Văn hóa – Di sản

Đào Quang Nhiêu – tướng quân trung nghĩa

Nguyễn Đào Nguyên 07/11/2023 17:32

Đào Quang Nhiêu (1601-1672) là một danh tướng thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Ông người làng Tuyền Cam, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Cuộc đời của ông trải qua ba đời chúa: Trịnh Tùng (1570-1623), Trịnh Tráng (1623-1657) - Trịnh Tạc (1657-1682) và 4 đời vua: Lê Kính Tông (1600-1619), Lê Thần Tông (1619-1643), Lê Chân Tông (1643-1649) và Lê Huyền Tông (1663-1671).

trinh-nguyen.jpg
Trịnh – Nguyễn phân tranh. Ảnh: kienthuc.net.vn.

Thực ra Đào Quang Nhiêu không phải gốc họ Đào mà thuộc dòng dõi họ Nguyễn Gia. Theo một số tài liệu, đặc biệt là gia phả họ Nguyễn Đào do Đào Công Chất viết vào năm Canh Ngọ (1750) thì ông nội ông là Nguyễn tướng công, tên húy là Phúc An, giữ chức Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng thời Lê. Bố đẻ Đào Quang Nhiêu chính là con trai cả Nguyễn Lang, tên tự Chính Tâm, đương thời giữ chức Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thị vệ sự tại Vệ Cấm y, sau được phong thêm Tả đô đốc cánh quân phương Nam, tước Dũng Quận công. Bố Đào Quang Nhiêu mất sớm (lúc 30 tuổi), khi ông mới ba tháng tuổi. Ông được người cậu mang vào triều nuôi dạy nên nhớ ơn đổi họ thật của mình (Nguyễn Gia) sang họ mẹ là họ Đào.

Đào Quang Nhiêu chín tuổi đã được cậu (Tổng Thái giám Yến Quận công Đào Quang Hoa) cho vào vương phủ. Do tính khí hiên ngang, sớm có phẩm chất võ tướng nên 13 tuổi ông đã được vua phong là Chánh đội trưởng Tả đội có nhiệm vụ trông coi, kiểm tra trướng. Năm sau ông được giữ chức Quản binh, sắc phong Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân.

Dựa vào các tài liệu lịch sử, có thể xác định Đào Quang Nhiêu là một trong các tướng lĩnh tham chiến chính trong suốt 45 năm nội chiến Đàng Trong - Đàng Ngoài (1627-1672). Sự nghiệp quân sự của ông dành phần lớn thời gian với 18 năm làm Trấn thủ phụ trách vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình - nơi thường xuyên có các cuộc đụng độ, giành giật với quân chúa Nguyễn. Sách Lịch triều hiến chương loại chí chép về ông như sau: “Năm Thịnh Đức thứ 3 (1665), ông làm Đốc suất Nghệ An, cầm binh vào phương Nam. Bấy giờ triều đình Đàng Trong thế mạnh, tướng họ là Chiêu Vũ hầu [Nguyễn Hữu Dật] đánh úp phá dinh trấn Kỳ Hoa, tướng giữ trấn ấy là Vũ Văn Thiêm thua chạy; Khê Quận công Trịnh Trượng lại thua ở Lạc Xuyên. Vì thua mãi, Nghị vương mới sai Ninh Quận công Trịnh Toàn lĩnh chức trấn, mà sai ông làm đốc suất, chia binh ba đường đi vào đánh phương Nam. Đến Kỳ Hoa, quân Nam tự lui, ông dẫn quân về. Mùa hạ năm thứ tư, thuyền quân Đàng Trong kéo vào cửa Nam Giới đánh úp, các tướng thủy quân đều bỏ thuyền chạy. Tướng Đàng Trong là bọn Phù Dương đem bộ binh kéo đến Thạch Hà, vây quân ông. Trịnh Toàn liền thúc các tướng đến cứu. Ông mở lũy ra đánh, huy động quân trong đồn gắng sức giáp công. Quân Nam thua to phải chạy, ông đuổi đến làng Đại Nại chém giết rất nhiều, thu được voi ngựa vô số. Tướng Đàng Trong đều lui hết”...

Ở lần đụng độ khác ông cũng góp công lớn. Sách Lịch triều hiến chương loại chí chép: “Năm đầu Vĩnh Thọ (1658), quân Nam sang xâm phạm Nam Đường (Nghệ An), ông chống cự đuổi được. Mùa đông năm ấy chúa lại sai bọn Lê Thì Hiến chia đường tiến đánh, gặp quân Nam ở làng Tuần Lễ, huyện Hương Sơn, phá tan được. Năm sau, bàn đến công lao, ông được lên Phó tướng, Thiếu úy, mở quân dinh Tả khuông, ở lại trấn thủ Nghệ An, lĩnh các tướng đến đóng đồn ở Hà Trung”...

Không chỉ là một võ tướng giỏi, ông còn là một trung thần. Các chúa Trịnh đã nhiều lần rước vua Lê về Thanh Hóa khi có loạn ở Thăng Long, thậm chí có lần lui vào tận Nghệ An, Quảng Bình. Những lúc ấy, chính tướng quân Đào Quang Nhiều là người chỉ huy đoàn quân hộ giá nhà vua cả lúc đi cũng như lúc trở về.

Gia phả họ Nguyễn Gia cùng một số tư liệu lịch sử khác đã chép sự kiện Đào Quang Nhiều tham gia vào một trận đánh nổi tiếng ngay ở thành Thăng Long vào năm 1645. Đó là trận dẹp yên âm mưu đảo chính của hai

Vương tử là Phù Quận công Trịnh Lịch và Hoa Quận công Trịnh Sâm. Theo tư liệu của Nguyễn Gia Bào trong bài Tướng công Nguyễn Gia Đào Quang Nhiêu (2010) thì trận đánh đó diễn ra như sau:

“Đào tướng công bài binh bố trận bên phía phủ chúa tại Cửa Nam. Đám loạn quân rất hung hăng, giương oai diễu võ tại phố Đình Ngang bấy giờ. Binh mã kéo đến ầm ầm trà trộn vào dân chúng, ẩn hiện khắp các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, lớp lớp động như kiến. Đào tướng công bình tĩnh chỉ huy hai tướng tiên phong (...) mang quân khiêu chiến.

Đánh nhau tới giờ Mùi (2 giờ chiều) mà vẫn không phân thắng bại. Vốn là nhà mưu lược thiên tài, Đào tướng quân huy động toàn bộ số cấm quân và người hầu trong Vương phủ rồi bí mật chia làm hai cánh quân trái phải. Một cánh vòng từ Ô Ông Mạc (tức Ô Đống Mác) qua Cầu Dền. Một cánh vòng qua cầu Muống tới đàn Nam Giao (phố Kim Liên bây giờ).

Cả hai cánh bất ngờ đánh tập hậu. Khi đó có trống lệnh phát hiệu, đích thân Đào tướng quân chỉ huy đại binh đánh vỗ mặt. Quân phản loạn hồn kinh phách lạc, bỏ lại không biết bao nhiêu voi ngựa, vũ khí khắp khu vực hồ Gươm, Tràng Thi, Tràng Tiền bây giờ. Trịnh Lịch bị bắt sống, nom thấy Đào tướng quân đã không dám ngẩng mặt lên”...

Sự kiện trên cũng từng được Phan Huy Chú chép lại trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Đầu triều Phúc Thái đời Lê Chân Tông, Phù quận công là Trịnh Lịch tụ đảng ở kinh sư mưu làm loạn. Nghi Vương Trịnh Tráng sai ông cất binh đi đánh. Ông đánh nhau ở chợ Hàng Dê, chém bọn giặc hơn hai mươi người, bắt sống Lịch giết đi; có công được thăng Đô đốc đồng tri, phong Dương quận công”...

Chiến công của Đào Quang Nhiêu đã được một số bộ sử như Đại Việt sử kí toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều tạp ki, Lịch triều hiến chương loại chí chép lại khá chi tiết. Do có nhiều công lao, từ nhiều đời nay ở vùng Nghệ An - Hà Tĩnh vẫn còn thờ ông làm thành hoàng làng. Là một võ tướng nhưng Đào Quang Nhiều chủ trương tìm cách tập hợp dân chúng làm kế sâu rễ bền gốc, khi đánh giặc phải biết dùng mưu mẹo. Theo sách Tướng công Nguyễn Gia – Đào Quang Nhiêu (2010), chất nhân văn trong con người Đào Quang Nhiều thể hiện rất rõ trong lời tâm sự: “Ta chém giết không nhiều, phần lớn bắt được rồi thả. Với chính sách tù binh, ta cho họ ăn uống, cho quần áo mặc rồi trả về cho vợ con. Thả họ về thì họ giúp lại ta”... Trong lời di huấn, ông căn dặn con cháu: “Bình sinh ta mở chợ, đúc cầu, lấy nhân nghĩa để vì dân, thờ nước, không cậy quyền cậy thế, việc thiện thì làm, việc ác thì tránh. Có lộc đừng hưởng hết, có uy đừng cậy hết”...

Đào Quang Nhiêu mất năm Nhâm Tí (1672) khi đang giữ chức Trấn thủ xứ kiêm trấn châu , thống suất quan Tả khuông quân dinh Phó tướng thiếu úy Đương Quận công. Ông mất được vua ban thái tể, cho thụy là Thuần Cẩn, bao phong làm phúc thần, lập đền thờ ở quê nhà. Sử gia Phan Huy Chú đánh giá về sự nghiệp của ông một cách ưu ái: “Ông là dòng dõi công thần; coi việc binh được chúa quyến luyến coi trọng đã lâu; dẹp yên trong ngoài, có nhiều công lao. Ông ở trấn 18 năm, chính lệnh nghiêm minh, giặc cướp vắng lặng, biên thùy yên ổn. Ông là bậc danh tướng sau đời Lê trung hưng” (Lịch triều hiến chương loại chí).../.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Tô Hiến Thành – nhà chính trị tài năng
    Chính sử chép rằng Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng giêng và mất năm Kỷ Hợi 1179, đời vua Lý Cao Tông, nhưng không ghi rõ năm sinh. Lịch sử có điều khiếm khuyết như vậy (Tháng 7 năm 1997 tại cuộc hội thảo lớn về thân thế, sự nghiệp của Tô Hiến Thành, có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện các nơi thờ cúng cụ Tô, đại diện các chi hệ dòng họ cụ Tô tham dự. Hội nghị đã tham khảo nhiều bản thần tích, tộc phả và đã tìm ra ngày tháng năm sinh Tô Hiến Thành là ngày 22 tháng giêng năm Nhâm Ngọ 1102, triều Lý Thần Tông)...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • [Podcast] Dẻo thơm hương vị bánh gai làng Giá
    Nhắc tới bánh gai có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tới bánh gai Ninh Giang (Hải Dương), bánh gai bà Thi (Nam Định) hay bánh gai tứ Trụ (Thanh Hóa), nhưng nếu một lần được thưởng thức bánh gai làng Giá - Xứ Đoài của Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức bạn sẽ nhớ mãi. Theo quan niệm của người dân làng Giá (xã Yên Sở, H. Hoài Đức), bánh gai là thể hiện cho con người giao hòa với trời đất, âm dương, vì thế, công đoạn làm bánh phải thật công phu.
  • Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
    Nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có của Hà Nội để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp (nông nghiệp tuần hoàn); Thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Đừng bỏ lỡ
Đào Quang Nhiêu – tướng quân trung nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO