Xây dựng chuẩn mực văn hoá, con người Hà Nội mang tính đại diện vị thế Thủ đô trong thời kỷ nguyên mới
“Với vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến, Hà Nội không chỉ là nơi hội tụ tinh hoa dân tộc mà còn là biểu tượng đại diện cho bản sắc, hình ảnh và sức mạnh mềm của quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, xây dựng và phát huy hình ảnh con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, thân thiện, văn minh, hòa bình và sáng tạo đã luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và toàn bộ hệ thống chính trị Thành phố”, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết.
Sáng 11/12, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTT&DL) phối hợp tổ chức Hội nghị tọa đàm về triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, bền bỉ của cả hệ thống chính trị
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội đứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đối diện với không ít thách thức. Sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và ảnh hưởng quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng một hệ giá trị con người phù hợp với thời đại, đồng thời khẳng định tính đại diện của Thủ đô đối với cả nước.
Quán triệt sâu sắc, toàn diện nội dung hệ giá trị Việt Nam được đúc kết theo các văn kiện của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có nhấn mạnh: "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; Kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; Được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; Trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc".
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho hay, năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức 02 Hội nghị tọa đàm khoa học với chủ đề: Hội nghị tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực Người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thực trạng và giải pháp”.
Kết quả của Hội nghị đã là cơ sở, căn cứ quan trọng để Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 30 –CT/TU ngày 19/02/2024 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; trong đó xác định xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, tiến hành thường xuyên. Tiêu chí xây dựng Người Hà Nội phù hợp với bối cảnh mới với phương châm cụ thể, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện.
“Việc xây dựng các chuẩn mực và tiêu chí người Hà Nội không chỉ nhằm nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân mà còn góp phần gia tăng sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận xã hội, và phát triển bền vững”.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh
Trước đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/03/2021 về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 09 –NQ/TU ngày 22/02/2022 về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các chương trình, nghị quyết, chỉ thị… của Thành phố nhằm xác định rõ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, tôn trọng pháp luật. Khơi dậy lòng tự hào, tình yêu Hà Nội và ý chí khát vọng vươn lên của Nhân dân Thủ đô.
Xây dựng chuẩn mực con người Thủ đô trong kỷ nguyên mới
Hội nghị toạ đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và cán bộ văn hóa, tuyên giáo của Trung Ương và Hà Nội. Đó là đồng chí Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL); PGS. TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); PGS. TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đào Xuân Dũng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng cho rằng, để văn hóa Hà Nội đi đầu, gương mẫu thì không có cách nào ngoài xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Mà muốn xây dựng được người Hà Nội thanh lịch văn minh thì phải có các tiêu chí mới để đóng góp nhiều hơn nữa cho Hà Nội và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
“Hà Nội ngày càng phát huy mạnh mẽ các giá trị con người trong việc tạo thành nguồn lực nội sinh để phát triển Thủ đô. Chúng ta có rất nhiều tài sản có giá trị nhưng không biết phát huy, không sáng tạo thì rất lãng phí”.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Đào Xuân Dũng lưu ý
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã đưa ra thảo luận 02 phương án, lượng hóa chuẩn mực đề xuất để xây dựng người Hà Nội “hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh” thành các tiêu chí cụ thể.
Với phương án 1, Ban Tổ chức hướng các chuẩn mực xây dựng con người Hà Nội không chỉ thể hiện sự kết nối nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế mà còn khẳng định vị thế Thủ đô là trung tâm văn hóa, chính trị, và hội nhập quốc tế của cả nước. Chúng tạo nên hình ảnh con người Hà Nội: thanh lịch, văn minh nhưng luôn sáng tạo và hiện đại, góp phần định hình "sức mạnh mềm" của Thủ đô Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Với 10 tiêu chí chuẩn mực con người Hà Nội trong phương án này giúp chuyển hóa các chuẩn mực thành những chỉ số đo lường cụ thể, hỗ trợ công tác giám sát, đánh giá và triển khai các giá trị văn hóa của người Hà Nội trong bối cảnh mới. Chúng cũng khẳng định vị thế đặc biệt của Thủ đô trong việc vừa giữ gìn truyền thống, vừa tiên phong trong hội nhập và phát triển.
Trong khi đó, ở phương án 2, Ban Tổ chức nhấn mạnh tính đại diện vị thế Thủ đô trong việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, sáng tạo, hiện đại và hội nhập.
Trên cơ sở phân tích từng chuẩn mực, tiêu chí của mỗi phương án, nhiều ý kiến tham luận tại Hội nghị đồng tình với phương án 2, bởi xây dựng tiêu chí hệ giá trị văn hoá Hà Nội cần phải thể hiện đảm bảo tính đặc thù, tính đại diện với vị thế tiên phong, gương mẫu đi đầu của Thủ đô – trung tâm đầu não chính trị, trái tim của cả nước.
Theo đồng chí Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, việc xây dựng hệ giá trị văn hoá Thủ đô; xây dựng các tiêu chí người Hà Nội thanh lịch văn minh của Thủ đô không thể tách rời với hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam; đồng vẫn cũng cần đảm bảo thể hiện tính đại diện, đặc trưng cho vị thế Hà Nội – Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, nơi kết tinh sức mạnh văn hóa Việt Nam.
“Trong quá trình xây dựng các tiêu chí, Hà Nội cần bám sát tiêu chí khung của Trung ương, có thể chia nhỏ các tiêu chí theo từng đối tượng khác nhau, lượng hoá các tiêu chí theo tinh thần dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tuyên truyền và dễ thực hiện. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục văn hoá địa phương, giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường trên địa bàn”
Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Lương Đức Thắng nhấn mạnh
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị toạ đàm, các đại biểu trao đổi về nội dung liên quan đến xác định hệ giá trị đặc trưng của con người Hà Nội; Làm rõ các phẩm chất cốt lõi như hào hoa, thanh lịch, thân thiện, hòa bình, văn minh, sáng tạo, đồng thời nhấn mạnh yếu tố đại diện cho vị thế Thủ đô. Lượng hóa các chuẩn mực của người Hà Nội thành tiêu chí cụ thể là một bước quan trọng để có thể đánh giá, đo lường và phát triển các giá trị văn hóa đặc trưng này.
Để triển khai xây dựng các hệ giá trị hiệu quả, đi vào thực chất tại các địa phương, nhiều đại biểu đã mạnh dạn đưa ra các kiến nghị, phương hướng, giải pháp, nhiệm vụ triển khai cụ thể trong thời gian tới.
“Hội nghị Tọa đàm tiếp tục là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm xây dựng các tiêu chí con người Thủ đô mang đậm tính đại diện cho vị thế Hà Nội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Đây cũng là nội dung cụ thể hóa Kế hoạch 2074 ngày 15/7/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản 11.313 ngày 17/9/2024 của UBND Thành phố; tiếp nối các Hội nghị tọa đàm của Thành phố đã tổ chức trong năm 2023”, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh thông tin thêm./.