Đề cương về văn hóa Việt Nam - 80 năm vẫn vẹn nguyên giá trị
Cách đây 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam - một văn kiện quan trọng của Đảng, do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943 đã ra đời. Đến nay Đề cương Văn hóa vẫn còn để lại nguyên giá trị, được toàn Đảng, toàn dân kế thừa, phát huy, tất cả vì mục tiêu xây dựng nền văn hóa của nhân dân và vì nhân dân.
Đề cương ra đời như ngọn đèn pha soi rọi cho nền văn hóa cách mạng phát triển trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. 80 năm đã trôi qua, Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời trong bối cảnh nhiều xu hướng khác nhau đang chi phối đời sống tinh thần của dân tộc. Học thuyết Đại Đông Á của Nhật Bản, những tư tưởng triết học của phương Tây… tràn vào đời sống xã hội, tạo ra nhiều ảo ảnh, khiến không ít trí thức Việt Nam lầm đường, lạc lối. Chán ghét tư tưởng cũ nhưng giới văn chương, nghệ thuật không biết đi theo hướng nào. Khủng hoảng tư tưởng, văn hóa kéo theo nhiều nguy cơ, tác động đến sự tồn vong của dân tộc.
Ý nghĩa quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo trước hết là tìm đường, nhận đường, nói cách khác là sự khai phóng về tư tưởng văn hóa. Đề cương về văn hóa Việt Nam từ góc nhìn biện chứng cùng đường hướng trở về với dân tộc, nhân dân trong sự cố kết của cộng đồng đã mang đến luồng gió mới cho người làm văn hóa Việt Nam. Tư tưởng cứu quốc khơi dậy khát vọng độc lập trong mỗi con Lạc, cháu Hồng, trở thành mệnh lệnh của thời đại. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, tạo nên thế giới quan, nhân sinh quan mới, hướng nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ đến với cách mạng và trở thành những người tiên phong xây dựng nền văn hóa mới. Và cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng ấy là sứ mệnh của toàn dân tộc, của mỗi người Việt Nam.
Có thể nói, tư tưởng cứu quốc và tinh thần phục hưng văn hóa dân tộc thể hiện trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, cho thấy tầm nhìn của Đảng ta không chỉ với cuộc cách mạng xã hội trong bối cảnh nửa phong kiến, nửa thuộc địa mà còn tạo nền tảng, giá trị tinh thần cho xã hội tương lai.
Bên cạnh đó là sự xác định vai trò của nền văn hóa mới mà Đảng đã chủ trương xây dựng, dựa trên 3 nguyên tắc mà Đề cương đã đặt ra là dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa.
Trong 3 nguyên tắc nêu trên, yếu tố dân tộc luôn được đưa lên hàng đầu bởi với một dân tộc giàu truyền thống văn hóa như Việt Nam thì tính dân tộc phải được đề cao trên hết. Với xã hội hiện nay, giữ gìn bản sắc dân tộc chính là xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đó cũng là một cách nói như Đề cương đưa ra là tính dân tộc hay dân tộc hóa.
Đối với khoa học, Đề cương cũng chỉ rất rõ ràng vì một nền văn hóa mới nhất định phải là một nền văn hóa có yếu tố khoa học. Đó chính là một nền văn hóa tiên tiến, dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Marx-Lenin, phép duy vật biện chứng với nhận thức đúng đắn về con người, tự nhiên và xã hội.
Về tính đại chúng, chúng ta bây giờ có thể gọi bằng những từ khác, nhưng về nguyên tắc thì sự nghiệp văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Làm văn hóa chính là để phục vụ toàn dân chứ không phải văn hóa của chúng ta phục vụ cho một số người, một cá nhân hay một nhóm người nào đó. Văn hóa là phục vụ toàn dân, phục vụ cho quảng đại quần chúng nhân dân.
Bản Đề cương đã nêu rõ tính chất của nền văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ. Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống đẹp, nền văn hóa dân tộc đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách nô dịch văn hóa của thực dân Pháp, phát xít Nhật và cả từ những hạn chế bên trong của nó trong quá trình phát triển. Quán triệt ba nguyên tắc "dân tộc hóa", "đại chúng hóa", "khoa học hóa" này cũng chính là xây dựng một nền văn hóa độc lập, tự cường, lấy bản sắc văn hóa dân tộc làm nguồn lực nội sinh để phát triển, kiên quyết chống lại những gì phản dân tộc, phản nhân văn, phản giá trị, phản khoa học, phản tiến bộ.
Ba nguyên tắc này đã làm nổi bật những đặc điểm của cách mạng văn hóa, của mặt trận văn hóa, đó là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa cái thiện và cái ác, xây dựng một nền văn hóa mới lấy hạnh phúc của đồng bào, hạnh phúc của dân tộc làm cơ sở như lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946.
Trải qua chặng đường 80 năm, nhìn lại những giai đoạn phát triển, đổi thay, càng nhận thấy tính cách mạng, sự minh triết của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 từ cách tiếp cận vấn đề, tính thực tiễn và khoa học của những luận điểm mang tính nguyên tắc. Đó cũng chính là tính cách mạng, thái độ nhất quán và những nguyên tắc của Đảng về một nền văn hóa mới. Mặc dù thực tế đã thay đổi và nội dung, tính chất, nhiệm vụ, phương thức tổ chức, xây dựng một nền văn hóa mới của văn hóa Việt Nam thời hội nhập đã khác nhưng những định hướng cơ bản về tư tưởng, nội dung và những nguyên tắc của nền văn hóa mới vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đó là sự thể hiện rõ nét tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, để văn hóa tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi” trong công cuộc xây dựng và phát triển một nước Việt Nam “hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”; “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”; “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”… Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định những quan điểm, chủ trương rất mới, sâu sắc và toàn diện, đột phá về phát triển văn hóa, con người. Đây là đường hướng quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lập nên những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.