Chính sách & Quản lý

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô

Đình Thế 20:09 26/11/2023

Việc sửa đổi Luật Thủ đô là cấp thiết, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vì vậy, việc hoàn thiện và thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô mà còn tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt cho cả vùng và đất nước.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để triển khai thi hành Luật.

vung-thu-do.jpg
10 tỉnh, thành phố thuộc liên kết Vùng Thủ đô.

Sau 10 hơn năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm…

Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị; khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết.

Theo đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra các quy định về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô vào Chương V (từ điều 46 đến điều 52). Quy định về vùng Thủ đô là bước kế thừa, phát triển các quy định về vùng Thủ đô theo Luật Thủ đô năm 2012 và các văn bản cụ thể hóa, thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Dự thảo Luật quy định một số nội dung nhằm cụ thể hoá chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực phát triển trọng điểm của đất nước.

Các quy định về Vùng Thủ đô trong dự thảo Luật mặc dù đã cơ bản thể hiện được tinh thần của các Nghị quyết Trung ương và kế thừa hợp lý các quy định hiện hành về Vùng Thủ đô. Tuy nhiên, vấn đề liên kết, phát triển vùng nói chung là nội dung khó, chưa được pháp lý hóa một cách chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Trong đó, việc điều phối hoạt động đầu tư phát triển của các vùng kinh tế - xã hội nói chung và Vùng Thủ đô nói riêng cần rõ ràng về cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính, cơ chế quản lý, điều hành, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng địa phương trong vùng.

Để xây dựng các quy định về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô một cách hiệu quả, khả thi, cần xem xét một số vấn đề như: cần làm rõ mối quan hệ giữa Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Trung du miền núi phía Bắc, cơ chế pháp lý liên quan đến hoạt động điều phối vùng của 3 vùng và các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đầu tư phát triển của Vùng Thủ đô và Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Tạo liên kết Vùng Thủ đô chặt chẽ

Hiện nay Vùng Thủ đô có 10 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình, trong đó có 6 tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng và 4 tỉnh thuộc Vùng Trung du miền núi phía Bắc (theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội).

Đồng thời, về quy hoạch, Vùng Thủ đô đang có quy hoạch xây dựng theo Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng không thuộc phạm vi xem xét, lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017 (Việc lập quy hoạch vùng được xác định theo 6 vùng Kinh tế - xã hội. Hiện nay, việc lập Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng đang được xem xét thực hiện).

Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, có thể nói liên kết Vùng Thủ đô là một nội dung không dễ để thực hiện và chưa được pháp lý hóa một cách rõ ràng, chặt chẽ và cụ thể, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã tính đến một cách căn cơ hơn. Tuy nhiên, việc điều phối hoạt động phát triển của vùng kinh tế - xã hội nói chung và Vùng Thủ đô nói riêng cần rõ ràng hơn về mặt cơ chế đầu tư, tài chính, quản lý điều hành, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng địa phương trong Vùng Thủ đô.

Còn theo ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, liên kết vùng phải tính toán đến vấn đề quy hoạch các vùng xung quanh, các tỉnh, thành phố giáp ranh với Thủ đô, tạo thành sự liên kết vùng gắn với đặc thù và năng lực phát triển kinh tế các khu vực liên vùng.

Thời gian vừa qua, Thủ đô Hà Nội đã đầu tư rất lớn cho khu vực Vùng Thủ đô Hà Nội, nổi bật là đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đi qua 3 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên. Việc phát triển đường Vành đai 4 không chỉ giải quyết vấn đề của riêng Hà Nội mà sẽ giải quyết vấn đề liên Vùng Thủ đô, kết nối các tỉnh trong vùng. Sắp tới đây, Hà Nội tiến hành quy hoạch đường vành đai 5 đi qua 7 tỉnh xung quanh khu vực Thủ đô Hà Nội, do đó cần hết sức cân nhắc để bổ sung cho phù hợp trong Dự thảo Luật.

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định đặc thù khác liên quan đến Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như: thẩm quyền về đầu tư các dự án có tính chất vùng, việc đầu tư sang địa bàn tỉnh khác của các địa phương, các ưu đãi đầu tư đối với dự án của Vùng, các cơ chế, quy định đặc thù về liên kết vùng trong các lĩnh vực: hạ tầng kỹ thuật, môi trường, giáo dục, lao động, quản lý dân cư, phân vùng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, logistic… cần được làm rõ nét hơn, cụ thể hơn, tạo cơ sở cho việc liên kết vùng một cách hiệu quả, thực chất.

Đặc biệt, cần xem xét quy định chi tiết cơ chế phối hợp để phát triển hạ tầng vùng về giao thông và bảo vệ môi trường. Trong đó, cần nghiên cứu phát triển các tuyến đường sắt đô thị kết nối các đô thị trung tâm Thủ đô với các đô thị của các tỉnh lân cận theo mô hình TOD và việc cải tạo, xử lý, làm sạch môi trường các con sông trong Vùng Thủ đô; việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại của các địa phương trong Vùng một cách hợp lý, hiệu quả./.

Bài liên quan
  • Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa Hà Nội thành trung tâm lớn giáo dục cả nước
    Các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những nội dung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được dư luận quan tâm. Bởi theo Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ đô Hà Nội được định hướng trở thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO