Âm nhạc

Ký ức về cha và bản tình ca ngày thống nhất đất nước

NSND Việt Hương 19:40 03/05/2025

Từ năm 13 tuổi, tôi theo bố (nhạc sĩ Lê Việt Hòa) ra Hà Nội học tại Nhạc viện, trong khi mẹ vẫn dạy học ở quê, chăm lo cho các em và bà ngoại. Hai bố con sống trong căn phòng nhỏ 16m² trên tầng 2 khu nhà lắp ghép E2, Tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam (128 Đại La).

Nhà nghèo, đồ đạc đơn sơ - chỉ có hai chiếc giường cũ, một giá sách nhỏ, cây đàn guitar, chiếc tủ xinh xắn cao hơn mét và chiếc quạt con cóc. Nhưng trong không gian chật hẹp ấy, tình cha con và âm nhạc vẫn luôn tràn đầy.

Nhạc sĩ Lê Việt Hòa cùng con gái Lê Thị Bằng Hương (NSND Việt Hương)

Bố tôi không chỉ là cha mà còn là người thầy, người dẫn dắt tôi trên con đường nghệ thuật. Nhà chỉ có hai bố con nên tôi thường được bố cho theo dự các buổi liên hoan, hội họp cùng những nhạc sĩ tiền bối - bạn bè thân thiết của ông. Nhờ vậy, từ nhỏ, tôi đã có cơ hội gặp gỡ nhiều nhạc sĩ lão thành, trở thành đứa trẻ con được các bác sai vặt, khi thì đi mua vài bìa đậu, lúc lại ít vó bò hay cút rượu để các bác vừa nhâm nhi vừa bàn chuyện đời, chuyện văn hóa nghệ thuật. Các bác đều là những nhạc sĩ tài hoa, văn minh, luôn đi trước thời đại. Có lẽ nhờ những lần “chầu rìa” lặng lẽ lắng nghe mà tôi già dặn hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Tôi cũng thấy mình may mắn khi được hiểu thêm về đời sống văn nghệ sĩ vì các bác chẳng giấu diếm gì, luôn trải lòng rất thật…

Nhiều lần, tôi có dịp theo bố trong những chuyến đi sáng tác, mỗi chuyến đi đều để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên. Tôi nhớ một đêm hè oi ả ở nông trường chè Sông Cầu (Thái Nguyên), bố con tôi vác cây đàn ghi-ta ra đồi chè ngồi hát. Tiếng đàn, tiếng hát vang lên giữa không gian tĩnh mịch, khiến mọi người trong nông trường lục tục kéo ra nghe, quây quần bên nhau đến quá nửa đêm. Tôi cũng không quên lần theo bố lên Hà Tuyên (nay tách thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang). Ban ngày, bố bận làm việc, tối đến, các cô chú đưa bố con tôi đi chơi trên sông Gâm. Chúng tôi ngồi trên ca nô, lao hết tốc lực ngược về thượng nguồn rồi thả cho thuyền trôi tự do trở về bến. Đêm ấy, trời trong, trăng sáng vằng vặc. Bố ôm đàn đệm cho tôi hát, có lúc tôi tự chơi đàn ghi-ta, say sưa cất giọng giữa không gian mênh mông của miền sơn cước. Cảnh vật tĩnh lặng, chỉ có tiếng đàn hát hòa vào dòng sông lững lờ trôi. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy đó là một khoảnh khắc thật đẹp, thật nên thơ và lãng mạn…

Từ trái qua phải: Nhạc sĩ Mộng Lân, ông Chấn, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, nhạc sĩ Lê Việt Hòa, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, NSND Việt Hương, nhạc sĩ Trần Triền trong một buổi gặp gỡ tại Hà Nội.

Từ thiếu sinh quân, bố tôi nhập ngũ, trở thành bộ đội và thăng cấp bậc dần lên Trung úy, Đại đội phó Trung đoàn 269, Quân khu Hữu Ngạn. Đến năm 1959, ông chuyển ngành, theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, bố công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, trở thành một nhạc sĩ gắn bó với sóng phát thanh và sáng tác nhiều ca khúc mang đậm chất dân gian. Trong số đó, có thể kể đến những tác phẩm như: “Gửi em chiếc nón bài thơ”, “Gửi Sông La”, “Mùa xuân trên sông Tô”, “Rừng Hà Tuyên quê em”, “Cô gái Na Hang”, “Nhớ xứ Đoài”, “Về đồng trăng”, “Cửa sổ xanh”... Đặc biệt, với “Gửi Sông La” và “Gửi em chiếc nón bài thơ”, nhiều người lầm tưởng quê nội tôi ở Nghệ An. Nhưng thực ra, gốc gác bà nội tôi trước ở vùng Tam Hiệp (xứ Đoài) và ông nội tôi ở vùng Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội). Có lẽ, chính tình cảm đặc biệt dành cho mảnh đất xứ Nghệ hiếu học, giàu truyền thống văn hóa đã thôi thúc bố sáng tác những ca khúc hay nhất của mình về miền Trung.

Mùa xuân 1975, dự cảm chiến thắng, Trung ương chỉ thị cho các nhạc sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam chuẩn bị viết một số ca khúc để sẵn sàng chào đón ngày thống nhất đất nước. Khi ấy, nhạc sĩ Phạm Tuyên viết “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, nhạc sĩ Hoàng Hà có “Đất nước trọn niềm vui”. Bố tôi cũng được giao nhiệm vụ sáng tác, nhưng ông chọn một hướng đi riêng. Thay vì viết những ca khúc trực diện ca ngợi niềm vui vỡ òa như bác Phạm Tuyên hay bác Hoàng Hà, ông muốn sáng tác một bản tình ca để tôn vinh thành quả của hòa bình, thống nhất. Bởi vậy, khi bắt gặp bài thơ của nhà thơ Sơn Tùng - một tác phẩm trùng ý tưởng với bài thơ “Nón bài thơ” mà ông đã viết năm 1955, bố tôi đã quyết định phỏng thơ (phỏng thơ chứ không phải phổ thơ) để sáng tác ca khúc của riêng mình.

Từ cảm xúc trong bài thơ của nhà thơ Sơn Tùng và sự đồng điệu trong tư duy, bố tôi đã sáng tác ca khúc “Gửi em chiếc nón bài thơ”. Là một bản tình ca chào đón ngày hội non sông thống nhất, ca khúc có câu: “... em đội nón bài thơ đi đón ngày hội lớn...”. “Ngày hội lớn” ở đây chính là ngày 30/4 - ngày thống nhất đất nước. Bài hát không chỉ đáp ứng yêu cầu mừng ngày giải phóng mà còn tôn vinh thành quả của hòa bình. Bố tôi nói, tác phẩm của ông vừa đáp ứng được “yêu cầu chính trị” vừa thể hiện được chất trữ tình theo đúng mong muốn.

Trong kháng chiến, các ca khúc cách mạng, cổ vũ tinh thần chiến đấu của người lính mới được khuyến khích sáng tác, còn tình ca ít có cơ hội xuất hiện. Chỉ sau ngày thống nhất, dòng chảy tình ca mới thực sự bùng nổ. Tuy nhiên, theo làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, ca khúc của bố tôi chính là bản tình ca đầu tiên được công bố sau ngày đất nước thống nhất. Tôi ghi nhớ điều này qua lời kể của nhạc sĩ Thụy Kha, người từng nói với tôi về dấu ấn đặc biệt của bài hát. Sau này, khi thực hiện bộ phim tài liệu về bố mình mang tên “Lê Việt Hòa: Vòm trời nón bài thơ” với kịch bản do chính nhạc sĩ Thụy Kha chấp bút, tôi càng thấm thía hơn giá trị của tác phẩm. Trong phim, lời bình của ông có đoạn: “Nón bài thơ – bản tình ca đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước của Lê Việt Hòa”.

Bố tôi kể rằng khi ca khúc “Gửi em chiếc nón bài thơ” ra đời, bài hát là một bản tình ca thuần túy, trong đó chỉ có duy nhất một từ “Nghệ” dùng để xác định địa danh, còn lại toàn bộ ca từ chỉ nói về tình yêu đôi lứa được trọn vẹn nhờ đất nước đã thống nhất. Lúc bấy giờ, một lãnh đạo của thành phố Huế, sau khi nghe ca khúc, đã rất yêu thích và ngỏ lời với bố tôi: “Anh ơi, anh có thể thay từ “xứ Nghệ” thành “xứ Huế” được không? Vì Huế cũng nổi tiếng với nón Huế mà”. Việc thay đổi này rất đơn giản, chỉ cần luyến một nốt nhạc cho chữ “Huế” là đủ. Nếu đồng ý, có lẽ bố tôi đã nhận được một khoản thù lao đáng kể. Nhưng dù khi ấy còn nghèo, bố tôi vẫn kiên quyết giữ nguyên ca từ, bởi ông muốn tôn trọng lịch sử.

“Gửi em chiếc nón bài thơ” - bản tình ca sau ngày thống nhất đất nước.

Bố tôi giải thích, từ xa xưa, chiếc nón đẹp và nổi tiếng của cha ông chính là nón Nghệ. Điều này thể hiện rõ trong các tài liệu lịch sử, khi nón Nghệ từng được đưa vào tục thách cưới của giới nhà giàu và quan lại từ hơn 300 năm trước. Khi nghiên cứu văn hóa để sáng tác, ông đã tìm hiểu và đọc được một bài thơ cổ có tên “Thách cưới”, được dịch từ Hán Nôm, có niên đại hơn 300 năm:

Em là con gái nhà giàu
Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao
Cưới em trăm tấm lụa đào
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao
trên trời
Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi
Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng
Sắm xe tứ mã đem sang
Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu
Ba trăm nón Nghệ đội đầu
Mỗi người một cái quạt tầu thật xinh...

Bên cạnh đó, xứ Nghệ còn có truyền thống lâu đời về nghề làm nón, minh chứng qua những câu hát ví phường nón đặc trưng của vùng đất này. Sau này, khi chúa Nguyễn chọn Huế làm kinh đô, mọi tinh hoa từ khắp nơi đều tập trung về đây để buôn bán, trong đó có nghề làm nón. Dần dần, người Huế cũng sản xuất nón, và nón Huế trở nên nổi tiếng ở thời kỳ sau. Quyết định giữ nguyên ca từ gốc của bài hát, bởi ông muốn tôn trọng và bảo tồn lịch sử của nón Nghệ - loại nón đẹp và danh tiếng đã có từ nhiều thế kỷ trước, gắn liền với văn hóa truyền thống của dân tộc./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Mùa xuân thống nhất"
    Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương. Chương 1 “Nỗi đau chia cắt và con đường thống nhất”; chương II “Mùa Xuân hòa bình”; chương 3 “Mùa Xuân của kỷ nguyên mới”, thể hiện ý nghĩa, tầm vóc vĩ đại, giá trị to lớn của Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
  • Đại tá - NSƯT Nguyễn Tuấn Anh: Viết nhạc giữa mây ngàn, nơi linh thiêng Tổ quốc
    Chính nơi biên cương Tổ quốc, giữa đời sống giản dị mà giàu nghĩa tình của người lính và bà con dân bản, Đại tá, nhạc sĩ - NSƯT Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn trưởng Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng đã viết nên những bản tình ca mang dáng hình biên cương Tổ quốc.
  • "Khúc ca khải hoàn" - Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
    Tối 25/4, tại Nhà hát lớn Hà Nội, đã diễn ra chương trình chính luận nghệ thuật “Khúc ca khải hoàn” nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945-7/9/2025).
  • “Hà Nội cũ”… cho người đi xa thấy nhớ
    “Hà Nội cũ” của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung là một bản tình ca mang đậm chất hoài niệm, trong đó Hà Nội hiện lên không chỉ như một không gian địa lý với những dấu ấn “nghìn năm văn vật”, mà như một thế giới ký ức đầy hương sắc và cảm xúc. Ca khúc vẽ nên một bức tranh Hà Nội vừa dịu dàng vừa khắc khoải – một Hà Nội in sâu trong lòng người xa xứ.
  • Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung ra mắt ca khúc "Đất ơi nở hoa" mừng ngày thống nhất non sông
    Nhân dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung giới thiệu ca khúc mới "Đất ơi nở hoa". Tác phẩm mang âm hưởng dân ca, là lời tri ân sâu sắc gửi đến quê hương, đất nước và mẹ trong những ngày tháng Tư lịch sử.
  • Xúc động và tự hào xem chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui”
    Tối 20/4, tại Hội trường Thống Nhất (Di tích quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập) diễn ra chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975  - 30/4/2025).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xứ Đoài - miền đất thiêng, vùng đất thơ
    Có những vùng đất chỉ cần thầm nhắc tên đã khơi dậy bao xúc cảm thi ca như sông Hương - núi Ngự, sông Lam - núi Hồng. Và xứ Đoài, với tâm điểm là núi Tản - sông Đà, cũng là một miền đất thiêng, một vùng đất thơ như thế.
  • Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
    Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.
  • Đường vào chiến dịch mùa xuân năm 1975
    Những trang nhật ký chiến trường luôn mang trong mình hơi thở của lịch sử, là chứng nhân sống động về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Chiến sĩ Bùi Quang Thuận - người lính thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 186, Sư đoàn 312 đã ghi lại hành trình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bằng những dòng nhật ký chân thực và xúc động.
  • Lời cảm ơn của Ban Tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
    Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) đã được tổ chức trọng thể và thành công tốt đẹp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 1/5, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 và Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam TPHCM có Lời cảm ơn. Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu toàn văn Lời cảm ơn.
  • 'Lật mặt 8' của Lý Hải vượt 100 tỷ đồng
    Sau chưa đầy một tuần công chiếu, bộ phim 'Lật mặt 8: Vòng tay nắng' của đạo diễn Lý Hải đã vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng phòng vé.
Đừng bỏ lỡ
Ký ức về cha và bản tình ca ngày thống nhất đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO