NSND Trần Tiến sinh năm 1937 tại Hà Nội, trong gia đình có hai anh em. Ông có anh trai là NSƯT Trần Văn Nghĩa từng là Giám đốc Nhà hát múa rối Trung ương. Nghệ sĩ bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ 1954.
NSND Thế Lữ và NSND Đào Mộng Long đã phát hiện năng khiếu trời phú của Trần Tiến, nên đã khuyến khích ông đến với kịch nói và sau này là điện ảnh. Năm 1961, ông học khóa diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu cùng Thế Anh, Ngọc Hiền, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung... Ra trường, ông về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) cho đến năm 2012 thì nghỉ hưu.
Tên tuổi của ông gắn với một số vai diễn như: Đại Cát trong "Quẫn", Đế Thích trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", Hoài Nghi trong "Chuông đồng hồ điện Kremli", Cố vấn ái tình trong "Kén rể", Nguyễn Trãi trong "Nguyễn Trãi ở Đông Quan"... Ông cũng tham gia một số bộ phim như: "Thằng Bờm", "5 ngày làm Thượng đế", "Chuyện làng Nhô", "Hà Nội 12 ngày đêm", "Những người săn lùng cái đẹp"…
NSND Trần Tiến không chỉ ghi dấu với những vai chính diện nhiều suy tư, trăn trở mà còn là một trong những tên tuổi hiếm hoi có được thành công trong những vở hài kịch bằng khả năng diễn xuất tài tình hiếm có.
Trong lòng khán giả, NSND Trần Tiến là một diễn viên điện ảnh tài năng và có cuộc sống với những tháng ngày gió mưa phiêu bồng của một tâm hồn nghệ sĩ đa mang, đa cảm.
NSND Trần Tiến kết hôn với NSƯT Lê Mai khi hai người cùng công tác ở Đoàn Kịch nói Trung ương. Cả hai có với nhau 3 người con gái đều là nghệ sĩ nổi tiếng: Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi.
Năm 1970 hai người ly hôn, nhưng vì hoàn cảnh sống khó khăn nên họ vẫn sống chung trong căn nhà rộng chỉ 24m2 cho đến khi con gái lớn là Lê Vân kết hôn.
Những năm tháng tuổi già, NSND Trần Tiến sống với một người phụ nữ tên Hạnh, bà rất được Lê Khanh kính phục.
NSND Lê Khanh từng bày tỏ sự biết ơn đối với người bạn đời của bố mình trên truyền hình: "Tôi trân trọng và xúc động vô cùng với người bạn gái ấy của bố mặc dù ông không còn cường tráng, phong độ nhưng những gì đẹp của ông vẫn luôn đọng lại trong cô ấy. Nhờ có cô ấy mà những lúc tôi đi xa sẽ yên tâm hơn về bố. Cho nên những người con, người cháu phải hãnh diện vì mình có phúc thì cha mẹ mới còn có người thương khi ở tuổi xế bóng. Những điều quý giá ấy dẫu có tiền cũng không thể mua được.
Chắc chắn là cô Hạnh sẽ xem và nếu cô nghe được lời cháu nói thì chúng cháu muốn gửi lời cảm ơn đến cô. Cô đã ở bên cạnh bố cháu khi tuổi cao, sức yếu, đem đến cho bố cháu những niềm vui và hạnh phúc của tuổi già. Cô coi chúng cháu như người nhà và chúng cháu cũng coi cô như thành viên trong gia đình. Xin cảm ơn cô và chúc cho những người lớn tuổi có được tình yêu...".