Văn hóa – Di sản

Nguyễn Tông Quai – người khai sáng dòng ca Nôm sứ Trình

Lê Văn Tấn - Nguyễn Thị Hưởng 09/11/2023 16:26

Nguyễn Tông Quai (1693 - 1767), huý là Oản, tự là Quai, hiệu là Thư Hiên. Ông quê gốc ở làng Sâm, xã Phúc Khê, huyện Ngự Thiên, sau đổi là Hưng Nhân, nay là xã Hoà Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ Nguyễn Tông Quai đã theo cha mẹ lên sống ở kinh thành Thăng Long, từng theo học trường Quốc Tử Giám và thụ học Thám hoa, Hoàng giáp Vũ Thạnh, một bậc thầy nổi tiếng đương thời. Năm 18 tuổi (1710) lấy vợ cùng xã Phúc Khê và trước năm 23 tuổi (1715) lấy vợ lẽ là Lê Thị Thoan, người làng Bình Vọng, Thượng Phúc. Sau này, còn lấy thêm 2 người vợ nữa (đáng chú ý là bà thứ hai và bà ba là hai chị em ruột, còn bà tư là cô ruột của hai bà trên).

nguyen-tong-quai.jpg.jpg
Bức chân dung của cụ Nguyễn Tông Quai được họa sỹ Trung Hoa vẽ tặng trong đợt đi sứ.

Hành trạng của Nguyễn Tông Quai có thể thấy qua một số dấu mốc quan trọng: Năm 1721 (Tân Sửu), ông thi đỗ Hội nguyên Tiến sĩ, đứng đầu 25 Tiến sĩ. Năm 1722 (Nhâm Dần): mùa xuân vào thi Đình do vua Lê, chúa Trịnh trực tiếp làm chánh phó Chủ khảo. Lẽ ra được đỗ Bảng nhãn, nhưng do bị phạm lỗi viết sai chữ “niên” thành “thập” trong dòng đề niên hiệu vua nên bị giáng xuống đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp). Tháng 6, vào sân phủ chúa dự cuộc thi ứng chế do Trịnh Cương ra đề, là một trong hai người được coi là trúng cách. Năm 1722 - 1742, nhờ nổi danh khoa cử, được cất nhắc giữ các chức Hàn lâm sử quán, Thừa chính Kinh Bắc, Đốc đồng Tuyên Quang. Tháng 8 -1734 (Giáp Dần), cùng với Nguyễn Mạnh Thường và quan hầu mệnh đem bọn Đồng Trung thư Nguyễn Đình Bảng, Nguyễn Đăng Cảo đến trước cửa quan Lạng Sơn nghênh tiếp sứ Trung Quốc sang sách phong. Tháng 5 - 1741, khi đang giữ chức Đốc đồng Tuyên Quang, có giặc cướp ở Sơn Tây, Nguyễn Tông Quai có kế hay, phá tan được... Có thể vào khoảng thời gian này, ông tham gia chú dẫn sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Năm Nhâm Tuất (1742), lãnh chức Phó sứ, cùng Chánh sứ Nguyễn Kiều (chồng Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm) đi sứ Thanh. Khi khởi trình, vua đặt tiệc thết ở đình Đông Tân, ban thơ ngự chế, hai người lần lượt phụng họa. Qua hai mùa xuân, mùa đông năm Giáp Tí (1744) tới Yên Kinh, được ở quán Đại Đồng chờ vào triều cống. Tới tháng 11, giao lễ vật và dâng biểu tiến cống. Ngày 15 - 11, vào sân rồng hành lễ, hoàng đế Tống Cao Tông ưu đãi ban cho ngồi thưởng trà. Mùa xuân năm Ất Sửu (1745) được Cao Tông triệu triều ban thưởng và thết tiệc. Ở lại Yên Kinh ba tháng, được hậu đãi ân cần, cứ 5 ngày là đặt tiệc. Tới ngày 5 tháng 2, Cao Tông giáng chỉ cho hồi trình. Dọc đường, trải phong vật kỳ thắng của 7 châu, cùng Nguyễn Kiều đề vịnh, xướng họa, biên thành Sứ Hoa tùng vịnh - tiền hạ tập. Thời gian đi sứ, Nguyễn Tông Quai cũng đã viết cuốn thơ Nôm lục bát Sứ trình tân truyện (Sứ trình Quốc âm). Cuối năm về tới Thăng Long, Nguyễn Tông Quai vào yết kiến vua Lê Hiến Tông, được ban thưởng, thăng chức Hình Bộ Tả thị lang, kiêm Lục Bộ Thượng thư, tước Ngọ Đình hầu. Trong khoảng ba năm (1745 - 1748), giữ chức một thời gian, chưa rõ bao lâu. Sau vì hặc tấu gian thần, bị Việt Quận công Hoàng Ngũ Phúc giáng xuống Hàn lâm thị độc. Thời gian này, liên tiếp bị để ý, sau bỏ quan về nhà ở Kinh đô. Có thể sau khi bỏ quan, đã mở trường dạy học. Năm Mậu Thìn (1748), do không chọn được người, triều đình lại phục chức cũ để cử đi sứ Thanh lần hai. Lần này ông làm Chánh sứ, Phó sứ là Nguyễn Thế Lập, Trần Văn Hoán (Hoán chết dọc đường). Ở lại Yên Kinh một thời gian. Năm Canh Ngọ (1750), trở về tới Thăng Long. Lần này được thăng Hộ Bộ Tả thị lang, tước hầu. Năm Tân Mùi (1751), ông có hộ giá vua làm việc quân sự ở Sơn Tây. Vào tháng 8 - 1751, nhà ở Thăng Long bị cháy do một vụ hỏa hoạn chùa Ngọc Hồ, sách vở và đồ đạc thành tro hết. Lúc ấy ông đương ở Sơn Tây. Thời gian này lại bị gièm pha, kiện tụng. Đình thần nhân buổi ông đi tuế cống, trong nước giặc giã nổi lên, văn thần nhiều người đi đánh dẹp, bàn rằng: “Sứ ra nước ngoài vừa ung dung, vừa được tước lộc... mà hai lần đi sứ là tham”. Lại có cáo giác của dân địa phương, nên phải giáng làm việc ở Viện Hàn lâm là nơi nhàn tản. Năm 1751, Trịnh Doanh sai ông đi dụ bảo, an ủi dân các lộ Sơn Tây. Thái Nguyên, Kinh Bắc. Bài văn bia Trùng tu thánh miếu bi ký cho Văn miêu xã Trần Xá, tổng Hà Trường, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương soạn trong dịp công cán này. Năm Giáp Tuất (1754), chúa lại sai ông đi xem xét các nhà giam, sửa sang những chỗ ẩm thấp, chật hẹp, chẩn cấp cho kẻ thiếu đói, những người bị tội nhẹ thì xét tha về. Năm Đinh Hợi (1767): mất ngày 4-3 Âm lịch tại quê nhà, hưởng thọ 75 tuổi.

Như vậy, có thể thấy, sự nghiệp chính trị của Nguyễn Tông Quai là tương đối dài và lắm gian truân. Ông làm quan khoảng trên 30 năm, trải 5 đời vua, 3 đời chúa, ít nhất hai lần bị biếm trích, có lần đã từng bị giáng làm dân thường. Đương thời Nguyễn Tông Quai nổi tiếng là nhà khoa bảng có tiết tháo và tâm huyết, không a phụ bọn quyền gian. Nguyễn Án trong tập truyện ký Tang thương ngẫu lục từng viết về ông: “Tính ông ngay thẳng mà ghét sự tà khúc, không chịu kiêng tránh gì cả”. Hồ Sĩ Đống trong bài tựa Sứ hoa tùng vịnh cũng nhận xét: “Tiên sinh giữ đạo chính, ghét kẻ tà, tuy bị kẻ hằn thù vu cáo mà bị tội, song tiên sinh trở về vườn thì danh vọng lại càng trọng”...

Trên lĩnh vực giáo dục, Nguyễn Tông Quai có những đóng góp lớn. Ông đã góp phần đào tạo nên nhiều học trò xuất sắc, trong đó có nhà bác học của thế kỷ XVIII và của cả thời trung đại là Lê Quý Đôn - người học trò cùng huyện với ông. Nhiều học trò khác cũng từng đỗ đại khoa, trong đó có Đoàn Nguyễn Thục, cha của Đoàn Nguyễn Tuấn và là nhạc phụ của đại thi hào Nguyễn Du.

Tuy vậy, đóng góp hết sức to lớn của Nguyễn Tông Quai đối với dân tộc phải kể đến lĩnh vực văn học. Ông đã có những đóng góp cho văn học trung đại nói chung và văn học thế kỉ XVIII nói riêng trên nhiều phương diện khác nhau.

Về sáng tác bằng chữ Nôm, ông đã để lại tác phẩm Sứ trình tân truyện, gồm 670 câu lục bát. Tác phẩm này ghi lại hành trình của chuyến đi sứ Trung Hoa năm 1742, khởi đầu nói việc sứ đoàn lên đường và kết thúc khi trở về Tổ quốc. Trong thơ ca đi sứ của Việt Nam thời trung đại, Sứ trình tân truyện của Nguyễn Tông Quai là một hiện tượng độc đáo. Trước ông thấy có nói đến các tác phẩm như Kim Lăng ký bằng quốc âm của Đỗ Cận vào thế kỷ XV, sáng tác khi đi sứ sang nhà Minh, nhưng văn bản đã thất truyền từ lâu. Thế kỷ XVI có Hoàng Sĩ Khải với Sứ trình khúcSứ Bắc quốc ngữ thi tập, nhưng cũng đều đã thất truyền, không rõ đó có phải là những tác phẩm Nôm đích thực hay không. Trong tình hình thơ đi sứ còn trống vắng những tác phẩm bằng chữ Nôm như vậy, sự xuất hiện của Sứ trình tân truyện đã đưa Nguyễn Tông Quai vào vị trí nhà thơ đầu tiên dùng chữ Nôm viết về đề tài đi sứ. Đề tài mới được thể hiện ở một thể loại cũng rất mới, đó là dùng thể ký bằng thơ quốc âm, dẫu rằng tên tác phẩm là tân truyện. Đây chính là một thể nghiệm thành công:

Dặm dài đường vắng như tờ,

Rườm rà khóm trúc, phất phơ bóng hoè.

Xe Thiều thuở hé rèm the,

Ruộng thu vàng rượi mây che đòi ngàn.

Mảng vui cảnh vật giang san,

Thọ Xương ngựa đã gác yên vào chờ.

Nhà thôn lều chợ khói thưa,

Bạc in muôn khóm thành xưa mây về.

Tác phẩm được đánh giá là áng thơ đẹp, tứ thơ văn nhã, tài hoa, âm điệu hài hoà, lời thơ trau chuốt, trong sáng, đánh dấu bước phát triển mới về ngôn ngữ văn học. Trong tập thơ, tác giả còn chép xen vào đó 8 bài thơ Đường luật, bài nào cũng được đánh giá là đẹp một cách điển nhã.

Ngoài Sứ trình tân truyện, Nguyễn Tông Quai còn có tác phẩm Nôm nổi tiếng khác là Ngũ luân tự (Thuật bày ngũ luân), gồm 646 câu thơ song thất lục bát. Tác phẩm diễn về năm mối quan hệ luân thường quan trọng của Nho gia (vua - tôi, cha - con, anh - em, chồng - vợ, bạn - hữu), lấy dẫn liệu ở kho Hán học, với mục đích nêu gương những người đã xử lý tốt năm mối quan hệ đó để giáo huấn người đời. Trước Nguyễn Tông Quai, một số người đã làm việc diễn ca kinh truyện, trình bày nghĩa lý như Phùng Khắc Khoan, Đặng Thái Phương… nhưng phần nhiều đều đã thất truyền. Việc Nguyễn Tông Quai dùng thể song thất lục bát diễn ca ngũ luân là hiện tượng đáng lưu ý. Cả hai tác phẩm Nôm của ông, Sứ trình tân truyện và Ngũ luân tự đều phản ánh một xu thế Việt hoá, Nôm hoá các yếu tố văn hoá gốc Hán đang được diễn ra một cách mạnh mẽ trong giai đoạn đầu thế kỷ XVIII và sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn ở nửa sau của thế kỷ này. Trong xu thế ấy, Nguyễn Tông Quai là một trong những người đi tiên phong.

Về sáng tác bằng chữ Hán, hậu thế còn biết đến Nguyễn Tông Quai qua tập thơ Sứ hoa tùng vịnh. Tập thơ gồm những sáng tác trên đường đi sứ của ông. Đề tài là những cảnh quan, phong thổ, nhân vật, di tích... gặp trên đường đi sứ Thăng Long đến Yên Kinh cũng nỗi niềm xa nước, nhớ quê da diết và tấm lòng trung quân ái quốc ngời sáng. Theo các nhà văn bản học thì đây là tác phẩm khá phức tạp về phương diện văn bản. Nó có tiền tập, hậu tập và là tác phẩm của hai người: Nguyễn Tông Quai và Nguyễn Kiều. Tác phẩm gồm tất cả trên 200 bài thơ. Sứ hoa tùng vịnh đã làm cho tài thơ của Nguyễn Tông Quai nổi danh trong và ngoài nước. Tác phẩm còn ghi lời tựa, lời bình của một số nhân sĩ Trung Hoa và Triều Tiên như Lý Bán Thôn, Trương Hán Chiêu, Âu Dương Vượng, Vương Vân Tường, Trịnh Ngọc Trai... Những bài tựa, bài bình này viết trên đất Trung Hoa khi họ được đọc Sứ hoa tùng vịnh, trong đó có nhận xét của Lý Bán Thôn: “Thơ của tiên sinh cách luật tề chỉnh, âm điệu cao siêu, nắn nót từng câu từng chữ, thảy đều theo đúng khuôn phép Thịnh Đường. Dẫu Trung Hoa có tiếng hay thơ cũng không hơn thế được” (Tổng tập văn học Việt Nam, 1997). Một số danh sĩ trong nước như Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Hồ Sĩ Đống, Phan Huy Chú... đều có viết lời bình, lời tựa hoặc có ý kiến đánh giá, coi đây là tác phẩm thuộc vào loại hay nhất trong làng thơ đi sứ vốn rất phong phú trong kho tàng văn học trung đại Việt Nam. Có thế nói, hiện lên trong Sứ hoa tùng vịnh chính là hình ảnh của một sứ thần mẫn cán với công việc đại diện cho quốc gia và thể diện dân tộc; một thi nhân hoà nhập cùng với thiên nhiên phong cảnh và sinh hoạt của nhân dân, dù ở trong nước hay ngoài nước cũng hiện lên với ý nghĩa con người đời thường nhất; và ở đó cũng là hình ảnh của một người con luôn luôn hướng lòng mình về phương Nam yêu dấu:

Vạn lý trì khu độ ngã giao,

Lăng lăng sóc xuý phất tinh mao.

Đẩu Nam tinh khuyết hồi đầu cận,

Hán Bắc quan sơn dẫn bộ cao.

Vân ủng vãn tình ngưng lữ tử,

Phong dao tích thuý trạm chinh bào.

Nhất thanh hà xứ phong tiền địch,

Xuy động ngâm trần trục hưởng cao.

(Ruổi giong muôn dặm, vượt qua bờ cõi nước ta,

Gió bấc lạnh phả vào cờ sứ.

Quay đầu về cung vua, sao Đẩu Nam còn gần,

Lần bước chân quan san, đất Hán Bắc xa xôi.

Mây đùn trời tạnh, chiều tà ngưng trong lòng lữ khách,

Núi lay màu biếc dồn tụ, thấm đượm áo người đi xa.

Đâu đây vẳng tiếng sáo trước gió,

Thổi rung động làm cho bụi thơ cũng theo âm hưởng mà bay bổng)

Nguyễn Tông Quai không chỉ nổi tiếng trong làng thơ đi sứ mà ngay trong lĩnh vực thơ vịnh sử quan phương chính thống vốn đã có nhiều thành tích, ông vẫn chiếm vị trí hàng đầu trong An Nam đại tứ tài hay Trường An tứ hổ (cùng với Nguyễn Trác Luân, Ngô Tuấn Cảnh và Nguyễn Bá Lân). Bốn ông hổ Trường An trong lĩnh vực thi ca này đã đưa thơ vịnh sử bước vào tầm cao mới với Vịnh sử thi quyển. Trong bốn vị tài tử, Nguyễn Tông Quai được đánh giá là vị trí số một, trước tác của ông chiếm khoảng 70 bài trong tập thơ này.

Ở thơ vịnh sử, Nguyễn Tông Quai là tác giả đã đưa vào đó cái phần sinh khí tươi mới. Thơ vịnh sử của ông giàu hình tượng và cảm xúc, có nhiều nét khác với thơ vịnh sử vốn khô khan, giáo huấn đạo lý thường gặp ở các tập thơ vịnh sử trước đó. Ông không chỉ vịnh các đế vương danh tướng nổi tiếng mà còn quan tâm bày tỏ lòng cảm thương đối với những kiếp người chịu nhiều oan nghiệt, bi phẫn, chẳng hạn như Hạng Vũ, Hàn Tín, nàng Vương Cơ (người bị Lã Hậu vì ghen mà giết hại một cách dã man) hay đám cung nữ nhà Hán hy sinh vì chúa... Đây là bài ông viết về nàng Vương Cơ:

Vương Cơ túc túc Hán gia tần,

Bất thẩm hà vi vị “trệ nhân”.

Hình ngoại trạng hồ tân nhược cựu,

Xí trung tượng tiểu giả hoàn chân.

Vọng phai di sái Trường Lăng lệ,

Đố phụ nan hôi động bích trần.

Dã giác tấn kê kim cổ hoạn,

Đồ cô thường sử áng hoài nhân.

(Trệ nhân)

(Vương Cơ nghiêm trang là phi tần của nhà Hán,

Không hiểu vì sao gọi là “lợn người”.

Hình thức bề ngoài mập mờ mới mà như cũ,

Hình ảnh người trong chuồng xí giống hệt, giả mà hoá thật.

Trông chồng mà giọt lệ Trường Lăng dễ nhỏ,

Con mụ ghen thì dù mảy bụi ở trên vách cũng khó lòng bỏ qua.

Biết rằng, loài gà nái (gáy sáng) đều là mối lo xưa nay,

Là một nguyên nhân thường khiến những tay đồ tể tức đầy tim gan)

Rõ ràng, Nguyễn Tông Quai đã không đem vào thơ vịnh sử của mình cái đạo lý chính thống thông thường để án, để luận về các nhân vật lịch sử mà ông thiên về bày tỏ tình cảm, sự đồng tình, chia sẻ, hay xót thương cho số phận của những con người thời quá vãng. Ông làm thơ vịnh sử để di dưỡng tính tình, để ngôn chí, giáo huấn thì ít mà bày tỏ tình cảm thì nhiều. Về điều này, nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân từng có đánh giá: “Ít khi lí luận khô khan, mà trữ tình cảm thông, trân trọng, thiết tha yêu thương, hoặc khinh bỉ, căm ghét, ghê tởm đến tột cùng, là đặc điểm của thơ vịnh sử Nguyễn Tông Quai” (Khảo và luận một số tác giả và tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Tập I, 1999). Điểm mới này trong thơ vịnh sử Nguyễn Tông Quai cũng là xu hướng chuyển biến chung của văn học thế kỷ XVIII. Cái mới mẻ trong thơ Nguyễn Tông Quai diễn ra trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, đã từng được nhiều nho sĩ đương thời, cũng như các nhà nghiên cứu ngày nay phát hiện và đánh giá cao.

Nguyễn Tông Quai xứng đáng với tư cách một nhà ngoại giao, một nhà giáo dục và một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam thời trung đại./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Từ Đạo Hạnh – thiền sư, thi nhân
    Từ Đạo Hạnh là pháp danh, còn tên thật là Từ Lộ. Ông là thiền sư và là nhà thơ nổi tiếng thời Lý. Chưa thấy tài liệu nào ghi về ngày sinh của Từ Lộ, chỉ biết ông sống vào thời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), và qua đời năm 1117. Ông người hương Yên Lãng, tục gọi làng Láng, một làng rất cổ ở ven thành Thăng Long xưa.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Bế mạc Liên hoan sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất năm 2024
    Ban Tổ chức đã trao 7 giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc; 25 Huy chương Vàng cá nhân, 37 Huy chương Bạc cá nhân; 4 Huy chương Vàng vở diễn, 3 Huy chương Bạc vở diễn.
  • Chiếc ghế mây của cha
    Những ngày mưa to gió lớn, không đi làm nương được, mẹ rủ đám con gái chúng tôi lấy ghế mây ra đầu hè ngồi khâu vá. Bà nội tôi đeo kính lão xỏ kim, bà cười móm mém theo những câu chuyện kể tếu táo của đám trẻ chúng tôi. Chiếc ghế mây phát ra âm thanh kin kít chịu đựng sức nặng cơ thể con người theo những điệu cười khúc khích.
  • Tính đặc thù trong thu hút nhà đầu tư chiến lược giúp Hà Nội vươn tầm
    Thu hút nhà đầu tư chiến lược để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là mục tiêu xuyên suốt của Thành phố. Đặc biệt, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có các Điều, Khoản thu hút nhà đầu tư chiến lược nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển Hà Nội.
  • Sôi nổi cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc quận Tây Hồ
    Bác Hồ từng nói “Đọc sách là nguồn tri thức bất diệt của nhân loại và có giá trị trường tồn theo thời gian”. Nhằm thực hiện theo lời Bác để phát triển sâu rộng và nâng cao văn hóa đọc tại Việt Nam. Sáng 20/5, các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn quận Tây Hồ tổ chức cuộc thi đại sứ văn hoá đọc 2024 với chủ đề “Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
  • Việt Nam đứng đầu danh sách lựa chọn du lịch của người Ấn Độ
    Trang livemint.com đã có bài viết khẳng định thị trường du lịch Ấn Độ đang diễn ra sôi động, đặc biệt tỷ lệ người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài đã tăng đột biến thời gian gần đây, trong đó Việt Nam nổi lên như một điểm đến quốc tế được ưa chuộng.
  • Quận Thanh Xuân tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính năm 2024
    Nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (CCHC), chỉ số hài lòng (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI), UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, giải pháp CCHC quận Thanh Xuân năm 2024.
  • “Phá băng” quy định "chung chung" để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
    Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ VH-TT&DL chủ trì xây dựng, dự kiến được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra sắp tới. Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa được kỳ vọng sẽ “phá băng” các quy định chung chung của Luật hiện hành để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
  • Thăm di tích núi Bân- nơi từng an táng thân mẫu Bác Hồ ở Cố đô Huế
    Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh từng được an táng ở triền núi Bân (phường An Tây, TP Huế) từ năm 1901-1922 và hiện nay là Di tích lịch sử cấp tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • [Podcast] Truyện ngắn Hố băng
    Huỳnh Trong Khang được biết đến là cây bút tài năng thuộc thế hệ 9x và là một trong những tác giả trẻ đầy triển vọng. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàm 2016 cây bút trẻ quê gốc An Giang Huỳnh Trọng Khang đã gây ấn tượng với chất văn chương già hơn so với tuổi, cái già trong văn chương của Khang được thể hiện rõ nét trong từng tầng nghĩa. Hầu hết các tác phẩm của Khang mang đến cho bạn đọc mênh mang chữ, sâu thẳm nghĩa.
  • Lấp khoảng trống phát sinh, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam
    Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật được các chuyên gia đánh giá rất cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội. Quá trình xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ VH-TT&DL cũng đã chỉ ra một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật, nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
Nguyễn Tông Quai – người khai sáng dòng ca Nôm sứ Trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO