Văn hóa – Di sản

Mạc Đăng Doanh – vua sáng một thời thịnh trị

nguyễn Minh Tường 06/11/2023 10:30

Mạc Đăng Doanh, là con trưởng của Mạc Đăng Dung (1483-1541), người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Buổi đầu niên hiệu Quang Thuận (1516-1522) đời vua Lê Chiêu Tông, Mạc Đăng Doanh được phong tước Dục Mỹ hầu, giữ điện Kim Quang. Tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung ép vua Cung Hoàng nhà Lê nhường ngôi, đặt niên hiệu là Minh Đức thứ nhất, ngay sau đó lập Mạc Đăng Doanh làm Thái tử. Hơn một năm sau, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho Mạc Đăng Doanh.

Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép: “Tháng 12 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529), Đăng Dung thấy nhân tâm trong nước chưa yên, bèn truyền ngôi cho con là Đăng Doanh, rồi tự xưng là Thái Thượng hoàng, ra ở điện Tường Quan... Đăng Dung về Cổ Trai ở là để trấn vững nơi căn bản và làm ngoại viên cho Đăng Doanh, nhưng vẫn định đoạt các việc quốc gia trọng đại” (Bản dịch, 1978).

mac-dang-doanh.jpg
Tranh minh họa vua Mạc Đăng Doanh lên ngôi.

Ngày mùng 1 tháng Giêng năm Canh Dần (1530), Mạc Đăng Doanh chính thức lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Đại Chính. Về mặt chính trị, thời Mạc Đăng Doanh trị vì, xã hội Bắc triều khá ổn định, đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Sử gia Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử, mặc dù đứng trên lập trường ủng hộ chính quyền Lê - Trịnh nhưng cũng ghi nhận sự thực: “Đăng Doanh thấy trong nước còn nhiều trộm cướp, bèn ra lệnh cấm nhân dân các xứ, không được mang gươm giáo, dao nhọn và các đồ binh khí đi ngoài đường. Nếu kẻ nào trái lệnh, cho pháp ty bắt trị tội. Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi, tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn” (Bản dịch, 1978).

Về mặt văn hóa, giáo dục, dù chỉ ở ngôi có 11 năm (1530-1540), nhưng Mạc Đăng Doanh cũng tổ chức được đều đặn 3 năm một kỳ thi Tiến sĩ, đó là các khoa: Nhâm Thìn (1532), Ất Mùi (1535) và Mậu Tuất (1538). Số lượng Tiến sĩ tuyển chọn ở cả 3 khoa thi nói trên là 95 người, trong đó có khá nhiều người tài giỏi như Trạng nguyên Nguyễn Thiến (1495-1557) đỗ đầu khoa Nhâm Thìn, Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đỗ đầu khoa Ất Mùi và Giáp Hải (nguyễn tên là Giáp Trung, người xã Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn, nay thuộc huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) đỗ đầu khoa Mậu Tuất.

Mùa xuân năm Bính Thân (1536), Mạc Đăng Doanh sai Khiêm quận công Mạc Đình Khoa tu sửa lại trường Quốc Tử Giám.

Tháng Giêng năm Đinh Dậu (1537) nhằm khuyến khích việc học tập Nho học và tỏ lòng trân trọng đối với các vị sáng lập Nho giáo, Mạc Đăng Doanh thân đến Văn Miếu Quốc Tử Giám làm lễ Thích điện, tế Chu Công, Khổng Tử và Tứ phối [Nhan Tử (Nhan Uyên) - Tăng Tử (Tăng Sâm) - Tử Tư (Khổng Cấp) - Mạnh Tử (Mạnh Kha)]...

Dưới thời Mạc Đăng Doanh, vua Minh sai tướng Cừu Loan và Thượng thư Bộ Binh Mao Bá Ôn dẫn quân áp sát biên giới nước ta, đe dọa sẽ tiến đánh họ Mạc. Để đối phó với âm mưu xâm lược của triều Minh, Mạc Đăng Doanh một mặt sai tu sửa các trại sách vùng biên giới, luyện tập thủy quân, trưng cầu hết thảy các cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước. Mặt khác, ông dùng kế hoãn binh, sai Nguyễn Văn Thái đem tờ biểu đến Quảng Tây xin hàng. Thực ra, bấy giờ triều Minh tuy có hạ chiếu sai tướng sang định đánh họ Mạc, nhưng vẫn còn chần chừ để xem xét, chưa dám phát binh mà hư trương thanh thế để đe dọa thôi. Trước các biện pháp nhún nhường của triều đình nhà Mạc, vua Minh đã dừng cuộc xâm lược Đại Việt, tránh cho nhân dân khỏi rơi vào tình trạng can qua.

Thời kỳ Mạc Đăng Doanh ở ngôi cũng là thời kỳ nhà Lê bắt đầu sự nghiệp trung hưng ở đất Thanh Hóa. Để giữ vững ngai vàng và củng cố thế lực của dòng họ, cha con Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh phải khó nhọc đương đầu chống lại các đợt tấn công của quân đội Lê Trung hưng. Mùa xuân năm Quý Ty (1533), vua Lê Trang Tông lên ngôi hoàng đế ở sách Thúy Thuần, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa năm thứ nhất, phong tước cho các tướng, luyện binh để mưu đồ khôi phục.

Mùa xuân năm Kỷ Hợi (1539), vua Lê Trang Tông phong cho Đại tướng quân Dực Nghĩa hầu Trịnh Kiểm tước Dực Quận công. Trịnh Kiểm, người Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc, trấn Thanh Hóa, có tài lược anh hùng và sức khỏe hơn người, từng theo Thái sư Nguyễn Kim đi đánh dẹp, lập được nhiều chiến công. Thái sư Nguyễn Kim thấy ông có tài bèn gả con gái là Ngọc Bảo cho. Đến đây vua Lê Trang Tông phong cho tước Công, coi là một Đại tướng tâm phúc... Sự nghiệp trung hưng của nhà Lê thực sự bắt đầu từ đây. Để gây thanh thế, vua Lê Trang Tông lại phong tước cho các tướng: phong tước Tuyên quận công cho Trịnh Công Năng, Hòa quận công cho Lại Thế Vinh, Thụy Sơn hầu cho Hà Nhân Chính. Ngoài ra như Hiệp quận công, Tường quận công, Từ quận công, Trấn quận công, Tây quận công, Dương quận công và Bảo quận công, mỗi vị đều được ban một quả ấn tướng quân. Vua Lê sai họ đem quân bản bộ chia đường tiến binh, thanh thế lẫy lừng đánh thẳng vào Lôi Dương, gây cho triều đình Mạc Đăng Doanh rất nhiều khó khăn.

Để đối phó lại, Mạc Đăng Doanh cũng phong chức tước cho những người bề tôi thân cận, như phong cho Trần Phỉ làm Thượng thư Bộ Lễ, phong cho Lê Bá Ly tước Khiêm quận công cầm quyền bính tổ chức lực lượng chống lại nhà Lê Trung hưng. Trong đó, Lê Bá Ly có thể coi là một danh tướng của nhà Mạc. Ông nguyên quán xã Cổ Phạm, hạt Đông Sơn, nhưng đến cư trú tại làng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, nổi tiếng là người tài dũng, khi còn làm quan dưới thời vua Lê Chiêu Tông, được phong tước Mai Xuyên bá. Lê Bá Ly vốn là bạn thân cũ của Mạc Đăng Dung, khi Đăng Dung lên ngôi báu, sai Bá Ly giữ vệ Kim Ngô, tiến phong tước hầu, lại gả em gái là công chúa Lương Thượng cho. Đến đây, Mạc Đăng Doanh càng thêm tín nhiệm Lê Bá Ly, thăng cho chức Đông quân Đô đốc, tước Quận công.

Ngày 25 tháng Giêng năm Canh Tý (1540), Mạc Đăng Doanh qua đời, ở ngôi 11 năm. Mạc Đăng Dung dựng con Đăng Doanh là Mạc Phúc Hải lên ngôi, đặt tên thụy cho Đăng Doanh là “Thái Tông khâm triết Văn hoàng đế”. Mạc Đăng Doanh sinh được 7 người con trai: con trưởng là Phúc Hải; thứ hai: Phúc Tư, phong Ninh vương; thứ ba: Kính Điển, phong Khiêm vương; thứ tư: Lý Tường; thứ năm: Lý Hòa; thứ sáu: Hiệp Cung; thứ bẩy: Đôn Nhượng, phong Ứng vương. Hai người con thứ ba và thứ bẩy của Đăng Doanh là Mạc Kính Điển, Mạc Đôn Nhượng đều là những danh tướng tài năng xuất sắc của triều Mạc.

Đánh giá sự nghiệp chính trị cũng như đạo đức của Mạc Đăng Doanh, sử gia ở đầu thế kỷ XIX Phan Huy Chú viết: “Mạc Đăng Doanh tính khoan hậu, giản dị. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ, trong nước gọi thời ấy là trị bình...” (Lịch triều hiến chương loại chí, Tập I. Bản dịch, 1960).../.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Tô Hiến Thành – nhà chính trị tài năng
    Chính sử chép rằng Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng giêng và mất năm Kỷ Hợi 1179, đời vua Lý Cao Tông, nhưng không ghi rõ năm sinh. Lịch sử có điều khiếm khuyết như vậy (Tháng 7 năm 1997 tại cuộc hội thảo lớn về thân thế, sự nghiệp của Tô Hiến Thành, có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện các nơi thờ cúng cụ Tô, đại diện các chi hệ dòng họ cụ Tô tham dự. Hội nghị đã tham khảo nhiều bản thần tích, tộc phả và đã tìm ra ngày tháng năm sinh Tô Hiến Thành là ngày 22 tháng giêng năm Nhâm Ngọ 1102, triều Lý Thần Tông)...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Bài cuối: Hướng tới hòa nhịp công nghiệp văn hóa Thủ đô
    Trải qua hàng trăm năm lịch sử, tò he không chỉ đơn thuần là trò chơi dân gian mà còn gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa hiện đại, làng nghề Tò he Xuân La đang đứng trước những thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát triển, đặt ra bài toán làm thế nào để hòa nhịp vào sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống.
  • Làng Kim Lan và tục nuôi lợn thi
    Làng Kim Lan, tục gọi làng Sươn, nằm ở bờ Bắc sông Hồng, trước năm 1945 thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961, xã Kim Lan thuộc huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.
  • Giới thiệu 70 tác phẩm sinh vật cảnh tinh hoa chào mừng Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô
    Thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội phối hợp với quận Nam Từ Liêm tổ chức Festival sinh vật cảnh Hà Nội lần thứ nhất – năm 2024.
  • Gần 31.000 lượt người vào Lăng viếng Bác trong ngày Quốc Khánh 2/9
    Ngày Quốc khánh 2/9, ước tính có 30.575 lượt người dân từ khắp mọi miền đất nước, trong đó có 231 lượt khách nước ngoài đã vào Lăng viếng Bác bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ công ơn của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
  • [Video] Ký ức hào hùng ngày độc lập dân tộc
    Cách đây 79 năm ngày 19/8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đây, nhân dân ta thoát khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân phong kiến, trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Từ thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, dân chủ.
  • Đông đảo du khách đến tham quan di tích Huế
    Đông đảo du khách nườm nượp vào tham quan các điểm di tích Huế trong ngày 2/9.
  • 6 đội thi sẽ tranh tài tại Chung khảo Hội thi "Dân vận khéo" cấp Thành phố Hà Nội
    Trải qua các vòng thi sơ khảo tại 6 cụm thi, Ban Tổ chức đã chọn được 6 đội xuất sắc nhất để tham dự Chung khảo Hội thi “Dân vận khéo” Thành phố Hà Nội năm 2024, được tổ chức vào sáng 21/9 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô.
  • Huyện Thạch Thất gắn biển 2 công trình chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô
    UBND huyện Thạch Thất cho biết, vừa tổ chức cắt băng khánh thành và gắn biển 2 công trình trên địa bàn huyện chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024). Đó là công trình THCS Đồng Trúc và Trung tâm Văn hóa xã Đại Đồng.
  • MV "Em bé Việt Nam" ra mắt dịp lễ Quốc khánh 2/9
    MV “Em bé Việt Nam” do rapper nhí Xệ Xệ - Em bé chất biểu diễn cùng rất nhiều em nhỏ các bài hát: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Dòng máu lạc hồng” và “5 điều Bác Hồ dạy”.
  • Gần 1.000 nghệ sĩ tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2024
    Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc đợt 1 diễn ra từ ngày 7 đến 16/9 tại Nhà hát nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc.
Mạc Đăng Doanh – vua sáng một thời thịnh trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO