Văn hóa – Di sản

Lê Phụng Hiểu – trung thần dẹp loạn tam vương

Lê Văn Lan 25/10/2023 09:57

Có phần đột ngột chăng khi người ta chỉ thấy Lê Phụng Hiểu lần đầu tiên cũng là lần duy nhất xuất hiện giữa kinh thành Thăng Long - dĩ nhiên là qua những trang dòng biên niên của sử cũ - vào ngày mồng ba, tháng ba, năm Mậu Thìn (1028).

le-phung-hieu.jpg
Đền thờ Lê Phụng Hiểu ngày nay.

Nhưng thực sự, đó là một ngày định mệnh - đúng nghĩa - về nhiều mặt cũng như nhiều người đương thời, mà Lê Phụng Hiểu là gương mặt nổi bật nhất.

Quả là định mệnh, khi vừa hai hôm trước, ngày mồng một tháng ba, xảy ra nhật thực, bầu trời Thăng Long sầm tối giữa ban ngày. Thế rồi, tin dữ theo những hồi chuông cấp báo từ trong nội điện loan đi: đấng chí tôn, vị hoàng đế sáng nghiệp nhà Lý - Thái Tổ Công Uẩn - đã băng hà! Linh cữu Lý Thái Tổ để ở điện Long An, cạnh điện Long Thụy, là hai trong quần thể nguy nga ba cung tám điện, châu tuần quanh tòa chính điện Càn Nguyên đồ sộ trên núi Rốn Rồng - Long Đỗ giữa hoàng thành, do chính nhà vua cho xây từ 18 năm trước, khi vừa mới thiên đô Hoa Lư và định đô Thăng Long. Hai điện Long An, Long Thụy dành cho việc nghỉ ngơi của hoàng đế, làm ở ngay mé sau tòa chính điện Càn Nguyên.

Theo đúng Di chiếu của hoàng đế mới băng hà, quần thần Lý triều, một mặt lo liệu việc tang rất đỗi trọng thể, một mặt tiến hành công việc còn trọng đại hơn: rước mời tân vương kế nghiệp, lên ngôi báu. Đó là hoàng trưởng tử Lý Phật Mã, từ 16 năm trước, khi vừa mới tròn một giáp tuổi, đã được sắc phong làm thái tử, vẻ vang mang tước hiệu Khai Thiên Vương. Và còn được vua cha xây riêng cho một tòa vương phủ, làm Đông cung, đặt tên là: Long Đức.

Cung Long Đức của Đông cung hoàng thái tử Phật Mã là một công trình kiến trúc đặc biệt. Chẳng phải chỉ vì sự lộng lẫy hào hoa, mà còn vì vị thế: không gần kề ba cung tâm điện của vua cha ở chính giữa hoàng thành, mà lại làm ra mẻ ngoài cửa Tường Phù - cửa Đông của hoàng thành - cấy vào giữa khu dân cư ở mạn đông kinh thành Thăng Long! Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã có lời bình chính xác cho sự việc này: “Làm cung Long Đức tại mẻ ngoài Hoàng thành cho ở, là ý muốn cho thái tử hiểu biết mọi việc của dân”...

Vào ngày mồng ba tháng ba năm Mậu Thìn (1028) ấy, đông đảo quần thần Lý triều đã tìm đến cung Long Đức, rước mời Đông cung hoàng thái tử vùng theo di chiếu, tiến nhập hoàng cung theo cửa Tường Phù, thẳng đến tòa chính điện Càn Nguyên, thụ mệnh đăng quang. Tuy nhiên, một cảnh tượng bất thường đã bỗng nhiên xuất hiện: xa gần quanh tòa chính điện, lố nhố những giáo gươm, cung kiếm đầy sát khí! Và, lấp ló giữa đám quan binh - bắt đầu cất giọng hăm dọa khi vừa thấy thái tử điện hạ sửa soạn bước lên những bậc thềm cao của điện Càn Nguyên, phía mạn đông lại là... chính Đông Chinh Vương (Lục). Lũ thái giám mặt mày tái mét, từ chỗ nấp kín trong tòa chính điện, bây giờ mới thấy chạy ra bẩm báo: Đông Chinh Vương (Lục) đem quân riêng trong phủ đến để giết thái tử, tranh ngôi! Và ở mạn của Quảng Phúc - cửa Tây Hoàng thành - thêm cả hai vương Dục Thánh và Vũ Đức - một hoàng thúc và một hoàng đệ nữa - cũng đã kéo quân đến mai phục!

“Loạn Tam Vương” thế là nổ ra. Và đến đây, mới thấy Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ: “Thái tử biết có biển, sai người hầu đóng hết các cửa điện, và sai vệ sĩ trong cung phòng giữ” (Bản kỷ, Quyển II). Tiếp đấy, một loạt lời lẽ - đối thoại, bàn bạc - giữa tình thế vô cùng nghiêm trọng và khẩn cấp ấy, đã được sử cũ may mắn ghi chép được nguyên văn, từ mé trong điện Càn Nguyên:

Thái tử hỏi: “Ta đối với anh em, không phụ bạc chút nào. Nay ba vương làm việc bất nghĩa, quên di mệnh của tiên đế, mưu chiếm ngôi báu, các khanh nghĩ sao?”.

Lý Nhân Nghĩa - vốn từ năm 1011 đã là Viên ngoại lang trông coi việc bang giao, đối ngoại, nay đương chức Nội thị trông coi các việc trong cung đình trả lời: “Anh em với nhau, bên trong có thể hiệp đồng bàn mưu, bên ngoài có thể cùng nhau chống giặc. Nay ba vương làm phản, thì là anh em hay kẻ thù? Xin cho bọn thần đánh một trận để quyết được thua!”...

Thái tử hỏi: “Ta lấy làm xấu hổ là tiên đế mới mất chưa quàn, mà cốt nhục đã giết nhau! Há chẳng để muôn đời cười chê sao?”.

Lý Nhân Nghĩa thưa: “Thần nghe rằng: Muốn mưu xa thì phải quên công gần; giữ đạo công thì phải dứt tình riêng. Đó là việc Đường Thái Tông và Chu Công Đán bất đắc dĩ phải làm. Nay điện hạ có cho Đường Thái và Chu Công là chăm mưu xa, giữ đạo công chăng? Hay là tham công gần, đắm tình riêng chăng? Điện hạ biết theo dấu cũ của Đường Thái, Chu Công, thì đời sau ca tụng công đức còn chưa rỗi, còn rỗi đâu mà chê cười”.

Lý Nhân Nghĩa nói tiếp: “Tiên đế cho điện hạ là người hiền, đủ để nối được chí, tài đủ để làm nổi việc, nên mới đem thiên hạ phó thác cho điện hạ. Nay giặc đến vây bức tận cửa cung mà vẫn ẩn nhẫn như thế, thì đối với sự phó thác của tiên đế, ra làm sao đây?”.

Thái tử vẫn chần chừ, mong tìm một hướng giải quyết khác. Sau một hồi im lặng suy nghĩ, nói: “Ta há lại chẳng biết việc làm của Đường Thái, Chu Công hay sao? Chỉ vì ta muốn che giấu tội ác của ba vương, khiến họ tự ý rút quân chịu tội, cốt để vẹn toàn tình cốt nhục thì hơn!”.

Tuy nhiên, “cây muốn lặng (nhưng) gió chẳng đừng”, trong lúc bên trong chính điện vẫn cứ bàn bạc, thì bên ngoài: “Khi ấy, phủ binh của ba vương vây bức càng gấp” - đấy là lời sử cũ. Và: “Thái tử liệu không thể ngăn cản được, bèn nói: - “Thế đã là như vậy, ta còn mặt mũi nào trông thấy ba vương nữa. Ta chỉ biết làm lễ thành phục đứng hầu tiên đế, ngoài ra đều ủy thác cho các khanh cả!”.

Bọn Nhân Nghĩa đều lạy, nói: - “Chết vì vua gặp nạn, là chức phận của bọn thần. Nay đã được chỗ đáng chết, còn từ chối gì nữa!”.

Nói xong những lời nghĩa khí, trung trinh ấy, “bọn Nhân Nghĩa” - theo cách gọi của sử cũ - gồm những tên tuổi sau đây: Dương Bình, Quách Thịnh, Lý Huyền Sư, và - sau cùng là - Lê Phụng Hiểu, đều “mở cửa cùng ra đánh, với các vệ sĩ ở trong cung”.

Lê Phụng Hiểu, vào giai đoạn bước ngoặt của cuộc đảo chính và phản đảo chính, ngày mồng ba tháng ba năm Mậu Thìn (1028) giữa kinh thành Thăng Long ấy, lúc đầu, chỉ được chép tên ở hàng cuối danh sách những người chỉ huy cầm vũ khí xung trận. Nhưng, đến thời khắc quyết định của trận đánh dẹp loạn, khi mà: “Ai cũng vui lòng xông pha, đều là một người địch với trăm người”, nhưng: “Quân đánh nhau (mãi mà) chưa phân được thua” - vẫn đều là lời sử cũ - thì chỉ còn thấy một mình tướng Lê Phụng Hiểu, với một lời nói - rõ ràng mang tính “lập ngôn” - và một hành động biết lựa chọn chính xác - mà thôi. Đó là lúc mà sử cũ ghi nguyên văn: “Phụng Hiểu tức giận rút gươm chạy thẳng đến cửa Quảng Phúc, hô to lên rằng: “Bọn Vũ Đức Vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua kế vị vào đâu, trên thì quên ơn tiên đế, dưới thì trái nghĩa tôi con. Vì thế, thần là Phụng Hiểu, xin đem thanh gươm này để dâng!”...

Trong lời nói lẫm liệt và độc đáo ấy, đối tượng cho hành động quyết liệt của Lê Phụng Hiểu cũng đã được xác định. Đó là Vũ Đức Vương - kẻ phản nghịch trong vai hoàng tử, nhưng non trẻ nhất và ít kinh nghiệm chiến trường nhất (vì chỉ mãi đến năm 1015, mới thấy sử cũ chép việc y được vua cha cho cầm quân đi đánh nhau (để thử thách, rèn luyện) một lần duy nhất, trong khi Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương thì - trước đấy và sau đấy - đã được cử đi trận, liên tục và nhiều lần). Quả là vị võ tướng biết nổi giận đúng lúc, nhưng cũng biết chọn đúng đối tượng để ra đòn quyết định Lê Phụng Hiểu - là một vị tướng quân có tài. Sử cũ chép tiếp: “Nói xong (Lê Phụng Hiểu) xông thẳng đến chỗ ngựa của Vũ Đức Vương. Vương quay ngựa tránh, ngựa quỵ xuống, bị Phụng Hiểu bắt giết!”.

(Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép cụ thể hơn: “Lê Phụng Hiểu xông thẳng đến bên ngựa Vũ Đức Vương, ngựa bị đánh quỵ, bắt sống được Vũ Đức Vương, giết tại trận”).

Từ đòn đột phá quyết định của Lê Phụng Hiểu, cục diện trận đánh tại chính tâm cung đình Thăng Long đã thay đổi hẳn: “Phủ binh của ba vương thua chạy. Quan quân đuổi theo, chém giết không sót một mống. Chỉ có hai vương: Đông Chinh và Dực Thánh, chạy thoát được” (Đại Việt sử ký toàn thư. Bản kỷ, Quyển II)...

Và thế là việc ghi chép vào sử cũ danh sách những người có công lao phản đảo chính, cũng thay đổi: tên Lê Phụng Hiểu được xếp lên trên đầu, không những thế, còn thành tên tuổi đại diện cho cả nhóm: “Bọn Phụng Hiểu”!

Hình ảnh của “bọn Phụng Hiểu” trong sử cũ, lúc này vừa thật đẹp, lại vừa được kèm thêm một lời “lập ngôn” hết sức có ý nghĩa nữa: “Bọn Phụng Hiểu trở về, mặc chiến bào, đi vào báo tin thắng trận ở trước linh cữu Thái Tổ. Sau đấy, đến điện Càn Nguyên, báo cho thái tử biết. Thái tử úy lạo rằng: “Ta sở dĩ được gánh vác cơ nghiệp to lớn của tiên đế, toàn vẹn được thân thể của cha mẹ để lại, đều là nhờ sức của các khanh cả!”.

Đấy là lời ghi công chung. Còn riêng với người lập công lớn nhất, thì có cả một đoạn văn trân trọng tưởng lệ, làm tiền đề cho sự xuất hiện lời “lập ngôn” thứ hai của Lê Phụng Hiểu, khi ấy:

Thái tử: “Ta thường xem sử nhà Đường, thấy Uất Trì Kính Đức giúp nạn vua, tự nghĩ là bề tôi đời sau, không ai sánh được. Ngày nay gặp biến, mới biết Phụng Hiểu còn trung dũng hơn Kính Đức nhiều!”.

Lê Phụng Hiểu (lạy tạ hai lạy): “Đức của điện hạ cảm động cả trời đất, kẻ nào manh tâm mưu đồ gì khác, thì trời đất thần linh đều làm hết chức phận mà giết đi, bọn thần có công sức gì!”.

Dĩ nhiên, đây là những lời kẻ nhún nhường khiêm tốn. Nhưng - chắc Lê Phụng Hiểu khi ấy cũng không ngờ - thế nào mà một ý tứ tự nhiên của mình, lại thành ngay được “chủ đề nội dung” của một sinh hoạt lễ hội sẽ định kỳ tiến hành thường niên ở chốn kinh kỳ đế đô, sau đấy, làm nên một bản sắc truyền thống của Văn hóa, Đất và Người Thăng Long, nghìn năm!

Sử cũ chép: Ngày mồng bốn tháng ba năm Mậu Thìn (1028) - một ngày sau khi dẹp xong “Loạn Tam Vương” - hoàng thái tử Lý Phật Mã làm lễ lên ngôi trước linh cữu vua cha Thái Tổ, trở thành “Lý gia đệ nhị đế, Thái Tông”, thì đến ngày 25 tháng ấy, “xuống chiếu giao cho Hữu ty dựng miếu ở bên hữu thành Đại La, sau chùa Thánh Thọ, đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh chu diệt!”. Các quan từ cửa Đông đi vào, đến trước thần vị, cùng uống máu ăn thề, hằng năm lấy làm lệ thường. Sau, vì tháng ba có ngày quốc kỵ, chuyển sang mồng bốn tháng tư”.

Đấy là phong tục “Hội thề đền Đồng Cổ” - đến nay vẫn duy trì đều đặn, thiêng liêng, ở phường Bưởi, Hà Nội - với lời thề độc mà mọi người đều kính cẩn sùng mộ, nhưng ít người nhớ rằng: đấy, nguồn cội, chính là lời “lập ngôn” của Lê Phụng Hiểu, trong cuộc dẹp “Loạn Tam Vương”!

Lê Phụng Hiểu, theo sử cũ, người gốc “hương Băng Sơn, Ái châu” (Thanh Hóa), sinh và mất năm nào, chưa rõ. Cả sử sách lẫn huyền thoại đều nói ông là người có sức khỏe tuyệt vời, được Lý Thái Tổ phong là Vũ vệ tướng quân. Trong đời Lý Thái Tông, Phụng Hiểu được vinh thăng tới chức Đô thống thượng tướng quân, tước hầu, và còn lập tiếp chiến công nữa, trong vai trò tiên phong tướng quân, theo Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành, năm 1044.Dẹp loạn và lập ngôn, chỉ một lần xuất hiện ở Thăng Long, nhưng dấu ấn đóng vào trong và để lại cho lịch sử kinh kỳ của Lê Phụng Hiểu, vậy là cũng đã đủ để tên tuổi ông sống và sáng mãi, ở miền “địa linh nhân kiệt” này./.

Theo Doanh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • [Video] Làng nghề Sơn Đồng: Trung tâm đồ thờ gỗ của Thủ đô và cả nước
    Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã tạo nên những sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Hà Nội của Việt Nam với những nét văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử nghìn năm văn hiến.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Đừng bỏ lỡ
Lê Phụng Hiểu – trung thần dẹp loạn tam vương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO