“Tại sao ta yêu”: Cuốn sách gợi mở những góc nhìn khác
Trong số các cây bút trẻ Hà Nội đương đại, có thể nói Hiền Trang là một người viết chăm chỉ và nhiều năng lượng. “Tại sao ta yêu” là cuốn tiểu luận mới nhất của chị, được ra mắt bạn đọc năm 2022.
“Tại sao ta yêu” là cuốn sách viết về 16 nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nghệ thuật thế giới, từ văn học, hội họa đến điện ảnh… Đó là Haruki Murakami, Norah Jones, Vương Gia Vệ, Trương Quốc Vinh, Frédéric Chopin, Oscar Wilde, Vladimir Nabokov, Leonard Cohen, Woody Allen, Audrey Hepburn, Franz Kafka, Claude Monet, Patrick Modiano, Yasujiro Ozu, Vincent van Gogh, The Beatles. 16 tên tuổi ấy đã trở thành nhân vật của Hiền Trang, với 16 bài viết trong cuốn sách.
Nói về cảm hứng viết nên cuốn sách này, Hiền Trang từng chia sẻ rằng chính nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đã truyền ý tưởng cho chị. Với tư cách ông chủ của Công ty sách Phanbook, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đã đặt hàng Hiền Trang để xuất bản bản thảo này. Bản thân Hiền Trang không xem tác phẩm mang hơi hướng tản mạn hoặc tiểu luận nặng nề mà chị chỉ đơn giản mang tâm thế giống một người đang yêu, viết theo tiếng lòng của mình.
Trong “Tại sao ta yêu”, Hiền Trang đã làm rõ tình yêu của chị đối với các nhân vật ấy. Họ đều có chung một lý do khiến cho Hiền Trang “yêu” và mê đắm, chính là sự lãng mạn và cái đẹp trong tâm hồn.
Trong 16 bài viết, Hiền Trang đã sắp xếp độ dài khác biệt, The Beatles được Hiền Trang viết dài nhất thể hiện cho nhịp độ cao trào, còn có bài viết lại ngắn như viết về Chopin.
Hiền Trang đã mở đầu cuốn sách bằng bài viết về Haruki Murakami là ẩn ý đầu tiên, dường như đó là một sự tri ân đối với người đã kéo chị quay lại với con đường văn chương giống như trong một lần chia sẻ của chị về nhà văn người Nhật này. Và bài viết về The Beatles được sắp xếp ở cuối cùng của cuốn sách dường như là một sự cố tình khác, một ban nhạc được gợi nhớ bằng từ “Love” làm cho lý do yêu được thể hiện rõ hơn, tốt hơn cũng như ấn tượng hơn.
Với những tình cảm đặc biệt dành riêng cho từng người, Hiền Trang gần như đã xem các nhân vật của mình là “người tình tinh thần”. Với chân dung nào, Hiền Trang cũng yêu mê đắm và hết mình.
Hiền Trang không chỉ là một tác giả mà còn là một dịch giả. Có thể vì thế mà chị có nhiều hứng thú với Nabokov và Murakami vì sự tương đồng trong tư duy ngôn ngữ khi đang viết của những người vừa là nhà văn lại vừa là dịch giả chăng?
Tại sao Hiền Trang yêu như thế? Tại sao Hiền Trang chỉ yêu và đề cập tới những tên tuổi nước ngoài mà không có một tên tuổi Việt Nam nào ở trong cuốn sách này? Hẳn nhiều người sẽ tự hỏi thế khi đọc tên 16 nhân vật là “người tình tinh thần” của Hiền Trang.
Hiền Trang cũng từng cởi mở chia sẻ về vấn đề này, rằng dù chị thích các tên tuổi như Nguyễn Du, Nguyễn Thị Hoàng, Nam Cao… Nhưng chị đã chọn các tên tuổi nước ngoài cho cuốn sách này vì với chị, việc nghĩ về những người nói một ngôn ngữ mới lạ và mang theo văn hóa khác nước mình, mỗi người lại có một thế giới riêng, sẽ dẫn tâm hồn chị rời xa hiện thực để “yêu họ” được trọn vẹn hơn.
Nhiều người vẫn cho rằng, việc cảm thụ một tác phẩm không nhất thiết phải quan tâm thêm hay không liên quan tới hiện thực cuộc sống của tác giả. Và có thể nói rằng, qua cuốn sách này, Hiền Trang đã khiến nhóm độc giả này phải suy ngẫm thêm và thay đổi góc nhìn. Bởi vì chính tác phẩm là lăng kính đa chiều phản chiếu tác giả. Phản chiếu đó có thể là sự y hệt các vị trí như khi ta dùng camera sau của điện thoại. Nhưng phản chiếu đó cũng có thể là sự tái hiện ngược lại các hệ quy chiếu, như khi ta dùng camera trước của điện thoại./.
Nhà văn, dịch giả Hiền Trang, sinh năm 1993, sống tại Hà Nội. Chị là tác giả của tập tản văn “Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi”; các tập truyện ngắn “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa”, “Dưới mái hiên đêm, những khách lạ”; các tiểu thuyết “Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ”, “Chopin biến mất” và cũng là cây viết năng nổ trên nhiều tờ báo và tạp chí trong nước.