Văn hóa – Di sản

Lê Lợi – anh hùng dân tộc

Phan Huy Lê 04/11/2023 16:43

Lê Lợi sinh ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu, tức ngày 10-9-1385, tại quê mẹ ở làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (sau là Thủy Chú, nay là Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Lê Lợi sinh ra và lớn lên vào những thập kỷ cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Đó là một thời kỳ xã hội đang trải qua nhiều biến động sâu sắc và đất nước đang đứng trước một thử thách hiểm nghèo.

Vương triều Trần, sau một thời hưng thịnh với chiến công bình Nguyên rực rỡ hào khí Đông A, với nhiều thành tựu xây dựng đất nước trên các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, từ giữa thế kỷ XIV đã lâm vào tình trạng suy thoái.

le-loi.jpg
Tranh minh họa Lê Lợi khởi nghĩa chống lại giặc phương Bắc.

Năm 1400 triều Hồ thay thế triều Trần vào lúc các mâu thuẫn xã hội trong nước vẫn tiếp diễn gay gắt, và thêm vào đó nguy cơ xâm lược của nhà Minh càng ngày càng đè nặng lên đất nước.

Cuối năm 1406 nhà Minh huy động 80 vạn quân, trong đó có hơn 21 vạn quân chiến đấu tinh nhuệ, xâm lược nước Đại Việt. Cuộc kháng chiến do triều Hồ lãnh đạo bị thất bại sau nửa năm chiến đấu.

Nước Đại Việt sau 5 thế kỷ (thế kỷ X đến XV) giành và giữ vững độc lập dân tộc, vươn lên trong công cuộc phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc, từ năm 1407 lại bị phong kiến Trung Quốc đô hộ. Trong 20 năm Minh thuộc (1407 - 1427), nhà Minh không từ bất cứ thủ đoạn nào nhằm trấn áp, hủy hoại mọi khả năng phục hồi độc lập dân tộc của nhân dân ta và vĩnh viễn xóa bỏ nước ta, sáp nhập hẳn vào đế chế Đại Minh. Chính sách đồng hóa của nhà Minh vừa tàn bạo vừa thâm độc, bao gồm nhiều thủ đoạn hủy diệt nguy hiểm. Chúng đặc biệt coi trọng những thủ đoạn hủy diệt văn hóa dân tộc, triệt để phá hoại các di sản văn hóa và cưỡng bức thay đổi lối sống, từ ăn mặc đến các phong tục tập quán đều nhất loạt rập theo kiểu người Minh. Ngô Sĩ Liên là nhà sử học đã từng chứng kiến thảm họa của dân tộc nhận định: “Xét những cuộc loạn trong cõi nước Việt ta, chưa bao giờ thấy tột cùng như lúc này... Hơn 20 năm thay đổi phong tục nước ta thành tóc dài răng trắng, biến người nước ta thành người Ngô cả. Than ôi, họa loạn tột cùng đến như vậy ư!” (Đại Việt sử ký toàn thư. Bản kỷ, quyển 10, tờ 53a)...

Tiếp sau ngay cuộc kháng chiến thất bại của triều Hồ là hàng loạt cuộc khởi nghĩa chống Minh nổ ra gần như liên tục trong suốt thời Minh thuộc.

Lê Lợi với lòng yêu nước, thương dân tha thiết, với ý chí và nghị lực của kẻ trượng phu dĩ nhiên không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh cứu nước sôi sục của các tầng lớp nhân dân. Tham gia và cống hiến cao nhất cho sự nghiệp cứu nước, đấy là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của Lê Lợi và cũng là cơ sở đưa Lê Lợi lên địa vị một anh hùng dân tộc vẻ vang.

Đầu năm Bính Thân (1416) Lê Lợi cùng 18 người bạn thân tín nhất, cùng tâm huyết và chí hướng, trong đó có Nguyễn Trãi, làm lễ thề kết nghĩa anh em, nguyện sống chết “chung sức đồng lòng chống giữ địa phương để trong cõi được ở yên”. Đó là hội thề Lũng Nhai lịch sử đặt cơ sở cho sự hình thành một tổ chức lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và một bước chuẩn bị lực lượng tiến tới phát động khởi nghĩa. Từ hội thề Lũng Nhai đến lúc cuộc khởi nghĩa bùng nổ (1416 - 1418) có thể coi là giai đoạn chuẩn bị về tổ chức và lực lượng cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và chủ trì.

Đầu năm Mậu Tuất (1418) cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ. Bình Định vương Lê Lợi là người lãnh đạo cao nhất của cuộc khởi nghĩa, là chủ soái của nghĩa quân Lam Sơn. Trải qua 10 năm chiến đấu gian khổ, khởi nghĩa Lam Sơn đã phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô cả nước và đi đến toàn thắng vào cuối năm 1427.

Nói đến Lê Lợi, nhiều người thường chỉ dừng lại ở sự nghiệp cứu nước của ông, người ta không muốn nói đến chặng đời làm vua của ông. Thậm chí có người chỉ ghi nhận và nêu cao công lao bình Ngô của Lê Lợi và phê phán khá nặng nề nhiều việc làm của Lê Thái Tổ, nhất là việc giết công thần của ông.

Cố nhiên từ Lê Lợi - Bình Định vương đứng đầu khởi nghĩa Lam Sơn đến Lê Lợi - Lê Thái Tổ cầm đầu triều đình nhà Lê là hai chặng đường có sự phân biệt về chất trong con người và sự nghiệp của Lê Lợi. Một khi đã ngồi lên ngai vàng của chế độ quân chủ chuyên chế thì tư tưởng, tình cảm của Lê Lợi cũng như mối quan hệ giữa ông với các tầng lớp nhân dân, tất có những thay đổi. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, đó là điều tất yếu. Nhưng vấn đề đặt ra là với cương vị hoàng đế của triều Lê, Lê Lợi đã hoạt động như thế nào và những hoạt động đó tác động ra sao đối với tiến trình lịch sử dân tộc.

Cũng là cố nhiên, không ai bênh vực gì những việc làm sai trái của Lê Lợi như việc giết hại Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo và hạ gục Nguyễn Trãi một thời gian. Có thể coi đó là những hành vi đáng tiếc, những vẩn đục trong cuộc đời của Lê Lợi. Nhưng ở đây cũng có những khía cạnh cần làm sáng tỏ để hiểu và đánh giá đúng nhân cách của Lê Lợi.

Lê Lợi lên làm vua năm 1428, lúc 43 tuổi. Lê Lợi có hai người con trai, năm 1429 con trưởng là Tư Tề được lập làm Quốc vương, quyền coi việc nước và con thứ là Nguyên Long được lập làm hoàng thái tử. Nhưng Tư Tề bị bệnh “ngông cuồng” nên năm 1433 Lê Lợi giáng Tư Tề, lập con thứ là Nguyên Long mới 10 tuổi, lên nối ngôi. Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (ngày 5-9-1433), Lê Lợi từ trần khi mới 48 tuổi.

Lê Lợi trị vì có 5 năm (1428-1433) trong độ tuổi 40. Tuổi đời chưa cao, nhưng có lẽ do những gian lao, khổ ải của những năm chiến đấu, nên nhà vua chóng già, sức yếu và nhiều bệnh. Trong lúc đó con trai kế vị, người thì điên cuồng, người thì còn non dại, mà trong triều lại có nhiều người uy danh lừng lẫy. Sự lo lắng cho ngôi báu của con cùng với sự dèm pha, xúi bẩy của bọn xu nịnh đã đưa Lê Lợi đến hành động sát hại hai công thần và cũng là hai người bạn chiến đấu đã từng vào sinh ra tử hồi bình Ngô là Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo.

Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn chép khá rõ việc này: “Trước kia Thái Tổ khi về già có nhiều bệnh, lại thêm Quận vương [Tư Tề] ngông cuồng, bậy bạ, vua thì còn trẻ thơ, mà Trần Nguyên Đán, Phạm Văn Xảo đều có công giúp nước, rất được người đương thời trọng vọng. Nguyên Hãn lại là con cháu nhà Trần, mà Văn Xảo cũng là người kinh lộ, lo rằng sau này họ có chí khác, nên ngoài mặt tuy lấy lễ ý tôn sùng, nhưng trong lòng lại rất ngờ vực hai người. Bọn Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Trình Hoàng Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư đón biết ý vua, dâng sớ mật khuyên Thái Tổ quyết ý giết đi” (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 11, tờ 5b)...

Vào cuối đời, Lê Lợi rất hối hận về việc làm của mình. Trong bài chiếu lập Nguyên Long nối nghiệp, Lê Lợi căn dặn: “Xưa kia ta gặp thời tán loạn, dựng nghiệp khó khăn, hơn hai chục năm mới nên nghiệp lớn. Tình dân đau khổ đều được tỏ tường, đường đời gian nan cũng đã từng trải. Thế mà đến lúc trị dân, tình ngay dối còn có điều khó rõ, việc nghi nan còn có chỗ chưa phân, đạo làm vua há chẳng khó sao!” (Nguyễn Trãi toàn tập, 1976). Lê Lợi cũng đã nhận ra tâm địa của bọn “tiểu nhân xảo quyệt” và có chỉ dụ dặn lại triều thần: “Bọn Lê Quốc Khí, Trình Hoàng Bá, Lê Đức Dư, tuy có tài nhưng không được dùng lại. Bề tôi có kẻ nào mưu việc phản nghịch cần phải tố cáo cũng không cho bọn ấy được cáo giác” (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 11, tờ 5a)...

Đưa ra những tư liệu trên để thấy trong hoàn cảnh nào Lê Lợi đã phạm sai lầm giết hại công thần và ghi nhận sự hối cải khá chân thành, nghiêm khắc của ông vào năm cuối đời.

Sau khi đất nước được giải phóng, Lê Lợi và triều Lê do ông sáng lập, đứng trước nhiều khó khăn ngổn ngang và nhiệm vụ nặng nề. Sự tàn phá, hủy diệt của 20 năm Minh thuộc và tình trạng chiến tranh kéo dài để lại hậu quả nghiêm trọng trên mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Những chuyển biến trong kết cấu kinh tế xã hội từ cuối thế kỷ XIV sang đầu thế kỷ XV cũng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp đòi hỏi nhà Lê phải giải quyết.

Lê Lợi chỉ ở ngôi 5 năm, nhưng trong thời gian đó, đã có nhiều cố gắng lớn nhằm khắc phục những hậu quả của thời Minh thuộc, xây dựng lại đất nước, củng cố nền độc lập và thống nhất.

Từ trong quá trình thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nhất là vào năm cuối, năm 1427, một bộ máy chính quyền độc lập đã dần dần được xây dựng trong vùng giải phóng, thay thế cho chính quyền đô hộ của quân Minh. Sau khi đất nước sạch bóng quân xâm lược, chính quyền nhà Lê được thiết lập từ triều đình trung ương đến các đạo, phủ, châu, huyện, cho đến đơn vị cơ sở là xã. Năm 1429 nhà Lê đặt ngạch xã quan, chia làm 3 loại xã: xã lớn 100 người trở lên đặt 3 xã quan, xã vừa 50 người trở lên đặt 2 xã quan, xã nhỏ có 10 người trở lên đặt 1 xã quan. Số người mỗi xã ít như vậy chứng tỏ tình trạng giảm sút dân số và điêu tàn của các làng xã những năm đầu sau chiến tranh. Tổ chức chính quyền đời Lê Thái Tổ nói chung còn đơn sơ nhưng là một chính quyền độc lập, thống nhất, có cơ sở xã hội vững vàng.

Lê Lợi rất coi trọng việc bảo vệ và củng cố nền độc lập thống nhất quốc gia. Lê Lợi tiếp tục cuộc đấu tranh ngoại giao để làm thất bại âm mưu của nhà Minh đòi lập con cháu nhà Trần làm vua. Nhà Minh còn ngoan cố chỉ coi Lê Lợi là Quyền thự An Nam quốc sự, chưa chịu công nhận là Quốc vương. Nhưng trên thực tế đã phải thừa nhận chủ quyền độc lập của nước Đại Việt và lập quan hệ bang giao với triều Lê.

Nền quốc phòng cũng được tăng cường. Cuối năm 1428, một âm mưu nổi loạn của bọn ngụy quan cũ định liên kết với nhà Minh bị trấn áp. Năm 1432 - 1433 mưu đồ cát cứ của Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ (Lai Châu) cũng bị Lê Lợi đích thân đem quân lên đàn áp một cách kiên quyết. Trên vách núi Pú Huổi Chỏ (Lai Châu) và thác Bờ (vốn ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, năm 1982 đã được chuyển về nhà văn hóa thị xã Hòa Bình) còn ghi lại hai bài thơ của Lê Lợi sáng tác trong cuộc hành quân này. Bài thơ khắc trên vách đá thác Bờ có câu:

Biên phòng hảo vị trù phương lược,

Xã tắc ưng tu kế cửu an.

(Biên phòng cần có phương lược tốt,

Xã tắc nên lo kế lâu dài)

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 10, tờ 74a) chép cuộc hành quân lên Mường Lễ vào năm Nhâm Tý (1432) và Quý Sửu (1433) nhưng bài thơ của Lê Lợi ở Pú Huổi Chỏ khắc vào mùa đông năm Tân Hợi (1431) và bài thơ ở thác Bờ khắc lúc trở về, tháng 3 năm Nhâm Tý (1432). Đó là những tư liệu gốc đáng tin cậy cho phép cải chính sai lầm của Toàn thư. Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép sự việc này chính xác hơn (Toàn tập, Tập 3)... Bài thơ phản ánh một chủ trương quốc phòng tích cực, kiên quyết và sự quan tâm của Lê Lợi đối với việc bảo vệ an ninh vùng biên cương. Trước lúc từ trần, Lê Lợi cũng để lại cho các đời vua con cháu một lời dặn dò thống thiết: “phải nghĩ giữ nước từ lúc chưa nguy” (Nguyễn Trãi toàn tập, 1976)... Trong hoạn nạn của đất nước, Lê Lợi là một anh hùng cứu nước. Trong độc lập thanh bình, Lê Lợi là một ông vua có tinh thần dân tộc cao, luôn luôn lo lắng đến vận mệnh của đất nước, đến độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.

Lê Lợi rất coi trọng hoạt động lập pháp, đầu năm 1428 khi còn phải ở tạm trong điện lợp tranh tại Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội), Lê Lợi đã nói: “Từ xưa đến nay, trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn” (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 10, tờ 56a)... Lê Lợi và triều Lê đã chăm lo xây dựng pháp luật. Một số luật lệ về hành chính và kinh tế đã được ban hành. Đó là những cơ sở lập pháp đầu tiên để sau này Lê Thánh Tông tập hợp, hệ thống và bổ sung xây dựng hoàn chỉnh bộ luật triều Lê hay còn gọi là bộ luật Hồng Đức.

Về phương diện kinh tế - xã hội, Lê Lợi cũng ban hành nhiều chính sách và áp dụng nhiều biện pháp tích cực nhằm phục hồi kinh tế, ổn định trật tự xã hội và giải quyết những mâu thuẫn phức tạp của xã hội.

Năm 1428 Lê Lợi tuyên bố tha thuế ruộng, bãi dâu, ao đầm trong hai năm, miễn sai dịch cho người già trên 70 tuổi và giảm hay miễn thuế cho những vùng bị quân giặc cướp phá nặng nề. Cùng năm đó Lê Lợi cho tiến hành điều tra ruộng đất và dân số để lập sổ điền, sổ hộ. Trên cơ sở đó, năm 1429 Lê Lợi ban hành chính sách quân điền.

Chính sách quân điền, như Lê Lợi nói, là nhằm giải quyết một tình trạng bất công: “Người đi đánh giặc thì nghèo, kẻ rong chơi thì giàu, người đi chiến đấu thì không có một thước, một tấc đất để ở, mà những kẻ du thủ du thực không có ích gì cho nước lại có ruộng đất nhiều, hoặc có kẻ làm nghề trộm cướp, thành ra không ai chịu hết lòng với nước, chỉ ham nghĩ phú quý mà thôi”... Ruộng đất quân cấp là ruộng đất công vốn có của làng xã, cộng thêm một phần ruộng đất của các quý tộc thế gia và của những người tuyệt tự, ruộng đất của ngụy quan bị nhà nước tịch thu. Đối tượng ban cấp được xác định là: “quan, quân và dân, trên từ đại thần trở xuống, cho đến các người già yếu, mồ côi, góa chồng, đàn ông, đàn bà” (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 10, tờ 65a)...

Rất tiếc không có một sử liệu nào cho biết rõ những quy định cụ thể của chính sách quân điền năm 1429. Nhưng có thể ghi nhận trong chính sách này, diện quân cấp rất rộng, từ quan, quân đến dân, kể cả người già yếu, mồ côi, góa chồng, cả đàn ông, đàn bà, tức là tất cả thành viên đến tuổi trưởng thành của làng xã. Dĩ nhiên mức độ quân cấp có sự phân biệt theo chức tước, phẩm hàm đối với quan lại và theo thứ bậc đối với dân, trong đó có sự ưu đãi đối với quân lính. Trong điều kiện ruộng đất của làng xã còn nhiều, thậm chí có phần tăng thêm, trong lúc dân số lại có phần giảm sút sau chiến tranh, chính sách quân điền với diện quân cấp rộng rãi như vậy bảo đảm cho người nông dân, người lính đi chiến đấu và cả những người nô tỳ được giải phóng có ruộng đất cày cấy, nộp tô thuế cho nhà nước. Chính sách đó có tác dụng tích cực trong việc phục hồi nông nghiệp, xây dựng lại xóm làng sau chiến tranh và điều chỉnh một số mâu thuẫn xã hội theo xu hướng thúc đẩy sự phát triển của chế độ phong kiến.

Để bảo đảm tập trung sức lao động cho nông nghiệp, sau chiến tranh Lê Lợi cho 25 vạn quân trở về làm ruộng và áp dụng chế độ ngụ binh ư nông. Từ năm 1429 số quân thường trực chia làm 5 phiên, cứ lần lượt 1 phiên tại ngũ và 4 phiên về quê tham gia sản xuất.

Lê Lợi cũng đề ra những biện pháp kiên quyết để đẩy mạnh công cuộc khai khẩn ruộng đất bỏ hoang do hậu quả của chiến tranh. Xã nào có nhiều ruộng ít người, để ruộng đất bỏ hoang, thì chính quyền cho phép người xã khác đến cày cấy ruộng đất bỏ hoang đó và dù là ruộng tư, chủ ruộng cũng không có quyền chiếm giữ. Như vậy là triều Lê công nhận quyền tư hữu ruộng đất, nhưng không cho phép người chủ sở hữu ruộng đất để ruộng đất hoang phế, ảnh hưởng đến yêu cầu phục hồi và phát triển nông nghiệp.

Chế độ mà Lê Lợi và triều Lê xây dựng là chế độ phong kiến đã chuyển dần sang một mô hình chế độ quân chủ tập quyền theo mô hình Nho giáo với tính chất chuyên chế và quan liêu càng ngày càng nâng cao. Nhưng trong đời Lê Thái Tổ (1428 - 1433), chế độ quân chủ do Lê Lợi sáng lập và xây dựng, chưa mang tính chất chuyên chế và quan liêu nặng nề.

Trong bộ máy nhà nước mới xây dựng, Lê Lợi bổ dụng những tướng soái của nghĩa quân Lam Sơn vào các chức vụ chủ chốt trong triều và ở các địa phương. Trong số tướng soái này có những người trình độ học vấn thấp, khả năng quản lý nhà nước kém, lại cậy thế công thần khai quốc, kết thành bè phái, làm ảnh hưởng đến sự vận hành của bộ máy nhà nước mới xây dựng. Lê Lợi đã lo tổ chức lại nền giáo dục và thi cử, nhưng trước yêu cầu to lớn của bộ máy hành chính, nhà vua nhiều lần kêu gọi người hiền tài ra giúp nước bằng chế độ tiến cử hoặc tự tiến cử. Là một lãnh tụ dân tộc đã từng đồng cam cộng khổ với dân chúng, Lê Lợi sau khi lên làm vua, vẫn giữ được nhiều phẩm giá tốt đẹp: quan tâm và chăm lo đời sống của nhân dân, khuyên bảo và căn dặn con cái, triều thần và quan lại không được xa hoa phí phạm, không được tham ô lười biếng, phải hết lòng hết sức làm tròn phận sự được giao. Các bài chiếu cầu hiền tài, truyền bách quan không được làm những lễ nghi khánh hạ, cấm các đại thần, tổng quản và các quan ở Viện, Sảnh, Cục tham lam, lười biếng cùng những bài chiếu cho con là Tư Tề, Nguyên Long, phản ánh rõ tinh thần đó của Lê Lợi (Nguyễn Trãi toàn tập, 1976)... Những bài chiếu trên do Nguyễn Trãi viết, nhưng nhân danh Lê Lợi và dĩ nhiên là phải theo yêu cầu và ý chỉ đạo của nhà vua, phải được nhà vua chấp nhận. Chúng ta coi những bài chiếu đó là tác phẩm của Nguyễn Trãi, điều ấy hoàn toàn đúng, nhưng cũng phải thấy chứa đựng ở trong đó những ý chỉ đạo của Lê Lợi.

Trong công cuộc xây dựng lại đất nước, với thời gian trị vì quá ngắn ngủi (5 năm), Lê Lợi chưa làm được nhiều việc lắm. Nhưng những hoạt động với cương vị hoàng đế đầu tiên của triều Lê đó đã đặt cơ sở vững vàng cho việc khẳng định nền độc lập – thống nhất quốc gia, công cuộc phục hưng đất nước và một bước phát triển mới của chế độ phong kiến.

Lê Lợi với sự nghiệp bình Ngô thắng lợi, kết thúc 20 năm Minh thuộc, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước, theo Phan Bội Châu, cũng xứng đáng với danh hiệu Tổ Trung hưng thứ hai (Việt Nam quốc sử khảo. Bản dịch, 1982). Cách nhìn nhận đó nói lên vị trí của Lê Lợi trong bảng vàng danh dự các anh hùng dân tộc lớn của lịch sử Việt Nam./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Tỉnh Quảng Ninh có thêm 2 Di tích Quốc gia đặc biệt
    Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1225/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt (đợt 14). Hai di tích tại tỉnh Quảng Ninh được xếp hạng lần này, gồm: quần thể Thương cảng Vân Đồn và Đình Trà Cổ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Chú trọng xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
    Theo Chỉ thị 30 – CT/TU, ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Trong đó yêu cầu Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tăng cường vai trò định hướng các hội chuyên ngành, các chi hội; động viên văn nghệ sĩ, nhà báo tích cực tham gia, sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, các tác phẩm báo chí có giá trị về tư tưởng nghệ thuật, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa của Nhân dân, hình thành nhân cách chuẩn mực, nhất là giới trẻ, lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong thời kỳ mới.
  • Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
    Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Công điện số 118/CĐ-TTg ngày 19/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh. Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Đừng bỏ lỡ
Lê Lợi – anh hùng dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO