Hàng trăm người dâng hương tưởng nhớ vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ tại Huế
Chiều ngày 30/7, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế (01 Phan Bội Châu, TP Huế) phối hợp cùng gia đình tổ chức Lễ tưởng nhớ Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – Nhà Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Từ rất sớm, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế lãnh đạo tỉnh, các văn nghệ sĩ và công chúng yêu mến hai vợ chồng thi nhân đã đến thắp hương, gửi lại những lời chia sẻ với gia đình cũng như ôn lại những câu chuyện, những kỉ niệm về vợ chồng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Cụ thể, có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, người yêu văn thơ, người dân… và lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị… đến dâng hoa, thắp hương… tại Lễ tưởng nhớ Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – Nhà Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Đặc biệt, một số nhà văn, nhà thơ… và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Huế đã viết những dòng cảm tưởng về sự thương tiếc, ngưỡng mộ tài năng… của vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ.
Tại Lễ tưởng nhớ Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – Nhà Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam viết cảm tưởng “Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam xin cúi đầu tiễn đưa Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nhà Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ về chốn vĩnh hằng thanh thản. Chúng tôi, những nhà văn Việt Nam của thế hệ sau không bao giờ quên được tất cả những gì mà hai con người đức độ và tài năng đã sống, đã sáng tạo và dâng hiến cho con người, cho đất nước ngày hôm qua, hôm nay và mãi về sau. Xin cúi đầu biết ơn và tưởng nhớ”.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (SN 1937 tại tỉnh Thừa Thiên – Huế - quê gốc ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) qua đời lúc 2h30 ngày 24/7, hưởng thọ 87 tuổi. Ông tốt nghiệp ban Việt Hán (Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn) và tốt nghiệp Cử nhân triết học (Đại học Văn khoa Huế).
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tham gia sáng tác đa dạng với thơ, nhàn đàm, bút ký nhưng độc giả vẫn thường nhớ đến như một tác giả độc đáo của thế loại bút ký. Ông là tác giả của các tập bút ký nổi tiếng như Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu, Rất nhiều ánh lửa, Ngọn núi ảo ảnh, Rượu hồng đào chưa uống đã say, Miền cỏ thơm, Bản di chúc của cỏ lau, Huế di tích và con người, Lời tạ từ gửi từ một dòng sông… Trong đó, Ai đã đặt tên cho dòng sông được xem là tập bút ký nổi tiếng nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tháng 1/1981.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (SN 1949 quê huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) qua đời lúc 5h ngày 6/7, hưởng thọ 75 tuổi. Bà học Trường viết văn Nguyễn Du những năm 1978 đến 1983 và từng làm phóng viên, biên tập viên tạp chí Sông Hương, là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.
“Nhớ ngày kháng chiến, cùng ngồi trên núi Kim Phụng, nhìn về Huế, chúng ta nói với nhau, mong ngày đất nước thanh bình là về với Huế, hơn năm mươi năm - vì thế đi mãi, người Nam kẻ Bắc, bây giờ anh chị lại về, nghỉ lại trên những dãy đồi ngày xưa, ôm mãi giấc mơ thanh bình cho Huế, khi lòng mình còn xót xa…” - Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết cảm tưởng tại Lễ tưởng nhớ Hoàng Phủ Ngọc Tường – Nhà Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Một số hình ảnh tại Lễ tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, gia đình và ban tổ chức đón quý khách đến thắp hương tưởng nhớ từ 14h ngày 30/7 cho đến đêm 31/7. Đêm thơ tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sẽ được tổ chức từ 19h30 ngày 31/7 tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế.