Tỉnh Quảng Ninh có thêm 2 Di tích Quốc gia đặc biệt
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1225/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt (đợt 14). Hai di tích tại tỉnh Quảng Ninh được xếp hạng lần này, gồm: quần thể Thương cảng Vân Đồn và Đình Trà Cổ.
Cụ thể, di tích lịch sử Quần thể Thương cảng Vân Đồn (huyện Vân Đồn), được thành lập từ khoảng năm 1149 đời vua Lý Anh Tông. Tuy nhiên, phải đến dưới thời Trần, thương cảng Vân Đồn mới thực sự phát triển mạnh mẽ trên hai phương diện là trung tâm giao thương quốc tế và là vị trí trọng yếu của an ninh quốc gia vùng biển Đông Bắc. Giai đoạn phát triển cực thịnh của thương cảng là từ thế kỷ XIII - XVI.
Thương cảng Vân Đồn trong suốt hơn 700 năm lịch sử, không chỉ hoạt động đơn tuyến với chỉ một bến cảng duy nhất mà là một hệ thống các bến bãi, vụng đỗ tàu liên đới với nhau. Trên phạm vi khoảng 200 km2, thương các có các bến: Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi); Cái Làng, Cống Cái (xã Quan Lạn); Cái Cổng, Con Quy (xã Minh Châu); Cống Yên, Cống Hẹp (xã Ngọc Vừng), thuộc huyện Vân Đồn ngày nay.
Đối với Đình Trà Cổ (thành phố Móng Cái), ngôi đình này có bề dày lịch sử về văn hóa và kiến trúc độc đáo trong khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, qua thăng trầm thời gian đình vẫn vững chãi nơi địa đầu Tổ quốc như một cột mốc văn hóa khẳng định chủ quyền nơi biên ải. Đình Trà Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn song vẫn giữ được nét độc đáo về kiến trúc và nổi bật về giá trị văn hóa, lịch sử. Ngôi đình là một kiến trúc cổ bề thế, mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như một con thuyền rẽ sóng lướt tới, tạo nên dáng vẻ thanh thoát. Đặc biệt các bức cốn ở vì kèo thể hiện đường nét chạm trổ chắc khỏe, tinh xảo và rất sống động.
Hàng năm từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch, tại Đình Trà Cổ diễn ra lễ hội truyền thống. Nét độc đáo của Lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước và tục thi “Ông Voi” (lợn) độc đáo. Năm 2019, Lễ hội đình Trà Cổ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 24/10 của Thủ tướng Chính phủ, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã có 6 Di tích Quốc gia đặc biệt, gồm: Danh lam Vịnh Hạ Long (TP. Hạ Long); Di tích Lịch sử Bạch Đằng (TP. Uông Bí và Thị xã Quảng Yên); Di tích Lịch sử Yên Tử (TP. Uông Bí và Thị xã Đông Triều); Di tích Lịch sử Nhà Trần (Thị xã Đông Triều); Di tích Lịch sử Đền Cửa Ông (TP. Cẩm Phả và huyện Vân Đồn); Khu Di tích Hồ Chủ Tịch ở đảo Cô Tô (huyện Cô Tô)./.