Nguyễn Trực – nhà khoa bảng “lưỡng quốc trạng nguyên”
Nguyễn Trực, hiệu là Sư Liêu, tự là Công Dĩnh, quê xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội). Nguyễn Trực sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi có học vấn, đỗ đạt cao: Ông nội là Tiến sĩ Nguyễn Bính (dưới triều vua Trần Hiến Tông từng giữ chức Nho học huấn đạo giáo quan Quốc Tử Giám), cha là Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung (làm quan giáo thụ Quốc Tử Giám dưới triều vua Lê Thái Tông)...
Ông sinh ngày 16-5 năm Đinh Dậu (1417), thuở nhỏ đã nổi tiếng là người rất mực thông minh, mẫn tiệp. Lên 8 tuổi đi học, 12 tuổi có khả năng làm thơ văn. Năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), ở tuổi 17, Nguyễn Trực tham dự kỳ thi Hương và đỗ đầu (Giải nguyên). Đến năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba (1442), Nguyễn Trực 25 tuổi, tham dự kỳ thi Đình và đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ Đệ nhất danh (Trạng nguyên). Ông được nhà vua ban sắc “Quốc Tử Giám thị thư” và ban thưởng á Liệt Khanh, đứng đầu trong số 33 vị Tiến sĩ cùng khóa, được coi là lưỡng quốc Trạng nguyên (Việt Nam và Trung Quốc). Lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt, vua Lê ban mũ áo Trạng nguyên cho người đỗ đạt cao nhất. Hiện nay, tên tuổi của ông vẫn đứng đầu trong các bia Tiến sĩ ở Văn Miếu.
Sử sách chép rằng: Nguyễn Trực sinh ra trong thời buổi loạn lạc, nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần. Cha của Nguyễn Trực lúc đó phải lánh nạn về phía tây ở Tiểu Đông Mộng - thôn Cây Thượng - xã Nghĩa Hương - Quốc Oai - Hà Nội. Tại đây Nguyễn Thời Trung gặp và kết duyên với một phụ nữ tên là Đỗ Thị Chừng, sinh ra Nguyễn Trực ở am Long Khôi, núi Phật Tích, thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Thấy ông còn ít tuổi mà đã đăng quang, nên vua Lê Thái Tông ban cho ông yến tiệc ở vườn Quỳnh, cho cưỡi bạch mã đi dạo quanh kinh đô Thăng Long.
Ngày 3-5-1442, cha Nguyễn Trực qua đời, ông phải về chịu tang. Năm Giáp Tý niên hiệu Thái Hòa thứ hai (1444), dưới triều vua Lê Nhân Tông, Nguyễn Trực được vua ban chức Triều nghi đại phu Hàn lâm viện học sĩ Vu kỵ úy. Ít lâu sau, ông được vua tuyên triệu về triều ban chức Hàn lâm viện thị giảng chi thập thị học sĩ ngự tiền học sinh nhị cục tầm ban. Năm Ất Sửu niên hiệu Thái Hòa thứ ba (1445) được đổi lại thành Thiếu trung khanh đại phu Ngự sử Đài ngự sử thị Đô úy. Nhưng Nguyễn Trực đã dâng biểu từ chối, khiến vua Lê Nhân Tông phải ra sắc dụ tới ba lần ông mới chịu nhận.
Ngày 13-3 năm Giáp Tuất (1454), mẹ ông qua đời, ông phải về chịu tang. Trên đường về, các học sĩ của bốn phương đến theo học với ông rất đông. Cũng từ đây, nhiều bậc cự nho, danh sĩ khoa bảng được vua ban áo, mũ đều từng là học trò của Trạng nguyên Nguyễn Trực trong thời gian ông về quê chịu tang mẹ. Năm Đinh Sửu (1457), tháng sáu mãn tang mẹ thì đến tháng tám có sứ nhà Minh là Hoàng Gián tìm gặp. Vua Lê Nhân Tông tuyên triệu ông vào tiền điện. Nhờ tài thơ văn ứng phó tuyệt vời, ông đã khiến sứ giả nhà Minh vô cùng cảm phục. Sau tập thơ Lưu biệt gồm 50 vận làm vẻ vang đất nước, ông được vua cử đi sứ sang Trung Quốc. Sang đó, gặp kỳ thi Đình, Trạng nguyên Nguyễn Trực cùng Phó sứ là Trịnh Khiết Tường muốn cho nhà Minh biết tài học vấn của người nước Việt, nên đã đăng ký tham dự kỳ thi đó. Sau kỳ thi năm ấy, Trạng nguyên Nguyễn Trực được người Minh xưng tặng là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”, Phó sứ Trịnh Khiết Tường được đỗ Bảng nhãn. Trở về nước, cả hai ông đều được vua phong chức Thượng thư và ban thưởng tám chữ vàng: Thành công danh Nam Bắc triều biên ngã (Công danh ở cả hai nước đều hoàn thành). Trải qua nhiều chức vị khác nhau, ông là người luôn được vua Lê đánh giá cao về học vấn và tiết tháo. Theo xác định của Bùi Duy Tân, ông từng được Lê Nhân Tông vẽ hình để bên cạnh ngồi, tỏ ý không lúc nào quên. Vua Lê Thánh Tông thì kính trọng đến mức sai đem bộ Thiên Nam dư hạ tập đến tận chỗ ông ở là đình Hoàn Bích để ông tiện phê duyệt. Ông cũng chính là một trong những văn thần được bình thơ văn của Lê Thánh Tông từ trước khi có hội Tao đàn. Đóng góp của Nguyễn Trực trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng có nhiều điều đáng chú ý. Tương truyền ông có tập thơ Sư Liêu, nhưng văn bản hiện thất truyền; Ngu nhàn tập, Kinh nghĩa chư văn tân tập, Văn bia Mục Lăng (soạn chung với Nguyễn Bá Ký, nay đã thất truyền), chỉ còn sót lại một số bài trong Gia phả họ tộc họ và trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn; bài phú thi Hội có tên Xuân đài phú (Bài phú đài xuân) và Đình đối sách văn (Bài văn sách thi Đình).
Qua số tác phẩm văn thơ ít ỏi còn lại so với số lượng sáng tác thực có của ông chúng ta có thể ít nhiều hiểu được những mâu thuẫn mà thống nhất trong con người Nguyễn Trực: thời trẻ trung thì hừng hực với những hoài bão và khát vọng phò vua giúp nước, tinh thần tự nhiệm cao cả của một nho sĩ hành đạo mẫu mực; và bên cạnh đó là một Nguyễn Trực của chiều tà xế bóng với niềm nhớ nhung quê cũ, những ước mong bình dị của một con người dường như đã “mỏi gối, chồn chân” trên con đường hoạn lộ, muốn được hoà mình vào cùng với không gian, thời gian yên ả và thanh bình của làng mạc, quê hương.
Nguyễn Trực trưởng thành khi nhà Lê đã hoàn thành công cuộc “bình Ngô”, cái thời tối tăm, bĩ vận đã qua đi, đất nước bước vào buổi kiến thiết và dựng xây, dù có ít nhiều khủng hoảng nội bộ song nhìn trên đại cục là thời thanh bình. Mặc dù thế, cũng giống như đa số nho sĩ hành đạo khác, trong nhiều thơ văn của mình, Nguyễn Trực bày tỏ niềm mơ ước về một xã hội tốt đẹp có vua sáng tôi hiền với những Nghiêu, những Thuấn, Thành Thang, Cao, Quỳ, Tắc... Trong Xuân đài phú, Nguyễn Trực bày tỏ niềm vui mừng trước cảnh đất nước thanh bình. Đài xuân - một biểu tượng tượng trưng cho nội dung tụng ca sơn hà xã tắc và cũng là hình ảnh của đất nước giai đoạn đầu đời Lê. Theo ông, “đài này không nền, không móng, không dựng, không xây”, không cần phí công nện đắp, không cần muôn vàn của cải tiền tài mà chỉ cần đạo đức làm cơ sở:
Chẳng cần đến trăm nghìn công lao nện đắp,
Chẳng phí đến muôn vàn của cải tiền tài.
Chi cần lễ nghĩa tạo hướng đi cho mưu lược,
Chi cần đạo đức làm cơ sở để tài bồi.
Từ đó mà ông mường tượng đến một mô hình xã hội ổn định cần được kiến tạo bằng lễ nghĩa đạo đức kiểu Nho gia, đồng thời cũng nhận thấy trách nhiệm của những người “ở trên” là phải không ngừng quan tâm đến việc xây dựng Xuân đài - tiêu chí thẩm định cuộc cai trị của một thời đại:
Đẹp thay đài này biểu tượng sáng ngời,
Gặp phải thời suy, người, vật tơi bời!
Sao nỡ để dài xuân đổ nát,
Khiến đời sau oán trách chê cười...
Cuối thời Trần vận nước suy vi; thời nhà Hồ “chính sự phiền hà” (Nguyễn Trãi) khiến cho “đài xuân đổ nát”, dân chúng lầm than, dẫn đến thảm họa mất nước. Lời văn lúc này của ông ngụ ý chê trách, nhưng không gay gắt đến mức khinh bạc, chỉ đủ để giúp cho người đọc hồi tưởng về quá khứ và ghi nhận một cuộc đổi thay đã có, đồng thời mạch cảm xúc cũng chuyển hẳn sang cảm hứng ca ngợi triều đại đương thời (một phần không thể thiếu trong những bài văn có tính trường quy):
Bĩ rồi lại thái,
Vận trời xoay vần.
Đức Cao Hoàng ta: trị vì thiên hạ,
Gió nhân thổi khắp, cả nước thanh bình.
Nghiệp lớn vững mạnh,
Hoà khí lung linh.
Xây cuộc đời vui, phong tục thuần khiết,
Tạo nên cảnh mới, đạo đức quang minh.
Ta cũng gặp cảm xúc này trong bài văn sách của ông. Đây là tác phẩm có tính quyết định vị trí đứng hàng đầu của Nguyễn Trực trong kỳ thi Đình. Bài văn sách cho thấy tác giả của nó là một người có kiến thức uyên bác, biện luận chặt chẽ và sắc sảo, nhất là những đoạn văn luận về đạo quân tử và tiểu nhân. Xin dẫn một đoạn dưới đây:
“Ôi, quân tử và tiểu nhân hoàn toàn trái ngược nhau. Đạo quân tử mạnh thì đạo tiểu nhân suy; đạo quân tử suy thì đạo tiểu nhân mạnh. Như âm với dương, như ngày với đêm không thể cùng song song vận hành; như nước với lửa, như thơm với thối, không thể cùng chứa trong một rọ. Cho nên bậc bề trên, mỗi lúc dùng người phải bình tĩnh, phải chuyển tâm, phải thử thách, phải thận trọng mới được...
Bệ hạ muốn quân tử tiến, tiểu nhân lùi thì không gì bằng gần gũi bề tôi khí tiết, sử dụng kẻ sỹ chính trực để họ đưa vua đi đúng đường đặt vua vào chỗ không lầm lỗi. Cho nên, Mạnh Tử nói: Không thể chỉ trách cứ người mình dùng, không thể chỉ chê bai việc chính sự. Duy bậc Đại nhân mới biết sửa lỗi lầm của vua. Vua có nhân, không ai không có nhân; vua có nghĩa, không ai không có nghĩa; vua chân chính, không ai không chân chính. Trước hết, vua chân chính rồi cả nước sẽ bình yên...”.
Qua đây, chúng ta có thể thấy việc tiến cử hiền tài là một vấn đề mà Nguyễn Trực quan tâm hàng đầu. Theo ông, việc dùng người muốn đạt hiệu quả thì nhà vua phải chăm bề tu đức, phải có nhân - trí - dũng và giỏi thuật dùng người. Trong suy nghĩ của Nguyễn Trực, cơ sở của một nền thịnh trị cần phải có vua sáng tôi hiền “trăm tè quan tựu quanh vua đều có phong thái của bậc sĩ quân tử”. Đó chính là ý thức về vai trò và tầm quan trọng của nhân tài, đúng như cách mà Thân Nhân Trung viết “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, có quan hệ mật thiết với sự hưng vong của đất nước. Quả là vấn đề mà Nguyễn Trực đặt ra ở đây có ý nghĩa thời sự nguyên vẹn của nó cho đến tận bây giờ. Chỉ có điều là trong bài văn này, ông chỉ tập trung nhấn mạnh việc lựa chọn và sử dụng nhân tài như một biện pháp tốt nhất để đẩy lùi tiểu nhân chứ chưa đặt ra vấn đề đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Điều này sẽ được bù đắp ở những học giả đời sau.
Khi tuổi cao sức yếu, thân mỏi, tâm mệt, hoài bão tráng chí một thời theo quy luật mà dần dần giảm đi, ý muốn ganh đua không còn nữa. Hình tượng của một con người thời trai trẻ hăm hở, hình ảnh một con người mang trong mình hoài bão hành đạo bị mờ dần để thay vào đó là hình bóng một Nguyễn Trực già yếu, đôi chỗ thất vọng và một niềm mong mỏi tha thiết được quay về thôn quê sống một cuộc đời giản dị, nhàn tản:
Man Xúc tâm hội tục lựu hưu,
Yên ba vạn khoảnh phiếm cô châu.
Kỳ sơn tú thuỷ cung thanh trí,
Lệ nhật xuân phong trợ thắng du.
Tuý lý vong cơ tuỳ sở thích,
Nhàn trung dữ thế đạm vô cầu.
Tự tằng tương thức hoàn tương phỏng,
Lưỡng lưỡng phi lai thậm xứ âu.
Vân Trình dịch thơ:
Lửa lòng Man Xúc tắt lâu rồi,
Thuyền lẻ xa xa lướt sóng trôi.
Núi thẳm, nước trong thêm thú vị,
Gió xuân, nắng ấm giúp niềm vui.
Say sưa, quên hết, riêng tuỳ thích,
Nhàn ẩn, càng hay, khỏi lụy đời!
Thương cảm tình ta như có ý:
Chim âu sà xuống tự phương trời. "
Quê hương của Nguyễn Trực có cách kinh thành Thăng Long bao xa đâu, vậy mà cái ước ao nhỏ bé đơn sơ đến thế ở ông cuối cùng cũng không thành:
Bệnh thừa ân chiếu hứa lưu kinh,
Quy kế Sơn Tây nhất vị thành.
Hà nhật Sơn Tây sơn hạ lộ,
Thoa y, tiểu lạp khán xuân canh?
Tác giả sách Hoàng Việt thi văn tuyển dịch thơ:
Ơn cho dưỡng bệnh chốn kinh kỳ,
Về nghỉ chưa thành mãi đến nay.
Mong mỏi ngày nào đường dưới núi,
Mang tơi đội nón ngắm dân cày?
Thế rồi ông đã mất khi đang đương chức tại kinh thành Thăng Long. Niềm mong mỏi đến khắc khoải ấy ở ông vẫn còn vẹn nguyên của một niềm mơ ước.
Trở lên có thể thấy, thơ văn Nguyễn Trực đã bộc lộ tiết tháo của một con người có phần hờ hững với công danh phú quý, luôn mong ước một cuộc sống bình dị, gắn bó với thiên nhiên. Đánh giá về Nguyễn Trực,
Thân Nhân Trung viết: “Khai quốc Trạng nguyên, văn chương vẻ vang trong nước, nổi tiếng một đời. Triều vua nào cũng được yên chuyện, giữ việc văn hành, ở ngôi quán các, là người khiêm tốn, trước sau vẹn toàn”. Vua Tự Đức trong Việt sử tổng vịnh thì khen ông: Triều Lê lừng lẫy mấy ai tày. Học giả Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cũng cho rằng thơ Nguyễn Trực “lời và ý đều tao nhã đáng ưa”. Với tất cả những lí do đó và dù lịch sử dân tộc đã trải qua nhiều bước thăng trầm, song tên tuổi của Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực mãi mãi là dấu son chói ngời trong lịch sử Việt Nam, rạng danh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội