Những vần thơ mang hương cói quê nhà

Phạm Thành Hưng| 05/09/2019 07:47

Gặp những bài thơ đầu tiên của Trần Đức Cường viết về các cô con gái rượu của anh in trên nguyệt san của Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi trở thành độc giả thơ anh lúc nào không nhớ nữa.

Những vần thơ mang hương cói quê nhà

Gặp những bài thơ đầu tiên của Trần Đức Cường viết về các cô con gái rượu của anh in trên nguyệt san của Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi trở thành độc giả thơ anh lúc nào không nhớ nữa. Sau bao năm, thơ anh xuất hiện đều đặn trên các câu lạc bộ thơ Hà Nội, dưới hình thức tọa đàm, in tuyển tập, đặt vào các website văn nghệ, tôi đã chứng kiến sự trưởng thành của một cây bút, và cũng là chứng kiến sự trưởng thành đi từ phồn thịnh đến tinh tế của một hồn thơ. Tôi muốn dùng từ “phồn thịnh” để xác nhận tính chất phong phú về đề tài trong thơ anh. Vì thông thường, người ta đến với thơ và văn chương nói chung đều bằng cái tôi rất riêng tư, bằng những xúc cảm hướng nội rồi mới dần dần “hướng ngoại”, mở rộng chân trời. Từ chân trời riêng ta tới chân trời tất cả, như  Paul Éluard có lần đã nói. Trần Đức Cường cũng không vượt ra ngoài quy luật ấy. Thơ anh bắt đầu từ chuyện nhà mà ra chuyện đời. 

Sau tập thơ đầu tay - Hương cói quê nhà (Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 2017), các bài thơ in lẻ trên các báo Hà Nội và Trung ương của anh đã ghi nhận từng bước đi chắc chắn về thi pháp. Ngay trong bài đầu tiên của bản thảo tập thơ này, tôi bắt gặp một thể thơ đang mất dần vị thế trong thơ Việt Nam hiện đại. Đó là thể song thất lục bát:

Đêm trăn trở con tim kêu gọi
Cứ bâng khuâng mong mỏi đợi chờ
Giật mình rời khỏi bến mơ
Ngẩn ngơ câu chữ bến bờ lãng du

Những câu thơ mơ hồ, rất cần thời gian ngâm ngợi và giải mã. Song thất lục bát là thể thơ không chuyển tải sự vận động, không có khả năng “kể chuyện”, chỉ thiên về dãi bày, tâm sự, mà nói chính xác nhất là một thể thơ thuần tính trữ tình (lyric). Vậy cái tình trong ba khổ song thất lục bát Cõi mộng ở đây là tình gì. Chỉ có thể giải mã là cái Tình của người đang “ngẩn ngơ câu chữ”, người đang bị thơ dày vò, hành hạ trong đêm. Cái mộng trong bài thơ đây là mộng làm thi sĩ, người con gái chập chờn trong giấc mộng này, suy cho cùng vẫn là nàng Thơ. Chính vì vậy mà khổ thơ thứ ba của anh kết thúc trong màu vàng thu buồn bã:

Giấc mơ ấy bây giờ vẫn thắm
Mà mộng xưa thăm thẳm phương trời
Thu về xao xác lá rơi
Vàng thêm nỗi nhớ, đầy vơi cõi tình

Cõi mộng chính là bài thơ nói về sáng tác thơ. Cõi mộng chính là nỗi buồn của người làm thơ khao khát thành thi sĩ, cho đến lúc về già vẫn thấy vương quốc của thi ca như một chốn “thiên thai xa vời”.

Tôi mừng cho Trần Đức Cường đã mạnh dạn thể nghiệm một thể loại thơ già, đồng thời cũng chia sẻ với anh nỗi buồn của người cầm bút muộn màng: Sau bao năm chinh chiến, đánh giặc, chữa bệnh cho người, làm chuyên gia y tế đất khách, về hưu rồi mới rảnh rỗi đến với thơ. Mừng cho anh về sự mở rộng đến phồn thịnh về đề tài, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn thích những bài thơ anh viết về quê hương. Sử dụng quyền tiếp nhận bất khả xâm phạm của một độc giả, tôi bỏ qua nhiều bài rất hay của anh để đến với tất cả những bài dù không hay nếu anh viết về quê hương Nga Sơn, Thanh Hóa. 

Nếu làm một con số thống kê, tôi có thể khẳng định thơ anh viết về quê hương chiếm tỷ lệ rất lớn trong tập thơ này. Điều này dễ hiểu. “Hương cói quê nhà”  làm sao bay khỏi cuộc đời anh:

Bàn chân in dấu nhiều phương
Hướng về nguồn cội yêu thương trọn đời
Đông qua xuân mới gọi mời
Mênh mông cói, sợi tơ trời vấn vương,

Nếu không phải người Nga Sơn, nếu không lớn lên từ vùng đất biển Nga Sơn, không ai có thể ngắt nhịp câu bát theo kiểu 3/5 thế này: mênh mông cói/ sợi tơ trời vấn vương. Tám âm tiết của câu thơ lục bát này gói kín một sự vận động: từ sự vận động của ngoại cảnh sang sự vận động của tâm hồn. “Mênh mông cói” biểu hiện sự kinh ngạc trước vẻ đẹp bao la, cồn lên của sóng cói đang sắp vào mùa thu hoạch. Những năm xưa, cói trên đất vùng biển Nga Sơn xanh đến tận chân trời. Biển Nga Sơn không có cát, chỉ có những khu rừng vẹt ngập mặn, chắn sóng. Nếu từ biển đi sâu vào đất liền là ta gặp đất cói. Cói thay chỗ cho biển xanh. Trước mặt, sau lưng ta tất cả đều là biển cói. Trên là trời, dưới là cói. Ba tiếng “mênh mông cói” cho ta cảm nhận được tiếng sóng cói xô dạt do gió biển thổi vào. 

Biển cói mênh mông ấy trong câu thơ thoắt biến thành “sợi tơ trời”. Chỉ một nhà thơ lớn lên ở vùng đất cói, đồng cói đi suốt tuổi thơ, lớn lên xa quê, nhớ cói mới thi vị hóa được như vậy: sợi cói hóa sợi tơ trời. Bởi vì làm cói chiếu là một nghề nặng nhọc không kém nghề thợ mộc. Từ cây mống xanh, trải qua bao mưa nắng, mưa bão, đến khi thành cây cói dài, cắt chặt chở về cồn cát, chẻ đôi, phơi khô cho thành sợi dệt chiếu… là những tháng ngày mồ hôi lam lũ. Có điều, khi đi vào thơ, những sợi cói trắng khô tung trên cồn cát quê hương phải mất đi vị mặn mòi của mồ hôi người cùng vùng nước lợ, để bay lên trong tâm hồn nhà thơ, như sợi tơ trời. 

Không ai giấu được cái tôi của mình trong thơ. Thơ phát lộ tâm hồn anh, bản ngã anh và cả lý lịch anh. Có thể xem thơ như một thể loại văn học mang đậm tính tiểu sử. Đọc thơ Trần Đức Cường độc giả biết ngay anh là người đất cói. Không vậy mà hình ảnh đồng cói cứ cách một đôi bài lại xuất hiện, khi thì bâng khuâng cùng nỗi nhớ:

“Bâng khuâng trở lại quê nhà
Cỏ xanh biêng biếc mượt mà cói xanh”
Khi thì gắn với hình ảnh cây cau giàn trầu quen thuộc:
“Giàn trầu thắm những buồng cau
Bao la đồng cói xanh màu đợi ai”
Khi thì hiện lên trong không gian chơi vơi:
“Bồng bềnh mây trắng chơi vơi
Cói lên xanh tốt bời bời sắc xuân”
Lúc lại xuất hiện với cảm giác rất da thịt:
“Chạm vào đợt sóng lô nhô
Mênh mang đồng cói sóng xô ngập tràn”
Sóng cói, đồng cói ngập tràn mãi trong thơ anh . Điều này không thể khác.

Trong chừng mục nhất định có thể coi thơ Trần Đức Cường như một kiểu thơ du lịch, thơ quảng cáo cho du lịch xứ Thanh, mà trước hết là thơ mời gọi đến vùng đất Nga Sơn huyền thoại. Gần như bài thơ nào của anh cũng có dấu ấn quê hương Nga Sơn. Có thể tác giả không trực tiếp gọi tên xã, tên làng, không đem các địa danh vào bài thơ, nhưng độc giả xứ Thanh đọc lên là nhận ra không khí, phong vị huyện nhà của tác giả. 

Nga Sơn xa xưa là “huyện đảo”, tức là miền đất đảo xưa với sự tích quả dưa hấu đỏ của Mai An Tiêm - con nuôi Hùng Vương. Họ Mai ở Nga Sơn đông đúc, rất nhiều chi dòng. Người phương xa di cư đến Nga Sơn lập nghiệp khi biết ai đó là người họ Mai đều có ý vị nể, kiêng dè, vì đó mới là dân cựu, là “người bản xứ”, mang dòng máu vua Hùng. Trong bài “Miền đất biển quê tôi” của tập thơ này, ta gặp ngay những câu thơ đậm màu cổ tích:

Đảo hoang dưa hấu ngọt ngào
Đây hang Từ Thức, Bích Đào động tiên
Vịn chiều hòn Nẹ nước lên
Phù sa bồi đắp mở thêm xóm làng

Mảnh đất địa linh nhân kiệt Nga Sơn là đất gieo hồn thơ và sản sinh ra những nhà thơ cùng rất nhiều danh sĩ, danh nhân. Một trong số đó phải kể ngay đến Hữu Loan - nhà thơ của “Đèo Cả”, của “Màu tím hoa sim”. 

Tâm hồn thơ Trần Đức Cường ít nhiều đều mang cội rễ từ truyền thống văn hóa của hòn đảo thi ca này. Nếu không có nguồn cội ấy, làm sao anh có thể viết được những câu thơ buồn một cách ngẩn ngơ mà sang trọng thế này:

Cô đơn ngơ ngẩn tím chiều
Chỉ còn động lại những điều vu vơ
Nỗi niềm gửi cả vào thơ
Bao nhiêu khao khát giấc mơ thay mùa.

Và thiếu cái nguồn cội dù xa xôi ấy, làm sao anh viết được những câu song thất lục bát nhang nhác Chinh phụ ngâm thế này:

Sẽ rời khỏi chốn nơi hoang vắng
Bình minh về sóng gió lặng im
Dạt dào như nước trên ngàn
Xuôi về biển cả chứa chan ấm nồng

Có nhà thơ tâm sự rằng: làm thơ khi đã về già thì thơ già không khác một ngôi nhà cổ. Đúng vậy, “nửa đời tóc ngả màu sương”, về hưu rồi mới đủ rảnh rỗi và nhiệt tình đến sống với thơ, thơ Trần Đức Cường giống như ngôi nhà cổ đang cần bảo dưỡng, trùng tu và thay mới. Thơ anh có những bài những câu rất cũ - một kiểu thơ hưu trí hiện nay, nhưng cũng có rất nhiều bài thể hiện một sự tìm tòi, cách tân, một nỗ lực đổi mới để đồng hành với thơ trẻ. Một sự đồng hành cả trong cấu tứ lẫn thi pháp.

Là những độc giả quen biết của anh - chúng tôi tin thơ Trần Đức Cường sẽ không khép lại làm “một mảnh tình riêng ta với ta”, không dừng lại làm một phương tiện giải trí cá nhân của riêng anh, mà sẽ thơ chung cho tất cả. Chúng tôi sẽ tìm thấy trong thơ anh không chỉ “hương cói quê nhà” Nga Sơn của anh mà cả hương sắc muôn màu của đất nước, dân tộc hôm nay.
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Chuỗi hoạt động mang chủ đề “Tháng Năm nhớ Bác” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
    Hòa trong không khí kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động mang chủ đề “Tháng Năm nhớ Bác” từ ngày 5 đến 31/5/2024. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh tư tưởng, đạo đức và tình cảm của Bác Hồ dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời là dịp để tôn vinh văn hóa truyền thống, tăng cường giao lưu giữa các vùng miền và quảng bá “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em.
  • Ký ức về cha và bản tình ca ngày thống nhất đất nước
    Từ năm 13 tuổi, tôi theo bố (nhạc sĩ Lê Việt Hòa) ra Hà Nội học tại Nhạc viện, trong khi mẹ vẫn dạy học ở quê, chăm lo cho các em và bà ngoại. Hai bố con sống trong căn phòng nhỏ 16m² trên tầng 2 khu nhà lắp ghép E2, Tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam (128 Đại La).
  • Xứ Đoài - miền đất thiêng, vùng đất thơ
    Có những vùng đất chỉ cần thầm nhắc tên đã khơi dậy bao xúc cảm thi ca như sông Hương - núi Ngự, sông Lam - núi Hồng. Và xứ Đoài, với tâm điểm là núi Tản - sông Đà, cũng là một miền đất thiêng, một vùng đất thơ như thế.
  • Hà Nội ban hành đơn giá xây dựng mới về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn vừa ký Quyết định số 01/2025/QĐ-UBND về việc Ban hành đơn giá xây dựng mới về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất để làm căn cứ tính bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
  • Người lao động được nghỉ 4 ngày dịp lễ Quốc khánh 2/9
    Sau kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội được nghỉ lễ Quốc khánh 2025 kéo dài 4 ngày.
Đừng bỏ lỡ
Những vần thơ mang hương cói quê nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO