Tác giả - tác phẩm

Cuốn sách mà người yêu nhạc không thể bỏ lỡ

Yến Ly 06:10 01/04/2023

Nhạc jazz đã có hành trình như thế nào ở Việt Nam? Ai là những người Việt chơi jazz ở Việt Nam? Có thật là họ chơi jazz hay không? Jazz Việt là gì? Và quan trọng hơn cả, ai là người khai sinh ra jazz Việt? Cuốn sách “Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội” sẽ thỏa mãn bạn đọc những băn khoăn trên.

Không giống cách chia bố cục phần/ chương như thông thường, nội dung cuốn sách Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội của tác giả Stan BH Tan-Tangbau và Quyền Văn Minh được chia thành 13 bản nhạc: Khúc dạo đầu; Minh’s Jazz Club; Tuổi thơ; Khúc chuyển đoạn I; Gặp lại Jazz; Berlin, 1987; Những chương trình độc tấu; Jazz Việt Nam; Giảng dạy Jazz; Khúc chuyển đoạn II; Birth ’99; Minh’s Jazz Club Reprise; Khúc dạo cuối.

Đó là câu chuyện kể về con đường đến với nhạc jazz cho tới ngày được người yêu nhạc gọi là “bố già của jazz Việt” của NSƯT Quyền Văn Minh. Bên cạnh đó là các cột mốc đáng nhớ, từ ngày nhạc jazz được công diễn lần đầu tiên ở Việt Nam cho đến khi jazz trở thành chuyên ngành cấp bằng cử nhân tại nhạc viện.

jazz.jpg
Cuốn sách “Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội”. Ảnh: Omega Plus

Ít ai biết rằng, người đã nỗ lực mang nhạc jazz giới thiệu đến công chúng Việt Nam, cũng là người khai sinh ra jazz Việt, NSƯT Quyền Văn Minh đã từng tự học nhạc qua radio từ thời niên thiếu, trong bối cảnh chiến tranh. Đi cùng với những cột mốc lịch sử và biến động thời cuộc, gặp rất nhiều khó khăn trở ngại nhưng người nghệ sĩ ấy vẫn kiên trì và bền bỉ với jazz.

Với hơn 50 năm chơi nhạc và hơn 20 năm quản lý CLB jazz, NSƯT Quyền Văn Minh đã góp phần ghi dấu trên bản đồ âm nhạc thế giới về một người Việt chơi jazz tiêu biểu. Cũng như, thông qua những tác phẩm và những chuyến biểu diễn ở nước ngoài, thế giới đã được biết đến jazz Việt.

Ông chia sẻ: “Tôi có một giấc mơ, một giấc mơ chơi jazz ở Việt Nam. Vì jazz, tôi đã gặp nhiều gian khó. Vì jazz, tôi đã nhận nhiều hạnh phúc và vui thú. Giờ tôi đã nghỉ hưu ở nhạc viện. Đó là công việc của tôi với đất nước. Nhưng công việc của tôi với cây saxophone thì không bao giờ ngừng lại...”

Nghệ sĩ piano người Nhật, Yamashita Yosuke đánh giá: “Đây là cuốn sách mà những người yêu nhạc trên toàn cầu không thể bỏ lỡ”.

Cuốn sách dù xoay quanh một cá nhân tiêu biểu, nhưng đã làm sống dậy những giai đoạn lịch sử đáng nhớ. Cùng với bối cảnh xã hội lịch sử ấy, người đọc có được một hình dung rõ hơn về bức tranh toàn cảnh của hành trình jazz ở Việt Nam./.

Stan BH Tan-Tangbau: Tiến sĩ chuyên nghiên cứu về các câu chuyện văn hóa cũng như sự thay đổi chính trị - xã hội ở Việt Nam và khu vực miền núi khắp Đông Nam Á. Nhiều bài viết của ông được đăng trên các tạp chí như “Jazz Perspectives”, “Collaborative Anthropologies”, “Journal of Narrative Politics” và “Journal of Vietnam Studies”. Ông từng giảng dạy tại Đại học Ritsumeikan ở Kyoto và Đại học Quốc gia Singapore.

Quyền Văn Minh (sinh năm 1954): Được xem là “Bố già của nhạc jazz Việt Nam”, ông không chỉ là nghệ sĩ saxophone jazz, giảng viên đầu tiên của bộ môn saxophone tại Học viện Âm nhạc Quốc gia danh tiếng mà còn là một trong những nhạc sĩ jazz ưu tú nhất Việt Nam.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cuốn sách mà người yêu nhạc không thể bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO