“Hiến kế” để Hà Nội có thêm nhiều khoảng xanh
Theo chị Ngô Thị Phương Thảo (Thảo Kin), điều phối viên của các mạng lưới Sinh thái toàn cầu – khu vực châu Á Thái Bình Dương, thay vì chờ đợi Thành phố quy hoạch để có không gian cây xanh thì bản thân mỗi người dân nên bắt đầu từ những việc mà mình có thể làm được.
Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống vừa tổ chức cuộc tọa đàm “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường” tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên, Hà Nội). Tọa đàm thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia bởi sự góp mặt của các diễn giả: Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (tác giả của nhiều cuốn sách ăn khách như Thiện, Ác và Smartphone; Bức xúc không làm ta vô can, Điểm đến của cuộc đời; Đại dương đen…) và chị Ngô Thị Phương Thảo - điều phối viên của các mạng lưới Sinh thái toàn cầu – khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Hà Nội có thể hiện thực hóa mục tiêu tỷ lệ cây xanh/đầu người, nếu…
Buổi tọa đàm giúp công chúng và các diễn giả trao đổi, thảo luận về chủ đề vẻ đẹp của thiên nhiên từ các góc nhìn khác nhau, chia sẻ góc nhìn từ mỗi người. Đặc biệt hơn là cách thức đưa chúng ta gần với thiên nhiên, giảm đi các tác động tiêu cực tới thiên nhiên. Có thể từ ngay như điều đơn giản và thường ngày trong cuộc sống.
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm, anh Lê Quang Bình - điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, đơn vị tổ chức sự kiện này, cho biết, tổ chức này tham gia Lễ hội Sáng tạo Hà Nội 2023 với các hoạt động: triển lãm về các loài chim tại Thủ đô dành cho tất cả mọi người tại khu vực vườn hoa khu Nhà Bát giác (sau tượng đài Lý Thái Tổ, không gian phố đi bộ Hồ Gươm); chương trình về với bãi giữa sông Hồng và cuối cùng là buổi tọa đàm “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường” tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.
Anh Lê Quang Bình thông tin thêm, từ năm 2019, Thành phố Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo. Để trở thành một thành phố sáng tạo, theo anh Bình, Thủ đô Hà Nội đã có rất nhiều hoạt động sáng tạo. Minh chứng cụ thể là Hà Nội đã tạo ra không gian cho những nhóm cộng đồng sáng tạo, không gian tuyệt vời như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Đến với không gian này, mọi người có thời gian quan quan, trải nghiệm các hoạt động sáng tạo cộng đồng.
“Tất nhiên để trở thành một thành phố sáng tạo thì chúng ta cần phải có những con người làm trong mảng sáng tạo và các lĩnh vực khác. Để cho tầng lớp sáng tạo này định cư ở Hà Nội hoặc đến Hà Nội thì cần 3 yếu tố. Đầu tiên là một nền văn hóa tôn vinh sự khác biệt, đó phải là phải thành phố của nhạc rock, tôn trọng cộng đồng LGBT, của những người nhập cư, những người nước ngoài... Một nền văn hóa như vậy thì làm cho tầng lớp sáng tạo sẽ muốn ở nơi đấy. Thứ hai là một cuộc sống đô thị náo nhiệt, giàu có. Tôi nghĩ Hà Nội khá náo nhiệt và giàu có. Cái văn hóa ở vỉa hè là một trong những điều kiện tôi thấy rất đặc biệt của Hà Nội. Thứ ba, mọi người ít khi nhắc đến hơn đó là điều kiện về thiên nhiên”, anh Lê Quang Bình, chia sẻ.
Làm sao chúng ta có một thiên nhiên hài hòa, giàu có và chúng ta biết Hà Nội có tỷ lệ cây xanh trên đầu người thì hiện nay khoảng 29 m²/đầu người, trong khi theo chuẩn quốc tế phải là 9 m²/đầu người. Tuy nhiên, theo anh Lê Quang Bình, rất may trong chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội đặt mục tiêu nâng cái tỷ lệ cây xanh lên khoảng 10 -15 m²/đầu người. Cam kết này của Hà Nội có thể hiện thực hóa nếu chúng ta định nghĩa lại mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên. Nếu như chúng ta không coi thiên nhiên là gì, chúng ta có thể tàn phá hoặc thay thế nó.
Ngược lại, chúng ta có một mối quan hệ khác với thiên nhiên, tôn trọng nó hơn và coi thiên nhiên là một phần tất yếu của cuộc sống, của sinh cảnh thì chúng ta sẽ có những giải phải để nâng tỷ lệ cây xanh/đầu người lên. Điều này giúp Hà Nội có thêm những không gian xanh và những khoảng rừng.
Thay vì chờ đợi, mỗi người dân Hà Nội nên bắt đầu từ những việc mình có thể làm được
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho rằng, hiện chúng ta đang bị “ô nhiễm âm thanh”. Chúng ta đang đánh mất một “viên ngọc” đẹp đẽ ở xung quanh mình. Trong cuộc sống hiện đại ngày này, mọi người không còn cảm nhận được những âm thanh của thiên nhiên quanh mình, cũng như đánh mất thói quen cảm nhận âm thanh từ thiên nhiên.
“Tôi rất tâm đắc với người Nhật khi họ có dự án bảo tồn 100 âm cảnh của quê hương. Người Hà Nội cũng phải đặt ra câu hỏi có những âm cảnh nào phải gìn giữ. Tôi ước một điều là những nhà thành lập chính sách quan tâm đến yếu tố này”, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, chia sẻ. Cũng theo diễn giả này, chúng ta cần đến với những vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên thay vì đến với vẻ đẹp nhân tạo.
Chia sẻ tại Tọa đàm, chị Ngô Thị Phương Thảo - điều phối viên của các mạng lưới Sinh thái toàn cầu – khu vực châu Á Thái Bình Dương, cho biết, trong thành phố thì chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Trước hết phải là sự quan tâm, tha thiết muốn có sự tự nhiên trong mỗi người sẽ thúc đẩy hành động ở bên ngoài. Chẳng hạn các khu dân cư cần phải có vườn hoa với sự đa dạng. Hoặc những không gian còn sót lại của Hà Nội sẽ sử dụng vào việc gì.
Ví dụ Nhà máy xe lửa Gia Lâm có thể trở thành các đại đô thị hay không, những cây cổ thụ tại nơi này sẽ sống được bao lâu nếu không được chăm sóc, giữ gìn. Trong một đô thị đất chật người đông thì sự cạnh tranh về mặt không gian đến trực tiếp từ sự cạnh tranh giữa con người với thiên nhiên. Vậy làm sao để giảm được sự cạnh tranh này, chúng ta có thể nuôi dưỡng thiên nhiên để nó gần hơn với mình không. Để trả lời được câu hỏi này không phải dễ dàng. Do đó, việc đầu tiên, thay vì chờ đợi thành phố quy hoạch để có không gian cây xanh hơn thì bản thân mỗi người nên bắt đầu từ những việc mà mình có thể làm được./.