Tác giả - tác phẩm

Nhà điêu khắc Vũ Tiến và sự tinh tế, tài hoa trong nghệ thuật

Trần Anh Thơ 06:46 26/05/2023

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật, nhà điêu khắc Vũ Tiến đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển mỹ thuật Thủ đô. Ông đã giành được nhiều giải thưởng khác nhau tại các triển lãm mỹ thuật như: Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô, Triển lãm Mỹ thuật Khu vực I (năm 1996 và 1998), Giải thưởng của Quỹ Hỗ trợ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển tại triển lãm toàn quốc (1990 - 1995).

vu-tien-1.jpg
Tác phẩm “Chữa cầu” của nhà điêu khắc Vũ Tiến

Trong một bài viết về nhà điêu khắc Vũ Tiến trên tạp chí Văn hóa và Nghệ thuật số Xuân Quý Mão 2023, nhà báo Mai Thơ cho rằng: “Những tác phẩm của ông được dâng hiến cho cộng đồng xã hội thật đáng trân trọng và là niềm vinh dự tự hào, không hạnh phúc nào bằng của người nghệ sĩ”.

Qua các tác phẩm Chân dung nữ công nhân, Thợ rèn, Cô tự vệ Hà Nội, Những cô thợ dệt, Em bé, Ngày hội, Đài sen - Thư Bác, Bác Hồ và nông dân làng Đại Kim Hà Nội… có thể thấy đa phần tác phẩm của Vũ Tiến được lấy cảm hứng và chất liệu từ văn hóa đại chúng, bao gồm cả cái cũ, cái mới, cả yếu tố hiện đại và dân gian. Cái hào hoa nho nhã, điềm đạm kết hợp với tài trí thổi hồn vào những nhào nặn, cắt gọt, phá vỡ, thêm bớt để làm nên ngôn ngữ tạo hình trong nghệ thuật của riêng mình.

Không chỉ ở các tác phẩm đoạt giải mà nhiều tác phẩm tượng của ông đặt tại các vùng miền trên cả nước đều góp phần khẳng định tài năng của tác giả. Có thể kể tới những bức tượng về Bác Hồ và nông dân, chân dung công nhân Việt Nam hay các tác phẩm Những cô thợ dệt, Cô tự vệ Hà Nội, Lòng mẹ, Hào khí Bạch Đằng trên biển Đông.... Ở đó, sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc với không gian xung quanh đã tạo nên một thể thống nhất, phát huy tối đa tính năng của nghệ thuật trang trí ứng dụng.

Nếu xếp đặt theo từng chủ điểm: Con người - đất nước - cuộc sống - sinh hoạt - tĩnh và động - suy nghĩ và hành động thì các tác phẩm ấy chính là “những linh hồn biết nói” thể hiện sự tinh xảo trong tay nghề, tính thẩm mỹ của cái nhìn hào hoa nho nhã, khoan thai và từ tốn… tất cả tạo nên những điểm nhấn văn hóa. Đó là nghệ thuật riêng của nhà điêu khắc Vũ Tiến.

Bức tượng Lòng mẹ của ông vừa mang đầy tính ước lệ về cõi nhân sinh và tâm linh lại vừa hiện thực một cách lãng mạn: dáng hình người mẹ ôm trọn đứa con lính biển với vòng hoa nguyệt quế khắc họa sự hy sinh cao cả “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” giữa đại dương mênh mông. Đây là hình tượng nhân vật chứa đầy tính nhân văn, sự hy sinh cao cả cuộc chiến tranh ái quốc.!

vu-tien-2.jpg
Tác phẩm “Thợ rèn búa máy” của nhà điêu khắc Vũ Tiến

Tác phẩm Bác Hồ và nông dân làng Đại Kim Hà Nội mở ra một chân trời bao la của đồng lúa nương dâu làng quê Việt Nam, lúc bình minh ngợp nắng chói chang, lúc hoàng hôn rực rỡ cùng với ánh chớp những cánh cò mải miết bay về chốn xa xăm, có tiếng nghé ọ sau buổi trâu về... Những nét chấm phá của tượng đài qua bàn tay và tâm hồn người nghệ sĩ đã làm cho cảnh quê vốn đã đẹp lại đong đầy cảm xúc, kết nối kiến trúc với không gian xung quanh”.

Là người thấu hiểu những vất vả cũng như niềm hạnh phúc của người nông dân Việt Nam, nhà điêu khắc Vũ Tiến đã làm sáng lên hình ảnh của đôi bàn tay lao động và sản phẩm là hạt thóc hạt vàng của người nông dân bên con trâu cái cày cùng với gương mặt khắc khổ mà tự tin, cũng như sự gắn bó bao đời giữa ở chốn làng quê ấy. Một hình tượng thấm đẫm nhân sinh và tinh thần lạc quan. Đó là ngôn ngữ nghệ thuật của nhà điêu khắc Vũ Tiến.

Đề tài công nhân có lẽ là một hoài niệm và cảm xúc cao trong chuyện đời và chuyện nghề của ông. Xuất thân từ một sinh viên toán học Đại học Sư phạm, do hoàn cảnh đưa đẩy mà Vũ Tiến trở thành một công nhân cơ khí. Ông thấu hiểu cảnh đời tro tàn của những số phận chấn thương loay hoay kiếm tìm hạnh phúc từ những tàn tro. Các nhân vật công nhân của ông có thân phận riêng và cảnh đời chung. Mỗi người một vẻ, một dáng dấp, một phong cách, một chuyện đời, một khắc khoải và kỳ vọng… Vốn cận kề với người công nhân nên ông đã đưa trái tim đầy xúc cảm về tình yêu bao la vào các nhân vật “biết nói” về mình, về kiếp nhân sinh. Tác phẩm về công nhân cơ khí có nét rắn rỏi, tự tin, bản lĩnh nghề và cuộc sống…. như một dấu tích một thuở “thanh niên sôi nổi và bi tráng của ông”.

Có thể kể tới nhiều tác phẩm đã góp phần tô đậm chân dung kiên định và quả cảm của công nhân Việt Nam như: Chân dung nữ công nhân, Cô tự vệ Hà Nội, Cô thợ lò phản xạ, Cô thợ dệt và Em bé.... Với tất cả cảm xúc trào dâng từ nội tâm, ông đã gửi hết nỗi nhân tình thế thái cái thiện tâm, điềm đạm, hòa nhã và bản lĩnh tự tại vào mỗi tác phẩm mà cũng là chân dung con người. Ví như ở tượng Bà Đô Hồ (Bà Chúa Tô vợ vua Lê Đại Hành), người nông dân với Bác Hồ ở làng Đại Kim, những cô thợ dệt, cô tự vệ Hà Nội trong thời chiến... đã thể hiện tính sáng tạo hết sức đa dạng. Tất cả là thực mà như mơ. Họ hiện hữu và kỳ ảo. Họ thâm trầm mà không bi tráng. Họ hiền hòa mà không bi lụy dưới bàn tay tác tạo có năng lực biểu cảm của ông.

Tinh thần miệt mài lao động nghề của ông, âu cũng là bởi từ trái tim đong đầy xúc cảm và lòng trắc ẩn về những thân phận con người. Chất thơ mà người nghệ sĩ điêu khắc phả vào bản năng các nhân vật nữ “đàn bà xây tổ ấm” làm cho các nhân vật hiện ra trước mắt người xem với những xúc cảm đong đầy. Tôi nhận rõ cái nét thăng trầm êm đềm và da diết qua từng nhân vật, nếu ta đứng từ không gian ba chiều mà soi rọi vào. Thật đúng với câu nói của Arnold Schoenberg: “Nếu nó là nghệ thuật, nó không dành cho tất cả và nếu nó dành cho tất cả, nó không phải là nghệ thuật”.

Mảng sáng tác về chân dung phụ nữ cũng đã được nhà điêu khắc Vũ Tiến thể hiện thành công trong các bức tượng về thiếu nữ, mẹ già, em gái hay những nhân vật lịch sử... Ông quan niệm cái đẹp của phụ nữ là cái đẹp thiên phú. Đó là sự tận tụy, xả thân và yêu thương; là sự thánh thiện e ấp mà nồng nàn, khoan dung và chia sẻ, cảm thông và nâng đỡ… Và tất cả những nét đẹp ấy của người phụ nữ Việt Nam hiển hiện rõ nét qua bàn tay tinh xảo và đầy chất thơ lãng mạn của nghệ sĩ.

Nhà điêu khắc Vũ Tiến chia sẻ: “Lao động và sáng tạo là cứu cánh của người nghệ sĩ. Tôi luôn học hỏi thế hệ đi trước, như thầy Phạm Gia Giang, thầy Diệp Minh Châu, thầy Trần Văn Lắm, cô Nguyễn Thị Kim, thầy Lương Xuân Nhị, thầy Lê Thược, thầy Nguyễn Thiện... để dung dưỡng niềm đam mê khát vọng. Với thế hệ nhà điêu khắc đương đại Việt Nam như Tạ Quang Bạo, Cần Thư Công, Trần Tuy, Đào Châu Hải, Lê Lạng Lương, Hoa Bích Đào... tôi luôn tìm hiểu các mô típ mới lạ, cách tư duy ngôn ngữ nghệ thuật của họ để làm giàu tính hiện thực và tinh thần đầy hào sảng của họ trong sự hiện hữu tác phẩm của mình”.
Bằng những chất liệu khác nhau, từ đất sét, gỗ, đồng đến thạch cao, đá, xi măng, kim loại... nhà điêu khắc Vũ Tiến đã tác tạo nên những mô típ mới mang hơi thở của đương đại… Tại xưởng sáng tác của ông, một tập hợp các tác phẩm tượng “biết nói”, muôn màu sắc trong thế giới nhân sinh cũng đã minh chứng cho điều đó. Và đặc biệt trong các cột mốc trong chặng đường điêu khắc của Vũ Tiến phải kể đến cuộc triển lãm tại Paris vào năm 2015. Tại đó, tác phẩm của ông đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè thế giới về con người đất nước Việt Nam.

vu-tien-3.jpg
Tác phẩm “Lòng mẹ” của nhà điêu khắc Vũ Tiến

Có thể nói, bằng tài năng, đam mê với nghệ thuật, sự tìm tòi học hỏi cũng như tư duy sáng tác phong phú và tạo hình đa phong cách, nhà điêu khắc Vũ Tiến đã góp phần dày thêm vào nền nghệ thuật điêu khắc nước nhà. Tác phẩm của ông góp phần ghi dấu lại hồn cốt văn hóa và con người Việt Nam, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và toàn cầu hóa, đầy tính sáng tạo. Và hơn cả, riêng bản thân ông đã là một độc đáo trong quan niệm nghệ thuật, ngôn ngữ điêu khắc cũng như kiến thức trong trường phái điêu khắc Việt Nam./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • "Bài văn về trứng vịt lộn" đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh 2024
    Với mong muốn tìm kiếm các tác giả, hoạ sĩ truyện tranh Việt Nam và phát triển nhiều hơn nữa các tác phẩm truyện tranh của Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức cuộc thi Sáng tác truyện tranh.
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Huế trong thơ Lê Vĩnh Thái
    Thơ Lê Vĩnh Thái ở bất kỳ chặng nào, tập nào cũng khó đọc, khó hiểu, không thể nhớ. Tôi quen biết anh gần hai chục năm nay, gần như tập thơ nào cũng đọc, song đều để riêng một góc… và suy ngẫm.
  • Sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo với dân tộc từ thời Lý đến nay
    Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách "Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay". Không chỉ khái quát vai trò của Phật giáo thời Lý, phác họa bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội thời kỳ này cuốn sách còn góp phần khẳng định những giá trị của Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay, đồng thời đề cập tới những cơ hội, thách thức và các giải pháp phát huy những giá trị tư tưởng, văn hóa tốt đẹp của Phật giáo trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhà điêu khắc Vũ Tiến và sự tinh tế, tài hoa trong nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO