Văn hóa – Di sản

Nguyễn Văn Siêu – quan chức, danh nho thông kim bác cổ

Nguyễn Vinh Phúc 12/11/2023 08:44

Nguyễn Văn Siêu sinh năm Kỷ Mùi (1799), ban đầu tên là Định, sau đổi là Siêu, tự Tốn Ban, nhân ngôi nhà là nơi ông dạy học có hình vuông nên lấy hiệu là Phương Đình. Năm 20 tuổi, Nguyễn đến tập văn tại trường cụ Phạm Quý Thích. Năm 26 tuổi, Nguyễn bắt đầu lều chõng và đỗ Á nguyên nhưng không xin bổ làm quan mà ở nhà đọc sách, học thêm và dạy trẻ.

Chính trong thời gian này ông kết bạn thân thiết với Cao Bá Quát (1808 - 1854). Đến năm 1839, hai người vào Huế thi Hội, Cao hỏng (và sẽ còn hỏng mãi), Nguyễn đỗ Phó bảng. Sau khi đỗ Phó bảng, Nguyễn Văn Siêu được bổ làm ở toà Hàn lâm; năm sau 1839 làm Chủ sự ở Bộ Lễ. Năm sau nữa thăng Viên ngoại lang. Cũng năm này Minh Mệnh chết, Thiệu Trị nối ngôi. Vốn đã biết tài thần Siêu, nên vừa lên ngôi, Thiệu Trị chuyển Nguyễn Văn Siêu vào Nội các làm Thừa chỉ. Ít lâu sau, Nguyễn kiêm giữ cả chức Thị giảng, phụ trách việc giảng sách cho các hoàng tử Hồng Bảo, Hồng Nhậm... Năm 1847, Hồng Nhậm lên ngôi (tức Tự Đức). Hai năm sau 1849, Nguyễn đi sứ nhà Thanh. Tự Đức có dặn: “Khanh học vấn uyên bác, chuyến này đi sang sứ, xem xét núi sông, phong tục, ghi chép kỹ, khi về tiến lãm”.

danh-nhan-nguyen-van-sieu.jpg
Danh nhân Nguyễn Văn Siêu.

Khi về (1850), Nguyễn dâng lên quyển Vạn lý tập dịch trình tấu thảo, được thăng Học sĩ ở Viện Tập hiền. Năm sau ra làm Án sát Hà Tĩnh, rồi Án sát Hưng Yên kiêm cả chức Tuần phủ tỉnh này. Thuở đó Hưng Yên hay bị vỡ đê, Nguyễn có gửi về kinh một số điều trần, song có lẽ không hợp ý vua. Ít lâu sau, ông bị giáng trật. Tới năm 1854, ông đệ sớ xin từ quan và được chấp nhận ngay. Từ đó cho tới khi qua đời (1872), non 20 năm ông ở Hà Nội, vui với việc dạy học và soạn sách, cho nên cũng đã để lại nhiều di tích: tại nguyên quán (làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì), còn ngôi mộ của ông, còn cả ngôi nhà thờ họ do ông xây dựng và một tấm bia viết về ông do người cháu họ là tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp soạn vào cuối thế kỷ XIX. Còn ở nội thành, ngay dãy phố mang tên ông - phố Nguyễn Siêu - cũng có nhiều di tích. Quy mô đường phố kiểu hiện nay đã làm thay đổi diện mạo xóm làng thời xưa, tuy vậy vẫn có thể chỉ ra rằng khu vực các số nhà 10, 12 chính là khu Trại Găng, nhà cũ của thần Siêu và ngôi nhà số 20 chính là nơi ông dạy học trong những năm cuối đời. Nguyễn Văn Siêu viết nhiều, có tới vài ngàn trang sách đều bằng chữ Hán, bao gồm nhiều loại nghiên cứu về văn, sử, địa lý, triết học và sáng tác thơ ca. Sau khi ông mất, học trò mới đem toàn bộ tác phẩm của thầy ra khắc ván và xuất bản, bao gồm: Địa dư chí, Chư sử khảo thích, Chư kinh khảo ước, Tứ thư bị giảng, Vạn lý tập, Phương Đình thi tập, Phương Đình văn loại... Về nghiên cứu, ông là một học giả nghiêm túc, có nhiều phát hiện đáng quý. Bộ Địa dư chí (còn gọi là Đại Việt địa dư toàn biên) là một tác phẩm do ông cộng tác với Bùi Quỹ soạn trong hàng chục năm và hoàn thành vào mùa thu 1862. Sách đã thâu tóm khá nhiều hiểu biết về địa lý, lịch sử từ trước cho đến đương thời.

Về văn chương, ngòi bút của Nguyễn thật cứng cáp mà tươi, sắc mà tinh tế, nghiêm mà có tình. Vốn lớn lên giữa lúc chế độ phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn suy thoái, hoài bão đem tài học ra giúp dân giúp nước của ông không có điều kiện thi thố. Bài tán do chính ông đề vào bức chân dung vẽ trên lụa nhân dịp ông 70 tuổi (1868), đã nói lên cả một tâm sự, một cách nhìn nhận cuộc đời:

Hoà quang đồng trần,

Phi tâm trí khoái.

Hi cổ bạt tục,

Tắc lực bất đãi.

Mục kiến nhĩ văn,

Vô hồ bất tại.

Thứ cơ tồn tồn,

Dĩ tiến ngô thoái.

(Hoà sáng với bụi đường,

Thì lòng ta chẳng thích.

Noi xưa vượt thói thường,

Thì sức ta không kịp.

Điều mắt thấy tai nghe,

Chẳng có gì không thật.

Tiến bước trong cảnh lui,

Giữ sinh tồn muôn vật)

(Nguyễn Vinh Phúc dịch)

Ông cảm thấy trước mắt ông nhiều bụi quá. Không bụi sao được khi tình hình xã hội khốn quẫn mà vua quan thì phè phỡn trên mồ hôi, xương máu dân lành. Ông không thể đem sự trong sáng của tâm hồn hoà vào cái bẩn đục của cuộc thế. Nhưng ông cũng hiểu “Hỉ cổ bạt tục - Tắc lực bất đãi”, tức là vượt ra ngoài lề thói thông thường - như ông bạn Cao Bá Quát vừa “bạt tục” nổi dậy chống lại triều đình - thì bản thân ông không đủ sức theo. Cho nên trước thực tế đáng buồn làm ông thất vọng, ông chỉ còn một cách giải quyết là rút ra khỏi quan trường bụi bặm, đành lấy “thoái” để “tồn tồn”, đưa những điều mắt thấy tai nghe” vào trong tác phẩm. Có lẽ vì thế trong thơ, ông tỏ ra có cái nhìn hiện thực khá sắc. Vào năm Mậu Ngọ (1858), đi từ Bắc Ninh sang Hải Dương, ông chứng kiến cảnh sống cơ cực của nhân dân, ông viết:

Ai ta Bắc Kỳ dân,

Cập tư Mậu Ngọ xuân.

Đông tây hổ chuyển tỉ,

Cơ biều vô nhai tân.

Khung thương tân đẩu thược,

Đãi bổ di nhật tuần.

Mễ lạp thanh đáo thủ,

Cương phốc tử tương điền.

(Tự Bắc Ninh phó Hải Dương vịnh hoài)

Dân Bắc Kỳ khổ thay,

Gặp xuân Mậu Ngọ này.

Đông, Tây chạy luẩn quẩn,

Đường thây chết đói đầy.

Dốc kho phát từng chén,

Chờ cơm hàng tuần nay.

Hột gạo vừa tranh được,

Đã đè nhau chết ngay.

(Nguyễn Vinh Phúc dịch)

Ông phần nào đã nêu được nguyên nhân của các thảm cảnh trên. Đó là do tình trạng của một xã hội binh đao không ngớt, triều đình bất lực, thiên tai lại xảy ra liên miên, vì thế bọn cướp cũng ngang nhiên hoành hành.

Quái sự, quái sự bất nhẫn văn,

Bạch trú sát nhân toàn gia khứ.

Quân lại quá giả cố chi tha,

Hương lý tàng nặc bất cảm ngữ.

(Nhân tự Bắc Ninh lai, ngôn Bắc Ninh sự, cảm tác)

(Sự quái lạ, sự quái lạ, không nỡ nghe,

Ban ngày vào giết cả nhà người ta rồi đi.

Lính tráng quan lại qua đó phải làm ngơ,

Làng xóm cũng giấu giếm sự tình không dám nói)

(Nguyễn Vinh Phúc dịch)

Tuy vậy, Nguyễn không chỉ trích thẳng vào vua. Ông chỉ âm thầm trách: Thiên lý xương môn bất tận văn (Cửa nhà vua cách xa nghìn dặm, không nghe, không biết hết được việc này). Có lẽ chỉ trong bài thơ vịnh sử, ông mới tỏ rõ được lòng khinh bỉ đối với bọn vua quan ươn hèn cũng như nói hết lòng yêu nước, lòng tự hào về dân tộc mình.

Tiễn bạn trên bến Chương Dương, ông hào hứng ca ngợi chiến công đời Trần:

Nguyên nhân vô yếm tứ lăng xâm,

Bách vạn Nam lai độc tựu cầm.

(Chương Dương độ)

(Người Nguyên không chán thói xâm lăng càn rỡ,

Trăm vạn quân kéo sang Nam đều bị bắt)

Nhà thơ đã có một nhận thức thật là mới mẻ về vai trò của quần chúng trong cuộc chiến tranh giữ nước:

Tranh đạo chiết sung đa tướng lược,

Thuỷ trì sát Thát thứ nhân tâm.

(Chương Dương độ)

(Cứ bảo phá được giặc là do nhiều tướng tài,

Biết đâu cái chí sát Thát đã sẵn sàng nơi lòng người)

Nguyễn Văn Siêu còn mạnh dạn đánh giá lại các nhân vật lịch sử. Đối với vua quan nhà Nguyễn thì Tây Sơn là “ngụy”, ai nói trái lại thì coi chừng. Phương Đình không dám nói trái, nhưng trong bài Thăng Long hoài cổ ông kín đáo ca ngợi Tây Sơn đã có công duy trì nền độc lập tự chủ của đất nước và bày tỏ một nỗi niềm luyến tiếc:

Tây Sơn trực Bắc thướng Long Biên,

Thử nhật hồi đầu tứ thập niên.

Vạn cổ sơn hà nhưng đế Việt,

Tam triều văn vật uỷ Nam thiên.

Thương nhan bạch phát do tồn giả,

Lưu thuỷ hành vân khước diểu nhiên.

Nhật lạc cô thành thu sắc mộ,

Kỷ hồi vãng sự cánh thuỳ liên.

Hoài Anh dịch thơ:

Tây Sơn ra Bắc đến Long Biên,

Thấm thoát nay đà bốn chục niên.

Muôn thuở núi sông vua Việt đóng,

Ba triều văn vật cõi Nam riêng.

Mày xanh tóc bạc người còn đó,

Nước chảy mây trôi cảnh tự nhiên.

Thành lở, trời tà thu sắc muộn,

Người xưa chuyện cũ xót xa thêm.

Đến bài Điếu thành tây Loa Sơn cổ chiến trường xứ (Viếng núi Ốc, nơi chiến trường xưa ở phía tây thành Hà Nội), tác giả lên án hành động hèn hạ của Chiêu Thống bán nước và sự ngu ngốc của Tôn Sĩ Nghị xâm lược.

Có lẽ cũng xuất phát từ tinh thần yêu nước, phê phán quân xâm lược như ông thể hiện trong thơ, Nguyễn Văn Siêu đã có một việc làm trong phong trào chống Pháp. Đó là vào năm 1860, giặc Pháp hết gây chiến ở bán đảo Sơn Trà lại chiếm đóng Gia Định và chiếm luôn ba tỉnh miền Đông Nam Bộ. Triều đình Huế do dự, cầu hoà nhưng trong giới sĩ phu yêu nước đã dấy lên một phong trào tình nguyện đầu quân dẹp giặc. Lúc này Phương Đình đang dạy học ở Giang Nguyên và đã động viên được tinh thần yêu nước của môn sinh, nên học trò trường Phương Đình cũng làm một bài biểu dâng vua tình nguyện vào Nam đánh Pháp. Bài biểu này còn thấy chép trong sách Phương Đình tiên sinh trường văn tuyển – một bộ sách tuyển những áng văn hay của học sinh trường Phương Đình (ký hiệu A.451, Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Có thể đây là một bài tập của học sinh nhưng chủ đề rõ ràng là chống Pháp.

Căm ghét những thế lực tàn bạo, Phương Đình cũng thật sự thông cảm với dân chúng. Họ đau khổ, ông cất tiếng nói đồng cảm, họ hoan hỉ, ông cũng cất tiếng hoà vui. Trên đường đi Nam Định gặp cảnh nông thôn được mùa, ông hồ hởi reo mừng.

Đạo mạch đối giao cù,

Bách thất ca đình chỉ.

(Lúa ngô ngập đường xá,

Trăm nhà ca hát vui)

Nhà thơ mong mỏi mọi người được yên vui. Lòng mong mỏi đó hồn hậu và chân thật:

Dân nguyện hàn thử điều hoà nhân tiền bệnh,

Đạo tặc bình tức tuế phong nhương.

Tức sử đỗ môn diệc hoan hỉ,

Vô sầu, vô hận đáo xuân dương.

(Mong thuận nắng mưa, người ít bệnh,

Xua tan trộm cướp, được mùa luôn.

Dù ta đóng cửa, lòng vui vẻ,

Đón rước xuân sang, chẳng giận hơn)

(Nguyễn Vinh Phúc dịch)

Cho nên khó có thể phân biệt trong khối lượng thơ ca phong phú của ông đâu là hiện thực, đâu là trữ tình. Hiện thực và trữ tình xen lẫn nhau để cùng nói lên tâm hồn nhà thơ. Nhưng nếu cân lường tách bạch ra thì quả là trong thơ Phương Đình có bàng bạc một ngòi bút trữ tình đặc sắc, tình quyện trong cảnh và cảnh chứa tình. Cảnh trong thơ Phương Đình đẹp một cách dung dị; màu sắc, âm thanh hình dáng và đường nét thật sáng trong, thanh tú; tình trong cảnh đó nhã mà đôn hậu, thật mà nhuyễn.

Đây là một buổi chiều quang mây ở nơi thôn dã:

Phi quan nhiễm chức phiên thành cẩm,

Bất tại đan thanh hốt hữu văn.

(Không nhuộm, không thêu mà cứ như gấm dệt,

Không tô xanh, tô đỏ mà bỗng như nổi những đường vân)

Đây là đêm sáng trăng bên hồ, núi in hình trong nước, ven nước muôn hoa nở:

Sơn ảnh đảo thuỳ thanh nhược tẩy,

Ngạn hoa lưu lệ chiếu vô biên.

(Bóng núi đảo ngược sắc xanh như được rửa cho rõ ra,

Bờ hoa nở rộ ngời sáng không cùng)

Đặc biệt, là người dân Hà Nội nên cảnh Hà Nội tràn vào thơ Phương Đình không ít. Nhiều bài đẹp. Ngồi ngắm trăng trên sông Nhị hay đi chơi hồ Tây ông đều có những vần thơ tả cảnh tinh tế. Ông cũng viết về cảnh đẹp hồ Gươm, về lầu chuông của đền Ngọc Sơn nhìn xuống:

Nhất trản trung phù địa,

Trường lưu đảo tải thiên.

Ngư chu xuân tống khách,

Hồi trạo túc hoa biên.

(Một chén trong lòng đất nổi,

Nước dài trở lật trời qua.

Thuyền ca ngày xuân đưa khách,

Quay chèo về ngủ bên hoa)

(Nguyễn Vinh Phúc dịch)

Vạn hồ mênh mang mà ví như chén nước. Cách nhìn thật độc đáo. Nhưng chưa hết: nước lăn tăn chạy dài như lật trời mà trở về xa. Tứ thơ thật lạ mà táo bạo! Và thế là mùa xuân hiển hiện lên trong hình dáng một con thuyền bé đang quay mái chèo về nép cạnh bờ hoa. Xuân đẹp, xuân hữu tình nhưng man mác buồn, vì đây là xuân của một thời khá đen tối trong lịch sử!

Phương Đình còn nhiều bài viết khác nhau về hồ Gươm: Chơi hồ Gươm, Lên lầu chuông đền Ngọc Sơn, Trên núi Ngọc trông xuống... Đề tài hồ Gươm quả là quen thuộc trong thơ ông. Và chính ông là người đã đứng lên trùng tu lại thắng cảnh này: sửa sang ngôi đền Ngọc, bắc lại cầu Thê Húc nối bờ phía đông với đảo Ngọc, rồi bồi đắp thêm cho núi Độc Tôn và xây trên đó ngọn Tháp Bút với ý tứ sâu sắc: Tả thanh thiên (Viết lên trời xanh), tức là viết tư tưởng lên trời xanh, so với mặt trời, với trăng sao, phải chăng đó là viết ra cái chính khí hạo nhiên của con người chân chính? Và đã có bút tất phải có nghiên. Cho nên, cạnh Tháp Bút ngay ở đầu cầu Thê Húc, Phương Đình cho xây Đài Nghiên, một cái cửa cuốn trên có xây một cái nghiên bằng đá tạo theo hình nửa quả đào. Ở thành nghiên có khắc bài minh do Phương Đình soạn và Vũ Tá Trữ - đỗ Tú tài, có hiệu là Thọ Pháp - viết theo lối chữ lệ:

Cổ hữu huyệt địa tiến nghiên,

Chú đạo đức kinh.

Nghiên đại phương nghiễn,

Trứ Hán Xuân thu.

Thạch tư nghĩa dã,

Phi tượng hà hình.

Bất phương bất viên,

Diệu tồn chư dụng.

Bất cao bất hạ,

Vị hồ quyết trung.

Ứng thượng thai nhi thổ vân vật,

Hàm nguyên khí nhi ma hư không.

Bài minh thực ra viết liền một mạch, không có chấm câu, ý tứ lại hàm súc nên chúng tôi tạm chấm câu như trên và tạm dịch:

Xưa lấy hốc đất làm nghiên,

Chú kinh đạo đức.

Nghiền ngẫm bên nghiên lớn,

Viết sách Hán Xuân thu.

Từ đá tách ra làm nghiên vậy,

Chẳng có hình dáng.

Không vuông, không tròn,

Dùng vào mọi việc thật kỳ diệu.

Không cao, không thấp,

Ngôi ở chính giữa.

Cúi soi hồ Gươm,

Ngửa trông gò Bút đá,

Ứng vào sao Thai mà làm ra mọi biến đổi,

Ngậm nguyên khí mà mài hư không.

Đầu bên kia là lầu Đắc Nguyệt (được trăng). Qua lầu này tới ba nếp đền. Ở mặt nếp đền nhìn ra hồ ông cho khắc đôi câu đối:

- Đạo hữu chủ trương, Đấu Bắc văn minh tri tượng

(Đạo có chủ tể, đó là vẻ đẹp sáng của sao Bắc Đẩu)

- Nhân đồng chiêm ngưỡng, Giao Nam lễ nhạc chi đô

(Người đều ngửa trông, ấy thật đô thành lễ nhạc của cõi Nam)

Người xưa quan niệm, sao Bắc Đẩu là chủ mọi vì sao, là gốc của đạo lớn trong vũ trụ. Và lễ chính là trật tự xã hội, suy rộng ra là chính trị, còn nhạc là hoà hợp nhịp nhàng, tức là văn hoá. Đôi câu đối của Phương Đình đã khẳng định quả nơi đây - Hà Nội, Thăng Long là nơi muôn nẻo chầu về, là trung tâm chính trị và văn hoá của cả nước. Thời ấy nhà Nguyễn đã rời đô vào Huế trên sáu chục năm mà ông vẫn khẳng định như vậy, điều này cho thấy tầm vóc của bản lĩnh Phương Đình.

Phía ngoài đền ông cho xây đình “Chắn sóng” (Trấn Ba Đình). Ở đây cũng có câu đối:

- Kiếm hữu dư linh quang nhược thuỷ

(Kiếm sót dư linh ngời ánh nước)

-Văn tòng đại khối thọ như sơn

(Văn cùng trời đất thọ như non)

Như vậy với quần thể kiến trúc - mỹ thuật - văn học Ngọc Sơn mà ông là tác giả, Nguyễn Văn Siêu xứng đáng là một nhà văn hoá, một nghệ sĩ danh tiếng của Thăng Long.

Tất nhiên như xảy ra trong thực tế, Nguyễn Văn Siêu chưa nhìn thấy hết những vấn đề lớn của thời đại nên không có những hành động tích cực như Cao Bá Quát. Khóc họ Cao, bên cạnh sự xót xa vì mất bạn tri âm, Phương Đình cảm thấy xấu hổ vì mình cứ luẩn quẩn trong quan trường, ông chưa thấy hết ý nghĩa công việc “động trời” của bạn:

Duy biên thư sử bích biên cầm,

Nhất mộng du du thất hảo âm.

Sơn hải di tung hà xứ ẩn,

Hương quan ly hận thử hồi thâm.

Văn chương hữu mệnh tương chung thuỷ,

Thanh khí đồng bi tự cổ câm.

Ngô đạo bất kham phân hiểu hối,

Câu y kỳ nại sỉ lưu tâm.

Nguyễn Vinh Phúc dịch:

Đàn còn bên vách, sách bên mình,

Một giấc mơ màng bặt tiếng lành.

Sông núi chốn nào còn vết tích

Tình quê sâu nặng hận xa vương

Văn chương có mệnh tình sau trước,

Thanh khí cùng đâu chuyện cũ càng.

Đạo học tỏ mờ không hiểu nổi

Áo xiêm ràng buộc thẹn khôn lường.

Song, là một trí thức trong sạch, đạo đức cao đẹp, học thức uyên bác, một nhà giáo gương mẫu, một nhà khảo cứu nghiêm túc, một nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm, đáng trọng, Nguyễn Văn Siêu xứng đáng có một chỗ đứng nhất định trong nền văn học và văn hoá Việt Nam thế kỷ XIX./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Quang Triều - nhà Nho thanh cao
    Nhà thơ Trần Quang Triều (1286 - 1325), còn có tên là Nguyên Đạo, Nguyên Thụ, hiệu Cúc Đường, Vô Sơn Ông, sinh năm Bính Tuất (1286). Ông là con cả Trần Quốc Tảng, cháu nội Trần Quốc Tuấn và là anh vợ vua Trần Anh Tông. Năm 14 tuổi (1301), ông được phong tước Văn Huệ Vương, sau đó làm quan trong triều. Ông giỏi cả văn lẫn võ, từng cầm quân đi đánh dẹp Thích Na. Có thời gian Trần Quang Triều lui về ở tại am Bích Động, gần chùa Quỳnh Lâm (nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nơi “nuôi dưỡng” niềm tự hào dân tộc
    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã từng đi nhiều nơi và đã có rất nhiều địa điểm in dấu chân Người, gắn liền với sự kiện quan trọng của dân tộc. Một trong số đó là ngày 3/12/1946, Bác Hồ về nhà cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) để chuẩn bị rút lên chiến khu. Tại ngôi nhà này, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển đến toàn thể quốc dân, đồng bào, kêu gọi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
  • Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024
    Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam: Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một Thế giới hòa bình”, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 quy tụ 16 tỉnh, thành phố tham gia: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
  • Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - sứ mệnh lịch sử
    Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại.
  • Những âm thanh cổ điển vang lên trong đêm “Hà Nội Concert: Hoà nhạc mùa đông”
    Tối 13/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam cùng Dàn hợp xướng Bình Minh đã có những màn trình diễn thăng hoa trong đêm hòa nhạc “Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông” dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng trẻ tài năng Phan Đỗ Phúc.
  • Triển khai đợt 2 Giải thưởng quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
    Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa có Công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai đợt II xét tặng Giải thưởng quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2025.
  • Hà Nội dự kiến giảm 5 sở, 2 đảng ủy khối sau khi sắp xếp
    Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã ký ban hành Thông báo Kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương (Thông báo số 07-TB/BCĐ)
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế: “Đường băng” để Hà Nội tiến vào kỷ nguyên mới
    Quán triệt quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, văn hóa phải được coi trọng và đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; Thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị và trong kinh tế, xác định đây là giá trị, chất lượng, trình độ phát triển của chính trị, kinh tế với tư cách là hai lĩnh vực cơ bản, trọng yếu nhất của đời sống xã hội.
  • Triển lãm "Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh"
    Sáng 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Triển lãm “Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh”. Triển lãm giới thiệu gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật khái quát quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, thành tựu 35 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
  • Hà Nội - 36 khúc giao thời: Khám phá sự giao thoa quá khứ và hiện tại của 36 phố phường
    “Hà Nội - 36 khúc giao thời” - chuỗi hoạt động khám phá 36 phố phường Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc từ Hà Nội xưa sẽ diễn ra vào ngày 15/12/2024 tại Cafe Phố Hàng (251 Phố Hồng Hà, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với không gian mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng góc phố cổ Hà Nội, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cơ hội khám phá và hiểu hơn những giá trị văn hóa của Thủ đô.
Nguyễn Văn Siêu – quan chức, danh nho thông kim bác cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO