Tác giả - tác phẩm

Phạm Tiến Duật: Trường Sơn và sau Trường Sơn

Nhà thơ Vũ Quần Phương 22/06/2023 11:56

Phạm Tiến Duật sinh ngày 14/1/1941 tại thị xã Phú Thọ. Tốt nghiệp đại học sư phạm Văn, chưa đi dạy ngày nào thì ông đã nhập ngũ vào năm 1965. Mười bốn năm ở quân đội thì 8 năm ông ở Trường Sơn, trong Đoàn vận tải 559 - bộ đội Trường Sơn. Có thể nói cuộc sống chiến đấu tại Trường Sơn trong những năm chống Mỹ đã tạo nên ấn tượng thơ Phạm Tiến Duật và Phạm Tiến Duật cũng là người mang được nhiều bóng dáng Trường Sơn vào thơ nhất.

2a.jpg

Đóng góp có ý nghĩa nhất của Phạm Tiến Duật là anh táo bạo, tinh tế và đầy sáng tạo mở rộng biên giới cái nên thơ của đời sống. Đọc thơ mà tưởng như anh cắt nguyên từng mảng hiện thực, còn nguyên sự thô ráp, bụi bặm của đời mà đặt lên trang giấy. Nói cách khác, Phạm Tiến Duật đã khám phá ra chất thơ mới mẻ nằm trong bản chất của những sự việc mà mới nhìn tưởng nó không thơ. Trong bài thơ “Gửi em cô thanh niên xung phong”, anh kể mối tình sét đánh của anh bộ đội lái xe chờ thông đường và cô thanh niên xung phong cùng đại đội cô đang lấp hố bom đêm ấy: “Có lẽ nào anh lại mê em/ Một cô gái không nhìn rõ mặt”.

Câu thơ mở đầu thật ly kỳ khó tin mà rất tất yếu. Nhiều chi tiết sống động như phóng sự mà sâu nặng tình người. Ở đây tôi chỉ muốn nói một chi tiết. Ấy là anh bạn lái xe từ hôm ấy, xe lăn bánh đến đâu, anh cũng hỏi thăm dấu tích đơn vị cô gái. Mênh mông quá, dấu chim tăm cá, cuộc chiến thì ngày càng ác liệt. Thế mà anh chàng tìm được. Đúng đơn vị ấy đây rồi, nhưng cô Thạch Kim Thạch Nhọn lại đang ở mặt đường. Một cô tiếp khách thay bạn, anh bộ đội chăm chú nghe, nhớ cả lời cả giọng của cô gái kể về người anh tìm: “Cạnh giếng nước có bom từ trường/ Em không rửa ngủ ngày chân lấm/ Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà”.

Những chi tiết nghe buồn cười nhưng khi chiếu nó vào đời sống chiến đấu của Trường Sơn hồi đó mới thấy biết bao xót thương. Rửa chân trước khi đi ngủ là “quyền lợi” của mọi người trên trái đất, các cô gái vốn lại ưa sạch sẽ. Thế mà ở đây, để thực thi cái quyền lợi nhỏ bé ấy có thể mất cả mạng người: “cạnh giếng nước có bom từ trường”. Lại chi tiết cô gái nói mê vang cả lán. Quả thật không kín đáo lắm mà buồn cười. Vậy mà anh bộ đội nhà ta vừa nghe xong đã thốt thầm trong tâm trí ba lần hai tiếng thương em trong câu thơ tám chữ: “Thương em, thương em, thương em biết mấy”.

Phá bom nổ chậm là việc đối diện với cái chết, không nói tài được ở công việc đầy bất trắc này. Con người ai cũng có phần tự vệ bản năng: lo âu, hồi hộp, sợ hãi. Nhưng khi họ làm công việc ấy, với ý thức, phần bản năng bị đẩy lùi, họ bình tĩnh, chủ động, sáng suốt. Chỉ khi vào giấc ngủ, phần ý thức bị ức chế, sự sống (tim đập, phổi thở…) được điều khiển bằng vô thức, nỗi sợ hãi do bản năng sinh vật trỗi dậy, cô gái phá bom mê hoảng. Mê hoảng nhưng ngay sáng hôm sau, cô thanh niên xung phong ấy đã lại ra hiện trường tiếp tục phá bom. Nhận thức ấy chắc đã làm tác giả ứa nước mắt mỗi khi nghĩ đến những công việc thường ngày, những hi sinh cũng thường ngày ở Trường Sơn, và cả những đời người. Đóng góp của Phạm Tiến Duật ở chặng thơ Trường Sơn là anh đã đủ nhạy cảm và kiến thức để nhận ra ý nghĩa bản chất của những gì anh đã sống, đã chứng kiến với tư cách người trong cuộc. Nhiều lúc (không phải tất cả) tôi có cảm giác câu thơ, bài thơ đến với anh rất nhanh. Anh không “làm thơ” mà chỉ như ghi lại vào nhật ký những chiêm nghiệm riêng tư của đời mình: “Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo”. Đây là hai câu cuối của bài thơ bốn câu có nhan đề là “Nhớ”. Hai câu này tự đến trong một lần anh nằm bệnh viện. Thấy vui vui, anh lưu lại, làm thêm hai câu bối cảnh, đặt lên trên cho thành tứ tuyệt. Phạm Tiến Duật có năng khiếu hài hước, gặp môi trường lính tếu táo, càng được dịp phát huy và tạo nên một thi pháp độc đáo cho thơ anh. Ấy là lấy giọng hài để kể chuyện bi. Chiến tranh, dù “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, nó vẫn là một nỗi đau lớn. Kẻ xâm lược mạnh, mạnh súng mạnh tiền. Nước ta nghèo, nghèo người, nghèo của, nghèo khí giới. Phải lấy máu xương mà chiến đấu. Thư đi thư về của con ra trận, của bố mẹ ở quê. Người trong nhà thường giấu nhau những tin thất thiệt để yên lòng mà đánh giặc. Nhưng văn chương, biên bản tâm hồn của một thời đại thì không thế được. Kể chuyện buồn mất mát hi sinh bằng giọng buồn, dễ sinh bi lụy. “Thùng thùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa” như ca dao thời phong kiến thì làm sao thắng được giặc dữ. Mọi người viết về chiến trận đều gặp trở ngại này. Mỗi người tự tìm một cách gỡ. Cách của Phạm Tiến Duật là tìm giọng vui. Đã có những bạn viết trẻ hồi ấy học theo giọng anh. Nhưng không thấy mấy ai phát triển được. Vì nói giọng của thơ tạo thế thuận cho bút pháp hiện thực là nói cái biểu hiện bên ngoài, dễ thấy. Thật sự nó là phương pháp suy nghĩ hiện thực đời sống. Phạm Tiến Duật có sự phân biệt hiện thực tình hìnhhiện thực (có tính) nguyên tắc. Tình hình dễ đổi thay còn nguyên tắc phải nhập vào bản chất hiện thực mà nhận định. Vả lại không phải giọng vui làm bài thơ hóa vui, nó chỉ làm bài thơ bớt đau, cái đau được chìm vào ký ức, “nước mắt dành cho ngày gặp mặt” (thơ Nam Hà), cho ngày toàn thắng. Có những bài, anh nhà thơ hân hoan nói giọng vui, nhưng người đọc lắng nghe… lắng nghe. Trong giọng thơ ngỡ như hân hoan ấy vẫn có gì xao xác ở bên trong.

Tôi lưu ý một bài thơ nhỏ là “Thắng giặc lên núi Ba Vì”, được viết vào tháng 3/1974. Giọng thơ hân hoan vì thắng giặc, lính về hậu phương, lính lên núi Ba Vì thăm người thân. Bài thơ 12 câu thì 10 câu tán thế núi non Tam Thanh, Tam Điệp, Tam Đảo lại Ba Vì, như đinh ba chống giặc, như chân kiềng bình yên vững chãi. Nhưng bài thơ, thơ nhất lại ở hai câu cuối: “Dưới chân núi đó nhà em ở/ ngọn khói bồn chồn thung lũng xa thì chẳng dính gì với thế núi “cứ ba” mà anh reo lên ở phần đầu, khi chân anh vừa chạm đến Ba Vì mà lại dính với nỗi lòng thường trực nơi anh khi anh ở Trường Sơn. Phải ở Trường Sơn thì Ba Vì mới là “núi đó” và thung lũng có nhà em ở mới là “thung lũng xa” và ngọn khói trong tâm tưởng nên nó mới “bồn chồn”. Điều tạo nên nỗi xao xác của bài thơ lại nằm ngoài bài thơ - nằm trong tạng cảm xúc của tác giả - chính là vậy.

Bài thơ dài “Những vùng rừng không dân”, có chương “Vùng làng” tả một vùng lính ở nhưng mang dáng dấp một quê làng. Cái tiếng reo lúc chợt thấy nét làng, vui lắm, nhưng trong nỗi vui bồng bồng những so sánh là bao nhiêu chất chứa nỗi lòng người trận mạc nhớ hậu phương: “Cũng vương tóc rối chân gà/ Cũng tiếng chó sủa chiều tà sau cây/ Cũng quần áo ướt phơi dây/ Cũng gầu múc nước. Ô hay! Cũng làng”.

