Văn hóa – Di sản

Lê Đại – nhà cách mạng duy tân, nhà thơ yêu nước

Nguyễn Hữu Sơn 15/11/2023 15:57

Lê Đại (1875-1951), tự Siêu Tùng, hiệu Từ Long; sinh tại làng Thịnh Hào, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Hàng Bột, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) là nhà chí sĩ yêu nước và là nhà thơ tiêu biểu giai đoạn đầu thế kỷ XX. Cha ông không đỗ đạt cao, chỉ đỗ tú tài hai lần nên thường được gọi là Tú Kép Thịnh Hào. Thuở nhỏ, ông từng học với nho sinh Vũ Phạm Hàm (sau này đỗ Thám hoa). Lê Đại thông minh, cũng đỗ đầu xứ nhưng thi Hương mấy lần đều không đỗ.

Năm 1906, Lê Đại gia nhập Hội Duy tân và đi theo phong trào Đông du. Năm 1907, nhận lời mời của Lương Văn Can, ông tham gia sáng lập trường Đông Kinh nghĩa thục và trực tiếp hoạt động trong Ban Tu thư của trường. Sau khi trường bị đóng cửa, ông vẫn tiếp tục dạy riêng một vài lớp học tại hiệu Đồng Lợi Tế ở phố Hàng Bồ (nay thuộc quận Hoàn Kiếm - Hà Nội).

Năm 1908, vì liên quan đến vụ Hà thành đầu độc, Lê Đại cùng các ông Vũ Hoành, Nguyễn Quyền bị nhà cầm quyền thực dân Pháp kết án chung thân và đày ra Côn Đảo. Bản thân Lê Đại bị kết án “tòng phạm về mặt tinh thần đối với sự kiện lớn đó”. Giữa chốn lao tù, nhà chí sĩ yêu nước tự tin tuyên bố: “Giam cũng vậy mà đày đâu cũng vậy, đợi đến lúc xoay nên thời thế. Này xem: miệng như tép, mép như rồng, tiếng như cồng, mắt như đuốc, xốc nổi giang sơn một gánh, làm cho xong việc, đi về ta hỏi bạn non xanh!”... Trải qua 17 năm ở chốn lao tù, đến 1925 Lê Đại mới được trả tự do. Ông trở lại Hà Nội, mở cửa hiệu chuyên viết thuê câu đối, phúng, trướng dưới bút hiệu Từ Long.

Năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp bùng nổ, Lê Đại cùng gia đình tản cư về vùng Sơn Tây cho đến cuối năm 1947 mới trở về Hà Nội. Ông lại ngồi viết thuê, làm thơ và cộng tác với Ban Văn chương của tổ chức Việt Nam Văn hóa hiệp hội.

Lê Đại mất ngày 16 tháng 11 năm 1951 tại Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi.

le-dai.png

Lê Đại từng biên soạn nhiều sách dùng làm tài liệu giảng dạy và tuyên truyền, chẳng hạn: Quốc văn độc bản (Sách học của quốc văn), Nam quốc giai sự (Việc hay nước Nam), Quốc văn giáo khoa thư (Sách giáo khoa quốc văn), Luân lý giáo khoa thư (Sách giáo khoa luân lý), Từ Long Hán văn thi (2 tập), Long Liên (6 tập)... Ngoài ra, ông dịch sách báo chữ Hán ra tiếng Việt, trong đó có bản dịch Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu theo thể thơ song thất lục bát. Tác phẩm đã được trường Đông Kinh nghĩa thục in và phổ biến rộng rãi trong toàn quốc. Về văn bản, Huỳnh Thúc Kháng từng tuyển chọn và giới thiệu một số bài thơ của Lê Đại in vào tập Thi tù tùng thoại (Nhà in Tiếng dân, Hà Nội, 1939)... Sau này, Chương Thâu và Tôn Long tập hợp khoảng 100 tác phẩm và giới thiệu trong sách Lê Đại – con người và thơ văn (2001).

Trong những năm đầu thế kỷ XX, Lê Đại là một trong những người tham gia sáng lập và hoạt động tích cực của Đông Kinh nghĩa thục. Theo khảo cứu của nhà nghiên cứu Chương Thâu: “Ở trường (nghĩa thục) này, cụ được phân công chuyên trách trước tác phiên dịch văn thơ, đồng thời tham gia giảng dạy và bình văn, diễn thuyết nữa. Đặc biệt, cụ rất có tài sáng tác thơ ca Nôm và là người đã góp phần hết sức quan trọng, biến tác phẩm Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu thành một áng thơ Nôm, một bài ca yêu nước bất hủ. Bản dịch Nôm theo thể song thất lục bát từ nguyên văn bản chữ Hán của cụ Phan từ Nhật Bản gửi về, với lời dịch thơ trau chuốt, cảm khái lâm ly, có sức lay động lòng người, khích động sâu sắc tư tưởng căm thù giặc và cổ vũ ý chí đấu tranh cách mạng của đông đảo quần chúng nhân dân. Bản dịch Hải ngoại huyết thư đầu tiên phổ biến tại Đông Kinh nghĩa thục và rất nhanh chóng được truyền bá rộng rãi khắp mọi nơi. Chính Phan Bội Châu cũng rất ngợi ca và cảm ơn dịch giả đã có công lớn làm cho Hải ngoại huyết thư trường tồn với dân tộc. Vì vậy mà một trong những “tội trạng” để toà án thực dân “gia hình” đối với Lê Đại cũng là do bản dịch nổi tiếng này”...

Lê Đại sáng tác phần lớn bằng tiếng Việt, một số bài chữ Hán và theo nhiều thể tài, thể loại (thơ ca chữ Nôm, câu đối Nôm, thơ chữ Hán, thơ ca dịch, văn xuôi, du ký, nghị luận, văn tế...). Nội dung chủ yếu thuộc dòng xướng họa, cảm tác, đề vịnh, tiễn tặng, nối dài trong nhiều khoảng thời gian khác nhau.

Vốn là con người sống có bản lĩnh, chí khí, ngay trong hoàn cảnh bị lưu đày ở Côn Đảo, thơ Lê Đại vẫn cất lên tiếng nói tự tin, tự tại. Một mặt, nhà thơ chiến sĩ trăn trở trước vận mệnh đất nước, nhập thân và châm biếm những kẻ mũ cao áo dài chạy theo hư danh:

Trông ra non nước nghĩ buồn tênh,

Ngoảnh lại mày râu, ngắm lại mình.

Cứu nước lấy gì điều thực sự,

Lụy người đeo mãi cái hư danh...

Song trước sau Lê Đại vẫn thể hiện niềm tin vào truyền thống và tương lai dân tộc, kích thích ý thức trách nhiệm và tinh thần đấu tranh giành độc lập của mọi người dân đất Việt:

Con nhà Nam Việt làm sao tuyệt,

Cụ tổ Hồng Bàng chửa hết thương.

Nói đến cớ sao hờ hững hững,

Non sông này há của ai riêng?

Nhìn chung, đó là lối thơ hiển ngôn, tỏ chí, trực diện bộc lộ cảm xúc qua từng cảnh ngộ, sự kiện, hành động cụ thể. Giọng thơ phù hợp với tiếng nói thời đại, với kiểu thơ của các chí sĩ yêu nước và cách mạng. Trong số đó, nhiều bài thơ có tiếng vang, trở thành thước đo giá trị tinh thần dân tộc ở một thời kỳ lịch sử (Mới vào ngục khẩu chiếm, Cảnh Hỏa Lò, Mới ra đảo, Ở đảo Côn Lôn cảm tác, Tiễn hai cụ Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng từ Côn Đảo ra về, Tặng cụ Phan Bội Châu nhân vào Huế thăm cụ tại Bến Ngự...).

Từ cuối năm 1925, Lê Đại được trả lại tự do, trở về đất liền. Tuy nhiên, thời thế nay đã đổi khác, bắt đầu định hình một thế hệ thanh niên cách mạng kiểu mới. Do tuổi đã xế chiều, từ đây Lê Đại chấp nhận cuộc sống “an bần tự lạc”, vui với chữ nghĩa và gián tiếp hô hào mọi người tham dự cuộc đấu tranh cứu nước. Vào những năm đã cao tuổi, nhà cách mạng Lê Đại vẫn tỏ rõ niềm tin vào phong hóa nước nhà:

Bể nọ tuôn trào tuy đổi vận,

Nước ta văn hoá vẫn thành phong.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nhà thơ Lê Đại viết đồng dao chung vui cái tết của các cháu thiếu nhi trong ngày độc lập:

Ông giẳng ông giăng,

Xuống chơi cùng tôi.

Tết Trung thu này,

Vui thật là vui!

Có cờ độc lập,

Treo khắp mọi nơi.

Ông vận dụng những hình ảnh tượng trưng, những lối so sánh, ví von ngộ nghĩnh, tươi vui ngợi ca cuộc sống mới:

Sáng rực góc trời,

Có ghế Dân quyền,

Mời chị em ngồi.

Có chè Dân chủ,

Mời các cụ xơi...

Tổng kết lại cuộc đời mình, nhà thơ yêu nước và cách mạng Lê Đại có đôi câu đối xuất sắc:

Suốt một đời không được điều gì, nhưng nghĩ cũng chẳng hỏng điều gì, lòng tự nhủ lòng, đối ảnh thường soi gương bạch phát;

Khắp trong nước đều biết mình cả, mà thực chưa ai biết mình cả, mặt cùng gặp mặt, tri tâm hoạ có bạn hoàng tuyền!

Trong bài thơ Tự sự viết trước ngày qua đời, nhà thơ không nói gì về mình mà đặt cược lòng tin vào tương lai nhân loại, tin rằng đất nước sẽ đến ngày hội nhập trong một “thế giới đại đồng”, nơi ấy không có chiến tranh, không phân chia giàu nghèo, chỉ còn có niềm vui và hạnh phúc:

Ngẫm trong kim cổ mấy nghìn niên,

Trời đất xoay vần lẽ tự nhiên.

Hoàng, đế, quân, vương rồi bá chủng,

Thần, quân, dân, mãi phải nhân quyền.

Tàu bay riêng để người du lịch,

Súng đạn thu cho thợ đúc rèn.

Nhân loại thương nhau cùng một giống,

Người trong thế giới rặt thần tiên.

Suốt một đời dấn thân, nhập cuộc với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Lê Đại xứng danh là con người của một thời đại. Sinh ra, lớn lên ở Thăng Long và cuối đời Lê Đại lại trở về Thăng Long. Ông trở thành chứng nhân và đặt dấu chấm cho một giai đoạn tìm đường cứu nước và một thời kỳ lịch sử bi hùng của dân tộc./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Vẻ đẹp của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam
    Ngày 17/5, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Vẻ đẹp của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam” với sự tham gia của đông đảo các hội viên trong hội.
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • Góp thêm tiếng nói xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch
    6 đội tham gia “Liên hoan tiểu phẩm tuyên truyền, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” của Thị xã Sơn Tây đã có những màn trình diễn ý nghĩa góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm,…
  • Chuỗi tiện ích phong cách hoàng gia nâng tầm chuẩn sống thượng lưu tại Đảo Vua
    Tọa lạc tại vị trí đắc địa nơi cửa ngõ Thành phố Đảo Hoàng Gia Vinhomes Royal Island, phân khu Đảo Vua mang đến cho gia chủ trải nghiệm sống phong cách hoàng gia sang quý nhờ những tiện ích đặc quyền như Ngự Hoa Viên và trường học ngay nội khu hay Vincom Mega Mall cách vài bước chân.
Đừng bỏ lỡ
Lê Đại – nhà cách mạng duy tân, nhà thơ yêu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO