Xây dựng các tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Góp phần xây dựng TP Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử
Sáng ngày 26/11, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) tổ chức chương trình khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại thành phố Hải Phòng. Đây là hoạt động nhằm triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Tăng cường thực hiện nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Hiện thực hóa hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố
Tham gia đoàn khảo sát có các đồng chí: Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL); Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Tiếp đoàn công tác có đồng chí Đỗ Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hải Phòng.
Theo Kế hoạch của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, đoàn sẽ tổ chức khảo sát trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định và Thái Nguyên. Các hoạt động khảo sát thực tế tại các tỉnh nhằm triển khai Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội; Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 14/6/2024 của UBND Thành phố về tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025”. Kế hoạch số 2074/KH-BVHTTDL ngày 17/5/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Văn bản số 11313/VP-KGVX ngày 17/9/2024 của Văn phòng UBND Thành phố về việc tổ chức các Hội nghị triển khai hệ giá trị Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa.
Phát biểu tại buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai bên, đồng chí Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở chia sẻ: Đảng, Nhà nước luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá. Trước đây, thực tế các hệ giá trị này đã hiện hữu trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng qua các kỳ đại hội và trong cuộc sống của mỗi người Việt Nam.
Tuy nhiên, đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, được thể hiện cụ thể hơn, bao gồm: Hệ giá trị văn hóa (Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học); Hệ giá trị gia đình (Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh); Hệ giá trị con người Việt Nam (Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo)
Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Lương Đức Thắng
Đối với Thủ đô, đồng chí Lương Đức Thắng đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của hoạt động tổ chức các chương trình khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh, thành do Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội chủ trì, tham mưu, phối hợp với các đơn vị thực hiện. Qua đây, là dịp để Hà Nội và các địa phương chia sẻ, học hỏi và tìm ra các giải pháp hay, hiệu quả, góp phần xây dựng thành công hệ giá trị con người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng trong thời kỳ mới.
"Hà Nội đã rất cầu thị trong việc xây dựng các tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh sao cho vừa mang đặc trưng, giá trị riêng của Thủ đô, vừa đảm bảo tính chính thể thống nhất trong hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ mới", đồng chí Lương Đức Thắng nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, Thành ủy Hà Nội tiếp tục quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Thành phố đã cụ thể hóa bằng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thiết thực.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhất quán từ Thành phố tới cơ sở gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị các cấp, xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa, tăng cường nguồn lực cho văn hóa.
Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” đã tổ chức thành công Hội nghị tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Thực trạng và giải pháp”. Nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh được coi là một trong những giá trị cốt lõi của phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ mới.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh
Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo cụ thể hóa việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trong đó mới đây, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Điều đó càng thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở trong xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Thủ đô hiện nay, trong đó có nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tiến tới xây dựng con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng thế hệ trẻ thật sự trở thành những chủ nhân của Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Xây dựng hệ giá trị cần chú trọng phát huy hồn cốt tại mỗi địa phương.
Theo quan điểm của Bộ VHTT&DL, việc triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới nhằm mục đích đảm bảo sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm, tích cực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các đơn vị liên quan chú ý lồng ghép nội dung các hệ giá trị vào hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tham mưu sơ kết, tổng kết các nghị quyết của Đảng, xây dựng nghị quyết của cấp ủy về phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới tại địa phương.
Theo báo cáo triển khai các giải pháp thực hiện, tuyên truyền việc triển khai các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam tại Hải Phòng, được sự quan tâm của Thành uỷ, HĐND, UBND và nhân dân trên toàn thành phố, trong những năm qua, công tác văn hoá, thể thao được quan tâm.
Công tác xây dựng văn hóa cơ sở từng bước được nâng cao; các thiết chế văn hóa, thể thao của Hải Phòng dần hoàn thiện nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Kinh phí hoạt động được nâng lên; nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần và nâng cao thể chất cho nhân dân trên địa bàn thành phố.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể Thao Hải Phòng Đỗ Thanh Bình chia sẻ, với đặc thù là một thành phố ven biển, khai thác những điểm lợi thế riêng có của con người Hải Phòng, trong các chủ trương lớn về phát triển văn hóa, thành phố luôn quan tâm chỉ đạo hướng tới xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Hải Phòng trong thời kỳ mới.
Trong quá trình triển khai, Hải Phòng chủ trương hướng các phong trào đi vào thực chất, tránh hình thức. Thành phố luôn đánh giá cao và phát huy vai trò nêu gương, coi trọng phong cách ứng xử văn minh, văn hoá của người đứng đầu; đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Tuyên giáo và Văn hoá Thể thao và các ban, ngành liên quan; đặc biệt là sự đồng thuận ủng hộ của mọi người dân trên địa bàn thành phố.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể Thao Hải Phòng Đỗ Thanh Bình
Hiện nay, toàn thành phố Hải Phòng có 15/15 Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận, huyện (đạt 100%); 190/217 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa - thể thao (bằng 87,5%); có 1.186/1.761 làng, thôn, tổ dân phố (bằng 67,3%) có nhà văn hóa, khu thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng. Hằng năm Đoàn thanh niên thành phố đã triển khai hỗ trợ, xây dựng nhiều khu vui chơi cho thiếu nhi. Tính từ năm 2022 đến nay, toàn thành phố đã hỗ trợ xây dựng được gần 200 khu vui chơi cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hoá Hải Phòng Đỗ Thị Khánh Hương, toàn thành phố có 1739 câu lạc bộ văn hoá và 2.730 câu lạc bộ thể thao, 1355 đội văn nghệ quần chúng... Số buổi biểu diễn văn nghệ trên địa bàn thành phố gần 400 cuộc. Cấp quận, huyện gần 300 cuộc; do ngành văn hóa tổ chức gần 200 cuộc. Tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên là 37,7% tỷ lệ gia đình thể thao là 25,5%.
Nhiều hoạt động văn hoá lớn toàn quốc được tổ chức tại Hải Phòng như: Liên hoan kịch nói; Liên hoan Âm nhạc ASEAN; Liên hoan Ca múa nhạc; Chung kết Sao Mai điểm hẹn...
Cùng với đó, thành phố đã quan tâm đến các hoạt động nghệ thuật, đáng lưu ý là Chương trình nghệ thuật đường phố, không gian văn hoá nghệ thuật Hải Phòng, trình diễn văn hoá dân gian... đã góp phần khơi dậy và phát huy các giá trị văn hoá, con người Hải Phòng. Hoạt động văn hoá nghệ thuật đã góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao về đời sống văn hóa cho nhân dân, giảm tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Trung tâm văn hoá Hải Phòng Đỗ Thị Khánh Hương
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Lương Đức Thắng lưu ý Hà Nội, Hải Phòng cũng như các địa phương khác cần xây dựng các tiêu chí về hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tuyên truyền và dễ thực hiện./.