Đời sống văn hóa

Long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng Đế và thành lập nước Vạn Xuân

Quỳnh Phạm - Minh Lý 21/02/2024 14:12

Sáng 21/2/2024 (12 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế và thành lập nước Vạn Xuân, đồng thời khai mạc Lễ hội Giang Xá Xuân Giáp Thìn 2024.

le-hoi-hoai-duc-3-.jpg
Lãnh đạo Trung ương, Thành phố Hà Nội, các Sở, Ngành thành phố và đại biểu huyện Hoài Đức thực hiện nghi lễ dâng hương tại di tích Đền - Đình Giang Xá

Dự Lễ kỷ niệm và khai mạc Lễ hội Giang Xá Xuân Giáp Thìn 2024 có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Doãn Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP. Hà Nội; Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Anh - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức; đồng chí Nguyễn Hoàng Trường, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức... cùng lãnh đạo các Sở, Ngành thành phố Hà Nội, các bậc cao niên và đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Hoài Đức.

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường, nhấn mạnh, Lễ kỷ niệm 1480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng Đế, thành lập nước Vạn Xuân và khai hội Giang Xá xuân Giáp Thìn năm 2024 là sự kiện văn hóa quan trọng, là dịp để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Hoàng đế Lý Nam Đế, người đã nối tiếp truyền thống 18 thế hệ Hùng Vương dựng nước và giữ nước. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống quý báu, khơi dây lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, thể hiện sinh động bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng tâm linh góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, huy động sức mạnh toàn dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.

le-hoi-hoai-duc-2-.jpg
Chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn tại Lễ kỷ niệm, tái hiện cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế và thành lập nước Vạn Xuân.

Đồng thời góp phần giáo dục truyền thống đối với các thế hệ hôm nay và mai sau phát huy tinh thần quật cường từ cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế để phấn đấu, quyết tâm xây dựng huyện Hoài Đức ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, theo truyền thuyết và sử sách ghi lại, Lý Bí sinh ra ở thôn Cổ Pháp (nay thuộc phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Cha mẹ mất sớm, ông được pháp tổ thiền sư đưa về nuôi dưỡng và tu tập tại chùa Linh Bảo (tức chùa Giang Xá). Lý Bí gắn bó với miền đất Giang Xá, Hoài Đức suốt thời niên thiếu đến lúc trưởng thành.

Lý Bí lớn lên có tài văn võ song toàn, lại có chí lớn, ông căm ghét chế độ đô hộ nhà Lương, bất mãn với sự tham lam tàn bạo của Tiêu Tư nên đã ngầm chiêu mộ quân sĩ ở các châu, huyện như: Đan Phượng, Giã Năng, Chu Diên được hơn ba nghìn người để chuẩn bị khởi nghĩa chống giặc nhà Lương. Lý Bí lấy địa phận Lưu Xá ven dòng sông Tiểu Giang Biên làm đại bản doanh, xung quanh xây dựng hàng loạt cơ sở để luyện tập, rèn đúc binh khí... Từ đại bản doanh đã nhanh chóng phát triển đến các địa phương trong vùng. Ở các nơi khác, Tinh Thiều, Triệu Túc, Phạm Tu cũng chiêu tập quân sĩ và kéo quân về tụ họp cùng Lý Bí.

le-hoi-hoai-duc-5-.jpg
Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường phát biểu tại Lễ kỷ niệm và khai hội Giang Xá xuân Giáp Thìn năm 2024.

Ngày 4 tháng 2 năm 542, Lý Bí họp quân ở chùa Giang Xá, lập đàn cầu trời đất và bách thần. Ngày 10 tháng 3, Lý Bí khao mừng quân sĩ và phát động khởi nghĩa lật đổ ách đô hộ nhà Lương. Nhân dân và hào mục các châu đua nhau hưởng ứng, thanh thế của nghĩa quân rất hùng mạnh. Chỉ sau ba tháng khởi sự, cuộc khởi nghĩa đã xóa bỏ chính quyền đô hộ của nhà Lương ở Giao Châu. Tiếp đó, Lý Bí cùng đại quân của mình tiếp tục tổ chức kháng chiến chống lại hai đợt tấn công của nhà Lương ở phía Bắc và cuộc xâm lấn của Lâm Ấp ở phía Nam. Sau khi đánh dẹp được quân Lương và Lâm Ấp, tháng Giêng năm Giáp Tý (năm 544) Lý Bí lên ngôi Hoàng Đế xưng là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức, dựng điện Vạn Thọ làm nơi hội triều.

Mô hình sơ khai của một nhà nước quân chủ tập quyền đã ra đời. Việc xưng Đế hiệu, đặt Quốc hiệu là sự thể hiện ý chí độc lập, bản lĩnh kiên cường, thể hiện rõ nét ý thức trưởng thành của dân tộc. Ông lên ngôi Hoàng đế - vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, với vị thế sánh ngang các Hoàng đế Trung Hoa. Đây cũng là sự thể hiện tầm vóc mới của nhà nước Vạn Xuân sánh ngang các triều đại phong kiến Phương Bắc.

le-hoi-hoai-duc-6-.jpg
Các đại biểu, bậc cao niên và nhân dân làm lễ chào cờ tại Lễ kỷ niệm.

Lý Nam Đế lên ngôi được 4 năm (544 - 548). Sau nhiều trận giao tranh với kẻ thù không giành được thắng lợi, Lý Nam Đế lui về động Khuất Lão dưỡng bệnh và qua đời ở đây. Nhân dân địa phương đã tổ chức an táng, xây lăng mộ và đền thờ Ngài. Khu lăng mộ và đền thờ tọa lạc tại xã Văn Lương (nay thuộc xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Từ nhiều năm qua, ba địa phương: phường Tiên Phong –Thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (nơi sinh của ông), làng Giang Xá – huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội (quê hương thứ hai và cũng là nơi Ông phất cờ khởi nghĩa) và xã Văn Lương –huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (nơi an táng Ông) luôn liên hệ mật thiết với nhau.

"Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí tuy chỉ đưa đất nước ta độc lập được chưa đầy 4 năm nhưng có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn, còn lưu mãi trong trang sử hào hùng của dân tộc, đó là cuộc cuộc khởi nghĩa giành được chiến thắng vang dội nhất, giành được quyền tự chủ lâu dài nhất, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta, là hình ảnh đầy ý nghĩa của khát vọng độc lập, hòa bình, nhân văn và cũng là văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Sự nghiệp của Lý Nam Đế là ngọn đuốc tiếp nối, thắp sáng con đường chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam đi suốt qua gần 15 thế kỷ, đến hôm nay và mãi mãi về sau"- Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường, nhấn mạnh.

Trong suốt tiến trình của cuộc khởi nghĩa, Hoài Đức vinh dự và tự hào là quê hương thứ hai gắn liền với tên tuổi và công lao của Lý Nam Đế, đây là nơi ông chọn làm nơi hội quân, lập đàn thề, phất cờ khởi nghĩa, ra trận đánh thắng giặc nhà Lương. Cảm sâu công đức của Lý Nam Đế, bao đời nay các thế hệ người dân Hoài Đức đã lập đền thờ, tu bổ các di tích thờ ông ngày thêm khang trang, luôn trao truyền phát huy những giá trị văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp để bày tỏ lòng thành kính thiêng liêng.

le-hoi-hoai-duc-4-.jpg
Màn biểu diễn trống hội khai hội Giang Xá Xuân Giáp Thìn 2024.

Đã thành truyền thống, hàng năm nhân dân làng Giang Xá tổ chức 04 ngày lễ tại di tích Đình – Đền trong đó: Lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng là ngày Lý Bí lên ngôi Hoàng Đế, thành lập nhà nước Vạn Xuân; Lễ trọng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch là ngày Ông xuất quân ra trận; Lễ trọng ngày mùng 2 tháng 5 âm lịch là ngày húy nhật của Ông và ngày 12 tháng 9 âm lịch là nhớ ngày sinh của ông.

Năm 2024, Lễ hội Giang Xá xuân Giáp Thìn được Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Hoài Đức tổ chức với quy mô cấp huyện đúng vào dịp kỷ niệm 1.480 Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng Đế và thành lập nhà nước Vạn Xuân. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa 24, Chương trình số 06-CTr/HU của Huyện uỷ Hoài Đức nhiệm kỳ 2020-2025./.

Trong khuôn khổ Lễ hội Giang Xá Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra các hoạt động chính: Tế lễ và rước kiệu thánh theo phong tục truyền thống của địa phương; Tại cụm di tích Đình – Đền Giang Xá còn có các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, trưng bày ảnh, tư liệu về di sản, tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Hoài Đức… nhằm phục vụ Nhân dân và du khách địa phương đến du xuân, trẩy hội.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hiểu rõ hơn lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời nhà Lý
    Tại Nhà Đông vu, khu Đại Thành thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), những hiện vật được trưng bày thường xuyên với chủ đề “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” giúp du khách tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời Lý.
  • Phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Sáng nay 9/5, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) phối hợp Phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
  • Giao hưởng Điện Biên - thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
    Chiến thắng Điện Biên là chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu), làm rạng danh nước Việt trên thế giới “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castriest, ngày 12/5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó, Tố Hữu có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Bên cạnh những tác phẩm thơ, Điện Biên còn được nhắc đến trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, các cuốn sách hồi ký, biên khảo…
  • Hội thảo Văn hóa năm 2024 khơi nguồn lực, tạo động lực phát triển thiết chế văn hóa
    Thông tin từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ngày 12/5 tại tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”.
  • Khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31
    Sáng 9/5, Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31 – VIETNAM MEDI-PHARM 2024 đã chính thức khai mạc tại Cung Văn hoá Hữu nghị (số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đừng bỏ lỡ
Long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng Đế và thành lập nước Vạn Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO