Tác giả - tác phẩm

Cánh giang bay lẻ dọc đường thơ

Hoài Văn 02/06/2023 07:22

Cách đây khoảng 30 năm, nhớ có lần nhà thơ Trúc Thông bảo tôi: “Nguyễn Tấn Việt có bài thơ “Cánh giang bay lẻ” rất lạ ở cả ý lẫn tứ. Đó cũng có thể là tuyên ngôn thơ của Nguyễn Tấn Việt, bản chất con người thơ Nguyễn Tấn Việt”. Một người làm thơ lâu năm, luôn sẵn sàng “tử vì thơ”, có bản lĩnh đến mức “chầm chậm tới mình”(1), có can đảm đến mức “ma-ra-tông”(2), những mong thành “một ngọn đèn xanh”(3) trong thơ như Trúc Thông mà nói về đồng nghiệp như thế, bạn thơ như thế, thì hỏi làm sao tôi không tin cậy c

Đến năm 2000, khi đọc chùm thơ hai bài “Làng tôi năm 2000” và “Ở nước nào cũng thế” của Nguyễn Tấn Việt được giải A trong cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ giai đoạn 1998 – 2000, tôi càng tin cậy và hiểu thêm về nhà thơ người Hà Đông này hơn. Tôi không biết giữa bài thơ “Ở nước nào cũng thế” trước đó đăng báo có khác với bài thơ “Ở nước nào cũng gió” sau này khi cho in trong tập thơ “Những người sống trong mây” hay không? Nhưng “Ở nước nào cũng gió”, là một tứ thơ lạ. Cốt lõi của “Ở nước nào cũng gió” đọng lại ở ba câu có sắc màu triết lý và có tầm khái quát cao: “Ở nước nào cũng gió/ Cây thưa thì ồn ào/ Rừng dày thì im lặng…”

canh-giang-bay-le.jpg

Và ba câu này được lặp lại hai lần khi mở và khép lại tứ thơ.

Ngoài ba câu trên, “Ở nước nào cũng gió” còn có nhiều câu thơ đáng nhớ khác, thuộc diện sâu sắc, khó quên như: “Bồ câu mải bay đôi/ Gà tức nhau tiếng gáy/ Đỏ môi kẻ tặng hoa/ Mài dao người tím mặt”; “Vôi bạc hay nói nhân/ Vách nhà hay nói chữ”; “Tuổi thấp thì học bay/ Tuổi cao thì học đứng”; “Số đông thuộc quốc ca/ Số nhiều quên quốc nhục…”


Theo tôi, nếu không là người từng trải, ưa ngẫm nghĩ… khó có thể sở hữu được những câu thơ nặng lòng đến thế!

Ở hai câu khác: “Còn một ô cửa cuối cùng tôi khép kín/ Giấu ban mai một chút nắng riêng mình” trong “Những ô cửa sổ”, tôi lờ mờ nhận ra trái tim và tâm hồn Nguyễn Tấn Việt – người đã từng “Đốt nỗi lòng làm ngọn đuốc thâu canh” (Vòng vây giọt lệ) còn có một cái gì đấy thật bí ẩn, thiêng liêng và ông muốn gìn giữ nó thật cẩn trọng, như chỉ để cho riêng mình. Ấy là khoảnh khắc ông muốn vô ngã để làm nên cái ngã của mình, như cách muốn lấy im lặng mà để tiếng với xung quanh.


Trong một bài viết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã gọi thơ Nguyễn Tấn Việt mang quyền lực của sự im lặng. Và hơn cả một nhận định, bài thơ “Những cánh bướm” mà Nguyễn Quang Thiều dành tặng Nguyễn Tấn Việt đã thốt lên: “Chúng mang vẻ đẹp của đời sống đi khắp thế gian/ Mà không để lại một tiếng động nhỏ.”

Trong bài thơ “Tôi gọi tôi về”, Nguyễn Tấn Việt nhấn nháy cái bi kịch quá sức khi phải làm người khác, cái bi kịch tôi bay quá xa tôi trong cõi người, kiếp người. Một nỗi buồn thẳm sâu nhân thế, cũng như sự bất lực của nỗi làm người trong một chiều kích rộng – dài – cao – sâu và phảng phất đâu đó là tâm trạng của một người phải tha hương ngay trên chính quê hương mình: “Nỗi buồn không nhà trọ/ Niềm vui không cố hương/ Vuông là thế và tròn là thế/ Quơ vào trời chỉ nắm ánh trăng suông…”

Câu “Quơ vào trời chỉ nắm ánh trăng suông” thật ấn tượng và thật thi sĩ. Tôi gọi tôi về, từ ý nghĩ “tôi phải gọi tôi về” đã đến được hành động cụ thể: “tôi đứng gọi tôi về”. Từ ý nghĩ đến hành động – đó là quá trình chuyển động, dẫn dắt của 12 câu thơ. Và sự quá sức khi bay quá xa tôi là quá sông quê… quá bờ tre và tất nhiên là quá thói quen nữa.

Nguyễn Quang Thiều cho rằng hai câu: “Nếu không yêu mặt đất/ Trên trời mây không bay” trong “Những người sống trong mây” là nguyên lý cho mọi sáng tạo”. Điều đó ngỡ phi lý mà vẫn có lý, có xuất phát từ tấm lòng của một thi sĩ đích thực trước vạn vật với tình yêu thương. Nhưng khi đọc hai câu thơ này, tôi lại nghĩ thêm rằng: Xét đến tận cùng, về mặt bản thể, con người và vũ trụ (cả thiên nhiên nữa) vốn hợp nhất, vốn là một. Và tôi nhớ đến ý thơ của một tác giả nước ngoài được viết Trước Công nguyên, tiếc là không còn nhớ tên: “Bạn đừng nghĩ khi ngắt một ngọn cỏ trên mặt đất/ Mà những đám mây trên trời không đau”. Một sự gặp gỡ rất ngẫu nhiên giữa nhà thơ xưa và nhà thơ nay, ngẫm đi ngẫm lại thấy thật thú vị và không khỏi giật mình. Thậm chí còn thấy thảng thốt nữa.Nhưng thơ Nguyễn Tấn Việt không chỉ có thế, mà còn nhiều câu thơ gây ám ảnh khác trong tập “Những người sống trong mây”, có thể kể đến như: “Tôi dỗ núi đừng đá/ Tôi dỗ rừng đừng cây/ Và gió ơi đừng vàng/ Và đá ơn đừng đổ mồ hôi/ Và người ơi, hãy tập quên tiếng khóc/ Tất cả đều nghe tôi/ Không đá/ Không vàng/ Thế mà khi tôi xanh quá/ Nào ai dỗ nổi tôi đâu” hay “Khi có em em chỉ là một nửa/ Khi không em em hóa vô vàn”. Với Nguyễn Tấn Việt, đức tin trong ông không bao giờ thay đổi. Ông luôn tin vào con người: “Từ bến quê hoa cỏ/ Qua sông suối xa xôi/ Ai gọi ngoài bốn bể/ Ai vọng đến năm trời/ Chỉ có con người thôi/ Chỉ có ở con người/ Chỉ có con người thôi. (Chỉ có ở con người)
Mấy câu: Chỉ có con người thôi/ Chỉ có ở con người/ Chỉ có con người thôi như những tiếng vọng, vừa ngân nga, vừa ám ảnh không dứt. Ấy cũng là sự gửi gắm đến thống thiết vào con người.

Trở lại với “Cánh giang bay lẻ”, trong khi đi tìm hiểu con giang cụ thể là con gì, tôi chợt nhớ đến một câu trong ca từ bài hát “Xa khơi” nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ rất gợi và có phần tâm trạng: “Con giang chiều gọi bạn đường khơi”. Một người am hiểu nói với tôi: Giang là một loài chim lớn như đại bàng, thường bay một mình ven biển… Có lẽ hình ảnh con giang trở thành hình tượng, biểu tượng nghệ thuật ở xứ ta hơi hiếm, cho nên với Nguyễn Tấn Việt là một dấu ấn khi sử dụng hình ảnh này trong thơ. Và với tôi, Nguyễn Tấn Việt chính là một cánh giang bay lẻ dọc đường thơ./.

Chú thích: (1), (2), (3): Tên các tác phẩm của nhà thơ Trúc Thông.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • "Bài văn về trứng vịt lộn" đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh 2024
    Với mong muốn tìm kiếm các tác giả, hoạ sĩ truyện tranh Việt Nam và phát triển nhiều hơn nữa các tác phẩm truyện tranh của Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức cuộc thi Sáng tác truyện tranh.
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Huế trong thơ Lê Vĩnh Thái
    Thơ Lê Vĩnh Thái ở bất kỳ chặng nào, tập nào cũng khó đọc, khó hiểu, không thể nhớ. Tôi quen biết anh gần hai chục năm nay, gần như tập thơ nào cũng đọc, song đều để riêng một góc… và suy ngẫm.
  • Sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo với dân tộc từ thời Lý đến nay
    Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách "Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay". Không chỉ khái quát vai trò của Phật giáo thời Lý, phác họa bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội thời kỳ này cuốn sách còn góp phần khẳng định những giá trị của Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay, đồng thời đề cập tới những cơ hội, thách thức và các giải pháp phát huy những giá trị tư tưởng, văn hóa tốt đẹp của Phật giáo trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cánh giang bay lẻ dọc đường thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO