Xây dựng hệ giá trị văn hóa Thủ đô trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
“Chương trình khảo sát trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới giữa các địa phương nhằm tăng cường hiệu quả triển khai thực tiễn, đồng thời bổ sung và hoàn thiện tiến tới xây dựng khung hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam nói chung cũng như hệ giá trị văn hóa đặc thù riêng của Thủ đô phù hợp trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Lương Đức Thắng nêu.
Ngày 27/11, Đoàn khảo sát trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới tiếp tục có chuyến việc tại tỉnh Nam Định. Chương trình do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) thực hiện.
Xây dựng các tiêu chí cần cụ thể và phù hợp với tình hình thực tiễn
Phát biểu tại buổi trao đổi kinh nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng nhấn mạnh, công tác xây dựng văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định tại buổi trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” là tiến tới xây dựng một xã hội mà mọi người dân Việt Nam đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng.
Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Lương Đức Thắng cho biết thêm, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và kết quả Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” năm 2022, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 2074/KH- BVHTTDL về triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Mỗi địa phương có những đặc thù riêng, vì vậy có những giá trị văn hóa riêng. Theo đó, các địa phương cần bám sát theo các tiêu chí chung của Bộ, đồng thời xem xét đến các lợi thế, đặc điểm, điều kiện đặc thù của từng đơn vị, trên cơ sở đó đề xuất, xây dựng các tiêu chí cụ thể, phù hợp với địa phương mình. Bên cạnh đó, Hà Nội, Nam Định có thể tham khảo cách triển khai của các địa phương khác như Vĩnh Phúc…
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng gợi ý
Trong quá trình triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, gia đình, con người cần chú trọng khai thác phát huy có chọn lọc những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ những hủ tục, lạc hậu. Tuyên tuyền khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước thiêng liêng trong mỗi con người, từ đó, góp phần thôi thúc họ tích cực tham gia các phong trào để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
Đồng tình với chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Thủ đô Hà Nội - "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm"; "nơi hội tụ, kết tinh và toả sáng nền văn hoá, văn minh của Dân tộc"; "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; "Thành phố vì hoà bình"; "hào hoa và thanh lịch"; "văn hiến và anh hùng"… Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nói chung và ngành Văn hóa Thủ đô nói riêng đã, đang và tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hòa hao, nghĩa tình đồng bộ, nhiều giải pháp, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch, đề án,... gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua lớn như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Người tốt việc tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
UBND Thành phố ban hành 2 Quy tắc ứng xử: “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan trực thuộc Thành phố” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Đáng lưu ý, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
“Hiện nay, Thành phố đang chú trọng nghiên cứu, triển khai xây dựng bộ tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh năm 2024 trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, việc thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo cơ hội cho Hà Nội phát triển toàn diện, trong đó điểm nhấn là sự phát triển đột phá của các giá trị văn hóa trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến”,
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương
Phát biểu tại buổi trao đổi kinh nghiệm với Đoàn Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định Vũ Đức Thọ cho biết, người Nam Định đi làm ăn, sinh sống khắp nơi trên mọi miền của đất nước. Song bù lại Nam Định là vùng đất giàu truyền thống văn hóa truyền thống đặc sắc; giàu trầm tích di sản văn hóa; quê hương của nhiều nhà văn hóa lớn, nhiều bậc hiền tài, khoa bảng; là nơi hội tụ, giao thoa và lan toả những giá trị văn hoá dân gian phong phú, đa dạng.
Thực hiện đường lối đổi mới phát triển của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trên địa bàn tỉnh Nam Định, đặc biệt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao được quan tâm chỉ đạo thực hiện từ cơ sở đã góp phần nâng cao và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.
“Đến nay, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Nam Định có huyện Giao Thuỷ là một trong 10 huyện đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cáo; có 156/161 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong đó có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực văn hoá”,
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định Vũ Đức Thọ
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định) Nguyễn Tiến Thanh báo cáo, Sở đã chủ động tham mưu và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng văn hoá, con người trong thời kỳ mới. Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, quán triệt toàn diện nội dung về hệ giá trị Việt Nam được đúc kết theo các văn kiện của Đảng, các chủ trương, định hướng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam gắn với thực hiện nhiệm vụ văn hoá, thể thao và du lịch.
Tỉnh Nam Định chú trọng nội dung của các hệ giá trị, về hệ giá trị con người Việt Nam cần xây dựng gồm 8 giá trị chủ yếu là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Về hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Về hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị nền tảng: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.
Nhận thức vai trò của các thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở trong việc tạo điều kiện để người dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ, lan toả các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương quan tâm thực hiện công tác quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao các cấp phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Quan tâm hỗ trợ kinh phí để chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn, xóm/tổ dân phố; rà soát, bổ sung, lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời …
Đến nay, tỉnh Nam Định đảm bảo đầy đủ các thiết chế văn hoá, thể thao các cấp với 01 Bảo tàng tỉnh, 01 Bảo tàng tư nhân và 48 nhà truyền thống, phòng truyền thống, nhà lưu niệm; 01 thư viện tỉnh, 10 thư viện huyện, thành phố, có 1.324 tủ sách cơ sở (01 thư viện xã, 229 tủ sách pháp luật, 198 điểm Bưu điện văn hóa xã, 914 tủ sách thôn/tổ dân phố), 12.664 tủ sách lớp học.
Theo Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định), tỉnh hiện có 1.361 di tích lịch sử - văn hóa trong danh mục được UBND tỉnh phê duyệt, công bố; có 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 12 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sở đã tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá nhất là việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng của đất và người Nam Định đã được tôn tạo, bồi đắp và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá cùng với các lễ hội nổi tiếng như Lễ hội Khai ấn Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Chùa Keo, Hội chợ Viềng Xuân…
Các hoạt động đã phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc: truyền thống yêu nước và kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm; truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo; truyền thống hiếu học, đoàn kết, nhân ái… Cùng với những giai thoại lịch sử về triều đại nhà Trần trọng đạo nghĩa, giàu lòng yêu nước, nhân ái, khoan dung hun đúc sức mạnh hào khí Đông A một thời lừng danh, khơi dậy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, lòng nhân ái và các giá trị văn hoá tinh tuý, giàu tính nhân văn sâu sắc...
Buổi trao đổi kinh nghiệm đã diễn ra trên tinh thần cởi mở, chân thành, thẳng thắn. Các thành viên đã trao đổi, chia sẻ nhiều mô hình, cách làm hay trong việc triển khai công tác văn hóa của mỗi địa phương. Chia sẻ cách thức triển khai từng nhiệm vụ; đưa ra những hạn chế, tồn tại của mỗi địa phương trong quá trình thực hiện.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, Sở tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tham mưu, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp tuyên truyền các nội dung về hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vị trí vai trò, vị trí của văn hoá, các thành tố cơ bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trong giai đoạn mới… nhằm phát huy và khẳng định vai trò của các yếu tố văn hóa và nhân tố con người trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng của sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Theo Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng, hoạt động xây dựng văn hóa nghệ thuật, trong có nội dung xây dựng các tiêu chí hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người tại các địa phương cần đa dạng các đối tượng, lứa tuổi khác nhau. Trên cơ sở trao đổi đóng góp ý kiến của các địa phương, Cục Văn hóa cơ sở sẽ tổng kết, báo cáo tham mưu Bộ VHTTDL và Ban Tuyên giáo Trung ương nhằm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí trong thời gian tới./.