Góp tiếng nói lưu giữ di sản kiến trúc cầu Long Biên
“Cầu Long Biên: Hình thành và Biến đổi” là một trong nhiều triển lãm của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Nhờ sự sáng tạo, triển lãm góp tiếng nói gìn giữ, lan tỏa hình ảnh và giá trị di sản kiến trúc cầu Long Biên - “tháp Eiffel nằm ngang” vắt qua sông Hồng hơn một thế kỷ qua.
1. Cầu Long Biên là “chứng nhân lịch sử” gắn bó với bao biến cố và nhiều sự kiện vẻ vang, đáng nhớ của người dân Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Nhắc đến Hà Nội không thể bỏ qua cầu Long Biên cùng những địa danh văn hóa - lịch sử mang tính biểu tượng của Thủ đô như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn Hà Nội,...
Lịch sử cho thấy, cầu Long Biên có cuộc sống gắn liền với đời sống không chỉ người Hà Nội mà còn có ý nghĩa với cả nước. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhận thấy vai trò quan trọng của cầu Long Biên, máy bay Mỹ đã ném bom phá huỷ cầu nhiều lần. Quân dân Hà Nội đã kiên cường và dũng cảm quyết đánh trả, bảo vệ cầu Long Biên. Hà Nội đã gian lao và vượt khó tu sửa ngày đêm cho cầu Long Biên vẫn hiên ngang hoạt động. Chính vì vậy, cầu Long biên trở thành biểu tượng của niềm tự hào và lòng quả cảm, là bảo tàng ký ức chiến tranh của người Hà Nội.
Đi qua thời gian, nhất là hai cuộc chiến tranh vệ quốc, cầu Long Biên mang trên mình những “vết thương”, từng một số lần cải tạo lớn và trùng tu, song đến nay, cây cầu huyền thoại này vẫn không tránh khỏi sự xuống cấp bởi tác động của tự nhiên, đời sống xã hội và cả chính con người. Từ đó, công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị cầu Long Biên là một vấn đề lớn mà Hà Nội cũng như các chuyên gia quan tâm, đã và đang tìm giải pháp tối ưu để vừa lưu giữ công trình kiến trúc độc đáo này, vừa tạo không gian văn hóa, du lịch, cảnh quan, đưa bãi giữa sông Hồng thành công viên trung tâm của Hà Nội.
Bảo vệ, gìn giữ cầu Long Biên, ngoài việc trùng tu, cải tạo có tính trực tiếp thì văn hóa - nghệ thuật cũng tham gia hoạt động này theo thế mạnh, đặc điểm riêng của từng thể loại. Nghệ thuật thứ bảy có nhiều tác phẩm đặc sắc giới thiệu về nét đẹp, giá trị lịch sử cầu Long Biên gây chú ý, như: Hà Nội có cầu Long Biên, Gầm cầu mặt nước, Cầu bắc ngang sông… hay gần đây nhất là bộ phim truyền hình Cuộc đời vẫn đẹp sao kể về thân phận của những người lao động ở khu chợ dưới chân cầu Long Biên, dù nhiều vất vả khó khăn nhưng trong đó vẫn là sự lạc quan, hướng thiện. Cầu Long Biên cũng đã được nhiều văn nghệ sĩ đưa vào tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh…, qua đó đánh thức giá trị di sản kiến trúc của đô thị mà nhiều người có thể bỏ quên.
2. Trong các chương trình văn hoá, nghệ thuật, để nhận diện về văn hoá, di sản hay lịch sử Thủ đô, cầu Long Biên vẫn luôn là một nhận diện đặc biệt và dễ thấy, qua đó cũng là cách để gìn giữ, bảo tồn di sản kiến trúc này.
Tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, nếu người dân đi qua cầu Long Biên sẽ bắt gặp triển lãm tư liệu “Cầu Long Biên: Hình thành và Biến đổi”. Đây là điểm dừng chân lý tưởng để mọi người có thể hiểu hơn và thể hiện tình yêu với cây cầu huyền thoại này.
Triển lãm “Cầu Long Biên: Hình thành & Biến đổi” do Chi hội Kiến trúc sư Đại học Xây Dựng và một số đơn vị phối hợp thực hiện, kéo dài đến hết năm 2023. Không gian triển lãm mang đến nhiều góc nhìn thú vị về cây cầu hơn 100 năm tuổi với công chúng, thông qua 6 không gian độc đáo, tái hiện sinh động “tháp Eiffel nằm ngang” của Hà Nội từ quá khứ, hiện tại đến tương lai.
Với 6 không gian, triển lãm giúp người xem khám phá lịch sử xây dựng – phát triển, tu sửa cầu Long Biên và cây cầu trong đời sống hiện đại. Nhịp sống đô thị: sinh hoạt người dân, chợ đầu mối tấp nập, khách du lịch được tái hiện sinh động với những hình thức mới mẻ. Đó còn là mối liên hệ khăng khít giữa cầu Long Biên và sông Hồng, bãi bồi ven sông trong việc hình thành nên nếp sống cư dân nơi đây.
Đặc sắc hơn, những vấn đề thời đại và ứng xử môi trường cũng được giới thiệu tại “Cầu Long Biên: Hình thành và Biến đổi”. Những tác động của con người đến môi trường, cảnh quan hai bên cầu đặt ra câu hỏi về tương lai của cầu Long Biên trong bối cảnh Hà Nội không ngừng chuyển mình trong tâm thế “Thành phố Sáng tạo”.
Không thể hiện một cách đơn điệu, đúng với tính chất “thiết kế sáng tạo”, triển lãm “Cầu Long Biên: Hình thành và Biến đổi” mang đến trải nghiệm đa giác quan cho người xem với tranh, ảnh, video, audio, các gian trưng bày. Những thiết kế mô hình 3D, sản phẩm tái chế, pano, bảng ghi cảm nhận… được sử dụng để truyền tải thông điệp và lắng nghe nhận định của công chúng về cây cầu nối liền đôi bờ sông Hồng hơn 100 năm qua. Đây là cách làm đầy tính sáng tạo, bởi rất có thể từ những chia sẻ, cảm nhận của người dân và du khách sẽ giúp các cấp ngành, chuyên gia có thêm giải pháp để thực hiện bảo tồn, trùng tu, cải tạo cầu Long Biên trong tương lai.
Cầu Long Biên trải qua thời gian in dấu trong tâm thức những người yêu Hà Nội, góp phần hình thành tính cách của đô thị Hà Nội. Giá trị lịch sử, văn hoá xưa và hiện tại, quá khứ hào hùng và bi tráng vẫn lắng đọng trong vẻ đẹp thẩm mỹ, dáng vẻ sừng sững và trong hồn cốt của cây cầu này. Trong quá khứ cũng như hiện tại, cầu Long Biên là một phần không thể thiếu để thúc đẩy đô thị Hà Nội phát triển. Và những triển lãm như “Cầu Long Biên: Hình thành và Biến đổi” rất cần thiết để góp phần giữ lại di sản nối đôi bờ sông Hồng cho thế hệ mai sau./.