Yêu như ngọn lửa không yên...
Tính từ 2009 đến nay, nhà thơ Đặng Cương Lăng đã cho xuất bản 17 tập thơ và đoạt 14 giải thưởng văn học, trong đó có nhiều giải thưởng văn học có sức nặng. Đó là một thành tựu đáng kể và không phải người viết nào cũng dễ dàng đạt được như thế. Thêm nữa, ông còn là một người say mê văn chương đến mức hiếm hoi. Với ngót nghét một nghìn bài thơ đã công bố trong vòng non một phần tư thế kỷ, nếu chỉ tính riêng về mặt số lượng thôi, thời gian và tâm sức dành cho thơ, cũng đã là đáng nể và đáng kể. Tập thơ mới nhất của ông vừa ra mắt bạn đọc năm nay có tên gọi rất độc đáo “Một tôi cộng một”. Nó được manh nha từ lúc đang có đại dịch Covid-19 và kết thúc vào thời điểm hậu Covid-19.
“Một tôi cộng một” không thuần túy là một phép cộng hay phép nhân, kiểu một cộng một bằng hai, hai nhân hai là bốn, mà là một tứ thơ mở, một tứ thơ lớn, bắt đầu từ một tôi. Đương nhiên, từ một tôi khi cộng vào hoặc thêm vào, thông qua khả năng đặc biệt, trí tưởng tượng phong phú, sự trải nghiệm của cá nhân… người viết sẽ có những bài thơ khác nhau với nhiều lối rẽ khác nhau, bước trượt khác nhau. Nói một cách khác: “Một tôi” chính là xương cốt của thơ, còn “cộng một” được coi là da thịt và hồn vía của thơ. Một bài thơ vừa có hồn, vừa có cốt, chắc chắn là cái đích mà mỗi nhà thơ đều muốn hướng tới. Ở một chừng mực đáng kể, một tôi như đặt ra một khoảng trống nghệ thuật, như những gợi mở không dứt, để độc giả cùng tham gia, trở thành đồng tác giả, đặng hướng tới một sự hoàn chỉnh, hoàn thiện theo nhiều hướng và theo nhiều cách. Theo tôi, nghĩ ra được như thế, đã là thành công và tập thơ đã đến đích đến chín phần mười rồi.
Cho nên, thật dễ giải thích khi tập thơ này có khá nhiều bài thơ có tên bắt đầu từ “một tôi” và “cộng một”. Có thể kể tên: “Và tôi cộng một”, “Một tôi”, “Một tôi đứng mãi không yên”, “Và tôi cộng một mênh mông”, “Cộng một”, “Một tôi một biển một sông”, “Một tôi trôi nổi bốn bề”, “Một tôi cộng một”, “Một tôi cộng với mỏng manh”, “Một tôi cộng với một yêu”, “Một tôi cộng với vui buồn”...
Với ngần ấy “một tôi” và ngần ấy “cộng một”, độc giả sẽ dễ dàng nhận ra nhiều câu thơ đáng nhớ, hàm chứa, lan tỏa và đôi lúc có sức khái quát đáng chú ý. Ví dụ: “Một tôi đứng mãi không yên/ Tôi như bên lở, còn em bên bồi/ Tôi - em góp lại thành đôi/ Thành con sông chảy suốt đời êm ru” (Một tôi đứng mãi không yên). Ví tôi và em như đôi bờ, có lở, có bồi và phải có đôi bờ ấy mới làm nên một dòng sông tình yêu suốt đời chảy là một liên tưởng có tìm tòi và sáng tạo. Khi tự nhận: “Và tôi cộng một cao vời/ Mặt trăng cùng với mặt trời sáng soi/ Và tôi cộng một mặn mòi/ Biển xanh sóng trắng muôn đời không yên”(Và tôi cộng một mênh mông) thì cũng là lúc người viết mở lòng ra để thu nạp tất cả theo nghĩa chấp nhận. Khi viết: “Một tôi cộng một non tươi/ Cho xuân thêm sắc, cho người thêm đôi” (Một tôi cộng với mỏng manh) và “Yêu như ngọn lửa không yên/ Nắm tay nhau nhé về miền lứa đôi” (Một tôi cộng với một yêu) thì cũng là lúc người viết nhận ra cái nảy nở, cái sinh sôi, cái vui sống ở cõi người. Khi viết: “Và tôi cộng một là gì?/ Đi với ở, ở với đi… xoay vần/ Phù du ở sát phù vân/ Dẫu xa thế trời vẫn gần, không xa/ Và tôi cộng một là ta/ Trái đất vẫn một mái nhà, bạn ơi/ Cùng chung số phận con người/ Hôm nay khóc, ngày mai cười, thế thôi!” (Và tôi cộng một) thì cũng là lúc người viết nhận ra những nét phổ quát như là quy luật của muôn đời.
Mới đọc, ngỡ “Hoa mai” như lạc ra khỏi mạch “một tôi” và “cộng một”. Nhưng nhận thức như thế là vội vàng và có phần võ đoán. Đọc chậm, đọc kỹ… độc giả mới ngộ ra rằng, “một tôi” ở đây là hoa mai và “cộng một” ở đây chính là cái bên ngoài (khách quan) và cái bên ngoài luôn là thử thách để giữ gìn bản lĩnh và phẩm cách của cái bên trong:
Lặng thầm đối diện mùa đông
Không nghiêng không ngả và không một lời
Một đời ngạo nghễ… mai ơi
Trong sương giá vẫn ngời ngời sắc hoa.
Hoa mai là thế và muôn đời vẫn thế! Không thế sao lúc sinh thời, nhà thơ lớn Cao Bá Quát từng viết: “Suốt đời ta chỉ biết cúi đầu trước hoa mai”.
Nhân đây, xin được nói thêm: Nhà thơ Đặng Cương Lăng có sở trường viết thơ lục bát. Ông từng in riêng một tập thơ lục bát có đến cả trăm bài. Đã có nhiều người viết về Huế, không gian Huế, thời gian Huế, nhưng Huế trong thơ của Đặng Cương Lăng, vẫn khác:
Ta còn nợ Huế một đêm
Trăng non núi Ngự, nước mềm sông Hương
Đêm Vỹ Dạ lỡ độ đường
Về Văn Lâu thấy nhớ thương ngô đồng
Ngô đồng buồn vương mênh mông
Ai đi? Ai ở? Giữa dòng không yên
Ta con nợ Huế một đêm…
Tôi tin, chỉ có người bao dung đến độ, luôn “mở lòng đón lấy tình thương cõi người” và lúc nào cũng muốn hướng về những gì sáng trong, tốt lành, “trở về với trong veo” mới có thể viết được và có được những câu thơ như thế!
Đường thơ vốn không có lối đi chung. Mỗi nhà thơ phải tìm lối đi cho riêng mình. Mỗi con người là một thế giới riêng không lặp lại. Mỗi nhà thơ càng phải là một thế giới riêng không lặp lại. Đường thơ cũng như đường chân trời, đi mãi mà không bao giờ gặp, nhưng mỗi nhà thơ đều tin có đường chân trời và cả đời luôn hướng tới đường chân trời trong hành trình thơ, đường thơ của mình. Cũng như thế giới, cõi thơ vô cùng rộng lớn và mỗi nhà thơ còn rất nhiều việc phải làm. Đáng mừng thay, “Một tôi cộng một” là một khám phá mới rất riêng về thế giới tinh thần của con người ở thời chúng ta đang sống và không chỉ ở thời chúng ta đang sống của nhà thơ Đặng Cương Lăng./.