Đưa Đại học Bách khoa Hà Nội vào nhóm đầu châu Á, góp sức phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và cả nước
Đây là một trong những mục tiêu được nhấn mạnh trong Quyết định “Phê duyệt Đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á” do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký, ban hành.
Quyết định nêu trên cũng đồng thời nhấn mạnh, huy động các nguồn lực để phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo để hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và mở rộng không gian phát triển.

Về mục tiêu, Đề án được Chính phủ phê duyệt xác định phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thành cơ sở giáo dục đại học hiện đại, thuộc nhóm hàng đầu châu Á trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ; là trung tâm xuất sắc về đào tạo, phát triền tài năng, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữ vai trò dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam ở các ngành phục vụ phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược (bao gồm các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, chuỗi khối, điện tử, bán dẫn, chip, công nghệ số, robot và tự động hóa, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến...); đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước.
Đến năm 2030, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 85%, trong đó 30% có chức danh giáo sư, phó giáo sư, 10% là giảng viên, nhà khoa học uy tín đến từ nước ngoài. Ít nhất 25% tổng số chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh; đào tạo ít nhất 8.000 kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ trong các ngành phục vụ phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược. Năm 2030, trung bình mỗi giảng viên có 1,6 công bố khoa học/năm trong danh mục Web of Science, SCOPUS; toàn Đại học Bách khoa Hà Nội có số lượng sở hữu trí tuệ được công nhận trung bình đạt từ 25 đến 30 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích/năm.
Đề án cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Đại học Bách khoa Hà Nội có từ 4 đến 6 nhóm ngành/ngành được xếp hạng trong tốp 300-500 khu vực, thể giới; có ít nhất 6 sản phẩm được thương mại hóa thành công từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Đại học Bách khoa Hà Nội là trung tâm mạng lưới đổi mới sáng tạo của Thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng, ươm tạo ít nhất 10 doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off), khởi nghiệp sáng tạo (start-up) gọi vốn thành công với tổng giá trị trên 10 triệu USD.
Định hướng đến năm 2035, Đại học Bách khoa Hà Nội là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo xuất sắc đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, được xếp hạng trong nhóm 100-150 khu vực châu Á theo các bảng xếp hạng quốc tế uy tín. Đến năm 2045 trở thành cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm 100 trường hàng đầu châu Á trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, có danh tiếng trong khu vực và thế giới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
5 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Quyết định “Phê duyệt Đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á” do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký, ban hành đã đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trọng tâm.
Thứ nhất, mở rộng không gian Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất ngang tầm khu vực thông qua việc đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở 2, mở rộng diện tích và không gian phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội tại tỉnh Hưng Yên.
Hiện đại hóa, nâng cấp cơ sở vật chất và các phòng thí nghiệm tại trụ sở chính của Đại học Bách khoa Hà Nội trong Thành phố Hà Nội phục vụ đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ trọng điểm, then chốt. Đầu tư xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội và phát triển thành Trung tâm đổi mới sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.
Thứ hai, hoàn thiện mô hình phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội theo hướng tự chủ, hiện đại, hội nhập quốc tế thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo thông qua đổi mới mô hình quản trị tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế; phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới. Xây dựng và phát triển mô hình đại học số chia sẻ, tập trung vào các nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ chiến lược. Triển khai các mô hình, giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, nâng cao năng lực nghiên cứu, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực công nghệ và công nghiệp chiến lược, công nghệ lõi, công nghệ số bằng cách phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên gắn kết với các nhóm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm nghiên cứu. Triển khai các giải pháp đột phá thu hút giảng viên giỏi, chuyên gia, nhà khoa học tài năng trong và ngoài nước làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Phát triển các viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, ưu tiên lĩnh vực công nghệ và công nghiệp chiến lược, công nghệ lõi, công nghệ số.
Thứ tư, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo như: phát triển các chương trình đào tạo tài năng và chuyên sâu ở trình độ đại học và sau đại học, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước trong các ngành công nghệ và công nghiệp chiến lược.
Phát triển các chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ (ưu tiên giảng dạy bằng tiếng Anh), tập trung vào các ngành công nghệ và công nghiệp chiến lược, thông qua hợp tác với các cơ sở giáo dục uy tín quốc tế và các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước. Đào tạo đội ngũ giảng viên cho các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam với trọng tâm là các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, công nghệ giáo dục và chuyển đổi số, dựa trên nhu cầu đặt hàng từ các tổ chức liên quan. Xây dựng và triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia công nghệ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đồng thời thúc đẩy học tập suốt đời cho người học.
Thứ năm, hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội, tích hợp chặt chẽ với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo môi trường nghiên cứu, sáng tạo và khởi nghiệp năng động. Trong đó, phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đại, gắn kết với mạng lưới đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong nước và quốc tế.
Nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ để hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp, thúc đẩy các dự án khởi nghiệp của giảng viên và sinh viên. Xây dựng và triển khai các mô hình, giải pháp đột phá nhằm huy động nguồn lực đầu tư, ươm tạo sản phẩm nghiên cứu, thương mại hóa tài sản trí tuệ, thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp công nghệ khởi nguồn./.
Tại Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, Chính phủ giao UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Đại học Bách khoa Hà Nội hoàn thành phê duyệt Quy hoạch 1/500 và phát triển hạ tầng khuôn viên trụ sở chính Đại học Bách khoa Hà Nội trên địa bàn quận Hai Bà Trưng theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó nghiên cứu cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.
Cùng đó, UBND Thành phố Hà Nội chủ trì rà soát, tổng hợp và ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ cho Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Thủ đô Hà Nội, các chương trình, dự án liên kết, phát triển Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng; tạo điều kiện hỗ trợ kết nối hoạt động của Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia, đóng góp vào mục tiêu chung cùng với các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thủ đô Hà Nội./.