Tác giả - tác phẩm

Sự đằm thắm trong thơ Nguyễn Thị Hồng

Hoàng Liên Sơn 06:08 07/06/2023

Sinh năm 1948 với hơn 50 năm sáng tác, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng vừa ra mắt bạn đọc tập sách mới nhất là “Thơ tuyển Nguyễn Thị Hồng” vào đầu năm 2023. Trước đó, các tập thơ của chị đã được xuất bản như “Em ra đi”, “Gọi thu”, “Biển đêm”, “Những bông hoa thiên sứ”, “Cuộc bàn giao vĩnh cửu - hồn khèn”. Khi cầm cuốn sách trên tay, tôi đã có dự cảm không sai về một không khí thơ đằm thắm, trong lành ở hơn trăm bài thơ với gần 50 năm sáng tác.

tap-tho-nguyen-thi-hong.jpg

Tuổi xuân

Sinh ra ở một xã thuần nông của huyện Hưng Hà, quê lúa Thái Bình, thật dễ hiểu khi tuổi xuân vất vả của chị gắn bó với cánh đồng. Tuy nhiên những mỹ cảm riêng có ở người làm thơ đã chớm xuất hiện với từ gót hoa: “Mùa này đồng rạ quê ta/ Nứt đồng nứt cả gót hoa làm đồng” (Đừng như chuối chín mẹ ơi…).

Như nhiều nhà thơ cùng thời, Nguyễn Thị Hồng không cách tân mạnh mẽ về hình thức, nhưng thỉnh thoảng cũng xuất hiện những điều chỉnh nho nhỏ rất nhuần nhuyễn; ví dụ cái “hun hút” thường sẽ tiếp tục để tả rõ hơn về ngõ thì được chuyển sang tả nụ hôn: “Ngõ xưa nhỏ lắm và sâu lắm/ Hun hút nụ hôn tuổi đôi mươi” (Về La Khê). Trong thanh xuân của chị, đời sống vật chất tinh thần của con người có thể chưa nhiều bộn bề phức tạp, nhưng lại là thời chiến, vì vậy: “Tuổi thanh xuân/ đẹp tươi/ và mất mát” (Với Exenhin 1).

Nhớ tình xưa là đặc điểm nổi bật của nữ giới. Chị cũng không là ngoại lệ: “Dẫn em về tuổi sim chín đồi xưa/ Tuổi đinh ninh sim tàn tình tím mãi/ Tuổi bất ngờ tình qua sim ở lại/ Mà suốt đời tiếc mãi một mùa sim” (Thu). Chữ “sim” xuất hiện ở cả bốn câu thơ liền nhau, nhưng không theo kiểu một điệp từ; cùng với chữ “tình” tạo một cảm giác xoắn bện như một vòng lặp khiến người trong cuộc dường như không thể dứt ra nổi nỗi tiếc tình dang dở. Hãy chú ý câu thứ hai và ba trong trích đoạn trên, cho thấy sự thay đổi nhanh đến chóng mặt, từ “đinh ninh” tới “bất ngờ”; từ “tình tím mãi” tới “tình qua”. Lối thao tác chóng mặt này không có nhiều trong thơ thời đó.

“Gái nhớ tình xưa” đã đành kinh điển rồi, sự mạnh mẽ ở đây là gái còn muốn trai cũng nhớ như mình: “Trước khi cầm lấy tay nàng/ Ôm vào lòng hãy nhớ rằng anh ơi” (Mai sau). Một sự ích kỷ đáng yêu bởi cũng vì yêu mà ích kỷ! Vậy chị đã yêu như thế nào? Chị đã yêu như con cuốc nhớ bạn mà quên cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp vẫn bao quanh: “Ngày thì nắng giãi bên thềm/ Đêm thì trăng trải khắp miền trần gian/ Điều gì để cuốc thở than/ Thì ra cuốc nhớ bạn vàng cuốc thôi” (Tiếng cuốc). Và tình yêu ấy không chấp nhận những giới hạn nhỏ nhoi: “Không thể đem biển xanh/ Với bao la khát vọng/ Đựng vào một cốc xinh/ Trên mặt bàn yên tĩnh” (Lại nói về giới hạn). Và nếu vì phá vỡ những giới hạn mà nó đổ vỡ thì người con gái cũng luôn có thủy có chung, ít nhất là trong tâm tưởng và tư tưởng: “Có thể hai chúng mình/ Không gần nhau được nữa/ Nhưng anh ở trong em/ Là mặt trời rực rỡ”(Lại nói về giới hạn).
Tôi thường nhoẻn cười thú vị khi bắt gặp nhân vật trữ tình bộc lộ mình một cách tự nhiên, ở đây là lộ giới tính nữ: “Chỉ/ nước mắt/ ngược đời/ tưới/ cây tình/ đang tươi/ thành héo” (Lệ thường). Nhà thơ ơi, “đàn bà chỉ nhớ người đàn ông khiến cho mình cười, đàn ông chỉ nhớ người đàn bà khiến cho mình khóc”. Với người đàn ông, khi anh ta khóc cây tình có thể mới thực sự từ héo thành tươi!

Quê hương và mẹ

Cấu trúc “cầu cho” rất sẵn trong ca dao, truyện thơ rồi. Sự thừa kế phổ biến, nên một mảy sáng tạo cũng rất đáng ghi nhận, trân trọng. Ở đây là cụm từ “lạnh thì lạnh ít”: “Cầu cho mưa thuận gió hòa/ Lạnh thì lạnh ít mẹ già đỡ run” (Đừng như chuối chín mẹ ơi…). Dù là vì mẹ mà cầu, cũng cần tiết chế chứ không thể cầu “không lạnh” được! Đấy là khi mẹ còn, chứ lúc mẹ mất thì: “Bây giờ biết Mẹ ở đâu/ Ở đây chỉ nắm cỏ rầu khôn nguôi/ Lời rằng nước mắt chảy xuôi/ Cầu cho nước mắt ngược đời chảy lên” (Mẹ). Dẫu vẫn là nước mắt thôi, nhưng “ngược đời chảy lên” cũng hơn không còn một chỉ dấu nào của sự giao cảm nữa.

Nhà thơ yêu quê hương không phải với tình yêu sáo mòn giả tạo. Chị biết rõ từng yếu tố cấu thành tình yêu có cả phần bất toại nguyện: “Ta có yêu sự lầy lội không/ không/ ta có yêu con đường lầy lội không/ có” (Con đường lầy lội). Tình yêu ấy đã vượt lên trên cái độc đầu tiên trong tam độc: tham. Chị yêu sâu sắc trong sự tỉnh thức, biết rõ vì sao mà mình yêu: “Bởi vì/ Trên con đường này/ Đã in dấu chân những người thân yêu nhất” (Con đường lầy lội). Trong tình yêu quê có cả niềm hoan hỉ cùng nỗi đau của đời sống đương đại phức tạp hơn xưa; và cũng có nghĩa là yêu trong tỉnh thức: “Có người giỏi/ thành nhân vật/ tiêu biểu/ năm 2000/ Còn/ Em/ Cường/ đã – chết – vì/ Bệnh AIDS” (Trai làng).

Ánh sáng tâm linh

Ngay từ bài thơ đầu tiên của tập thơ, sự giác ngộ của chị đã chớm xuất hiện: “Mới hay là cõi vô thường/ Mùa yêu chưa thỏa – mùa hương qua rồi” (Mùa yêu chưa thỏa). Chị ngộ về sự bất toại nguyện, về sự vô tình của thiên nhiên trước thành trụ hoại diệt của con người: “Mai sau dẫu có một ngày/ Tuổi tàn – có chợ hoa này hồi xuân” (Chợ hoa ngày Tết). Chị biết chấp nhận quy luật hoại – diệt ấy, và cao hơn, trân trọng nâng niu những gì chỉ đơn giản là gợi nhớ thanh xuân của mình. Tuyệt vời hơn nữa, lại là một tình yêu đến nửa say, nửa ngây nhưng vẫn như thực tuệ tri: “Người thì nửa tỉnh nửa say/ Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời/ Mùa thu ơi đẹp vừa thôi/ Giăng chi khoảng cách giữa đời và mơ”(Thu cảm).

Chị thấy phận người trong phận chim, khi bị lừa dối bởi chính lòng tham, độc thứ nhất trong tam độc, của mình: “Thèm ánh sáng giữa vùng bóng tối/ Đâu phải là tội lỗi/ Mà giờ đây/ Cùng nhau chen chúc trong chiếc lồng” (Nhân chứng kiến cuộc săn bìm bịp). Chị biết con người tất yếu cần tồn tại, nhưng không nguôi khắc khoải về thân phận của những loài hữu tình mất mạng để con người được sống: “Biết người thả lưới quăng chài/ Chỉ mong cho cá đừng vơi khoang thuyền/ Mà lòng vẫn chẳng bình yên/ Nhìn đàn cá mắc lưới êm của người” (Nỗi niềm). Nhà thơ ơi, chị hãy yên lòng bởi thiền sư – thi sĩ Thích Nhất Hạnh trong bài thơ “Con cá dung thông” đã thác lời cá mà nói với con người rằng: “Để mỗi khi sa vào lưới/ Được chết thong dong/ Không hận thù, không tuyệt vọng/ Bởi vì tôi biết/ Sự sống làm bằng sự chết/ Cái có làm bằng cái không/ Mọi loài tương tức/ Tôi và em dung thông.”

Trong một bài thơ khác của chị, đọc qua thấy đẫm bi quan với chữ “không”: “Một mình trong cả tâm linh/ Nào ngờ ngay cả một mình cũng không” (Biển đêm). Nhưng ngẫm kỹ thấy mừng, bởi chị đã đi đến một đại ngộ: ngộ ra tính không của từ một mình, của sự sở hữu; và lờ mờ ý một ý thức về xây dựng hải đảo tự thân (một mình). Chị cũng thấy quá trình ấy cần sự tinh tấn của cả thân và tâm: “Nhưng tâm hồn thương mến/ Lại nằm trong thân ta/ Chiều cao và cân nặng/ Đếm đong rất thật thà” (Tâm hồn).

Tiếng nói trữ tình công dân

Là một nhà thơ chuyên nghiệp đầy trách nhiệm, chị đã nhạy cảm nhận ra và cụ thể hóa một khái niệm trừu tượng về tính chất khác thường của vùng biên. Ở đấy không có chỗ cho lấp lửng mơ hồ hay ba phải: “Cây biên giới thật xanh/ Người biên giới thật thẳng” (Biên giới). Người và đất cùng tự quên mọi chiến công đã qua để luôn sẵn sàng giải quyết các nguy cơ mới: “Em tự quên chính mình/ Những phút thành dũng sĩ/ Như núi rừng tự quên/ Những phút thành chiến lũy” (Bình dị).

Chị là công dân của một nước Việt Nam thống nhất, nhưng cũng đầy đủ ý thức công dân toàn cầu. Và hơn cả công dân toàn cầu, chị còn là công dân vũ trụ trong trục thời gian tính bằng thiên niên kỷ: “Một ngàn năm/ Mấy ngàn năm/ Chẳng lẽ thời gian không giúp gì ư/ Cho loài người nghĩ suy về nhân tính/ Cho loài người tiến lên dù chút ít/ Lòng yêu thương con người!/ Loài người sẽ đi về đâu/ Hay kể cả khi họ tìm được hành tinh khác để sống/ Họ sẽ đem theo gì/ Chiến tranh ư?/ Tôi ngờ lắm!!!” (Một chút bi quan hay Những hài cốt ở Hoàng thành cổ). Cái “chút ít” tương phản mạnh mẽ với cái “ngàn năm”!

Tự khúc - dấu hiệu báo trước của trường ca

Nhà thơ Phùng Văn Khai tâm sự với tôi rằng mã thơ Nguyễn Thị Hồng nằm trong bài “Tự khúc” này. Tôi đã gặp lại cái tình mênh mang trong veo thời thanh xuân, nhớ quê và nhớ mẹ của người viết. Tôi cũng gặp lại nữ tính ở đây, kiểu“đánh Sơn Tây chết cây Hà Nội”: “Lòng không còn vô tư như tiếng trống/ Mắt ai nhìn xao động mùa xuân… (I). Và gặp lại trách nhiệm công dân khi chị lên với vùng cao, chiêm nghiệm cả cái hay và dở ở đó: “Cối đá xoay nặng nề chậm chạp/ Như cuộc đời chậm chạp đổi thay/ Tôi gặp những tấm lòng trong sạch/ Sự trong sạch tạo ra lửa/ Giữ cho bếp tâm hồn không lụi tắt ánh hồng/ Dù bến nước cuộc đời khi đục khi trong” (II).

“Và tôi gặp nấm mồ người liệt sĩ/ Những xóm làng san sát bát hương” (II) - Từ san sát thường dùng để mô tả cảnh trù phú giàu có nào đó nhưng ở đây, chị đã thay đổi cách dùng chính xác một cách đau xót! Là thơ mà dường như cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của chị: “Ôi con người nhỏ nhoi hạt cát/ Lại cũng như hạt cát chẳng có gì/ Ngoài chính mình trần trụi với thiên nhiên” (II). Không hờn oán, nhưng chị cần minh định những thiệt thòi oái oăm ấy của thời chiến: “Hầm trú ẩn che luôn thời má phấn” (II).

Chị “như thực tuệ tri” cái ngoài mình, trong mình. “Cám ơn người tạo nên con như thế/ nhỏ nhoi một hạt sa bồi/ Mỗi mùa lũ cùng vô vàn hạt khác/ Vật vã rồi thành bờ bãi sinh sôi” (II). Khi ví mình cũng tựa như một hạt sa bồi, chị đã ý thức được tính không (không bản ngã, không tự tính) của mình cùng lẽ tương tức, duyên sinh và sẵn sàng cho mọi cuộc chu du vô tận. Và chị đã khép lại bài thơ trường thiên này bằng một cách tân hình thức tự nhiên, nghĩa là xuất phát từ nhu cầu biểu đạt ý tưởng. Khát vọng thấy lại ngày xưa của mình đã khiến khái niệm không gian hàm chứa biểu tượng thời gian; khát vọng gặp lại người thân khiến khái niệm thời gian hàm chứa biểu tượng không gian: “Dường như ở phía chân trời/ Mút không gian ấy cuộc đời ngày xưa/ Và trong dòng chảy vô bờ/ Của thời gian/ có/ bến chờ/ người thân…” (III).

Cấu trúc chặt chẽ, không gian và thời gian khoáng đạt, nội dung phong phú với ít nhiều kịch tính của bài trường thiên này là những dấu hiệu báo trước của trường ca “Hồn khèn” mà chị đã hoàn thành trong thời gian dài đến khó tin là 30 năm!

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Khơi dậy giá trị di sản bị lãng quên từ quán Đạo giáo
    Trong hệ thống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt, đình, chùa, đền, miếu từ lâu đã được nhận diện như những thiết chế tiêu biểu, in đậm dấu ấn trong tâm thức cộng đồng. Tuy nhiên, có một loại hình di tích tôn giáo từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần dân tộc nhưng dần bị lãng quên: đó là quán Đạo giáo. Cuốn sách "Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam" của TS. Nguyễn Thế Hùng (NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2025) là một chuyên khảo công phu nhằm lấp đầy khoảng trống
  • "Lời từ biệt bầu trời" – Tự sự của một cựu tiếp viên hàng không
    Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách "Lời từ biệt bầu trời" của tác giả Đinh Lê Hương – cựu tiếp viên Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam. Cuốn tự truyện mang đến những lát cắt chân thực, xúc động về nghề tiếp viên hàng không qua góc nhìn của người trong cuộc.
  • “Gặp tôi trong tương lai”: Khơi dậy ước mơ nghề nghiệp từ trang sách thiếu nhi
    Sáng 29/6/2025, tại Nhà xuất bản Kim Đồng, lễ khai mạc trưng bày “Gặp tôi trong tương lai” đã diễn ra, mở đầu cho chuỗi hoạt động tổng kết chương trình kêu gọi ý tưởng sáng tác sách thiếu nhi. Đây là một sáng kiến được khởi xướng bởi The Initiative of Children’s Book Creative Content (ICBC), phối hợp thực hiện cùng ECUE VGEM và Nhà xuất bản Kim Đồng, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ chương trình Investing in Women, một sáng kiến của Chính phủ Australia.
  • 9 tựa sách hay trong Tủ sách gia đình của Nhã Nam
    Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để mỗi người lắng lại, cảm nhận rõ hơn giá trị của tình thân, của những khoảnh khắc bên nhau giản dị mà quý giá. Trong nhịp sống hiện đại, một trong những cách đẹp đẽ để giữ gìn và bồi đắp sợi dây gắn kết gia đình chính là cùng nhau đọc sách – những cuốn sách đầy yêu thương, sẻ chia và thấu cảm. Hiểu được điều đó, Nhã Nam đã kỳ công tuyển chọn và xây dựng Tủ sách Gia đình. Đây là những cuốn sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, lan tỏa giá trị yêu thương trong mỗi mái ấm, để mỗi em bé đều được lớn lên trong vòng tay chan chứa hạnh phúc của gia đình.
  • Ra mắt sách tranh song ngữ “Kể chuyện Bác Hồ”
    Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6/1925 – 6/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách tranh "Kể chuyện Bác Hồ", ấn bản song ngữ Việt – Trung.
  • Chuyện kể về Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam
    Trong hành trình mở cõi về phương Nam của dân tộc Việt Nam, các chúa Nguyễn hiện lên như những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, với các quyết sách chiến lược và nghệ thuật bang giao khôn khéo, đặc biệt trong quan hệ với triều đình Chân Lạp. Cuốn sách “Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam” của nhà giáo, nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Hữu Hiếu, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành tháng 6/2025, là một công trình giàu tư liệu và cảm hứng góp phần tái hiện sinh động giai đoạn lịch sử đặc biệt ấy.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động phong trào “Học tập trên các nền tảng số”
    Nhằm thực hiện đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng và nhiệm vụ của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch phát động phong trào “Học tập trên các nền tảng số” để trở thành phong trào “học tập số” thường xuyên, phổ cập, nâng cao kiến thức về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo... trong công chức, viên chức, người lao động của ngành.
  • Khơi dậy giá trị di sản bị lãng quên từ quán Đạo giáo
    Trong hệ thống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt, đình, chùa, đền, miếu từ lâu đã được nhận diện như những thiết chế tiêu biểu, in đậm dấu ấn trong tâm thức cộng đồng. Tuy nhiên, có một loại hình di tích tôn giáo từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần dân tộc nhưng dần bị lãng quên: đó là quán Đạo giáo. Cuốn sách "Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam" của TS. Nguyễn Thế Hùng (NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2025) là một chuyên khảo công phu nhằm lấp đầy khoảng trống
  • Phường Sơn Tây (mới) ngày đầu thực hiện tổ chức chính quyền 2 cấp: Vì Nhân dân phục vụ
    Từ ngày 1/7/2025, cùng với cả nước, phường Sơn Tây (thị xã Sơn Tây cũ - thành phố Hà Nội) thực hiện hoạt động chính quyền 2 cấp. Từ đầu giờ sáng nay, 1/7, toàn bộ cán bộ, công chức Phục vụ hành chính công phường Sơn Tây đã có mặt đầy đủ, đã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ.
  • Khai mạc triển lãm HanoiPrintPack 2025
    HanoiPrintPack 2025 quy tụ hơn 150 gian hàng đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực in ấn và đóng gói, hệ thống tự động hóa và vật liệu mới.
  • Hà Nội tuyên dương 39 tập thể, cá nhân trong "Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"
    Sáng 2/7, Ban Chỉ đạo 138 thành phố Hà Nội tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ); tuyên dương các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
Sự đằm thắm trong thơ Nguyễn Thị Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO