Mỗi xóm, làng là một "bức tranh"
Đến thôn Đình Tràng - thôn có quy mô nhỏ nhất trong số các thôn, làng của xã Liên Bạt, khách có chung cảm nhận về một không gian làng quê đang đổi thay cùng những công trình mới. Ông Nguyễn Văn Chiến, một người dân địa phương cho biết, trước đây, do thôn chưa có nhà văn hóa nên các cuộc hội họp cộng đồng khi thì diễn ra ở trụ sở hợp tác xã, lúc lại ở đình làng, có nhiều bất tiện. Cùng với việc triển khai xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn tự nguyện hiến 2.800m2 đất, góp kinh phí, công sức xây dựng nhà văn hóa với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng. Có nhà văn hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động cộng đồng được tổ chức thường xuyên hơn…
Tương tự, trước đây, hồ chung của 3 thôn: Bặt Ngõ, Bặt Trung, Bặt Chùa (có nghề truyền thống làm bún) rộng gần 10.000m2 trở thành… nơi chứa nước thải, rác thải sinh hoạt nên môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Để bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp, người dân đã tự nguyện đóng góp kinh phí gần 100 triệu đồng, cùng với nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới để thực hiện dự án cứng hóa toàn bộ hệ thống cống rãnh, nạo vét bùn thải, kè hồ, bơm nước sạch và trồng sen. Nhờ đó, hồ nước đã trở thành điểm nhấn cảnh quan môi trường, còn xung quanh hồ là không gian chung cho sinh hoạt cộng đồng…
Ông Nguyễn Xuân Bán, thôn Bặt Chùa chia sẻ: “Không chỉ tham gia đóng góp cải tạo môi trường sống xanh - sạch - đẹp, người dân trong thôn còn chung tay xây dựng cổng làng với mong muốn tạo dựng một nét văn hóa riêng cho quê hương. Người am hiểu văn hóa truyền thống thì tìm hiểu về kiến trúc cổng của làng quê Bắc Bộ; người có kinh nghiệm xây dựng thì hỗ trợ kỹ thuật; người có điều kiện kinh tế thì ủng hộ kinh phí… Chẳng mấy chốc, những cổng làng được hình thành, có lối đi riêng cho người đi bộ, người đi xe thô sơ, lại có cả lối cho ô tô vào làng. Đến nay, 8/8 thôn của xã đều có cổng làng. Đây thật sự là niềm tự hào của người dân địa phương”.
Đồng thuận, chung sức phát huy nội lực
Chủ tịch UBND xã Liên Bạt Đặng Văn Bộ thông tin, các phong trào kiến thiết quê hương đã được người dân địa phương triển khai trong nhiều năm. Những năm trước là việc chung sức xây cổng làng, cải tạo hệ thống cống rãnh, hồ ao…, còn năm 2020, các khu dân cư đều tích cực triển khai xây dựng các tuyến "đường nở hoa" làm đẹp quê hương với tổng chiều dài trên 3.500m.
Bằng nguồn vốn xã hội hóa do người dân đóng góp, Liên Bạt đã có hơn 200 chiếc ghế đá đặt ven hồ, trong các di tích lịch sử, đình, chùa... Để tạo không gian hoạt động, vui chơi cho trẻ em, cả 8 thôn trong xã đã đóng góp kinh phí, lắp đặt thêm các thiết bị vui chơi cho trẻ em như: Xích đu, thú nhún, cầu trượt... tại khuôn viên các nhà văn hóa.
Cùng với việc chung tay góp sức xây dựng cơ sở hạ tầng, mỗi người dân đã ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường. Bà Lê Thị Thu, ở thôn Bặt Chùa phấn khởi cho biết: "Nhà tôi ở ngay gần cây đa, cổng làng, vào mùa lá rụng, tôi quét 3-4 lần/ngày để đường làng luôn sạch sẽ. Trên địa bàn xã, mỗi đoạn đường, con ngõ đều có các hội, đoàn thể địa phương đảm nhận việc quét dọn vệ sinh, chăm sóc hoa, cây cảnh…”.
Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Liên Bạt Nguyễn Trung Thật, để cán bộ, người dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng các phong trào kiến thiết quê hương, mỗi cán bộ, đảng viên đã phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu; đồng thời, thực hiện tốt công tác dân vận và Quy chế dân chủ ở cơ sở. Theo đó, mọi đóng góp của người dân đều được công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Ứng Hòa Đỗ Năng Bình nhận xét, trên cơ sở phát huy truyền thống đoàn kết, dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, xã Liên Bạt đã có nhiều phong trào kiến thiết quê hương mang lại hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Những việc làm tưởng khó, cần nhiều kinh phí trong khi ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng thì ở Liên Bạt đã được thực hiện thành công nhờ sự đồng thuận của cộng đồng, như: Xây lại cổng làng, khu vui chơi cho trẻ em...
Phong trào xây dựng những không gian xanh, sạch đi đôi với bảo vệ, giữ gìn những nét đẹp văn hóa làng quê ở xã Liên Bạt đã mang lại hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội của địa phương. Những mô hình, cách làm hay nơi đây là rất đáng ghi nhận, có thể nhân rộng ra các xã khác, góp phần xây dựng huyện Ứng Hòa ngày càng văn minh, giàu đẹp…