Nhớ bát cháo sườn chợ quê xưa
Chợ nhỏ làng lụa Vạn Phúc quê tôi xưa không sầm uất, ồn ào mà mang dáng vẻ như những người thợ dệt nhẹ nhàng, mảnh mai, mềm mại. Chợ họp trên một đoạn đường sau ngôi đình làng cổ kính nổi tiếng thờ đức Thành hoàng làng Ả Lã Đê Nương, người có công dạy nghề dệt lụa cho dân, để hôm nay tiếng thơm của lụa Vạn Phúc vang xa thật xa…
![cho-xua.jpg](https://nhn.1cdn.vn/2024/12/16/cho-xua.jpg)
Nói đến chợ, chắc không mấy ai còn nhớ có từ bao giờ. Chỉ biết là một ngày xa xưa, chợ tự hình thành từ 2 bên đường làng, bắt đầu từ cuối đình cho đến cổng miếu, có chiều dài khoảng hơn 200m, rộng khoảng 6m, ở giữa để lối đi khoảng 3m. Chẳng có ban quản lý, bảo vệ hay người nào sắp xếp chỗ ngồi, ấy vậy mà như luật bất thành văn, không thấy ai tranh chỗ ngồi với ai, chỉ có “tứ trụ quà vặt” luôn cố định là bà Sớ, bà Tư Cò, bà Nhâm, bà Trưởng Sấu. Mỗi người lại khai thác một mặt hàng khác nhau chứ không bán trùng nhau.
Lợi thế là các bà bán quà vặt từ sáng đến chiều cho trẻ con và bà Phương bán cháo sườn là ngồi cố định ở khu vực trung tâm. Còn lại thì ai đến trước ngồi trước, ai đến sau ngồi sau, theo thứ tự, người nọ nhìn người kia mà ngồi ngay hàng thẳng lối rất có trật tự.
Những món bán ở chợ hầu như đều cây nhà lá vườn. Cứ khoảng 5h sáng đã thấy các mẹ các chị nhiều thì gồng gánh, ít thì thúng mủng rổ rá, trong đó là những mớ rau, củ khoai trồng ở trong vườn nhà hay ngoài đồng ruộng theo mùa. Cuối chợ về phía cổng miếu là cái lò rèn đỏ lửa cùng hai cái bễ luôn thở phì phò của bác thợ rèn làm dao kéo người làng Đa Sỹ. Cạnh đấy là rổ tôm, tép, cá của mấy bà thuyền chài đánh bắt được ở dưới sông Nhuệ lên. Mấy chị làng bên cũng đem đến những giỏ cua đầy chặt đến, hai tay thoăn thoắt bắt những con cua trong giỏ ra kẹp trong 2 que tre nhỏ dài khoảng 50 cm. Cua cũng nhiều loại, từ những con cua sen có hai cái càng to xếp ở dưới, đến những con cua nhỡ và cua nhỏ ở trên cùng. Mỗi con cách nhau một cái cọng rơm hay cái lạt vặn xoắn lại, mỗi xóc khoảng 10 con đều tăm tắp. Cua đưa vào xóc rồi chả cựa vào đâu được, các mẹ các chị tha hồ lật lên lật xuống để chọn mà không sợ bị cua cắp.
Nhưng ấn tượng khó phai nhất trong tôi thuở ấy là nồi cháo sườn của bà Phương. Hầu như trẻ con làng tôi đến thời kỳ ăn dặm thì đều lớn lên nhờ nồi cháo sườn của bà. Cứ khoảng 6h sáng, người ta thấy bà khệ nệ gánh một bên là nồi cháo bằng nhôm dày, một bên quang gánh là muôi, bát, thìa và thùng nước nhỏ để rửa tay. (Sau này, các con bà chở nồi cháo ra chợ giúp bà bằng xe đạp). Nồi cháo có hình giống quả bí đỏ rất to, đặt trong cái thúng lớn xung quanh nồi được quấn rơm bện chặt để ủ giữ nhiệt. Bà Phương chưa hạ gánh cháo đã có hơn chục người cầm bát đứng chờ. Cháo của bà Phương rất đậm đà, vừa thơm thơm man mát mùi bột gạo, vừa ngầy ngậy beo béo của thịt nhừ và ngòn ngọt của nước xương ninh. Bà không cho mì chính vì bà nghĩ trẻ con ăn mì chính không tốt. Ai cũng bảo ăn cháo của bà Phương là yên tâm nhất. Bà biết tôi thích ăn cháy cháo, trưa nào bà cũng để phần tôi một bát. Tôi không biết tả như thế nào về cái vị của cháy cháo này, chỉ biết là rất ngon và luôn hoài nhớ thôi. Có lần bà nói vui với tôi: “Bao nhiêu cái ngon nó xuống cháy hết đấy con ạ!”.
Hôm nào được nghỉ học, tôi lại ra giúp bà thu dọn bát đĩa. Nhìn đôi tay nứt nẻ của bà tôi thương lắm. Tôi nghe bà bảo, để nồi cháo được thơm ngon, bà phải thức khuya để ninh xương, phải đun nhỏ lửa để xương nhừ nhưng không bị vỡ nát. Ninh xương nhừ rồi, bà mới chắt lấy nước và lọc xương ra bỏ đi còn thịt thì nhặt thật kỹ rồi cho vào cháo, để trẻ em ăn không bị hóc xương. Sáng ra bà phải dậy sớm, đun sôi nước xương rồi mới đổ bột từ từ vào nhưng không khoắng đến khi sôi lại mới quấy một chiều đều tay. Đảo đến khi nhấc chiếc đũa cả lên cháo không bị rớt xuống là cháo đã chín kỹ. Bà bắc nồi cháo xuống và cho vào thúng để ủ giữ nhiệt, thế thôi mà nồi cháo giữ nóng được đến 3 tiếng đồng hồ.
Giờ tôi mới hiểu đôi tay của bà luôn bị nứt nẻ vì đôi bàn tay ấy luôn phải tiếp xúc với lửa và hơi nóng. Riêng tôi thì “nghiện” nặng món cháo sườn, hầu như sáng nào tôi cũng ăn mà không thấy ngán. Ai từng thưởng thức món cháo của bà hẳn vẫn không thể quên vị man mát, thanh thanh, ngầy ngậy của món ăn dân dã.
Bà Phương nhiều hơn bà ngoại tôi 6, 7 tuổi nhưng bà rất quý bà ngoại tôi. Hai bà thân nhau, coi nhau như chị em, có gì ngon cũng để phần nhau. Hồi ấy, bố mẹ tôi phải đi sơ tán cùng cơ quan, tôi lúc đó 10 tuổi, đang học lớp 3 (ngày đó còn phải học lớp vỡ lòng rồi mới lên lớp 1) tôi ở với bà ngoại. Tôi thường học bài xong sớm để 7h khi bà Phương, bà Hai Gụ, bà Ba Thoong sang nhà là tôi lại đọc kinh nhà chùa cho các bà đọc theo (vì các bà không biết chữ, chỉ học theo lối truyền khẩu). Khi tôi trưởng thành, xây dựng gia đình và lần đầu thai nghén, bà Phương biết tôi thèm món cháo sườn, mặc dù lúc đó đã ngoài 80, bà vẫn đi bộ gần 2km để mang cho tôi cặp lồng cháo mà tôi yêu thích.
Thời gian trôi qua, các bà của tôi đã dắt tay nhau cùng đi về miền mây trắng, chợ nhỏ quê tôi ngày nào đã không còn. Chợ dân sinh bây giờ được chuyển ra gần đầu làng, lớn và sầm uất gấp nhiều lần. Hai bên đường lớn vào làng là hai dãy kiot bán lụa là gấm vóc và các sản phẩm thủ công do chính những đôi tay khéo léo của người thợ quê tôi làm ra. Bộ mặt làng quê xưa nay đã hoàn toàn đổi mới, khoác lên mình diện mạo của một vùng du lịch đầy tiềm năng. Nhưng trong tôi, hình bóng của chợ xưa với bao kỷ niệm vẫn hằn sâu trong ký ức, chẳng dễ nguôi quên./.