Linh vật Giáp Thìn xứ Huế lấy cảm hứng từ rồng thời Nguyễn, thế “Lưỡng long chầu nguyệt”
Lấy ý tưởng từ rồng thời nhà Nguyễn, “linh vật" rồng chầu mặt nguyệt Tết Giáp Thìn 2024 tại TP Huế với chiều dài 35 mét được đặt ở khu vực trước Bia Quốc học Huế.
Sau khi tạo hình và trang trí hoàn thành, cặp linh vật rồng khồng lồ đặt trước Bia Quốc học Huế đã thu hút nhiều người đến tham quan vui chơi chiêm ngưỡng, chụp ảnh kỷ niệm… và nhận được nhiều lời khen. Đa số người dân cũng như du khách dành lời khen cho cặp linh vật rồng này không chỉ ở sự to lớn mà còn bởi tạo hình với vẻ uy dũng của loài vật đứng đầu trong tứ linh “Long - Lân - Quy - Phụng”.
Theo đó, về ban đêm cặp linh vật rồng được bật rực sáng tôn thêm lên sự oai phong, cho người dân Cố đô Huế có thêm địa điểm vui chơi, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Điểm nhấn của linh vật rồng tại Bia Quốc học Huế là dấu ấn của nghệ thuật và kiến trúc cung đình xưa qua hệ thống họa tiết trang trí. Đặc biệt là bộ vảy rồng được lấy cảm hứng và mô phỏng từ ngói thanh lưu ly (loại ngói thường dùng ở các công trình cung đình, lăng tẩm, chùa chiền xứ Huế) và là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa đất và trời, cầu mong cuộc sống mưa thuận gió hòa. Được biết, cặp linh vật rồng trước Bia Quốc học Huế được chế tác từ khung sắt, vải, xốp tinh xảo và sắp đặt theo tư thế đối xứng với ý đồ “lưỡng long chầu nguyệt” tượng trưng cho sự phát triển của đất nước và tỉnh Thừa Thiên - Huế, kết hợp với tạo hình trăm hoa đua nở, dáng hình rồng với ý nghĩa mang lại sự bình an trong dịp đầu năm mới 2024.
Theo đại diện đơn vị thi công, để làm ra cặp linh vật rồng đặt trước Bia Quốc học Huế cần đến 50 người miệt mài làm, tạo hình trong khoảng thời gian dài với mỗi con cao 7m và dài 35m. Được tạo hình với các hoạ tiết lấy cảm hứng từ văn hoá cung đình, kiến trúc trên các mái lăng tẩm và cung điện nhà Nguyễn.
Theo ông Lê Như Chinh - Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi chào đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngoài những linh vật rồng thì cũng đã huy động công nhân, phương tiện tập trung chỉnh trang, sắp xếp và vận chuyển cây xanh, hoa đến trang trí tại các công viên dọc bờ sông Hương.
Cũng tại công viên Lý Tự Trọng (TP Huế), du khách và người dân sẽ được thưởng ngoạn các mô hình, không gian nghệ thuật “lưỡng Long chầu Nguyệt”, “cá chép hóa rồng”, đoàn tàu hoa, thảm hoa nghệ thuật… hòa mình trong không gian với các loại hoa lá, đá cảnh nghệ thuật, non bộ, thư pháp chạm trên gỗ, cây uốn thế đặc sắc của các nghệ nhân với 8 Hội sinh vật cảnh trên địa bàn TP Huế và 65 nghệ nhân đến tham gia trưng bày, dự thi.