Những tấm lòng hiếu thảo dâng tặng mẹ

Vũ Nho| 11/11/2020 16:37

Đọc “Thơ dâng mẹ - tuyển và bình” của Nguyễn Thị Thiện, (NXB Hội Nhà văn, 2020)

Những tấm lòng hiếu thảo dâng tặng mẹ

Người mẹ là người mang nặng đẻ đau những đứa con. Rồi sau đó tiếp tục  nuôi dạy, chăm bẵm cho đến khi con trưởng thành. Có lẽ vậy chăng mà ấn tượng về mẹ vô cùng sâu sắc với con cái. Công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ luôn được con cái ghi lòng tạc dạ ngang nhau. Tuy nhiên, có lẽ bởi người mẹ gắn bó với con nhiều hơn, hi sinh cho con cái nhiều hơn chăng mà trong thơ ca, kể cả thơ ca dân gian, những bài viết về mẹ nhiều hơn hẳn các bài viết về cha. Nhà thơ Đồng Thị Chúc đã từng công phu sưu tầm những bài thơ viết về mẹ in trong tập “Lục bát dâng tặng mẹ ta” với 232 bài. Bây giờ đến lượt nhà giáo, nhà bình thơ Nguyễn Thị Thiện cho xuất bản tập “Thơ dâng mẹ - tuyển và bình” gồm 40 bài thơ tuyển và lời giới thiệu của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lạc.

Nếu xem kĩ ra, trong sách này chỉ có 2 bài thơ lục bát về mẹ của Nguyễn Trọng Tạo và Trần Đăng Khoa đã từng được tuyển trong sách của tác giả Đồng Thị Chúc, và mấy bài thơ khác như “Đường về quê mẹ”, “Bầm ơi”, “Con cò”, “Mẹ ốm” được tác giả Vũ Quần Phương bình trong tập Bình thơ (2012), cùng một số bài thơ nổi tiếng khác của Nguyễn Duy, Trúc Thông, Lê Đình Cánh, Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Mai,… đã từng được thẩm bình. Như vậy công của nhà giáo Nguyễn Thị Thiện chính là chị đã chọn trong hàng mấy trăm bài thơ hay chỉ để có con số tròn 40 chục. Cứ coi như có sự trùng lặp khoảng một chục bài, thì chị cũng đã mách cho người đọc khoảng trên dưới 30 bài thơ hay về mẹ, trong số đó có những tác giả còn ít được biết đến như: Tô Hoàn, Phan Thị Vĩnh Hà, Trần Quốc Minh, Bùi Văn Ân, Đỗ Minh Loan, Dương Đoàn Trọng,… Vâng, chọn được thơ hay đã mất nhiều công sức, nhất là lại chọn sao cho những người mẹ được nói đến trong thơ vừa riêng biệt lại vừa đại diện cho các bà mẹ nông thôn, thành thị, mẹ liệt sĩ, mẹ chồng, mẹ anh hùng, mẹ góa bụa,… Và chọn được những bài thơ nói lên lòng biết ơn, niềm thương tiếc, kính yêu mẹ của những người con.

Chọn được thơ hay coi như đã đảm bảo cho tập sách có một  giá trị nhất định. Nhưng cái khó nhất là làm thế nào để bình những bài thơ được chọn, làm rõ cái hay cái đẹp về nội dung, sự độc đáo và đóng góp về nghệ thuật thể hiện của mỗi tác giả. Làm thế nào để thuyết phục được bạn đọc rằng những bài thơ đó  như những bông hoa, mỗi bài mỗi vẻ, mỗi bài mỗi màu sắc, mỗi bài mỗi mùi hương, cũng như tạo nên sắc hương độc đáo của vườn hoa thơ dâng tặng mẹ. Đây mới là phần khó nhất cho người bình thơ. Và đóng góp quan trọng nhất của tác giả tập sách chính là ở phần này.

Kinh nghiệm bình thơ cho hay, một khi người viết lời bình thấm nhuần lời thơ, hiểu được tấc lòng của thi nhân gửi gắm trong  bài, thì sẽ tìm được lối riêng để đi vào phân tích, thẩm bình. Có lẽ chưa cần đọc cả bài, chỉ nhìn nhan đề bài thơ và tên lời bình, bạn đọc đã phần nào biết được mức độ thành công và thuyết phục của tác giả bình thơ. Ví dụ như với bài “Đường về quê mẹ” - Ai cũng khen u nết thảo hiền. Với bài “Mẹ ơi, đời mẹ” - Mẹ là tạo hóa tháng ngày. Với bài “Con cò” - Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con. Với bài  “Bàn tay mẹ” -  Từ bàn tay mẹ con lớn khôn. Với bài “Mẹ” - Mẹ như mặt đất sâu xa. Lặng im nuôi dưỡng lúa hoa ngàn đời. Với bài “Với mẹ” - Con mang tội muôn ngàn lần với mẹ… Phải cảm và hiểu rất sâu bài thơ mới có thể lẩy ra câu thơ trong bài làm nhan đề cho bài viết.

Tác giả vốn là một giáo viên Ngữ văn Trung học phổ thông, cho nên việc bình thơ văn là câu chuyện hàng ngày của chị. Tuy vậy lời bình của nhà giáo trên bục giảng không trùng với lời bình của người viết bình thơ. Đôi khi lại ảnh hưởng “tiêu cực” đến nhà bình thơ vì tính chất  khuôn mẫu học đường. Mặt khác với tập bình thơ này, tác giả đã có kinh nghiệm viết lời bình và đã in  ba tập bình thơ, nên ngòi bút có sự tự tin và chững chạc hơn. Những điều đó đã giúp cho tác giả có được một tập sách bốn mươi bài mà không có bài nào bị non lép. Các bài đều có sự thành công ở các mức độ khác nhau. Một số bài bình đạt đến sự thanh thoát, sâu sắc.

Trong khi bình các bài thơ, tác giả đã cố gắng khơi sâu vào hình ảnh độc đáo, lời thơ đẹp và xúc động của các tác giả viết về mẹ mình.

Chẳng hạn khi bình bài “Ta về với mẹ ta thôi” của Nguyễn Sĩ Đại, người bình đã dẫn ra câu thơ “Ta về mới mẹ ta thôi/ Năm nay mẹ đã chín mươi mỏi mòn” và bình luận: “Nhà thơ không viết mẹ tròn chín mươi mà viết chín mươi mỏi mòn. Cách nói ấy gợi ra cả một chiều dài đằng đẵng thời gian mẹ đã từng vất vả và lo toan “mỏi mòn”. Câu thơ trải dài hun hút những tủi buồn. Ai có sống trong mất mát mới càng cảm thương hoàn cảnh “Cha thì đã khuất núi non/ Con dăm bảy đứa chỉ còn vài ba”. Phải là người giàu bản lĩnh và nghị lực lắm, mẹ mới vượt qua được những nỗi đau đớn  như thế để nuôi dạy các con ăn học, nên người”. 

Bình bài thơ “Viết ở nhà mình” của Khuất Quang Thụy, chị lẩy ra hai điểm trội trong bài. Đó là khổ thơ “Nay tóc mẹ đã ngả theo màu mây núi Tản/ Con đã đi cuối đất cùng trời/ Mà câu dân ca con mới vậy. Mẹ ơi” và bình “Chỉ người con trai xứ Đoài mới có cảm nhận mái tóc mẹ mình “như màu mây núi Tản” - ngọn núi Tổ thiêng nhất, hội tụ linh khí của đất nước tự ngàn xưa. Hai câu thơ tiếp nối có kết cấu điệp cú pháp nhấn mạnh được ý thơ: mẹ đã trải bao sương gió của thời gian, con trai mẹ đã trải bao năm tháng nơi chiến trường đánh Mỹ ác liệt. Giờ đây anh mới cảm nhận, thấu hiểu được sâu sắc hơn lời ru của mẹ thời trước”. Và sau đó là những câu thơ: “Áo con rách vẫn chỉ đồng đội vá/ Cái vết thẫm là máu người đã ngã/ Vẫn phập phồng theo mỗi nhịp tim con” với lời bình: “Cảm động nhất là hình ảnh “cái vết thẫm” trên áo, dấu tích máu của đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường. Đó là chứng tích của đau thương và vinh quang, hy sinh và dũng cảm. “Vết thẫm” máu khô ấy với tác giả chưa lúc nào bị quên lãng hay lu mờ, lúc nào cũng đau đáu như nhịp đập trái tim người. Đây là câu thơ xúc động nhất, khơi gợi nhiều giá trị thẩm mỹ nhất trong toàn bài”.

Có một điểm lí thú là một số bài thơ hay như: “Đường về quê mẹ”, “Bầm ơi”, “Con cò”, “Mẹ ốm”, “Bờ sông vẫn gió”, “Mẹ ra Hà Nội”… đã được nhiều người bình. Tuy vậy, tác giả Nguyễn Thị Thiện vẫn có những nét riêng khi đưa người đọc khám phá các bài thơ đó. Nghĩa là người viết tự tin, không bị ngợp, viết theo cách cảm riêng của mình. Vì vậy, trong những bài viết, vẫn có “dấu ấn” riêng, dù có khi dấu ấn đó không quá đậm, song vẫn đủ sức gây ấn tượng. Chẳng hạn như khi bình bài “Đường về quê mẹ” của Đoàn Văn Cừ, chị đã có một nhận xét khá chính xác: “So sánh với thơ của hầu hết các tác giả khác, chân dung mẹ thường hiện lên với dáng vẻ lam lũ, vất vả, nghèo khó, còn ở đây mẹ của thi sĩ toát lên vẻ đẹp thanh nhã, dịu dàng. Điều này quả thật là thú vị”. Đúng vậy, nhưng giá như chị cắt nghĩa thêm tại sao lại như thế, có phải tại “người mẹ này còn trẻ” và người mẹ trong kí ức của người con nhỏ thì chắc còn thú vị hơn nữa. Viết về bài “Bầm ơi” của Tố Hữu, chị cung cấp cho bạn đọc về hoàn cảnh Tố Hữu viết bài “Bầm ơi” khá chi tiết và thú vị, theo tư liệu của Nguyễn Thế Lượng. Bình bài thơ “Mẹ ốm” của Trần Đăng Khoa, chị không đi kĩ vào chi tiết “một mình con đóng những ba vai chèo” và có một nhận xét tinh tế như nhà thơ Vũ Quần Phương rằng: “Thật ra còn một vai nữa mà chú không kể. Vai này chú không đóng mà chú sống vai đứa con chăm mẹ, để ý từng diễn biến trên khuôn mặt mẹ: 

Vì con mẹ khổ đủ điều
Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn

Chú đang đóng hỉ nộ ái lạc, đang hát trống quân, cò lả gì gì trên sân khấu, nhưng lòng chú đang sống với những nếp nhăn quanh mắt mẹ và chú thầm hiểu nỗi vất vả, già nua in trên gương mặt mẹ là vì con” (Vũ Quần Phương - sách đã dẫn, trang 549). Tuy vậy bài bình của chị cũng cho thấy được tấm lòng, tình cảm của bé Khoa với mẹ mình.

Với bài “Con cò” của Chế Lan Viên, nhà bình thơ Vũ Quần Phương “chê” nhẹ nhàng rằng bài thơ kết ở hai câu “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” là đẹp. (Vũ Quần Phương, sách đã dẫn, tr. 490). Chị khiêm tốn không chê, nhưng tách hai câu thơ đó làm nhan đề bài viết, và có một kết luận thỏa đáng: “Thi phẩm đưa chúng ta về một không gian nghệ thuật ca dao gần gũi, càng nhớ thương mẹ mình và càng thêm tri ân tình mẹ cao đẹp, thiêng liêng vĩnh hằng”.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói đến là những bài bình  trong sách này của tác giả Nguyễn Thị Thiện  có 18 bài đã được công bố trên tuần san Đời sống gia đình của báo Phụ nữ Thủ đô, tuần san Hạnh phúc gia đình của báo Phụ nữ Việt Nam, và Tạp chí thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Đó cũng là một minh chứng cho chất lượng các bài viết.

“Thơ dâng mẹ - tuyển và bình” của Nguyễn Thị Thiện là một tập bình thơ tập hợp những tấm lòng hiếu thảo dâng tặng mẹ! Tập bình thơ này rất đáng có trên giá sách của mỗi nhà cho con em chúng ta đọc để thêm thấm thía, thêm biết ơn đấng sinh thành, người MẸ vô cùng gần gũi, vô cùng kính trọng, vô cùng yêu thương! 
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xứ Đoài - miền đất thiêng, vùng đất thơ
    Có những vùng đất chỉ cần thầm nhắc tên đã khơi dậy bao xúc cảm thi ca như sông Hương - núi Ngự, sông Lam - núi Hồng. Và xứ Đoài, với tâm điểm là núi Tản - sông Đà, cũng là một miền đất thiêng, một vùng đất thơ như thế.
  • Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
    Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.
  • Đường vào chiến dịch mùa xuân năm 1975
    Những trang nhật ký chiến trường luôn mang trong mình hơi thở của lịch sử, là chứng nhân sống động về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Chiến sĩ Bùi Quang Thuận - người lính thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 186, Sư đoàn 312 đã ghi lại hành trình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bằng những dòng nhật ký chân thực và xúc động.
  • Chính phủ triển khai thi hành Pháp lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 862/QĐ-TTg ngày 1-5-2025 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Kế hoạch).
  • Hà Nội tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
    Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND về việc tổ chức tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Đừng bỏ lỡ
Những tấm lòng hiếu thảo dâng tặng mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO