Gia đình nhà văn Sơn Tùng trao gửi nhiều bản thảo quý viết về Bác Hồ
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho biết, vừa tiếp nhận nhiều tài liệu quý về Bác Hồ từ gia đình cố nhà văn Sơn Tùng.
Trọn cuộc đời viết về đề tài Bác Hồ
Nhà văn Sơn Tùng (1928 - 2021) là một trong số những tác giả viết về danh nhân, trong đó ông thành công và để lại dấu ấn đậm nét nhất khi viết về đề tài Bác Hồ.
Một đời cầm bút, ông đã có 16 đầu sách viết về Người. Sinh thời nhà văn Sơn Tùng từng chia sẻ: “Không phải do một sự ngẫu nhiên, một sự tình cờ, mà từ tình yêu kính Bác với một quá trình hình thành và tích lũy trong tâm hồn tôi đã dẫn đến việc cầm bút viết những trang kể về một số hình ảnh thuở thiếu thời của Hồ Chủ tịch”.
Trọn cuộc đời viết về Bác, nhà văn Sơn Tùng đã để lại dấu ấn đậm nét với bạn đọc các thế hệ qua tác phẩm: “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Trái tim quả đất”, “Hoa dâm bụt”, “Tấm chân dung Bác Hồ”, “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở Trường Dục Thanh”, “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”...Mỗi cuốn sách viết về Bác, nhà văn Sơn Tùng luôn chọn một giai đoạn, một góc nhìn riêng, song tác phẩm nào cũng giàu xúc cảm, lay động tâm hồn người đọc.
Những tác phẩm văn học viết về đề tài Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng chứa đựng những cứ liệu lịch sử chân xác về sự hình thành nhân cách và quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử của thời đại.
Nhiều bản thảo viết tay về Bác Hồ được trao gửi, sớm giới thiệu tới công chúng
Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), gia đình nhà văn Sơn Tùng vừa trao nhiều tài liệu quý cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước). Nhiều tài liệu từ tài liệu giấy, băng ghi âm, ghi hình kỷ vật của cố nhà văn được gửi bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Nổi bật nhất trong các tài liệu là các bản thảo viết tay, đánh máy tiểu thuyết “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Sen vàng - con đường từ Huế”, “Chiến khu lõm”, “Người vẽ cờ Tổ quốc”, “Từ con đường ấy”, “Cô đơn Người chẳng bao giờ cô độc”, “Con đường và con người”, “Những ngày bên Bác”... và các bài viết “Tấm lòng Bác với tấm khăn người mẹ Thái”, “Bác vẫn còn nhớ Hội An”, “Bóng mát Bác Hồ”, “Kim Côn nghệ sĩ nhiếp ảnh Bác Hồ”, “Người thủy thủ huyền thoại”, “Nhớ một cái tết Bác Hồ”, “Hồ Chí Minh sang thế kỷ”, “Những chuyện về Bác Hồ cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn”…
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên gia đình cố nhà văn gửi bảo quản 15 băng ghi âm, ghi hình “Bác Hồ đến Mỹ”, “Người chụp ảnh Bác Hồ”, “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”, “Hẹn gặp lại Sài Gòn”…
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III Trần Việt Hoa chia sẻ, những tư liệu chân thực, sinh động, đa dạng cùng với những tác phẩm từ chính ngòi bút của nhà văn Sơn Tùng đã khắc họa cuộc đời, sự nghiệp của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, những đóng góp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những tư liệu này cũng là nguồn thông tin tin cậy, quý giá về các chặng đường lịch sử của dân tộc ở những góc nhìn chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa.
Bà Trần Việt Hoa thông tin thêm, tới đây, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ thực hiện chỉnh lý, sắp xếp khoa học và phát huy có hiệu quả giá trị của các tài liệu từ gia đình cố nhà văn Sơn Tùng, đưa tài liệu đến với công chúng và phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước.
Với những đóng góp của nhà văn Sơn Tùng về đề tài Hồ Chí Minh, cũng như nghị lực phi thường của một cây bút - thương binh “tàn nhưng không phế”, năm 2011, nhà văn Sơn Tùng đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”.