiều lập ý khúc khuỷu và một tứ thơ không dễ dãi, lại được dư luận bạn đọc hào hứng tiếp nhận. Đủ biết 12 năm được học hành trong nền giáo dục dân chủ cộng hòa miễn phí đã có tác động sâu rộng trong toàn dân như thế nào. Tác giả Thạch Quỳ được học trọn vẹn từ mẫu giáo đến hết đại học trong nguyên lý và mục đích giáo dục của chế độ ta. Anh đủ tự tin tạo cho mình một cách viết nghĩ ngợi hơn trước. Bài thơ “Gạch vụn thành Vinh” của Thạch Quỳ là một thứ “bi kịch lạc quan” không dễ suôn sẻ với tính hiếu thắng vụn vằn trong cả “phe ta” hồi ấy. Ngay lúc mở đầu bài thơ: Chưa thấy nhà cao đã chói lọi sắc hồng, tác giả đã tưởng sắc hồng quen thuộc kiểu “ngói mới” tưng bừng và có hơi khô khan trong thơ hồi ấy. Nhưng không: Đã thấy sắc hồng cười trong gạch vụn. Không phải sắc hồng của ngói mới mà của gạch vụn. Thất thế quá! Nhưng lại ngạo nghễ. Ngạo nghễ trong một nụ “cười” khổng lồ của sắc hồng ánh lên từ trong gạch vụn. Những chủ nhân của gạch vụn hôm nay đã từng tự tay mình, tiêu thổ kháng chiến, biến nhà cao cửa rộng của chính mình thành gạch vụn tự mười năm trước rồi. Lời thề năm ấy còn tươi ròng trong ý nghĩ “Thà làm gạch vụn để chờ nhau/ Quyết không chung trời đất với quân thù”. Câu thơ trước trong cả giọng lẫn ý hào sảng, “nên thơ” lắm. Câu thơ sau lại là một câu nói thường, như nó vốn thế. Đây là một tinh tế của bút pháp. Chấp nhận mọi tình thế trong đời nhưng nguyên tắc sống chỉ có một: thành phố tương lai tất yếu cười trong gạch đổ hôm nay. Mạch suy nghĩ logic của thơ Thạch Quỳ là vậy. Anh dị ứng với thứ thơ tán tỉnh, vun vào mà lại thiếu một nguyên tắc sống, thiếu một nền tảng chiêm nghiệm thật sự. Bây giờ Thạch Quỳ mất rồi, tôi cứ nghĩ điều ấy mà thấm thía thương anh. Đọc lại thơ anh như thấy thêm những điều anh gửi gắm. Anh gửi gắm và anh lo âu. Không hiểu “họ” có nghe ra không, và nghe ra thì có theo anh không! Anh đã nhiều phen như người tìm lối trong rừng đêm. Anh đã phải học chim để xoay mình theo gió ngủ, học cây để xoay mình theo gió nghiêng, và anh cay đắng nhận ra “Ta xoay mình đến vẹo xương sống/ Ta cúi mình đến phải đi còm”. Vậy mà đến cuối đường ngoái lại, vẫn chỉ Lẽo đẽo bóng mình dị dạng sau chân. Nghĩa là vẫn đơn độc.

Nhưng Thạch Quỳ không phải là người bi quan, yếm thế. Anh chấp nhận mọi khó khăn, coi nó như một thử thách và tìm cách vượt qua. Năm 1988, Thạch Quỳ, theo học một lớp kinh nghiệm viết văn ngắn ngày ở Matxcơva qua các nhà văn Liên Xô. Anh tự vạch cho mình một chuyến đi Siberi thăm con trai đang làm việc ở đó dù rằng anh không biết tiếng Nga và khi đó cũng không có tour du lịch nào đi Siberi cả. Nhưng đến nước Nga mà không thăm được con thì anh không chịu được. Anh đã âm thầm nhờ bạn bè dịch giúp ra tiếng Nga những câu cần hỏi dọc đường để đến được nơi con ở và viết đối chiếu các câu Việt Nga ấy lên hai trang song song trong cuốn sổ để giao tiếp bằng tay chỉ vào dòng chữ. Chuyến đi thành công. Về lại lớp học, anh háo hức kể lại chuyện hai bố con gặp nhau ngay nơi Lênin phải đi đày. Và nhỏ giọng như chú thích: nhưng đi đày thời Nga hoàng xưa sướng lắm (!).

Tôn chỉ sáng tác đầu tiên của Thạch Quỳ là thơ cần có ích. Dạy con bằng thơ, bằng sự lãng mạn của thơ, anh cũng dạy những điều thiết thực. Thiết thực như một phản ứng tâm lý chống những mơ mộng hão huyền. Mơ mộng thì cần nhưng hão huyền thì chống. Bài thơ “Với con” cách đây bốn chục năm từng bị nghi ngại và cũng nhanh chóng được mọi người nhận ra anh có lý. Có lý trong ý khái quát rộng nhất của tứ thơ. Còn đi vào chi tiết, trong từng lập luận cụ thể Thạch Quỳ cũng tự biết giới hạn mình, như chính anh đã nói ngay trong bài thơ đó:

Vì thế nên lời cha dặn dò

Cũng chưa hẳn là điều đúng nhất

Cha mong con lớn lên chân thật

Yêu mọi người như cha đã yêu con

Thạch Quỳ có lối tư duy thơ bằng tứ. Với tứ, thơ rộng tầm khái quát, nói việc này lay động sang việc khác. Khái quát rộng nhất trong các môn khoa học có lẽ là toán, môn anh được đào tạo đến cử nhân. Không biết có phải vì thế mà Thạch Quỳ đụng vào chi tiết nào, chi tiết ấy cũng đầy hàm chứa, thúc đẩy bạn đọc nghĩ ngợi và chọn lựa. Anh ca ngợi sách, nơi âm thầm lưu trữ trí tuệ. Rồi anh lại nghi ngờ nó. Mới đọc, ngỡ nghịch lý. Ngừng một chút, thấy anh đúng. Thơ Thạch Quỳ ít những câu tài hoa kỳ ảo, ít những chữ tinh tế gợi cảm nhưng bù lại: thơ anh có sức hàm chứa việc đời của người cả nghĩ. Cả nghĩ, nhưng ham bộc lộ. Làm thơ ai chả thế. Bộc lộ chân tình. Chân tình đến mức người nghe “không chịu nổi": đỏ bừng mặt giận hoặc vội lấy tay che giọt nước mắt thầm thương bạn. Những bạn bè gần anh, thân anh hay nói đến cái “gàn đồ Nghệ” nơi anh. Cái gàn ấy có đặc trưng là sẵn sàng đứng vào phe thiểu số, thậm chí thiểu số tuyệt đối. Không dễ thuyết phục anh. Thấy anh im lặng đừng tưởng anh thuận tình. Hỏi lại, anh vẫn kiên trì ý cũ. Kiên trì vì anh nghĩ kỹ rồi, anh chưa tìm được lý do thuyết phục để đổi thay. Không phải anh cố chấp. Gàn ấy là một phẩm chất trí tuệ chứ không phải một tác phong. “Chúa tự tin trên thánh giá đóng đinh” - viết câu thơ này hẳn Thạch Quỳ cũng có soi mình vào đó. Hơn thế, anh tìm chân lý ở nhiều phía, không câu nệ và luôn tự phán xét mình:

Tôi một nửa Nam mô

Một nửa A men

Một phía ngóng trời, một phần ngóng đất

Thân thể tôi như chiếc cột ăng ten

Vừa phát sóng, vừa tự mình rỉ sét

Noi gương Chúa chịu đóng đinh để giữ niềm tin và cũng tự biết mình như cột ăng ten phát sóng đồng hành cùng han rỉ. Người mang tư duy ấy khó mà cực đoan được. Thạch Quỳ có bài thơ gõ chén tâm sự với sông Hương, xem chừng muốn phóng túng hình hài tâm tưởng lắm, ấy vậy mà ý thơ vẫn thực ảo, cân đối xa gần, khi ngân khi tắt:

Xáng xề sông đổ về xa

Xáng xề phách nhịp đổ qua hồn mình

Ai ngân khúc nhạc cung đình

Ai ngồi lặng phắc hoàng thành cỏ rêu

Tỉnh táo lắm đấy chứ. Cực đoan thì đã không kết cấu toàn bài cứ song song hai vế ấy. Thạch Quỳ cũng thuộc loại người tin vào suy nghĩ của trái tim. Ngay trong cõi yêu, nơi anh tự tạo cho mình nhiều rối quẫn, anh vẫn tin vào sự sáng suốt của trái tim. Tin và cẩn thận hơn người còn giải thích sự tin ấy nữa:

Có thể là linh cảm trái tim

vẫn lặng lẽ dõi theo dòng ý thức

Người như thế mà bảo là gàn ư? Gàn kiểu điếc của cụ Yên Đổ chăng? Sáng một lúc lâu lâu rồi lại điếc. Ông gàn này đón người yêu ý tứ và khôn lắm: Khép lại sau lưng mảng trời không cần thiết. Nó không cần thiết thật, dù lúc này nó có là khoảng xanh mơ mộng. Giấu vào câu thơ tả thật một nụ cười tinh hóm ấy không thể là gàn được. Chùm thơ tình yêu rồi chùm thơ tặng bạn bè trong tập “Cuối cùng vẫn một mình em” nhiều thấm thía vui buồn và cũng nhiều dào dạt sâu nặng. Vạt đề tài ấy, tôi có cảm giác chúng ta nói chưa đủ ở thơ Thạch Quỳ.

Với con

Con ơi con thức dậy giữa ngày thường
Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá
Qua đường đất đến con đường sỏi đá
Cha e con đến lớp muộn giờ.
Con ơi con nàng Bạch Tuyết trong mơ
Không thể nào yêu con thay mẹ được
Và vì thế, nếu khuy áo con bị đứt
Thì nói lên để mẹ khâu cho.
Và con ơi trên ấy ngân hà
Có thể rồi con sẽ lên đến được
Nhưng đêm nay thì con cần phải học
Bốn phép tính cộng trừ hay đọc một trang thơ.
Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con
Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng
Thì con hỡi hãy khêu cho rạng
Ngọn bấc đèn con hãy vặn lên to.
Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn!
Mẹ hát lời cây lúa để ru con
Cha cày đất để làm nên hạt gạo
Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo
Bác công nhân quai búa, quạt lò.
Vì thế nên, lời cha dặn dò
Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất
Cha mong con lớn lên chân thật
Yêu mọi người như cha đã yêu con

Gạch vụn thành Vinh

Có thành phố nào như thành phố này không
Chưa thấy nhà cao đã chói lọi sắc hồng
Đã thấy sắc hồng cười trong gạch vụn?
Dép cao su đặt lên cát lún
Ta đi kháng chiến mười năm ròng
Gửi lại đường Trần Phú, đường Quang Trung
Gạch và gạch (Mười năm sau gạch nhé!)
Từ nóc nhà cao
Từ con đường bé
Thà làm gạch vụn để chờ nhau
Quyết không chung trời đất với quân thù!
Em nhỏ ném thia lia trên bến Cửa Tiền
Thấy bộ đội hành quân, cười, chạy lại
Ấy là Vinh. Một chiều nắng trải
Ta trở về tìm lại phố ta xưa
Gạch vụn ùa nhau ôm lấy cột cờ
Tây còn đây, thì ở Vinh còn gạch vụn
Hết Tây rồi, gạch vụn hóa nhà cao
Lòng núi Quyết khoanh ôm nhà máy điện
Đường đi vào thư viện vút phi lao
Ta lớn rồi đâu phải buổi thơ ngây
Khẽ gạch tròn đánh đáo dưới hàng cây
Tặc lưỡi tiếc hoài từng viên gạch đổ,
Nhìn phố, nhìn sông, gạch vụn chất đầy
Nay những nóc nhà cao bom cày, đạn nổ,
Bình tĩnh nhìn lên sắc mặt anh hùng
Ta muốn dang tay ôm tròn bốn phố
Từ Cửa Tiền, Bến Thủy đến Vinh Hưng
Quả bom Mỹ đầu tiên cắm vào thân hình miền Bắc
Là ở Vinh – Gạch vụn đến công trường
Ôi! Gạch vụn xôn xao trèo lên gác
Những bậc thềm đại học, mái nhà thương…
Chúng đến phá thì ta đánh chúng.
Trời ngoại ô nòng pháo chĩa vào trong
Nứt mặt nhựa theo đường phố rộng
Chiến hào nhô trăm mũi súng trường
Trên cát lún ta đi về bè bạn
Đồng chí thân yêu quen biết tự bao giờ
Bụng khép chặt dây da cài bao đạn
Chân trèo lên gạch vụn, bước, ngâm thơ.
Nay những nóc nhà xanh nhở nhăm vết đạn
Qua vết đạn thù ta thấy khoảng trời cao
Dù mười năm, hai mươi năm…
Dù thành phố ta hóa thành gạch vụn
Gạch vụn về đây đắp lại chiến hào.
Như sắc mặt anh hùng bừng lên sắc đỏ
Sáng ngời lên Gian - khổ - chiến - công,
Thành phố anh hùng cười trong gạch đổ
Gạch xôn xao cựa quậy những sắc hồng…
Có thành phố nào như thành phố này không?

Thạch Quỳ

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • “Hiểu con tuốt tuồn tuột”: Bí kíp để trở thành người mẹ hạnh phúc
    Nhân Ngày của mẹ (12-5), Crabit Kidbooks liên kết với NXB Hà Nội ra mặt bộ sách “Hiểu con tuốt tuồn tuột”. Bộ sách gồm ba cuốn mang đến những gợi ý quý báu để mẹ và con có thể hiểu nhau hơn, đồng hành một cách hiệu quả.
  • Xúc động lá thư gửi từ Điện Biên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gửi bạn thơ 66 năm trước
    Trong cuốn sách “Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (nhà văn Nguyễn Huy Thắng biên soạn và chú dẫn), vừa được NXB Trẻ tái bản và phát hành, độc giả không khỏi xúc động với lá thư của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết từ Điện Biên năm 1958 gửi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh.
  • Ra mắt sách ảnh “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”
    Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) của cả nước, Nhà Xuất bản Thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam) giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách ảnh “Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử.”
  • Ra mắt sách "Tiểu thuyết Việt Nam 1925-1945: Khai sinh và tiến trình" của GS. Bùi Xuân Bào
    Cuốn sách nguyên là luận án thứ hai (phụ) mà tác giả Bùi Xuân Bào đệ trình cùng luận án thứ nhất (chính) để lấy bằng tiến sĩ văn chương quốc gia tại Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1961.
  • Tái hiện sinh động, toàn diện về chiến thắng Điện Biên Phủ
    Đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật đã ra mắt bạn đọc cuốn sách ảnh “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc từ lịch sử”. Thông qua các hình ảnh tư liệu lịch sử được khai thác từ nhiều nguồn, có độ chân thực cao, cuốn sách đem đến cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh về sự kiện lịch sử vĩ đại - chiến thắng Điện Biên Phủ.
  • Giới thiệu cuốn sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
    Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) và 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ chín cuốn sách "Điện Biên Phủ", có hiệu chỉnh, bổ sung một số bài viết và tư liệu, sự kiện lịch sử liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, do ông Võ Hồng Nam - con trai Đại tướng sưu tầm, tuyển chọn theo di huấn của Đại tướng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thạch Quỳ, người thơ cả nghĩ ấy có “gàn” đâu!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO