Văn hóa – Di sản

Lý Văn Phức – nhà nho sứ thần gặp gỡ người Tây

Nguyễn Thị Ngân 20/11/2023 16:20

Lý Văn Phức (1785-1849) gốc người Phúc Kiến (Trung Quốc), tự Lân Chi, hiệu Khắc Trai và Tô Xuyên, người làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội). Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo ở kinh thành Thăng Long, Lý Văn Phức từ nhỏ đã được hưởng một nền giáo dưỡng thi lễ. Năm Đinh Mão (1807), ông bắt đầu đi thi và đỗ Tam trường (Tú tài), rồi đến năm Kỷ Mão (1819) lại đi thi và đỗ Hương tiến (Cử nhân). Khi ấy ông 34 tuổi.

ly-van-phuc.jpg
Danh nhân Lý Văn Phức.

Cuộc đời làm quan đại thần nhà Nguyễn của Lý Văn Phức bắt đầu từ năm Canh Thìn (1820). Ông được bổ làm Hàn lâm Biên tu, sung Sử quán, rồi trải các chức vụ Lễ Bộ kiến sự, Hộ Bộ Hữu thị lang, thụ hàm Hữu Tham tri. Năm Kỷ Sửu đời vua Minh Mạng thứ 10 (1829), Lý Văn Phức khi ấy đang làm công việc Hộ chính thì bị vua khiển trách, cho được đi hiệu lực để đới công chuộc tội. Kể từ đây, cuộc đời Lý Văn Phức hiện lên như một vị sứ thần lữ khách. Năm Canh Dần đời vua Minh Mạng thứ 11 (1830), đi hiệu lực đến địa phận trấn Minh Ca (Bengale) thuộc địa của nước Anh ở Tiểu Tây Dương dự cuộc thao diễn thuỷ sư. Năm Tân Mão đời vua Minh Mạng thứ 12 (1831), đi hiệu lực ở Tân Gia Ba (Singapore). Cùng năm này, ông lại được triều đình cử làm trưởng phái đoàn sang Mân Việt (Phúc Kiến, Trung Quốc) để giao trả thuyền các quan nhà Thanh bị bão đánh bạt vào vùng biển Việt Nam. Năm Nhâm Thìn đời vua Minh Mạng thứ 13 (1832), được khôi phục hàm Tư vụ, triều đình cử ông đi Lữ Tống (Luzon, thuộc Philippin) để mở quan hệ lân bang giữa hai nước. Năm Quý Tỵ đời vua Minh Mạng thứ 14 (1833), đi công cán ở Việt Đông (Quảng Đông, Trung Quốc) để hộ tống tàu nhà binh bị nạn gió bão trôi dạt vào Việt Nam. Năm Giáp Ngọ đời vua Minh Mạng thứ 15 (1834), được thăng chức Binh Bộ chủ sự, hàm Quang Lộc tự thiếu khanh, sang Hạ Châu, Quảng Đông và Ma Cao (Trung Quốc) để hộ tống tàu nhà binh lại bị nạn gió bão về Việt Đông. Năm Ất Mùi đời vua Minh Mạng thứ 16 (1835), hộ giải giặc biển người Việt Đông về nước. Năm Bính Thân đời vua Minh Mạng thứ 17 (1836), sang Ma Cao (thuộc xứ Việt Đông) để hỏi tin tức những thuyền đi làm công bị gió đánh phiêu dạt. Năm Tân Sửu đời vua Minh Mạng thứ 22 (1841),được bổ làm Lễ Bộ Hữu Tham tri, làm Chánh sứ sang sứ nhà Thanh (Trung Quốc).

Rồi Lý Văn Phức mắc lỗi, bị kết án hạ cấp làm lính. Sau được khôi phục hàm Thị độc học sĩ. Đến năm Quý Mão (1843), Lý Văn Phức được cử làm chủ khảo trường thi Nghệ An; năm Mậu Thân (1848) được thăng Lang trung biện lý coi việc trong Bộ Lễ; năm Kỷ Dậu (1849) được thăng Quang Lộc tự khanh rồi mất khi đang tại chức, thọ 64 tuổi, được truy thụ Lễ Bộ Hữu Thị lang.

Cuộc đời một vị quan đại thần như Lý Văn Phức cũng lắm thăng trầm. Trong bối cảnh xã hội nhà Nguyễn ở vào thời kỳ đầu xây dựng và củng cố nhà nước phong kiến tập quyền thống nhất từ Nam ra Bắc nhưng đồng thời lại là giai đoạn cuối của chế độ phong kiến đến bước suy tàn, có thể thấy ở Lý Văn Phức một nhân cách, một tài năng, niềm trung hiếu luôn đồng nghĩa với yêu nước thương nhà, sự tỉnh táo, vững vàng luôn đồng nghĩa với nét tài hoa, trí tuệ.

Như một tác gia tiêu biểu của giai đoạn văn học Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX, Lý Văn Phức đã để lại một di sản văn học bao gồm số lượng lớn các tác phẩm Hán và Nôm, đa dạng về các thể tài như thơ cảm hoài, thơ xướng họa, ký sự, tạp ký, luận thuyết, nhật ký, tự thuật, phú, truyện thơ Nôm, gia phả, văn tế, tự, bạt, chế, từ, biểu, câu đối... Tác phẩm chữ Hán của ông chủ yếu là những tập thơ văn sáng tác trong các dịp đi ra nước ngoài, ghi chép những điều tai nghe mắt thấy hay ghi lại cảm xúc trên đường đi như Tây hành thi ký (Thơ làm trong dịp đi hiệu lực ở miền biển Tây), Tây hành kiến văn kỷ lược (Tập ký sự những kiến văn ở biển Tây), Mân hành tạp vịnh thảo (Tập thơ làm trên đường sang đất Mân Việt), Sứ trình chí lược thảo (Ghi chép về cuộc hành trình đi sứ) và nhiều tập thơ văn viết chung với quan lại, bạn bè trong các chuyến đi ra nước ngoài...

Bên cạnh chữ Hán, Lý Văn Phức còn có sáng tác thơ văn chữ Nôm với nội dung giáo huấn đạo đức Nho gia, phổ cập kiến thức như Nhị thập tứ hiếu diễn ca (gồm 24 truyện viết theo thể song thất lục bát kể chuyện 24 nhân vật hiếu hạnh theo quan điểm nhà Nho); Bất Phong Lưu truyện (Bài thơ trường thiên kể về ông Bất Phong Lưu (tức Lý Văn Phức) viết cuối năm Giáp Tý (1815) trong khi tác giả còn đang dạy học)..., đồng thời sáng tác nhiều truyện thơ Nôm tài tử giai nhân như Ngọc Kiều Lê tân truyện, Truyện Tây sương, Nhị Độ Mai diễn ca, Cừu đại nương Trương Văn Thành diễn nghĩa và tác phẩm Thanh Tâm Tài Nhân đề vịnh (gồm 20 bài thơ vịnh đề 20 hồi quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân theo lối tập Kiều)...

Một đặc điểm đáng lưu ý là những tác phẩm Hán viết về những chuyến đi ra nước ngoài của Lý Văn Phức thường song hành cùng với một tác phẩm chữ Nôm như có Tây hành kiến văn lục (Hán) lại có Tây hải hành chu phú (Nôm); có Sứ trình chí lược thảo (Hán) lại có Sứ trình tiện lãm khúc (Nôm); có Nghĩ Vô Danh công tự thuật phú (Hán) lại có Tự thuật phú (Nôm)... Quả là tác giả không chỉ thể hiện sở trường ở thơ văn chữ Hán mà còn bộc lộ tài năng cả ở thơ văn chữ Nôm.

Là người đi ra nước ngoài nhiều - có thể nói suốt thập kỷ 30 của thế kỷ XIX, Lý Văn Phức hầu như liên tục đi công cán nước ngoài - những xứ sở thuộc vùng Đông Á và Đông Nam Á như Bengal, Singapore, Philippines, Phúc Kiến, Quảng Đông, Ma Cao; chỉ riêng chuyến đi năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) là đi sang tận Yên Kinh (Bắc Kinh, Trung Quốc). Điều đó phần nào cho thấy mối quan hệ ngoại giao cũng như việc thông thương buôn bán bằng đường biển của Việt Nam với các nước trong khu vực đã thực sự phát triển, quan hệ giao bang giữa Việt Nam với các nước đã vươn ra ngoài phạm vi với thiên triều phương Bắc. Điểm giao cắt Đông - Tây nằm chính ở vùng biển Đông Nam Á này. Và Lý Văn Phức lần đầu tiên được đến vùng biển này, ông lại là vị du khách Việt Nam đầu tiên phát hiện, khám phá ra một thế giới mới lạ - hình ảnh về thế giới ấy được phản ánh vô cùng sâu sắc, sinh động trong những tập thơ văn. Phong cách tác giả được thể hiện ấn tượng nhất trong tư cách của một sứ thần - lữ khách - thi nhân phương Đông.

Thơ như người bạn đồng hành của các sứ thần Phương Đông. Cảm hứng chủ đạo trong dòng thơ đi sứ là hào khí dân tộc, là ý chí độc lập tự chủ, là thiện chí hoà bình hữu nghị và chủ nghĩa yêu nước chính là sức sống cho cảm hứng ấy. Thơ đi sứ của Lý Văn Phức như một nốt nhạc trên “con đường hoa”. Thơ ông chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu quê hương đất nước; sâu sắc đằm thắm trong tình điệu của những niềm vui nỗi nhớ; tinh tế nhạy cảm trong tâm trạng, cảm xúc.

Thơ đi sứ mỗi thời đều có phong cách riêng. Thơ của Lý Văn Phức mang phong vị của thời đại ông, thể hiện sự hòa quyện giữa ý thơ và tình đời, sự đan xen giữa cảm xúc và tưởng tượng. Ngôn ngữ thơ ông trong sáng mà giản dị, giọng thơ đôn hậu mà ấm áp tình người, tạo nên đặc điểm vừa trữ tình, vừa hiện thực.

Ông viết về cảnh bất công trong xã hội:

Ngựa béo xe to phường tóc đỏ,

Nón mê áo rách đám da đen.

(Đỗ Ngọc Toại dịch thơ)

Từng trải, lịch duyệt, tình cảm của Lý Văn Phức với các thân sĩ văn nhân Trung Quốc vừa chân thành sâu sắc, vừa nồng hậu, thiết tha:

Bác từ Đông Việt tôi Nam Hải,

Tây hải lần sang gặp gỡ đây.

Muôn dặm quan san tình thắm lạ,

Một nhà văn tự nghĩa nồng thay!

(Ngô Linh Ngọc dịch thơ)

Khí thơ ông thật hào sảng, bay bổng trên con thuyền thơ:

Phàm khai nhật ảnh hồi phi điểu,

Pháo lạc sơn thanh tẩu cự ngao.

Sĩ khí xung lưu yên dụng khuyến,

Hoàng ân chủ hải bất tri lao.

Hoành sa ngạn đới ngư chu diểu,

Cô dữ vân kình cổ miếu cao.

Văn tử đa tòng lưu lãm đắc,

Long Môn chi hậu kỳ nhân hào.

(Cánh buồm mở bóng mặt trời, con chim bay lượn vòng,

Pháo nổ vang tiếng núi, xua con cá ngao chạy.

Khí phách kẻ sĩ xông pha nơi dòng nước chẳng cần khích lệ,

Ơn vua trút xuống như biển cả, chẳng quản nhọc nhằn.

Bờ cát nằm ngang đèo, chiếc thuyền đánh cá xa tít,

Một hòn đảo chơ vơ, mây nâng miếu cổ lên cao.

Tứ văn thường có được từ cuộc du lãm,

Hỏi sau Long Môn còn được mấy người hào phóng!)

Hồn thơ ông thấm đượm trong những nét vẽ, sâu lắng trong những âm thanh, người cùng cảnh vật như quấn quýt một vẻ đẹp lung linh, một nét xuân tươi trẻ:

Độ đầu thụ quái ngư chu hỏa,

Lan thất xuân tàng yến tử nê.

Ba thượng nham yêu thanh chuyển tế,

Nguyệt hoành thủ các ảnh hoàn đê.

(Cây đầu bến treo ánh lửa thuyền chài,

Xuân nhà lan dấu dãi chim yến.

Sóng chồm lưng núi, âm thanh nhỏ dần,

Trăng ngang lầu lính, bóng càng xuống thấp)

Thơ Lý Văn Phức hay trước hết bởi tình thơ đượm tình đời. Người đọc như cuốn hút theo từng giai điệu thơ ông, khi uyển chuyển, dồn dập, khi bay bổng, sâu lắng... Lý Văn Phức trong chuyến đi hiệu lực năm 1830 đến vùng biển phía Tây, lần đầu tiên ông đến một thế giới vô cùng mới lạ - có cái khác lạ, cũng có cái tương đồng, nhưng cơ bản là sự đối lập, sự xung đột giữa những giá trị văn hóa, văn minh phương Đông và phương Tây, chủ yếu ở phương diện ứng xử, tính cách con người, đồng thời với sự kinh ngạc đến bái phục về công nghệ, cơ trí tranh quyền tạo hóa của người phương Tây. Những khác lạ, những tương đồng, những đối lập, những kinh ngac về một thế giới phương Tây mới lạ đều được Lý Văn Phức phản ánh khá sâu sắc trong hệ quy chiếu của một cảm quan điển hình phương Đông - điều ấy tạo nên trong ký của ông những điểm giao thoa của những ấn tượng mới mẻ với những biểu tượng truyền thống; đồng thời cũng làm bộc lộ những cái mã văn hóa thuộc về bản chất của phương Đông, phương Tây cùng sự giao lưu, đan xen giữa chúng. Bằng một trực quan sinh động, một năng lực khám phá và bằng sự kết hợp của bút pháp hiện thực - lãng mạn, tự sự - trữ tình, tư duy trực quan với tư duy trừu tượng, nhận thức khoa học với sáng tạo nghệ thuật, ký của Lý Văn Phức đã đem đến cho người đọc cảm nhận thật sâu sắc và đầy ấn tượng trong các chủ đề như danh hiệu, con người, tập tục, y phục, ẩm thực, văn tự, lễ nghi, việc quan, khí hậu, nhà cửa, xe cộ, tiền tệ, tàu thuyền, sản vật địa phương... Hiện thực phương Tây mới lạ còn hướng ngòi bút ký sự của Lý Văn Phức sang những luận thuyết về những vấn đề như Di biện (Bàn về man di), Mộng thuyết (Thuyết về giấc mộng), Lữ Tống phong tục ký (Bài ký về phong tục Lữ Tống), Tây Di chí phú biện (Bàn về cách làm giầu của Tây Di)... Với tập ký Tây hành kiến văn kỷ lược, Lý Văn Phức đã bước đầu ý thức được vấn đề tiếp xúc, tiếp nhận, giao thoa văn hóa Đông - Tây (cho dù chưa phải là thế giới phương Tây theo đúng nghĩa), sự phản tỉnh trong nhận thức của ông quan ở một nước lạc hậu ngỡ ngàng trước thế giới hiện đại (đô thị, môi trường, cảnh quan, kiến trúc, giao thông, tàu thuyền...), sự thức tỉnh khi đối sánh giữa các giá trị văn hóa theo mô hình Nho giáo truyền thống với xã hội văn minh khác lạ, mới mẻ theo mô hình phương Tây tư bản hiện đại (chế độ thuộc địa, cách xử án, cách trả tiền chữa bệnh, hôn nhân, thừa tự, tang ma...). Trong Tây hành kiến văn kỷ lược, Lý Văn Phức thường kết hợp giữa nội dung tự sự với lời bình của tác giả để tìm hiểu nội dung “Tây hành”, qua đó thể hiện cái nhìn của chủ thể tác giả trong việc phản ánh hiện thực phương Tây mới lạ. Về tính cách người Hồng Mao, Lý Văn Phức tỏ rõ thái độ phản ứng thủ đoạn chiếm thành lấy đất kiểu thực dân: “Người nước ấy phần nhiều giảo hoạt, dối trá”, “Người Hồng Mao vốn tính kiêu ngạo tự mãn, phàm các công việc phục dịch hèn hạ đều sai người da đen làm, tự mình hưởng phú quý”... Có lẽ Lý Văn Phức là người đầu tiên lên án cái gọi là “nha phiến” mà người Hồng Mao đem bán cho các nước thuộc địa: “Lại nói về ả phù dung, hút vào khiến cho người ta vừa hao tổn tinh huyết, lại khánh kiệt cả gia sản, thế mà nước ấy nhiều người làm nghề nấu thuốc phiện để bán cho người nước khác, còn trong nước từ trên xuống dưới không một người nào dám hút cả, họ giảo quyệt kiểu như vậy”... Nhưng có điều, do quá sùng bái đạo lý Thánh hiền nên Lý Văn Phức nhìn nhận về tính cách của người Hồng Mao đa phần là “ngạo mạn vô lễ”, là “nô dịch cho tiền tài và kiêu ngạo”, là “phong lưu phù phiếm vô độ”, là “hám lợi và lãnh đạm vô tình”...; hoặc như tác giả nhận xét về sự “coi thường giấy chữ” của người Hồng Mao: “Đại khái là chữ viết của họ không phải là chữ Hoa, kinh của họ không phải là kinh Thánh, chẳng lấy gì làm lạ cả”. Cũng bởi giáo lý của đạo Thiên Chúa chẳng liên quan gì đến “Cương thường” của Nho gia nên Lý Văn Phức coi là dị đoan, tà thuyết: “Cái tân thuyết mới đó thường phụ hội học thuyết Nho giáo để mê hoặc con chiên”, “Cái giáo lý dị đoan thường như vậy cả”. Thấy việc tang ma có phần giản dị của người Thiên Chúa giáo rất khác lạ trong quan niệm về lễ nghĩa của Nho gia nên tác giả nhận xét: “Đó là bởi giáo lý của họ coi chết là hết, chẳng còn gì liên quan cả”... Rõ ràng là, sự khác biệt về tôn giáo, tính cách hay thói quen của người phương Tây thường tạo ra sự phản cảm của nhà Nho luôn chú trọng về phương diện đạo lý, lễ nghĩa, giáo hóa hơn là sự cơ sảo giả dối, mưu tính lợi lộc; hơn cả sự cơ trí làm giàu, tính toán hoạch định hay là tự do cá nhân con người... Nhưng khi đối diện với một thế giới phương Tây dường như là đảo ngược về văn minh xã hội và khoa học công nghệ hiện đại, Lý Văn Phức một mặt khẳng định sự khác biệt trong quan niệm của nhà Nho ở phương diện đạo lý; mặt khác, ông tiếp tục tìm hiểu và khám phá thế giới mới. Như tác giả nhận xét về việc truyền ngôi của người Hồng Mao “con trai của vợ ngoài thì suốt đời cũng chẳng đến lượt”; hoặc tác giả nhận xét về sự không phân biệt danh phận, tôn ty của người phương Tây rằng “Trong nước dù giàu nghèo, sang hèn đều có thể đi xe, vết bánh xe đầy đường là vì nước họ không có luật cấm tiếm vượt danh phận vậy”... Không chỉ tìm hiểu tỷ mỷ, tường tận về con người Hồng Mao cùng những phong tục tập quán, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa.., Lý Văn Phức còn phát hiện, khám phá về con người Hồng Mao giàu tài năng trí tuệ và một thế giới phương Tây văn minh, hiện đại chưa từng có. Như tác giả nhận xét về con người Hồng Mao rằng: “Người nước họ phần nhiều cơ trí, tinh xảo”. Đặc biệt tác giả vô cùng kinh ngạc, thán phục trước công nghệ và khoa học kỹ thuật phương Tây: “Kỹ thuật làm thuyền của nước họ cực kỳ công phu tinh xảo, nhất là thuyền máy... thuyền có thể tiến lùi hoàn toàn nhờ vào sức người vậy”, “Kỹ thuật chế tạo đều rất tinh xảo, hiếm có sai sót”, “Lại có máy bơm nước... Khi đốt lò thì lửa chạy vòng quanh trong ống, máy sẽ lập tức chuyển động như bay, nước trong âu tự phóng lên trên không thể ngăn cản nổi. Còn những dây dợ dọc ngang trong máy cùng những kỹ xảo tinh vi của nó thì không có tai mắt nào có thể biết hết được”; “Kỹ thuật tàu thuyền của họ mới nhiều sở trường”; “Họ dụng công đến như vậy!”... Trong một bài thơ, Lý Văn Phức từng cảm nhận và ca ngợi về tài năng, ý chí tranh quyền tạo hóa của người phương Tây: “Người Hồng Mao thường nói rằng trăm sự đều có thể làm, duy chỉ có sự sống và cái chết thì không tài khéo nào làm ra được”...

Tác phẩm cũng thể hiện rõ khả năng mở rộng biên độ của thể loại ký thời trung đại, hướng đến việc ghi chép cảnh thực, người thực, việc thực; độ xác tín về tư liệu như vị trí các vùng lãnh thổ, thời gian, số lượng, hình thức nhà cửa, trang phục, cách thức chuyển đổi tiền tệ, chủng loại sản vật... Trên cơ sở đó, người đọc ngày nay có thể thấy được được điểm nhìn và vai trò chủ thể tác giả trong việc trực diện bày tỏ chính kiến, trực diện đánh giá về các nước “dị tộc” theo thước đo còn nhiều phần hạn chế, bất cập của một quan chức Nho sĩ Đại Việt cuối mùa quân chủ phong kiến...

Lý Văn Phức cùng sự nghiệp sáng tác của ông đã thực sự làm nên một phần giá trị trong kho tàng văn hóa, văn học dân tộc. Ông vừa tiêu biểu cho khuynh hướng văn chương Nho giáo, vừa đại diện cho trào lưu và xu hướng văn học trung đại Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX trong việc phản ánh hiện thực và hơn một bước, mở đường cho thể loại ký viết về thế giới bên ngoài Trung Hoa - thế giới của những đan xen bản địa với cuộc va chạm Tây - Đông, trong đó bao trùm là yếu tố phương Tây. Sáng tác của ông phong phú, đa dạng với nhiều loại hình, cả chữ Hán cũng như chữ Nôm, thơ cũng như văn xuôi, văn học nghệ thuật cũng như văn học chức năng. Văn tài của ông không chỉ in đậm dấu ấn của một thời đại văn học mà còn đóng góp đáng kể vào tiến trình phát triển của nền văn hoá, văn học dân tộc./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Phạm Ngũ Lão – anh hùng, nhà thơ
    Phạm Ngũ Lão quê làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ông vừa là môn khách, vừa là con rể của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Con gái của ông được vua Trần Anh Tông nạp vào cung và phong làm Thứ phi. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia đầu thế kỷ XIX là Phan Huy Chú, khi lựa chọn các “Tướng có danh tiếng và tài giỏi”, ở đời Trần (1226-1400), có 4 người, Phạm Ngũ Lão, được xếp tề danh với Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật và Trần Khánh Dư.
(0) Bình luận
  • Lấp khoảng trống phát sinh, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam
    Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật được các chuyên gia đánh giá rất cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội. Quá trình xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ VH-TT&DL cũng đã chỉ ra một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật, nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh
    Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Lễ Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh, bao gồm: Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là hoạt động bên lề nhân chu
  • Tọa đàm “Hoạt động giáo dục bảo tàng - kết nối cộng đồng”
    Sáng 17/5, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Hoạt động giáo dục bảo tàng - kết nối cộng đồng” nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế bảo tàng 18/5/2024.
  • Cổ vật triều Nguyễn được định danh và triển lãm trên không gian số
    Định danh số 10 cổ vật triều Nguyễn và ra mắt không gian triển lãm văn hóa metaverse đầu tiên tích hợp Apple Vision Pro.
  • Công nhận Mộc bản ở chùa Dâu (Bắc Ninh) là Bảo vật Quốc gia
    Bộ mộc bản chùa Dâu gồm 107 ván khắc là hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực với nhiều loại hình văn bản như: truyền thuyết về Phật Tứ pháp, kể hạnh về Phật Tứ pháp, kinh Phật, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, cúng tế các vị Tổ chùa...
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh
    Trong khuôn khổ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Quản lý Công viên Bắc Kinh, Văn phòng Ban quản lý Cung điện Mùa hè tổ chức Lễ Khai mạc hoạt động nghiên cứu, trao đổi về bảo tồn và phát huy giá trị di sản giữa Hà Nội và Bắc Kinh, bao gồm: Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Di sản kết nối và hội tụ” và Tọa đàm “Bắc Kinh- Hà Nội, kết nối phát huy giá trị di sản” tại Khu di sản thế giới Di Hòa Viên (Bắc Kinh). Đây là hoạt động bên lề nhân chu
  • [Podcast] Truyện ngắn Hố băng
    Huỳnh Trong Khang được biết đến là cây bút tài năng thuộc thế hệ 9x và là một trong những tác giả trẻ đầy triển vọng. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàm 2016 cây bút trẻ quê gốc An Giang Huỳnh Trọng Khang đã gây ấn tượng với chất văn chương già hơn so với tuổi, cái già trong văn chương của Khang được thể hiện rõ nét trong từng tầng nghĩa. Hầu hết các tác phẩm của Khang mang đến cho bạn đọc mênh mang chữ, sâu thẳm nghĩa.
  • “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”
    Trường Đại học Luật (Đại học Huế) phối hợp tổ chức Cuộc thi “Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ” lần thứ IV với chủ đề “Sinh viên Việt Nam với văn hóa sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế số”.
Đừng bỏ lỡ
Lý Văn Phức – nhà nho sứ thần gặp gỡ người Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO