Tác giả - tác phẩm

Tâm hồn học trò và cõi lòng đắm đuối

Nhà thơ Vũ Quần Phương 15:37 28/10/2023

Hoàng Nhuận Cầm dừng bút ở tuổi 69 (7/2/1952– 20/4/2021). Ông sinh và mất đều ở Hà Nội. Về thơ, ông có nửa thế kỷ cầm bút, để lại hai mảng thơ xuất sắc: thơ chiến đấu và thơ tình yêu ứng với hai chặng đời bộ đội và khi đã ra quân, trở lại trường đại học và làm trong ngành điện ảnh. Đặc điểm của thơ Cầm là chất tâm hồn học sinh và cõi lòng đắm đuối, rất tài hoa.

hoang-nhuan-cam-1.jpeg
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Riêng tôi, tôi vẫn chờ ở Hoàng Nhuận Cầm chặng thơ thế sự nhiều từng trải và giọng thơ chắc sẽ thâm trầm hơn, như bước phát triển chung của các nhà thơ xuất hiện trong chiến tranh kháng Mỹ. Ông mất đột ngột. Càng đột ngột trong sự chờ đợi ấy. Trong niềm sửng sốt của bạn viết và bạn đọc có nỗi tiếc thương thấm thía. Ông chưa sống hết cái phần ông được sống, chưa viết hết những điều ông cần viết - những bài thơ khai sinh một chặng mới mà bạn đọc mê đắm thơ ông đang lặng lẽ chờ ông.

Thơ kháng chiến

Bút danh và cũng là tên thật Hoàng Nhuận Cầm được trình làng đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ Quân đội tháng 1/1972, với ba bài thơ “Bức tranh dọc đường hành quân”, “Đêm khuya nói chuyện với Andersen” và “Mùa thu tôi yêu”. Ba bài khá kết nhau trong một giọng tâm hồn trẻ trung tươi tắn. Khi ấy Cầm mới một tuổi quân. Trước đó ba bốn năm, khi còn đi học, Hoàng Nhuận Cầm đã có thơ đăng báo với bút danh Ánh Biếc, thơ khi ấy chưa rõ phong cách.

Các cuộc thi thơ những năm đầu chiến tranh chống Mỹ trên báo Văn nghệ đã nhanh chóng phát hiện những tài năng thơ bộ đội đang chiến đấu, Cuộc thi 1969-1970, giải Nhất thuộc về Phạm Tiến Duật, bộ đội Trường Sơn. Cuộc thi liền sau đó 1972-1973, trao bốn giải Nhất: ba là bộ đội đang ở chiến trường B, trong đó có Hoàng Nhuận Cầm và bốn là một cô gái ở vùng “cán xoong" ác liệt Quảng Bình. Thơ Hoàng Nhuận Cầm bổ sung cho thơ kháng chiến chúng ta lúc đó một phong vị trẻ, tươi, nhìn chiến trường bằng cái nhìn thơ mộng, đẹp như trong cổ tích:

Những cây nấm nâu màu nâu già

Tự dưng thức dậy bên vòm lá

Những bông hoa chửa có lên hoa

Bỗng nhiên mở cánh ra nghe ngóng

Hoàng Nhuận Cầm không dùng những nét dữ dội để vẽ cái dữ dội của cuộc chiến. Anh quen dùng những nét mềm, những đường viền rất mảnh, mơ mộng để tả chiến trường. Thực tế cuộc sống dữ dội đạn bom hơi lùi xa, nhường chỗ cho một tâm hồn học trò yêu thương đất nước, đảm nhiệm cuộc chiến bằng thứ trí tuệ lặn sâu vào tâm hồn:

Nếu được chết cho quê hương, con sẽ chết như bạn bè con thế đấy, với câu Kiều trên miệng súng trên tay.

Cảm xúc Hoàng Nhuận Cầm non tơ và tinh nhạy. Trong tâm hồn anh, chất liệu đời sống hòa trộn với chất liệu rút ra từ sách vở nhà trường. Các anh bộ đội hành quân qua Đèo Ngang, ai cũng bâng khuâng một nỗi niềm thương nước. Nỗi niềm ấy bắt nguồn từ câu thơ bà huyện Thanh Quan học ở trường trung học. Từ “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc” mà vang vọng sang thơ Cầm: “Tiếng kêu con cuốc chạy về quả tim”. Lớp bộ đội trẻ thời kháng Pháp chưa có được sự cộng hưởng ấy. Hôm trước buổi tòng quân họ còn lam lũ trên cánh đồng cày thuê gặt mướn hay tối mặt hầu hạ trong nhà địa chủ, họ đâu biết Andersen hay thơ bà Thanh Quan. Anh bộ đội Hoàng Nhuận Cầm, nhà ở phố cổ Hàng Bạc Hà Nội, hình như có mê đắm hơi lâu những trò chơi thuở quàng khăn đỏ. Viên bi ve đành rằng đã lăn hết vòng tuổi nhỏ nhưng hình như trong đáy ba lô hành quân vẫn ri rỉ tiếng chú ve kim. Nhà thơ Xuân Diệu trong ban giám khảo cuộc thi thơ đã hào hứng reo lên khi nhận ra chất tâm hồn tươi xanh ấy của anh bộ đội rồi lại ngồi lặng nghĩ ngợi: Hình như quân đội ta càng trưởng thành thì tâm hồn lính càng mơ mộng và trẻ thơ.

Hoài niệm thời đi học là một tình cảm phổ biến của mọi người, nhất là khi ta mới rời ghế nhà trường. Nhưng ở Hoàng Nhuận Cầm, tần số và cường độ những cơn hoài niệm ấy đều cao và nhất là, điều này đáng nói, chúng gợi cảm hứng cho anh nhiều nhất. Những câu thơ hay thường thoát thai từ đấy, tạo nên vị trữ tình riêng, độc đáo ở thơ Cầm. Ngay khi vào tuổi lớn anh vẫn đắm đuối và gợi cảm với mạch cảm xúc ấy, với cách nói ấy. Đọc thơ chiến tranh của Hoàng Nhuận Cầm ta ít thấy sự kiện nhưng lại gặp rất nhiều chất liệu của tâm hồn. Xin lấy ngẫu nhiên mấy câu đầu bài “Phương ấy”:

Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy

Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai

Ngôi sao rơi trên dây kẽm gai dài

Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy

Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn

Câu thơ hay nhất, tự trội lên tạo không khí cho cả đoạn là câu thứ hai. Câu đầu có thoáng chút siêu thực, tác động bằng ấn tượng. Câu cuối chỉ tô đậm thêm cái vị không gian của câu thơ chủ lực: mùi cỏ cháy. Hai câu tả thực, có chất liệu cụ thể: dây kẽm gai và không một tiếng gà trên cả vùng đất rộng, thì lại ít tác động vào giác quan nhất, đọc xong quên ngay. Nhưng mùi cỏ cháy suốt thời trai thì nhớ. Nhưng chỉ như thế thì chưa thấy được cái diện mạo của chiến trường phương ấy. Chỗ này là chỗ thơ Cầm lúng túng. Anh phải dùng tự sự mà kể. Kể mãi, dài rồi 33 câu rồi, mà thơ, hình như, vẫn chưa đến chỗ cần phải đến, thì cũng đành khép lại.

bia-sach-hoang-nhuan-cam.jpg

Tôi nghĩ thế mạnh của Hoàng Nhuận Cầm là nắm bắt và thể hiện tâm trạng, thì anh nên tự tin mà trau dồi và tận dụng nó. Trong đánh giá tác phẩm quả có lúc chúng ta hơi ngại đụng vào cái món tâm trạng. Nhưng đấy là thứ tâm trạng tháp ngà, xa đời sống. Chứ tâm trạng người giữa chiến trường thì quý lắm chứ. Hiện thực tâm trạng thường có sức phản ánh cao hơn, tinh vi hơn thứ hiện thực chạy theo sự kiện ngoài đời. Không nên bỏ sở trường mà chạy theo sở đoản. Phản ánh sự kiện còn có nhiều nhà thơ khác và báo chí nữa chứ, Cầm không lo. Cái khó, với anh, là ở chỗ tìm ra tâm trạng thể hiện đúng nhất, bản chất nhất tình thế ngoài đời. Chặng sau, chặng thơ tình yêu, Hoàng Nhuận Cầm chủ động hơn nhiều. Bài thơ đến nhanh hơn, liền khối hơn, và người đọc cũng sớm nhận ra hơn cõi lòng anh gửi gắm

Thơ tình yêu

Chặng thơ chiến tranh, thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng đã thấp thoáng mạch tình yêu tuổi học trò “Tình yêu nằm trong giàn hoa/ Giấc mơ năm mười sáu tuổi”. Thoáng nhẹ vui và buồn cũng nhẹ thoáng thôi, dù có lúc cứ tưởng… chết. Nhưng đến khi “Tình yêu đến trong đời không báo động” thì thơ không thể trang trí mà xong đâu. Số phận hạnh phúc không chỉ có hai mặt phải trái như trên tờ giấy mà lại như thò lò sáu mặt. Mà mặt nào cũng đủ sóng đủ gió. “Mắt anh nhìn sáu mặt bão mưa giông”. Tình yêu trong thơ Cầm và tình yêu của đời Cầm hẳn khác nhau nhưng với tạng tâm hồn Cầm, chắc có khác cũng không khác nhau nhiều. Ai quen đọc hồi quang thì đọc được đời Cầm trong thơ yêu. Nhưng ở bài viết này chúng ta không đi theo hướng ấy. Ta không đọc đời Cầm mà đọc thơ Cầm trong mảng đề tài tình yêu. Chặng thơ này được viết sau khi tác giả xuất ngũ và trở lại trường đại học (1976) học tiếp chương trình văn khoa bỏ dở từ năm 1971. Chậm 5 năm, Hoàng Nhuận Cầm còn đủ tuổi hòa nhập với lứa sinh viên đang theo học. Dám chắc anh có những bài thơ tình viết như ghi nhật ký. Cái tôi chủ thể nhập một với cái tôi là nhân vật của thơ. Giọng thơ, ngôn ngữ tự nhiên như câu nói thường, nhạc điệu reo vui hình thành từ nghĩa chữ, từ điệp khúc:

Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến

Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi

Còn sót lại trên bàn bông cúc tím

Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi

Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới

(...)

Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói

(...)

Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó

Bài thơ 16 câu thì có 4 câu cùng tiết tấu và gần nhau về ý, về nghĩa đây là một sáng kiến của Hoàng Nhuận Cầm: bài thơ như những đợt sóng, ý nghĩa bồi lên nhau mà thành bài. Trong tâm lý tỏ tình, vừa tiến vừa nghe, lối kết cấu này xem ra lợi hại, nói được hết những điều muốn. Anh sử dụng thủ pháp điệp khúc câu này trong khá nhiều bài với khá nhiều biến hóa.

Hoàng Nhuận Cầm tinh tế chọn cách nói thật thà mà trân trọng, có tiến có lùi. Tài lắm! Tự nhiên lắm:

Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ

Gió em vào - nếu chán - gió lại ra

Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó

Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi.

Bài thơ có bốn đoạn. Diễn biến tâm lý chỉ trong bốn bước ngắn đó, lời lẽ học trò trong sáng vu vơ mà đến đích hoàn hảo. Chỉ một người nói mà như thấy diễn biến của hai người. Đúng ra đấy là lời người con trai nói với người con gái, độc giả là người nghe ké. Thơ tình yêu Hoàng Nhuận Cầm bài nào cũng như một cuộc ngỏ lời, nhân vật ở ngôi thứ nhất anh em ở ngôi thứ hai. Dù có nói về mình, với mình thì cũng cốt giãi bày với người chỉ nghe kia:

Trong một thoáng chợt thấy mình tù tội

Em ơi em, em lại trói anh rồi

Hoàng Nhuận Cầm chọn nhiều vị trí để nhìn hạnh phúc lứa đôi. Vị trí anh quen đứng là ở chỗ thấy mình “tù tội” bị chính em vây nhốt. Anh tìm chứng cớ để tố cáo “cai ngục”, ác nhất là tội thờ ơ, lạnh lùng, không chia sẻ, không đồng điệu:

Em thường hát thường cười khi anh khóc

Anh lặng buồn lặng nhớ lúc em vui

Hoàng Nhuận Cầm là người say đắm. Say tình yêu và say thơ nữa. Trăm lỗi của anh, trăm khổ của anh cũng từ nỗi say này. Anh có trách ai đâu. Có trách là trách thái độ, mà cũng nhẹ nhàng thôi, chứ đâu có trách nguyên nhân. Anh chấp nhận và chịu đựng, kín đáo chịu đựng, lấy thơ mà băng bó vết thương mình, lấy công việc bộn bề mà khuây khỏa. Xin bạn lắng nghe nửa cuối bài thơ “Sông Thương tóc dài”:

Mai đành xa sông Thương thật thương

Mắt nhớ một người, nước in một bóng

Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng

Anh một mình - náo động - một mình anh

Hoàng Nhuận Cầm có mấy bài thơ trò chuyện với các con. Anh viết về con chưa nhiều. Nhưng ở mấy bài thơ ấy, nỗi buồn của người cha chân thật lắm, anh nhận lỗi với các con, anh chăm sóc chúng chưa nhiều. Các cháu đọc thơ hẳn thương cha lắm vì chúng biết anh đâu đã có điều kiện chăm sóc chính anh.

Ngoài đời, nhất là khi đọc thơ, Hoàng Nhuận Cầm có những cơn bùng nổ cảm xúc, mọi thứ tình cảm lúc ấy như được kích thêm lên một bậc. Nói, đọc như nhập đồng, hơi điên điên. Nhưng trong thơ tình yêu anh lại có cách nói thu nhỏ cường độ âm thanh. Ở nơi ngã ba những mối tình tan vỡ, lời chia tay ở Cầm thành lời nhận lỗi, lời tự thú, rất thương. Cô ấy tên Vân, nên anh đặt tên bài là “Mây rất thờ ơ” và “Mây cuối trời”. Mở đầu bài “thờ ơ":

Trời xanh màu tự thú

Tóc em thờ ơ bay

Và kết thúc:

Khi mà mình có tội

Mây rất thờ ơ trôi

Thơ tình yêu chiếm tỷ lệ cao nhất trong thơ Cầm. Tình yêu nơi anh cũng nhiều cung bậc, reo hát và buồn thương đều có cả, nhưng lúc nào cũng say đắm. Đắm đuối thì đúng hơn. Thơ chiến tranh là một tâm hồn học sinh. Thơ tình yêu là một nỗi lòng đắm đuối. Hoàng Nhuận Cầm làm thơ không nhiều và cũng chỉ quanh hai đề tài ấy. Và ở cả hai mảng ấy, Hoàng Nhuận Cầm đều được tuổi trẻ, những học sinh, sinh viên, yêu mến và chờ đợi./.

Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt

Ngụy trang công sự xong rồi
Mới hay đồi chốt là đồi lắm chim
Cứ ôm khẩu súng ngồi yên
Lắp thêm băng đạn, còn đêm đấy mà.
Thản nhiên cơn gió chạy qua
Tiếng chim lách chách, gần xa chuyện gì?
Ngây thơ là chuyện chim ri
Khoác lác nhất nhì, chuyện sáo sậu thôi!
Chuyện như nghe ở đâu rồi
Là lời chú vẹt đang ngồi góc kia.
Mạ ơi... đất nước cách chia
Tiếng kêu con quốc chạy về quả tim...
Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng
Nghe lăn tăn những tiếng chim xuống hầm
Yêu chim mà chẳng lên thăm
Bởi vì điểm chốt nên nằm lặng im
Mai rồi cái phút làm quen
Lại là cái phút cùng chim xa rồi:
Là khi xác trực thăng rơi
Là khi xác giặc quanh đồi ngổn ngang...

Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến


Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cành tàn, ba cánh sắp sửa rơi
Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới
Như cánh chim trong mắt của chân trời
Ta đã chán lời vu vơ, giả dối
Hót lên! dù đau xót một lần thôi.
Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói
Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ
Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ
Em hay là cơn bão tự ngàn xa.
Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ
Gió em vào - nếu chán - gió lại ra
Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó
Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi...

Hoàng Nhuận Cầm

Bài liên quan
  • Giới thiệu cuốn sách "Cuba -Việt Nam: Hai dân tộc, một lịch sử"
    Chiều 3-10, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu cuốn sách “Cuba - Việt Nam: Hai dân tộc, một lịch sử” của Tiến sĩ Ruvislei González Saez, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam, Giám đốc Chương trình Quan hệ quốc tế tại Cuba.
(0) Bình luận
  • Ra mắt bộ tiểu thuyết đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ: “Nước non vạn dặm”
    Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng 17-5, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nhà Xuất bản Văn học, Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Liên Việt ra mắt bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, gồm 5 tập của PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
  • Ra mắt sách “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”
    Sáng 17/5/2025, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt sách “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”. Đây là hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Xuất bản sách "Hồ Chí Minh qua hồi ức của những cựu tù chính trị Côn Đảo"
    “Hồ Chí Minh qua hồi ức của những cựu tù chính trị Côn Đảo” là nhan đề cuốn sách được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025).
  • Ra mắt bộ sách đặc sắc kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi
    Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi (17/5/1925 – 17/5/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách đặc biệt gồm 8 tác phẩm tiêu biểu, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang nhằm tôn vinh một trong những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam.
  • “Lính thời bình” - những trang ký sự ấm nóng, đượm nghĩa tình
    Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa cho ra mắt cuốn ký sự “Lính thời bình” của Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng – một cây bút đã gắn bó trọn ba thập kỷ với nghiệp lính và nghiệp báo. Đây là tập sách ký sự độc lập thứ 3 của anh trong vòng hai năm trở lại đây, tiếp tục khẳng định sức bền lao động nghệ thuật và chiều sâu vốn sống quân ngũ.
  • Truyện tranh: Khi văn hóa - lịch sử “kết duyên” cùng hội họa
    Sáng 11/5, tọa đàm "Truyện tranh: Khi văn hóa – lịch sử “kết duyên” cùng hội họa" do NXB Kim Đồng phối hợp với Viện Pháp tổ chức đã diễn trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của dự án phát triển truyện tranh tại Việt Nam và Những ngày văn học châu Âu 2025. Sự kiện được tổ chức nhân dịp ra mắt hai cuốn truyện tranh "Ký ức kiều bào: Lính thợ – Lao động Việt tại Pháp giữa Thế chiến II" và "Ký ức kiều bào: Chân đăng – Phu mỏ người Việt ở Tân Thế giới". Hai tác phẩm như lát cắt lịch sử sinh động, tái hiện bằng hình họa và màu sắc số phận những người Việt tha hương giữa thế kỷ XX đầy biến động.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt sách “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”
    Sáng 17/5/2025, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt sách “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”. Đây là hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • Tiếp tục phát triển những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam (Bài 2)
    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Thấm nhuần tư tưởng của Người về xây dựng “Đảng cầm quyền”; Đảng ta đã và đang kế thừa, phát triển, nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ của Đảng, để Đảng thực sự “là đạo đức là văn minh”.
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh qua góc nhìn của nghệ thuật tạo hình
    Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh trong nghệ thuật tạo hình”, khai mạc sáng 16/5 tại Hà Nội. Với 60 tác phẩm chọn lọc từ bộ sưu tập của Bảo tàng, triển lãm là dịp để công chúng trong và ngoài nước chiêm ngưỡng những hình tượng nghệ thuật đặc sắc về lãnh tụ của dân tộc Việt Nam.
  • Hà Nội: Hợp tác với các quốc gia có nền y học tiên tiến trên thế giới
    UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch 137/KH-UBND ngày 15/5/2025 về hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y tế của thành phố Hà Nội đến năm 2030.
  • Chương trình "Bố ơi mình đi đâu thế?" trở lại với diện mạo mới
    Sau thời gian dài vắng bóng, chương trình "Bố ơi mình đi đâu thế?" tiếp tục lên sóng VTV3 với dàn nghệ sĩ được nhiều khán giả yêu mến và thông điệp đậm chất văn hóa, gắn kết và truyền tải thông điệp lan tỏa giá trị tình cảm cha con, tình cảm gia đình và du lịch, văn hóa Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Tâm hồn học trò và cõi lòng đắm đuối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO