Dấu ấn văn hoá của thời dựng nước còn được lưu lại qua tục thờ Phúc thần Bạch Hạc Tam Giang - người có công trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ vương triều Hùng.
Đình Tây Tựu, một công trình kiến trúc tôn giáo cổ kính được xây dựng từ thời Lê, do bà Nguyễn Thị Tính, một người phụ nữ tài sắc của quê hương đã trở thành Đệ bát cung phi (vợ vua Lê Thế Tông), cho dân lấy gỗ, kén thợ giỏi làm ở Kinh đô về Tây Tựu xây dựng đình làng.
Bạch Hạc Tam Giang là một nhân vật được thờ làm Thành hoàng của nhiều làng quê truyền thống. Lai lịch và công tích của thần đã được sử sách xưa và nay ghi chép khá nhiều. Theo cuốn Bạch Hạc Tam Giang Thánh vương ngọc phả hiện còn, thì ông Đào Trường (tức Bạch Hạc Tam Giang) là con trai thứ ba của ngài thái phó Bộ trưởng đất Hoan Châu tên là Đào Bột. Tướng công Đào Trường có tài kinh bang võ nghệ cao cường, được tiến cử làm thổ lệnh trường, cai quản quận Sơn Nam.
Khi ấy giặc phương bắc đem quân xâm lược nước Văn Lang. Trước nạn ngoại xâm, Hùng Duệ Vương đã vời thổ lệnh Đào Trường về triều để bàn kế hoạch đánh giặc, thổ lệnh tâu rằng “nên đón đường thuỷ mà đánh”.
Nhà vua nghe theo và giao cho Đào Trường thống lĩnh thuỷ quân, chỉ một trận đã dẹp tan quân giặc.
Thắng trận, Đào Trường được triều đình phong làm Thổ lệnh Thống Quốc đại vương trấn giữ kinh thành Bạch Hạc chức Quốc trưởng lệnh đô - Lạc long hầu Đại tướng Quân. Sau đó thổ lệnh Đào Trường còn chỉ huy quân đội Văn Lang đánh tan cuộc xâm lược lần thứ hai của giặc phương bắc và dẹp yên ở Hồng Châu. Trên đường thắng giặc từ Hồng Châu trở về, Đào Trường đã giao quyền chỉ huy quân đội cho em là Thạch Khanh, và ông đã theo dòng sông nhỏ tới tôn thất trang rồi hoá tại đây.
Nghe tin ông mất, nhà vua vô cùng thương tiếc. Hùng Duệ Vương đã cho tổ chức tang lễ trọng thể, phong cho Đào Trường là Thượng đẳng phúc thần và cho phép 172 làng lập đền thờ Bạch Hạc Tam Giang.
Đình và miếu Tây Tựu có khởi nguồn xây dựng khá sớm và có liên quan mật thiết với nhau qua vị Thành hoàng làng.
Cuối thế kỷ XVI, vua Lê Thế Tông đã cho dựng lại ngôi đình bề thế khang trang. Những thế kỷ sau, khu di tích được trùng tu và sửa chữa nhiều lần.
Đình Tây Tựu được xây dựng trên khu đất rộng sát dòng sông Pheo. Đình có quy mô lớn với nhiều kiến trúc hợp thành. Phía trước là ao chạ hình vuông, rồi đến hai lầu Chính ngự, bốn nhà Phương đình vuông, và hai dãy tả hữu mạc dẫn vào khu đình, dọc hai bên tả hữu có thuỷ đình nhà hậu, văn chỉ, từ vũ và hai xưởng thuyền. Các kiến trúc này được định vị từ thời Lê Trung Hưng và có bóng dáng của kiến trúc cung đình.
Chính ngự ngoài là lớp nhà ngang 3 gian xây kiểu chồng diêm 8 mái với các góc đao cong ngược lên, mái lợp ngói ta. Trên kiến trúc có trang trí các hình rồng chầu mặt nguyệt, tượng nghe, hoa văn đồng tiền.
Sau Chính ngự ngoài, có con đường chạy theo trục thần đạo để dẫn vào nhà Chính ngự trong. Phần kiến trúc này được xây dựng thành Phương đình 2 tầng 8 mái, 4 mái trên hình tam giác, thu nhỏ ở phần nóc. Nóc mái đắp nổi cao hình trái dành, các đầu đao cong, trang trí hình hoa văn thực vật.
Hai bên nhà Chính ngự trong và ngoài có 4 ngôi nhà vuông nhỏ, kiểu hai tầng 8 mái với các góc đao cong ngược lên.
Khu kiến trúc chính của đình có quy mô hình chữ “đinh”, gồm Đại đình và Hậu cung. Toà Đại đình gồm 5 gian 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Toà Hậu cung xây dọc gồm 4 gian có kết cấu đơn giản.
Ngoài những phần kiến trúc chính được quy hoạch tập trung thì kiến trúc của đình Tây Tựu còn có Văn chỉ, nơi thờ các vị tiên hiền khoa bảng. Các kiến trúc này nằm sát nhau về bên phải sân đình.
Đối diện về bên trái, sát dòng sông Nhuệ có nhà Thuỷ toạ, trung tâm tổ chức của hội thi bơi Đăm. Nhà Thuỷ toạ 3 gian, ăn móng sâu xuống lòng sông.
Hệ thống những kiến trúc bộ phận của đình Tây Tựu đã cho thấy quy mô bề thế của khu kiến trúc và sự gắn bó mật thiết của nó với hội bơi Đăm truyền thống.
Tổng thể khu kiến trúc này đã tạo ra sự khác biệt độc đáo của ngôi đình cổ Tây Tựu.
Theo quan niệm truyền thống, miếu là nơi ngự thường xuyên của Thần hoàng làng, nên thường có quy mô kiến trúc nhỏ hơn. Miếu Tây Tựu xây dựng sát bờ sông và cách đình khoảng 1.000m. Vị trí này rất hợp với các đám rước trọng thể, đưa vị Thành hoàng từ miếu về đình và cuộc thi bơi thuyền trong những ngày hội hàng năm của địa phương.
Hàng năm, hội bơi Đăm diễn ra trong hai ngày 9 và 10 tháng ba âm lịch. Đây là lễ hội truyền thống - hội đua thuyền được tổ chức rất trọng thể, gắn liền với di tích đình, miếu Tây Tựu.
Đình, miếu Tây Tựu đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993.
Tam quan của đình được xây kiểu Nghi môn, dạng trụ biểu kết hợp với các mảng tường lửng hợp thành. Trên cột trụ có đắp nổi hình trái dành và tứ linh.
Hai dãy nhà Tả - Hữu vu nằm đối diện song song qua sân đình.
Tòa Hậu cung đình Tăng Non gồm 3 gian chạy dọc xây tường gạch bao quanh, đầu hồi bít đốc, có đao cong. Kết cấu kiến trúc được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng. Trang trí tập trung chủ yếu ở mặt bẩy hiên câu đầu với mảng hoa văn rồng, phượng, hoa dây mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX. Gian ngoài của Hậu cung là nơi tế lễ, gian giữa được xây bệ thờ cao để bày đồ khí tự, gian trong làm sàn gỗ cao tạo thành cung cấm. Trên sàn đặt bốn cỗ ngại bài vị của các vị thần được thờ.
Đình hiện còn lưu giữ một bộ kiệu mui luyện chạm rồng, một cửa võng điêu khắc nghệ thuật thế kỷ XIX, 7 đạo sắc phong thần và một cuốn thần phả ghi sự tích của Linh Lang đại vương và Lã Nam công chúa.
Đình Tăng Non đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01