Đất nước thống nhất, tác giả và thơ từ giã Trường Sơn về xuôi. Thơ Phạm Tiến Duật sang chặng mới. Những năm đầu cũng có chút chênh chao. Nhưng rồi nhà thơ mẫn tiệp và sâu sắc ấy cũng tìm ra địa bàn mới cho thơ mình “hạ trại”. Đổi không gian, đổi đề tài, cố nhiên phải tỏa ra nhiều chiều khai thác, mở rộng cả giọng diễn đạt, khi trầm ngâm kiểu triết gia, khi bình dị cát bụi cùng chú bé đánh giày. Có khi gặp lại giọng tếu táo thuở nào như lúc anh đi tìm vợ cho đồng đội cũ. Nhưng cường độ cảm xúc, cường độ nghĩ ngợi vẫn thuộc nền xưa. Và sự phấn đấu của ngòi bút xem chừng bề thế hơn xưa. Bề thế vì dung lượng việc đời, vì sự phức tạp của lòng người, của thời thế. Và nhất là vì những thay bậc đổi ngôi. Cũng nhiều tang thương lắm. Tiễn các chú bé đánh giày trên vỉa hè Hà Nội về quê ăn Tết vào năm cuối thế kỷ XX, biết nói gì với chúng. Vắng chúng thì phố xá buồn thiu, nhưng có chúng thì cũng nhiều vướng bận. Chúng ngây thơ rất thương, làm mình xa xót nhận ra lỗi của thế hệ mình. Nhưng chúng đã nhuốm trong tâm hồn chút bụi đời du đãng làm cho hạnh phúc nào của hôm nay cũng thoáng trong vị đắng. Chúng là sản phẩm buồn thương của đô thị hóa trộn cùng ô hợp hóa. Bạn đọc như gặp lại nỗi xao xác không nói ra trong lòng Phạm Tiến Duật, chỉ khác bây giờ là xao xác của thời bình: “Chỉ mấy ngày thôi về với cha với mẹ/ Các cháu sẽ gặp lại quê mình xanh như thể tre xanh/ Tự nghìn năm xưa tre vẫn xanh như thế/ Dẫu chẳng phồn hoa mà cuộc sống an lành”.

Sống giữa Hà Nội yên bình, Phạm Tiến Duật có những cơn nhớ Trường Sơn. Thời ở Trường Sơn mong ước ngày đất nước yên hàn, được bước trở lại những mặt hè Hà Nội. Nay được thế rồi, đất nước xây dựng to đẹp hơn xưa. Vui lắm chứ! Hạnh phúc lắm chứ! Nhưng sao: “Chiều nay như thể mọi chiều/ Vẫn là nỗi nhớ niềm yêu cháy lòng/ Tạm quên ánh điện trong phòng/ Tôi đi tìm nắng một vùng núi non”.

Giã từ thế kỷ thứ XX, Phạm Tiến Duật có nhiều khắc khoải trong mối tương quan “năm tháng và đời người". Anh muốn mở thơ vào toàn bộ đời sống hiện nay, cả hạnh phúc lẫn lo âu. Và kỉ niệm Trường Sơn khi ấy sẽ như tấm hình nền ẩn hiện làm nổi lên sự tích mỗi con người và thời họ sống. Ý định ấy đang được anh triển khai. Trường ca “Tiếng bom và tiếng chuông chùa” là một thể nghiệm. Phạm Tiến Duật là người giàu chiêm nghiệm, ham mở đường và trông lãng tử vậy thôi, chứ nung nấu nghề nghiệp lắm. Tôi đã đoán chắc anh sẽ có chặng thu hoạch mới, như một bổ sung cho thơ Trường Sơn. Anh còn ôm ấp viết thêm thi thoại lúc “nông nhàn”.

3a.jpg

Nhưng tất cả đã đành dừng lại. Hôm ấy, ngày 4/12/2007, sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư phổi, những trang viết và công việc của Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam của anh đã không còn quay lại./.

Bài liên quan
  • Sự đằm thắm trong thơ Nguyễn Thị Hồng
    Sinh năm 1948 với hơn 50 năm sáng tác, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng vừa ra mắt bạn đọc tập sách mới nhất là “Thơ tuyển Nguyễn Thị Hồng” vào đầu năm 2023. Trước đó, các tập thơ của chị đã được xuất bản như “Em ra đi”, “Gọi thu”, “Biển đêm”, “Những bông hoa thiên sứ”, “Cuộc bàn giao vĩnh cửu - hồn khèn”. Khi cầm cuốn sách trên tay, tôi đã có dự cảm không sai về một không khí thơ đằm thắm, trong lành ở hơn trăm bài thơ với gần 50 năm sáng tác.
(0) Bình luận
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Họa sĩ Xu Man trở thành nguyên mẫu trong tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh
    Lấy cảm hứng từ cuộc đời thực của họa sĩ người Bahnar Xu Man, trên phông nền là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã viết tác phẩm “Con thiêng của rừng”. Sách thuộc tủ sách Văn học thiếu nhi của NXB Trẻ, hướng đến bạn đọc từ 12 tuổi trở lên, nhưng đây cũng là một tác phẩm thú vị đối với người lớn.
  • Ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
    Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cuốn sách do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chỉ đạo biên soạn.
  • “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo về làng nghề thủ công Việt Nam
    NXB Kim Đồng vừa ra mắt bộ sách “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo giới thiệu về các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Hà Nội phê duyệt đề án vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh
    UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QD-UBND về việc, phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.
  • Trường THCS Xuân La: Viết tiếp trang sử vàng truyền thống
    Hòa chung không khí hân hoan của cả nước chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20/11, Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy năm học 2024.
Đừng bỏ lỡ
Phạm Tiến Duật: Trường Sơn và sau Trường Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO