Chùa Một Cột - chạm nổi trên đĩa đồng của nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm.
Tôi đến thăm ông không hẹn trước. Tại gian ngoài của căn nhà mặt phố, tôi thấy ông đang kí cách bên chiếc búa nhỏ và những chiếc ve, là dụng cụ chính để hành nghề. Dẫu là lần đầu gặp mặt, nhưng khi hiểu rõ ý định của khách, ông chỉ cho tôi những sản phẩm mới treo trên tường. Đó là bộ tứ linh, tứ quý. Một số khác là cảnh chùa Một Cột; cảnh đền Ngọc Sơn với Đài Nghiên, Tháp Bút. Một số bức khác mô tả các tích trong “Truyện Kiều”.
Lần đầu tiên được thưởng thức các tác phẩm của ông, cảm nhận trong tôi, nếu các họa sĩ dùng mầu để thể hiện hình khối, đường nét thì với ông Nguyễn Viết Lâm, bằng kỹ thuật chạm nổi, chạm thúc, ông đã mô tả sinh động cảnh sắc thiên nhiên, nỗi suy tư của con người trong các hoàn cảnh khác nhau.
Sinh ra tại làng nghề gò đúc đồng Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nhưng ngay từ nhỏ cậu Lâm đã cùng gia đình đến hành nghề tại phố Cầu Gỗ và được thân phụ là nghệ nhân Nguyễn Viết Phấn rèn cặp. Năm 7-8 tuổi, sau giờ học, cậu đã say mê xem cha chạm các sản phẩm. 18 tuổi, anh đã làm được các bộ đồ ăn bằng bạc được người nước ngoài yêu thích. Do có tay nghề khá, năm 22 tuổi, anh được tuyển vào làm hàng mẫu tại Tổng Công ty xuất nhập khẩu Thủ công Mỹ nghệ. Tại đây, anh được học thêm hội họa, điêu khắc và được cử đi Hungary nâng cao tay nghề. Về nước, anh làm quản lý tại phòng mỹ nghệ. Không ngừng trau dồi nghề nghiệp, anh thường xuyên tới học hỏi các nghệ nhân tại làng nghề kim hoàn Định Công, Hà Nội; làng chạm bạc Đồng Xâm, Thái Bình. Năm 1990, ông Lâm về hưu, từ đây, mở ra một cơ hội sáng tạo mới.
Nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm.
Được thân phụ động viên, khuyến khích, sau một thời gian dài nghiền ngẫm, vẽ mẫu, cộng thêm ba tháng lao động, ông đã chạm nổi toàn cảnh làng Đại Bái quê hương trên đồng gồm đình thờ tổ nghề Nguyễn Công Truyền, đình thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, cảnh chùa Diên Phúc, cầu đá bắc qua dòng Bái Giang, cùng bốn xóm thợ tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền. Sau đó, ông Lâm dành thời gian nghiên cứu về cố đô Huế, nơi có cảnh đẹp sông Hương, núi Ngự. Đây là một đề tài lớn, tự lượng sức mình, ông chỉ thể hiện một nét xưa về Huế mà thôi. Bằng kỹ thuật gò, chạm nổi kết hợp với điêu khắc trên đồng, ông cho ra đời bức “Cửa ngọ môn” cỡ 50 x 70cm gắn trên nền gỗ sơn then.
Trung thành với một chất liệu, nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm say sưa thể hiện vẻ đẹp của đất và người Việt Nam. Năm 1998, tại Triển lãm Mỹ thuật trang trí toàn quốc, ông giới thiệu tác phẩm mặt trống đồng Ngọc Lũ đường kính 60cm. Hình ảnh cánh chim Lạc và các sinh hoạt của nguời Việt cổ được ông thể hiện khá sinh động. Một tác phẩm khác, đường kính 37cm, ông vẫn thể hiện đề tài trống đồng, chính giữa là hình Tổ quốc Việt Nam, xung quanh là các di tích ở cố đô Huế như: cửa Ngọ môn, hồ Tĩnh Tâm, chùa Thiên Mụ, Thái Miếu… Mặt trống đồng, vật thiêng của người Việt, được ông tái hiện đã có mặt tại nhà Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan…
Tác phẩm “Lý Thái Tổ dời đô” của nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm.
Tưởng rằng với hàng trăm sản phẩm chạm bạc và điêu khắc trên đồng, được người trong và ngoài nước mến mộ, nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm đã có thể ngơi nghỉ. Nhưng mấy năm sau đó, tình cờ tôi đến thăm, vẫn thấy ông ngồi lặng lẽ, suy tư trước mặt trống đồng, nét chạm còn tươi mới. Tôi hỏi vì sao ông vẫn trung thành với đề tài này? Ông nói: “Ngay từ ngày còn tại chức, tôi rất thích thú các hình người, chim Lạc, các họa tiết trên trống đồng. Mỗi lần có dịp vào Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tôi đứng cả giờ ngắm các trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ, rồi xin cả bản rập, nuôi hi vọng, khi có cơ hội, sẽ phục chế nguyên bản một trống đồng. Trước đây, Bảo tàng Hải quân có đúc trống đồng. Sau đó, người Ngũ Xã đúc trống nặng 100 kg để Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng Liên hiệp quốc. Lần này, tôi căn cứ vào hiện vật gốc và nghiên cứu các tài liệu của GS Phạm Huy Thông, sau nhiều năm phác thảo và thiết kế mẫu, tôi quyết định phục chế trống đồng Ngọc Lũ bằng kỹ thuật gò đồng của làng nghề Đại Bái”.
Sản phẩm trống đồng Ngọc Lũ do Nguyễn Viết Lâm phục chế có vẻ riêng độc đáo, đã được giới thiệu với công chúng cả nước trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội.
Một đời lao động miệt mài, luôn tìm tòi sáng tạo trên cơ sở nghề cổ truyền của quê hương, các tác phẩm nghệ thuật của Nguyễn Viết Lâm đã trực tiếp làm đẹp cho đời. Mấy chục năm qua, một số tác phẩm của ông đã có mặt tại Hội chợ quốc tế các sản phẩm công nghệ mới tại Còrạt (Thái Lan). Cuối tháng 4/1997, tại thành phố Koblenz, CHLB Đức, tổ chức hội thảo quốc tế về nghề cổ truyền có 20 nước tham dự, chỉ trong một ngày ông đã thiết kế, vẽ mẫu và thể hiện chùa Một Cột trên đĩa bạc trước sự khâm phục của các vị khách quốc tế.
Do có những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc sắc, ngày 12/1/1999, chương trình Nghệ thuật Đông Dương, Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đã tặng nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm giải thưởng Bàn tay vàng. Tiếng tốt vang xa, nên niềm vui đến với ông Lâm chưa dừng ở đó. Tháng 2/2000, nhân kỷ niệm 25 năm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, phía Mỹ có tổ chức festival, Hiệp hội Mỹ thuật Đông Dương, do họa sĩ C.Davitd Thomats làm giám đốc đã mời ông sang thăm nước Mỹ do: “Ông được bầu chọn là một trong những nghệ sĩ khắc đồng hàng đầu của Việt Nam. Trong thời gian tham quan tại nước Mỹ, ông sẽ lưu lại trường Đại học Tổng hợp St. Lawrence tại Canton, New Yok để thuyết giảng về các kỹ thuật khắc đồng cho các sinh viên, giảng viên và các cán bộ nhân viên khác của khu vực Canton” (trích thư mời). Trước đông đảo các khách quốc tế và sinh viên một số trường đại học, nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm đã thể hiện chùa Một Cột trên đĩa đồng, đường kính 30cm. Chính giữa đĩa đồng là mái chùa, thấp thoáng bên cây hoa là hai thôn nữ quan họ mặc áo tứ thân, đội nón quai thao đang lên chùa. Một kỷ niệm nữa, ông Lâm không bao giờ quên, theo lời mời của Thị trưởng thành phố Busan và Hiệp hội du lịch Hàn Quốc, ông mang một số tác phẩm tiêu biểu để dự Hội thảo Quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó có bức “Lý Thái Tổ dời đô”. Qua các nét nhấn, ông mô tả hết sức sinh động cảnh sông nước, núi non, cảnh nhà vua và các quan ngự trên thuyền rồng đang từ Hoa Lư, Ninh Bình hướng ra thành Đại La. Ông Lâm không ngờ, trong số các vị khách đang xem các tác phẩm thì có một người đến gần và tự giới thiệu là hậu duệ dòng họ Lý ở Đại Việt sang Hàn Quốc đã một nghìn năm, ông muốn mua bức tranh này để dòng họ Lý ở Hoa Sơn luôn nhớ về cố quốc. Ông Lâm chạnh buồn vì ước nguyện thiêng liêng của người con họ Lý gốc Việt đã không thể thực hiện, vì tác phẩm này ông đã đăng ký tham dự tại triển lãm nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Do có công đóng góp bảo tồn một nghề quý của dân tộc, và có công quảng bá tinh hoa mỹ nghệ Việt Nam ra nước ngoài, ngày 19/8/2016, đúng tuổi 80, nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
Do cái duyên chữ nghĩa mà tôi được gặp ông Lâm, thấm thoắt đã hơn 20 năm. Trong nhiều lần trò chuyện thân tình, ông đều bày tỏ cảm xúc, và biết ơn đất Hà Nội hào hoa đã tạo nguồn cảm hứng để ông làm việc và sáng tạo không ngừng. Gần đây, gia đình ông từ biệt ngôi nhà thân quen ở 102 Minh Khai, chuyển vào sống tại chung cư Grenn pearl cùng phố. Tại nơi trang trọng nhất của căn hộ, ông treo bức “Lý Thái Tổ dời đô”, còn chiếc trống đồng Ngọc Lũ (một phiên bản duy nhất) ông dành lại cho con cháu, đó là một minh chứng sống động cho một người con yêu của làng Đại Bái luôn sống hết lòng với quê hương xứ sở, với Hà Nội mến yêu.