Hơn hai thập niên kiên trì dạy dân ca miễn phí

Ngô Khiêm| 23/08/2019 18:15

Trong khi nhiều dòng nhạc mới đang được du nhập và phát triển thì đâu đó trên gác hai khu tập thể ở phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thầy và trò Câu lạc bộ (CLB) Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) vẫn miệt mài, đam mê và tâm huyết cất cao tiếng hát dân ca truyền thống. CLB được thành lập cách đây 22 năm từ ý tưởng của nhạc sĩ, soạn giả xứ Nghệ - Dân Huyền.

Hơn hai thập niên kiên trì dạy dân ca miễn phí
Nhạc sĩ Dân Huyền và những thành viên của CLB trong dịp 20/11/2016

Sinh ra trong “cái nôi” của dân ca xứ Nghệ cùng với việc được bồi dưỡng tại Chủng viện xứ Xã Đoài, Dân Huyền đã sớm yêu thích, say mê với dân ca truyền thống. Lớn lên, ông được chọn vào làm nhạc công đàn vĩ cầm của Đoàn Văn công Liên khu 4 dưới sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của Trưởng đoàn, NSND Đào Mộng Long vì thế mà ông càng trưởng thành hơn trong âm nhạc. Một may mắn nữa, là ông được làm việc tại Đài TNVN từ những năm 60, khi ấy Đài quy tụ được rất nhiều các nhạc sĩ tên tuổi và có thể nói địa chỉ số 58 Quán Sứ (trụ sở Đài) là một Hội Nhạc sĩ Việt Nam thu nhỏ. 

Nhớ về sự ra đời của CLB, nhạc sĩ Dân Huyền cho biết: “Cơ duyên đến vào thập niên 90, khi ấy tôi đang là Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài TNVN, liên tục nhận nhiều thư từ của thính giả cả nước gửi về cho Phòng với đề nghị được nghe lại những bài hát mà họ yêu thích. Bên cạnh những lá thư động viên là yêu cầu muốn được trực tiếp các nghệ sĩ giảng dạy trên lớp. Được sự ủng hộ của lãnh đạo Đài, sáng ngày 5/7/1997, khu vực 58 Quán Sứ tấp nập đông vui đủ mọi lứa tuổi và thành phần đến dự. Hội trường tầng 3, Đài TNVN kín hết chỗ ngồi, khán giả vỗ tay nồng nhiệt”.

Thế nhưng do nền cơ chế thị trường mà đến năm 1998 cả 3 CLB: Bạn yêu nhạc, Người hâm mộ sân khấu, Đàn và hát dân ca Đài TNVN không còn được trợ cấp. Trong khi 2 CLB khác đã vắng bóng từ lâu thì CLB Đàn và hát dân ca vẫn cố gắng bám trụ với nguyên tắc: Tự nguyện, tự giác và tự trang trải. Nhạc sĩ Dân Huyền cho biết khi mới thành lập, ông và các thành viên trong Ban Chủ nhiệm như những người làm nghề kiến trúc xây dựng tức là vừa thiết kế lại vừa thi công. Ông nói bí quyết để tồn tại của một CLB đã hơn 20 năm qua là lòng thương yêu, vì nhau và cùng nhau vun vào. Trong dân ca không chỉ có một yêu, một nhớ, một thương mà còn đủ cả mười yêu, mười nhớ, mười thương.

Hoạt động suốt 22 năm, họ đã tập hát và biểu diễn hơn 300 bài hát dân ca như: Chèo, cải lương, ca Huế, hát văn... Hiện nay, CLB có khoảng gần 100 học viên sinh hoạt. Họ vẫn giữ nếp sinh hoạt dạy hát vào 4 buổi sáng chủ nhật trong tháng và dành một buổi để “Hát cho nhau nghe”. Nhằm tăng thêm hiệu quả mà lớp học đã in sản phẩm sách “Bài hát dân ca quen thuộc”, băng, đĩa chứa bài hát mẫu của các nghệ sĩ nổi tiếng và những bản nhạc không lời để các hội viên về nhà nghe lại rồi tập hát theo. 

Họa sĩ Hoàng Thúy Liệu (Nguyên cán bộ thiết kế tem của Công ty tem Việt Nam) - người đã theo học CLB nhiều năm, cho biết buổi đầu chị hăng say tập luyện các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền để cho đến nay chị đã hát được nhiều thể loại như: Cải lương, chèo, xẩm, chầu văn, quan họ… và một chút ca trù. Giấc mơ thuở thiếu thời viết sách về mẹ chưa thực hiện nhưng với tình yêu vô bờ bến với những bậc sinh thành, đặc biệt là mẹ đã được chị gửi gắm trong một số bài thơ, bài hát theo làn điệu dân ca nhạc cổ. Sau nhiều năm tích lũy kiến thức, rèn luyện giọng hát, năm 2013, chị đã thu thanh hai Album: “Tiếng hát cửa thiền 1” và “Vu lan 1” để phát hơn 200 đĩa cho nhà chùa. 

 Anh trai của ca sĩ Bằng Kiều, bác sĩ Bằng Giang (Bệnh viện Nhi Trung ương) vốn không theo truyền thống gia đình nhưng lại rất đam mê hát. Anh cho biết đến với lớp học được thư giãn, giải trí và cũng là cách để tăng thêm sức khỏe. Anh kể về một kỷ niệm: “Những đêm trực ở viện có cháu khóc nhiều quá, tôi bế và dỗ cháu bằng các làn điệu dân ca khiến các cháu nín ngay. Bố mẹ các cháu mới bảo sao bác sĩ lại có thể hát ru hay như vậy”.

Từ những kiến thức học được, nhiều học viên không chỉ tự khẳng định mình về khả năng văn nghệ mà còn trở thành những “hạt nhân”, những người nòng cốt trong hoạt động văn nghệ ở các phường, xã… góp phần tạo nên một phong trào hát dân ca ở địa phương như học viên Phạm Như Kim Yến nay là Chủ nhiệm CLB Thái Thịnh. Qua đây, Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền cũng phát hiện thêm nhân tố mới không chuyên như học viên Kim Yến, Ngọc Phượng sau thành người sáng tác và cộng tác thường xuyên cho Đài. 

Cũng không ít học viên sau trở thành sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô. Trường hợp em Nguyễn Anh Thúy (quê Đông Anh, Hà Nội) đến CLB lúc 7 tuổi, ông nội phải đưa đến học. Đường xa nhưng hai ông cháu kiên trì đến lớp, lúc đi xe bus, lúc thì ông đèo cháu bằng xe đạp bất kể đông hay hè. Thúy vừa học hát vừa học đàn những bài dân ca quan họ... Nay em đã là một sinh viên xuất sắc của lớp đàn tranh, khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Em đã nhiều lần được là thành viên trong đội biểu diễn đàn tranh phục vụ trong những dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp khách nước ngoài. Đặc biệt, trong năm 2018, Thúy đã giành giải Ba cuộc thi Ngôi sao dân ca và giải Nhất Thành phố Hà Nội trong cuộc thi Giai điệu tuổi hồng.

Do trong chương trình bắt buộc môn dân ca và chèo mà ở lớp ít có thời gian được rèn luyện nên các sinh viên chuyên ngành Sáo trúc, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội phải đến CLB học. Sau quá trình trưởng thành, họ đã là những người chuyên nghiệp trong đó có thể kể đến diễn viên Nguyễn Xuân Chung (Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương), cô giáo Nguyễn Thị Trang (giảng viên lớp Sáo trúc, khoa Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội). 

Thấm thoát đã 22 năm trôi qua, giữa lo toan, bộn bề của cuộc sống mưu sinh, CLB vẫn tồn tại, phát triển và là địa chỉ tin cậy để các học viên có thể đến gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kiến thức âm nhạc truyền thống. Để có được thành công ấy phải kể đến hai người thầy đã dày công vun vén, đó là nhạc sĩ, soạn giả Dân Huyền. Hi vọng CLB sẽ ngày càng phát triển và song hành cùng với thời đại. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • [Emagzine] Chiến dịch Hồ Chí Minh: Năm ngày làm nên “lịch sử”
    Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, là chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ diễn ra trong 5 ngày (từ 26/4 đến 30/4/1975) song chiến dịch đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.
  • Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024) từ ngày 3 đến 6-5 tại Rạp chiếu phim Điện ảnh QĐND (17 Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
  • “Người chép sử” trận thắng thế kỷ Điện Biên Phủ bằng ảnh
    Năm 1953, nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Triệu Đại được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điều động tham chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói:"Tôi đánh giá cao về anh Triệu Đại, những bức ảnh về Điện Biên Phủ của anh rất tốt. Triệu Đại ra mặt trận không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ, mà vũ khí là máy ảnh. Các bức ảnh là chiến công của Triệu Đại..."
  • "Lật mặt 7" của Lý Hải cán mốc 100 tỉ sau 3 ngày ra rạp
    Theo số liệu từ Box Office Vietnam (trang thống kê độc lập), Lật mặt 7: Một điều ước cán mốc 100 tỷ đồng vào sáng 29/4, trở thành phim Việt thứ hai vượt mốc 100 tỷ đồng trong năm nay, sau Mai của Trấn Thành.
Đừng bỏ lỡ
Hơn hai thập niên kiên trì dạy dân ca miễn phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO